Chủ Nhật, 19/01/2025 | 02:45
20:19 |
8 lý do thị trường Mỹ chưa thể lạc quan
Mặc dù các tin tức cũng như số liệu thị trường ôtô Mỹ vài tháng gần đây cho thấy tín hiệu khá tích cực, nhưng không có nghĩa là không ẩn chứa bên trong những vấn đề còn tồn tại.
Tình hình kinh doanh ảm đạm với nhu cầu tín dụng yếu ớt, lãi suất và lợi nhuận thấp, lợi tức trái phiếu chính phủ rơi xuống mức thấp kỉ lục là một số điểm nhấn trong nền kinh tế vĩ mô thời điểm hiện tại ít nhiều có những tác động tiêu cực đến thị trường xe hơi. Bằng chứng là trong số 6 thương hiệu xe hơi thuộc Top 100 thương hiệu lớn nhất toàn cầu do hãng xếp hạng Mỹ Millward Brown vừa công bố mới đây không có sự góp mặt của các hãng xe Mỹ, thay vào đó là các thương hiệu đến từ Đức và Nhật Bản như BMW, Toyota, Mercedes.
Dưới đây là 8 yếu tố được xem là nguyên nhân chính tác động khiến thị trường xe hơi Mỹ chưa thể lạc quan:
1. Xe Mỹ mất giá nhanh hơn hàng nhập khẩu
Trong một phân tích mới đây của hãng tư vấn Mỹ Edmunds.com với hơn 100 mẫu xe hiện hành từ nhiều nhà sản xuất, kết quả cho thấy có tới 38 mẫu xe Nhật Bản có khả năng giữ giá tối ưu trong khi con số này từ các hãng xe Detroit chỉ là 21 mẫu. Điều đó có nghĩa là các khách hàng sở hữu xe hơi Nhật Bản có thể yên tâm về khối tài sản mà mình đang nắm trong tay và thậm chí hoàn toàn có cơ sở khi mong đợi những thương vụ giao dịch mua bán xe mà không bị hao hụt hầu bao. Ngược lại, những chủ xe mang thương hiệu Mỹ sẽ phải đối mặt với nguy cơ khấu hao tài sản nhanh hơn kế hoạch.
2. Thiếu sức cạnh tranh ở thị trường nước ngoài
Thông thường, do bị chi phối bởi thói quen tiêu dùng nội địa, những mẫu xe Mỹ “giữ giá” ổn định nhất nằm trong phân khúc truyền thống ví dụ như mẫu coupe thể thao Chevrolet Camaro hay “gia đình” Ford F-series. Tuy nhiên, do đi chậm hơn về cải tiến công nghệ so với các đối thủ đến từ châu Á, châu Âu, đặc biệt là Nhật Bản, những chiếc xe mang thương hiệu Mỹ không tạo được nhiều ấn tượng mạnh cũng như năng lực cạnh tranh tại các thị trường ngoại, đặc biệt là trong các phân khúc coupe nhỏ, sedan và minivan.
3. Detroit “chậm pha” trong phân khúc tăng trưởng nhanh
SUV crossover – phân khúc được đánh giá là có tốc độ phát triển nhanh nhất trong ngành, đồng thời cũng là phân khúc đánh dấu vai trò tiên phong dẫn đường của các nhà sản xuất Nhật Bản với khoảng hơn 60 mô hình mới sẽ được lên kế hoạch ra mắt trong vòng 3 năm tới, chiếm hơn 1/3 tổng số toàn thế giới. General Motors với một nỗ lực chưa từng thấy đang cố gắng để bắt kịp đối thủ, lên kế hoạch giới thiệu 8 mẫu crossover mới hoặc thiết kế lại trong thời gian tới, mặc dù vậy, vẫn cho thấy sự hụt hơi trong cuộc chiến ngôi vị tại phân khúc này.
Trong báo cáo phân tích "Car Wars" của ngân hàng Mỹ Merrill Lynch, các tính toán cho thấy số lượng mô hình SUV crossover của GM tính tới năm 2015, dù đã rất nỗ lực, vẫn chỉ chiếm khoảng 22% tổng quy mô bán hàng của hãng, thấp hơn khá nhiều so với mức tiêu chuẩn 30% của toàn ngành.
4. Detroit đang đánh mất thị phần
Báo cáo phân tích trên cũng nêu ra rằng trong ba năm tới sẽ có khoảng 45 mô hình mới trong phân khúc thể thao sang trọng được các nhà sản xuất tung ra, chiếm tỉ trọng 12% khối lượng tiêu thụ toàn thị trường. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ trong số này thị phần của các hãng xe Mỹ khá thấp. Ford mặc dù đã đổ rất nhiều vốn đầu tư để xây dựng thương hiệu xe sang Lincoln nhưng cũng chỉ khiêm tốn chiếm khoảng 9% thị phần của phân khúc thể thao sang trọng. Con số này của Chrysler thậm chí còn tồi tệ hơn, chỉ đạt khoảng 2%.
5. Số lượng đại lý của Detroit vẫn còn quá nhiều
Hợp nhất các đại lý nhằm cơ cấu lại hệ thống phân phối, giảm số lượng và nâng cao hiệu quả hoạt động là một trong những mục tiêu chính của quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp ôtô Mỹ trong những năm gần đây, bắt đầu từ sau cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ năm 2008.
Trên lý thuyết, giảm số lượng đại lý dàn trải đồng nghĩa với việc mỗi đại lý sẽ bán được nhiều xe hơn, quy mô lợi nhuận lớn hơn, ít cạnh tranh về giá giữa các đại lý, và các hãng sản xuất cũng không còn phải quá đau đầu về khoản chi phí khổng lồ dành cho hệ thống phân phối làm việc thiếu hiệu quả.
Tuy nhiên, kết quả của quá trình tái cơ cấu này xem ra vẫn còn nhiều điều cần phải bàn. Số liệu kiểm đếm mới nhất của tạp chí chuyên ngành Automotive News về hiệu quả hoạt động đại lý của các hãng (được tính bằng doanh số tiêu thụ trung bình tại mỗi đại lý), dẫn đầu vẫn là cái tên châu Á Toyota, xếp sau là 8 thương hiệu nhập khẩu khác. Ford – thương hiệu Mỹ mặc dù được đánh giá cao nhất trong The Big Three chỉ ngậm ngùi đứng ở vị trí số 10 toàn thị trường.
6. Lượng tồn kho tại các đại lý quá lớn
Không chỉ có vấn đề về số lượng, số liệu kiểm kê mới đây của tạp chí Automotive News còn cho thấy lượng xe tồn kho ở các đại lý của Detroit đang cao hơn mức trung bình toàn ngành. Trung bình lượng xe nằm trong kho của các đại lý của Detroit có khả năng duy trì cung cấp khoảng 68 ngày, trong khi đó con số này của các nhà sản xuất châu Âu và Nhật Bản chỉ vào khoảng 49 ngày.
Loại trừ yếu tố rủi ro trong trường hợp nhà sản xuất mất năng lực sản xuất ngắn hạn, tồn kho quá lớn có nghĩa là chi phí cho việc đọng vốn của các hãng xe Mỹ cao hơn các đối thủ cạnh tranh đồng thời làm giảm tốc độ vòng quay dòng tiền, giảm năng lực tài chính của hãng.
7. Thay đổi nhanh chưa chắc đã tốt
Báo cáo phân tích "Car Wars" cho thấy tốc độ thay mới, thiết kế lại các mô hình cũ của Ford và GM cao nhất trong ngành, vượt trội hơn hẳn các đối thủ châu Á. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng điều đó chưa hẳn đã tốt nếu nhìn theo khía cạnh thị phần, bởi thay đổi quá nhanh khiến khả năng ổn định thị phần của Detroit ở mức rất thấp, các mẫu xe chưa có thời gian để “chứng tỏ mình” đã ngay lập tức bị tước mất cơ hội.
8. Chiếc bánh thị phần bị chia sẻ
Nếu căn cứ theo dự báo của “Car Wars”, đến năm 2015, 3 đại gia Detroit là General Motors, Ford và Chrysler sẽ chiếm lĩnh khoảng 45,8% thị phần tại thị trường nội địa, trong khi đó 4 người khổng lồ châu Á - Toyota, Nissan, Honda, và Hyundai Kia sẽ chia nhau kiểm soát 41% thị phần.
Trong quá khứ đã có nhiều bài học kinh nghiệm của những “người khổng lồ” như Kodak, Sears, và A&P, từ những sai lầm tưởng chứng nhỏ bé, họ đánh mất khả năng thống trị thị trường, dần trở nên nhạt nhòa và nhanh chóng bị rơi vào quên lãng. Liệu điều này có xảy ra với The Big Three? Lẽ dĩ nhiên, tất cả chúng ta đều không mong muốn điều đó xảy ra. Nhưng muốn vậy, Detroit sẽ còn phải làm rất nhiều việc.
Phan Liên (theo TTTĐ)
Ý kiến đánh giá