16:30  | 

Đại gia Trung Quốc 'chơi bẩn' với siêu xe

Dù sở hữu tài sản kếch xù cùng với những chiếc xe trị giá hàng triệu USD nhưng nhiều đại gia Trung Quốc vẫn chưa biết hành xử sao cho “đẹp” với siêu xế của mình.

Bê bối quanh siêu xế

Gần đây dư luận thế giới liên tục chứng kiến những cảnh tượng không hề đẹp mắt của một số đại gia Trung Quốc cùng với chiếc “xế hộp” của mình. Tờ Global Times của Trung Quốc đưa tin, cảnh sát Bắc Kinh vừa bắt giữ cậu ấm Lý Thiên Nhất, 15 tuổi, con trai tướng Lý Song Giang, một ca sĩ nổi tiếng trong quân đội nhân dân Trung Quốc, chủ nhiệm khoa âm nhạc Viện Nghệ thuật Bắc Kinh.

Các nhân chứng cho biết hôm 6/9, Lý Thiên Nhất lái chiếc xe sang BMW hai cửa, không biển số cùng một cậu bạn lái xe Audi vi vu trên đường phố Bắc Kinh thì va quẹt một cặp vợ chồng lái chiếc Buick “quèn” . Cả hai nhảy ra khỏi xe đánh đập dã man hai nạn nhân.

Hung hăng không kém cậu ấm này, một ông chủ tại Trung Quốc đã phá tan nguyên một siêu xe mới toanh hiệu Lamborghini chỉ vì tức giận với dịch vụ chăm sóc khách hàng không đạt yêu cầu của hãng xe.

Đại gia Trung Quốc thuê người đập phá không thương tiếc siêu xe

Rắc rối đầu tiên là chiếc Lamborghini Gallardo không chịu khởi động, vậy là người đàn ông này cho kéo xe tới đại lý ở địa phương. Sau đó khi đến nơi, vị đại gia nhận ra rằng “chiến mã” của mình đã bị hư hỏng trên đường vận chuyển. Không ai chịu nhận trách nhiệm và ngay cả lỗi không khởi động cũng chưa được sửa chữa.

Vậy là chủ nhân của Gallardo tìm cách liên lạc với Stephan Winkelmann, Giám đốc điều hành của Lamborghini. Không có hồi âm hay giải pháp nào được đưa ra. “Kẻ bị hại” đi đến quyết định cuối cùng: phá nát siêu xe Lamborghini ở nơi công cộng là cách hay nhất để thu hút sự chú ý.

Ngay sau đó, một đội công nhân được thuê tới hiện trường, trên tay cầm búa rìu hay tất cả những gì có thể đập, miễn sao cho chiếc Lamborghini trị giá gần 16 tỷ "tan tành mây khói".

Tại Mỹ, một siêu xe Lamborghini Gallardo mới có giá bán khoảng 230.000 USD. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, đại gia phải bỏ ra từ 529.000 USD đến 757.000 USD mới sở hữu được một chiếc.

Không chỉ đập một lần mà chủ nhân của chiếc Gallardo còn tổ chức "tour đập xe" quy mô khắp thành phố nhằm “bêu riếu” thái độ phục vụ của hãng xe. Tuy vậy, chính cách hành xử của đại gia này dường như cũng “có vấn đề” không kém các nhân viên của hãng.

Chịu chung “số phận hẩm hiu” với chiếc Lamborghini Gallardo, “xế hộp” Mercedes-Benz mới đây cũng bị tỷ phú Trung Quốc Chen Guangbiao đập tan.

Mục đích của hành động đập phá này được ông Chen lý giải có vẻ rất hợp lý, đó là hưởng ứng tinh thần Ngày không sử dụng xe hơi của thế giới và quyết định ngừng sử dụng ô tô để đi lại nhưng hành động này của ông có vẻ như quá mạnh tay.

Tuy nhiên, gây phẫn nộ và thương xót hơn cả là vụ việc xảy ra hôm 12/5 vừa qua, khi chiếc siêu xe Ferrari màu đỏ do một thanh niên Trung Quốc điều khiển chạy với tốc độ cao, vượt đèn đỏ tại một giao lộ ở Singapore đâm vào một chiếc taxi. Bị đâm mạnh, chiếc xe taxi văng vào một người đang điều khiển xe mô tô trên đường.

Ngoài chủ chiếc xe Ferrari 599 GTO là Ma Chi, một doanh nhân 31 tuổi người Trung Quốc tử vong tại chỗ, tài xế taxi 51 tuổi người Singapore và một khách du lịch nữ 20 tuổi người Nhật cũng chết sau khi được đưa tới bệnh viện.

Tờ United Evening News của Singapore đưa tin, khi vụ tai nạn kinh hoàng trên xảy ra, chiếc xe Ferrari còn chở một cô gái trẻ. Cô gái này và người điều khiển xe mô tô đều bị thương nặng.

Vợ của Ma Chi là cô He Tingting đang mang thai rất sốc sau khi xác nhận tài xế gây tại nạn đã chết là chồng mình. Cô He tiết lộ chồng cô rời nhà lúc 3h sáng hôm đó vì muốn “lái xe đi dạo”. Cô He cũng không biết khách nữ ngồi trên xe chồng mình là ai, thậm chí còn hỏi các phóng viên: “Cô ấy là ai?”.

Tờ Straits Times cho biết, chiếc xe Ferrari do Ma Chi điều khiển trị giá hơn 1,4 triệu USD. Vụ tai nạn kinh hoàng này gây chấn động dư luận ở đảo quốc Sư tử, làm dấy lên làn sóng bài trừ người Trung Quốc ở Singapore.

Phải mất thêm một thế hệ

Sau những vụ việc đáng tiếc kể trên, dư luận Trung Quốc dấy lên mạnh mẽ nhằm chê trách hành động của những người giàu có nước này. Wang Deyi, một luật sư tại Bắc Kinh cho rằng, hành vi đập nát chiếc Lamborghini Gallardo của đại gia Chen không tiết kiệm năng lượng như ông tuyên bố mà còn tạo ra những rác thải không cần thiết.

"Ông ấy có thể tặng chiếc xe để làm từ thiện vì lợi ích của người nghèo, thay vì tạo thêm rác thải công nghiệp. Hành vi của ông ta có thể bị coi là bất hợp pháp. Theo luật hình sự, một người cố ý phá huỷ hoặc thiệt hại tài sản công cộng hay tư nhân sẽ bị phạt và bị kết án ba năm tù. Nếu số tiền thiệt hại lớn, ông ta có thể bị kết án 7 năm tù", luật sư Wang nhấn mạnh.

Ngoài ra, một số người còn chỉ trích hành động đạp nát xe hơi của Chen như thể một màn biểu diễn để “khoe khoang” sự giàu có của mình. Một nhà xã hội học cho biết, hành động của doanh nhân Chen giống như một chương trình tự quảng bá cho bản thân.

"Ông Chen hành động như giới nghệ sĩ nhằm thu hút sự chú ý của công chúng", Gu Jun, một giáo sư xã hội học tại ĐH Thượng Hải nhận xét.

Còn liên quan đến vụ tai nạn với chiếc Ferrari tại Singapore, một người đàn ông trên phố bình luận: "Rõ ràng chiếc xe mà tài xế đó lái không hề phản ánh đúng trình độ giáo dục của anh ta. Thậm chí học sinh tiểu học cũng hiểu rằng bạn không được phép vượt đèn đỏ".

Theo người dân, chiếc xe Ferrrari xa xỉ không phản ánh đúng trình độ giáo dục của tài xế Trung Quốc.

Với suy nghĩ tương tự, một người đàn ông khác nói: "Người giàu ở Trung Quốc giờ rất nhiều, họ đi khắp nơi và rải đầy tiền".

Nền kinh tế Trung Quốc bùng nổ trong 30 năm qua đã tạo ra một tầng lớp nhà giàu mới với số tài sản từ hàng chục đến hàng tỷ USD. Những đứa con của họ và của các quan chức chính quyền sinh sau thập niên 1980 được người Trung Quốc gọi là “phú nhị đại”, nghĩa là thế hệ thứ 2 giàu có. Những thanh niên “phú nhị đại” này bị chỉ trích là lười biếng, trác táng và ngạo mạn.

Nhiều người dân cũng như giới chuyên gia đều đồng tình rằng, thái độ cũng như cách thức xử sự thiếu trách nhiệm này của một số “phú nhị đại” này có thể sẽ mất nhiều thời gian để thay đổi.

"Trung Quốc giàu lên quá nhanh. Tuy nhiên, các vấn đề khác như cách ứng xử, sự tinh tế cần phải có thời gian. Đó là vấn đề chung của người Trung Quốc, thiếu ý thức công cộng", nhà văn Zhang Lijia bình luận.

Nhà văn này còn khẳng định, sẽ phải mất thêm một thế hệ nữa trước khi ứng xử của công dân tầng lớp giàu mới nổi theo kịp với tài sản cũng như thu nhập của họ.

Dù dư luận Trung Quốc phản ứng kịch liệt với những trò lố ngông cuồng của đám “phú nhị đại”, không ít người vẫn mơ ước được giàu có giống như họ. Một khảo sát của Liên hiệp Phụ nữ ở Quảng Châu cho thấy, gần 60% thiếu nữ đến tuổi lập gia đình ở thành phố này muốn được lấy chồng là thiếu gia “phú nhị đại”.

Theo Baodatviet

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm