09:36  | 

Chính phủ chưa trình Quốc hội đề án thu phí giao thông

Tại cuộc họp báo công bố chương trình kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa 13 chiều 17/5, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, hiện Chính phủ chưa trình Quốc hội đề án thu phí giao thông…

Thông qua 13 dự án luật

Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc vào ngày 21/5/2012 tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội và dự kiến sẽ diễn ra trong 1 tháng (bế mạc vào ngày 21/6/2012).

Trong khoảng 25 ngày làm việc, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 7 Nghị quyết của Quốc hội và cho ý kiến về 6 dự án luật.

Các luật sẽ thông qua gồm Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Giá; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Giám định tư pháp; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật xử lý vi phạm hành chính; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Biển Việt Nam:

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ thông qua 7 Nghị quyết, bao gồm: Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 1010; Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết về đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; Nghị quyết về việc bổ sung 4 dự án vào Danh mục các dự án, công trình được phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015, 5 dự án thành phần thuộc tuyến đường ven biển Ninh Thuận và 4 tiểu dự án do Bộ Giao thông - Vận tải quản lý; Nghị quyết về các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân n ăm 2012; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn (nếu có).

Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến đối với 6 dự án luật, đó là Luật xuất bản (sửa đổi); Luật dự trữ quốc gia; Luật hợp tác xã (sửa đổi); Luật quản lý thuế (sửa đổi); Luật điện lực (sửa đổi); Luật luật sư (sửa đổi).

Một số vấn đề quan trọng khác sẽ được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến trong kỳ họp này là:

Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2011; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2012;

Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thảm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội về việc bổ sung 4 dự án vào danh mục các dự án, công trình được phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2012, 5 dự án thành phần thuộc tuyến đường ven biển Ninh Thuận và 4 tiểu dự án do Bộ Giao thông –vận tải quản lý; Báo cáo của MTTQ Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII.

Báo cáo của UBTVQH giá sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Tờ trình của Chính phủ và báo cáo ý kiến của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.

Truyền hình trực tiếp 15 phiên họp

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, so với kỳ họp trước, số lượng các phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp tăng lên đáng kể với việc dành khoảng 9 ngày truyền hình, phát thanh trực tiếp (15 phiên) trên kênh VTV1 và kênh VOV1.

Những nội dung được truyền hình trực tiếp bao gồm phiên khai mạc và bế mạc, một số phiên báo cáo của Chính phủ, phiên thảo luận về Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, các phiên báo cáo giám sát, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội…

Đặc biệt, Quốc hội sẽ truyền hình trực tiếp các phiên thảo luận ở hội trường về 2 dự án luật có phạm vi tác động ảnh hưởng đến đông đảo tầng lớp nhân dân, đó là Bộ luật lao động (sửa đổi) và Luật xử lý vi phạm hành chính.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc Quốc hội có xem xét, cho ý kiến về vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian qua - đề án thu phí giao thông mà Bộ GTVT xây dựng - hay không, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, Chính phủ chưa trình đề án này ra Quốc hội.

Ông Phúc cũng cho biết, hiện Quốc hội cũng chưa có chương trình cụ thể về việc sẽ chất vấn Bộ trưởng nào trong kỳ họp này. Theo ông Phúc, tại kỳ họp, sau khi xin ý kiến các đại biểu về những vấn đề mà đại biểu và dư luận quan tâm, thư ký kỳ họp sẽ tổng hợp những vấn đề cần giải trình, sau đó báo cáo lên Quốc hội để Quốc hội quyết định.

 Theo Vnmedia

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm