Chủ Nhật, 19/01/2025 | 02:28
08:43 |
Thủ phạm gây cháy xe ôtô là… chuột
56 vụ cháy ôtô, 59 vụ cháy xe máy trong 4 tháng đầu năm 2012. Đó là con số khiến nhiều người giật mình. Và càng bất ngờ hơn, khi nguyên nhân được những người thợ sửa xe xác định chủ yếu là chập điện do chuột cắn dây và tuy-ô xăng.
>> Bạn có thể bình luận về bài viết này trên http://www.facebook.com/Autodaily
Kết quả điều tra cháy xe của Bộ Công an
Cuối tháng 4 vừa qua, liên Bộ Công an, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Công Thương đã công bố kết quả thực hiện trong việc triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống cháy nổ xe cơ giới.
Kết quả điều tra của Bộ Công an đối với 209 trong số 324 vụ cháy nổ ôtô, xe máy (276 vụ cháy ôtô, 48 vụ cháy xe máy) trong hai năm 2010 và 2011 trên toàn quốc, cho thấy có 5 nguyên nhân: Chập điện, sự cố kỹ thuật, sơ suất, tai nạn giao thông và do đốt.
Đặc biệt, nguyên nhân chập điện chiếm phần lớn với tỷ lệ lên đến 30,25%. Từ đầu năm 2012 đến nay, cả nước xảy ra 115 vụ cháy ôtô, xe máy (56 vụ cháy ôtô, 59 vụ cháy xe máy), làm bị thương 3 người, thiệt hại tài sản trị giá trên 20 tỷ đồng.
Đa số các vụ cháy xe xuất phát từ chập điện trong capô
Trong số 25 vụ đã điều tra, làm rõ nguyên nhân, có tới 9 vụ do chập điện, 6 vụ do sơ suất, 5 vụ do sự cố kỹ thuật, 4 vụ do tai nạn giao thông và 1 vụ do đốt.
Đại diện Bộ Công an cho biết, dấu vết đặc trưng để lại do sự cố chập điện chi tiết thì rất khó xác định, nhưng phần lớn là do mất khả năng cách điện của dây dẫn bởi các lý do như: Côn trùng cắn, lão hóa dây vỏ, quá tải công suất điện nguồn do lắp thêm còi, đèn hoặc đấu nối sai…
Ngoài ra, các sự cố kỹ thuật thì do các yếu tố như: cháy nổ I ốt, chập IC, mòn lốp gây cháy, bục gioăng dầu, bục ống dẫn nhiên liệu…
Cháy xe do… chuột
Theo hầu hết thợ sửa chữa xe ôtô lâu năm, chuột là thủ phạm chính của các vụ cháy xe. Nguy cơ cháy xe do chuột cao hơn bình thường. Chuột thậm chí làm tổ trong xe, cắn các thiết bị của xe khiến xe dễ bốc hỏa hơn.
Chuột cắn đứt dây diện gây chập điện, gặp xăng rò từ dây tuy-ô dẫn đến cháy xe
Anh Nguyễn Xuân Cảnh (Chủ gara ôtô Hương Cảnh – Định Công – Hà Nội) cho hay: “Trong vài tháng gần đây, mỗi tháng, gara của tôi tiếp nhận cả chục xe cần sửa chữa do phát hiện chuột làm tổ trong khoang động cơ, cắn dây điện và tuy-ô xăng. Nếu không xử lý kịp thời thì việc chuột cắn dây điện rất dễ gây nên chập điện và cháy xe khi xe vận hành trên đường”.
Cũng theo anh Cảnh, nếu chỉ chập điện thôi thì chưa hẳn đã dẫn đến cháy xe. Chuột cắn dây dẫn điện có nguồn dương rồi cắn cả lớp cao su ở dây tuy-ô xăng. Dây diện hở, phát ra tia lửa điện trong búi dây, gặp nguồn xăng chảy ra từ tuy-ô rồi dẫn đến cháy xe. Tức là, nếu xe bị cháy phải hội tụ hai yếu tố: Dây điện đánh lửa và xăng bắt lửa.
Dây cao áp cũng là đồ gặm nhấm ưa thích của chuột trong khoang động cơ
Anh Trần Văn Hiếu (nhân viên sửa chữa tại gara HD – Thanh Xuân) cũng khẳng định: “Dây điện hở, bục ống dẫn nhiên liệu dẫn đến cháy xe chủ yếu là do chuột cắn. Trường hợp dây vỏ bị lão hóa, hở điện ít xảy ra do chủ xe giờ cũng kiểm tra khoang máy thường xuyên, dây cũ là họ tiến hành thay ngay”.
Chống chuột, chống cháy xe
Chuột vào làm ổ trong khoang động cơ là hiện tượng khá phổ biến và rất nhiều người gặp phải. Nguy hiểm hơn khi chuột cắn dây diện, dây dẫn nhiên liệu lại là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cháy xe. Do đó, phòng chuột nghĩa là bạn cũng đang phóng cháy cho chiếc xe của mình.
Theo các chuyên gia sửa chữa, cách đơn giản nhất để phòng chống nguy cơ cháy xe do chuột cắn dây điện là thường xuyên mở nắp capô kiểm tra khoang máy, quan sát và phát hiện mùi xăng sống, mùi phân chuột để kịp thời xử lí.
Thường xuyên kiểm tra dây điện và vệ sinh khoang động cơ
Nhiều chủ xe cẩn trọng còn bọc ống gen kín các đường điện, đường dẫn nhiên liệu để chống chuột cắn. Bỏ long não vào capô, xịt thuốc muỗi, xịt RV7 vào toàn bộ phần động cơ… cũng là cách mà nhiều người áp dụng để chống chuột.
Ngoài ra, bạn cũng không nên để xe ở những chỗ quá rậm rạp, thường xuyên thay đổi chỗ đỗ xe để chuột không chui vào khoang xe làm ổ.
Thế Đạt (Theo PL&XH)
Ý kiến đánh giá