21:35  | 

Câu chuyện về người sáng lập Toyota - Sakichi Toyoda (2)

Mãi đến gần cuối đời, Sakichi Toyoda mới bắt đầu nghĩ đến chuyện sản xuất ôtô. Bản thân Sakichi Toyoda lúc còn sống cũng không nghĩ rằng cái doanh nghiệp con con mà ông thành lập và xây dựng nên sau này đã trở thành tập đoàn Toyota sản xuất ôtô lớn nhất của Nhật Bản.

>> Câu chuyện về người sáng lập Toyota – Sakichi Toyoda (1)

Tố chất của một thiên tài

Không chỉ là con người sáng tạo, phát minh, Sakichi Toyoda cũng đã có trong mình những tố chất kinh doanh nhất định. Năm 1891, ông đã đăng ký bản quyền cho máy dệt của mình. Và cũng từ đó, Sakichi Toyoda trở thành ông chủ chuyên sản xuất máy dệt để bán.

Không chỉ bán cho người làng, dần dần Sakichi Toyoda bán máy dệt cho những vùng xa hơn. Cứ mỗi lần sản xuất được vài chiếc thì Sakichi Toyoda lại đem lên Tokyo hay những trung tâm khác để bán. Trong con người Sakichi Toyoda vẫn luôn có một niềm khát khao sáng tạo. Mặt khác, sự phát triển của công nghệ và đòi hỏi của thị trường đã càng gây sức ép Sakichi Toyoda phải có những loại máy dệt mới, hiện đại hơn.

Năm 1897, lại sau rất nhiều thí nghiệm và nghiên cứu, Sakichi Toyoda lại gây bất ngờ với sản phẩm máy dệt động lực. Lần đầu tiên tại Nhật Bản lúc đó người ta thấy được những chiếc máy dệt, về cơ bản vẫn bằng gỗ, nhưng chạy bằng năng lượng hơi nước. Với loại máy dệt động lực này, năng suất dệt tăng gấp nhiều lần bởi một công nhân có thể đứng điều khiển nhiều máy dệt một lúc.

Xưởng chế tạo máy dệt Toyoda của Sakichi Toyoda đã được chính thức thành một nhà máy. Bên cạnh đó còn xây thêm một nhà máy sản xuất máy dệt nữa đặt tại Nagoya. Tại đây, ông cũng đặt trung tâm chuyên nghiên cứu phát triển máy dệt. Những thành công rất khả quan với máy dệt động lực đã lại càng kích thích khả năng làm việc và sáng tạo không ngừng của Sakichi Toyoda.

Trên thế giới lúc này cũng xuất hiện nhiều loại máy dệt hiện đại, đặc biệt từ châu Âu. Vì vậy, Sakichi Toyoda đã không ngừng hoàn thiện cải tiến các loại máy dệt của mình sao cho tốt hơn, nhanh hơn.

Đặc biệt càng ngày Sakichi Toyoda càng ý thức hơn về vấn đề cạnh tranh. Giá thành máy dệt của Sakichi Toyoda được hết sức chú ý sao cho hợp lý, có sức cạnh tranh cao. Triết lí hàng tốt nhưng giá vẫn phải thật hợp lý để thu hút số đông khách hàng đã hình thành trong con người Sakichi Toyoda từ lúc này.

Đây cũng là triết lí kinh doanh và bí quyết thành công của hầu hết các nhà sản xuất của Nhật Bản từ trước đến nay. Sự lớn mạnh của Công ty Toyoda đã đánh bật các loại máy dệt đến từ nước ngoài bởi không thể cạnh tranh được về giá. Một máy dệt cùng loại của Toyoda có giá chỉ bằng một phần ba, một phần tư các máy dệt nhập từ châu Âu.

Nhận thấy được lợi thế của mình, Sakichi Toyoda đã có ý tưởng xuất khẩu máy dệt và thậm chí mở nhà máy ở nước ngoài. Lúc đầu ông có ý tưởng thành lập nhà máy ngay tại Mỹ hay châu Âu là những thị trường tiêu thụ máy dệt nhiều nhất lúc bấy giờ. Nhưng sau, Sakichi Toyoda đã kịp nhận thấy rằng chi phí nhân công lao động ở đó còn cao hơn cả Nhật Bản, do vậy giá sản phẩm sẽ cao và máy dệt Toyoda sẽ mất đi lợi thế quan trọng về giá.

Sakichi Toyoda quyết định lập nhà máy ở Trung Quốc, nơi có nguồn nhân công sẵn và rẻ. Thượng Hải đã trở thành căn cứ nước ngoài đầu tiên của ông chủ Sakichi Toyoda, lúc này đã rất thành đạt và nhiều tham vọng mới.

Ý tưởng sản xuất ôtô – Sự khởi đầu vĩ đại

Để bù lấp những khiếm khuyết của mình về kỹ thuật cơ bản, Sakichi Toyoda đã thường xuyên đi nghiên cứu khảo sát thị trường ở châu Âu và Mỹ. Không phải cái gì Sakichi Toyoda cũng nghĩ ra đầu tiên nhưng ông đã biết học hỏi và cải tiến để cho nó hoàn thiện hơn, tốt hơn. Liên quan đến máy dệt, Sakichi Toyoda đã có hơn 100 bằng sáng chế phát minh được công nhận.

Trong một lần sang Mỹ để tìm hiểu thông tin cho dự án máy dệt tự động mà ông đang nghiên cứu, như tình cờ, Sakichi Toyoda nhận thấy ôtô đã xuất hiện ở Mỹ khá nhiều mà Nhật Bản chưa có. Rồi đến khi có thông tin nhà nước Nhật Bản phải nhập một lúc 800 xe ôtô của hãng Ford thì một lần nữa lòng tự ái dân tộc của Sakichi Toyoda lại nổi lên. Chẳng lẽ người Nhật Bản không sản xuất được ôtô? Sakichi Toyoda lúc này đã hơn 60 tuổi và ông trao đổi điều này với con trai Kichiro Toyoda, người sẽ tiếp tục thay ông chèo lái công ty Toyoda. Và thế là ý tưởng phải sản xuất bằng được xe ôtô đã theo đuổi cha con Sakichi Toyoda từ đấy.

Sakichi Toyoda đã đồng ý dành rất nhiều tiền để cho con trai lập một trung tâm nghiên cứu về ôtô bên cạnh trung tâm nghiên cứu về máy dệt do ông điều hành. Rút kinh nghiệm từ tuổi trẻ khi phải tự mày mò sáng chế chiếc máy dệt đầu tiên, Sakichi Toyoda đã khuyên con trai phải sang Mỹ và châu Âu để tìm hiểu và nắm bắt công nghệ sản xuất ôtô. Quan điểm của Sakichi Toyoda là phải biết họ làm ôtô như thế nào rồi mình sẽ tìm cách để làm tốt hơn.

Không phụ lòng cha, Kiichiro Toyoda đã tìm mọi cách để tìm hiểu công nghệ sản xuất xe hơi. Hàng chục động cơ xe ôtô được cha con Sakichi Toyoda và Kiichiro Toyoda mua về để mổ xẻ tìm hiểu từng chi tiết.

Với một quyết tâm và sự cần mẫn hiếm có mang đúng phẩm chất đặc thù của người Nhật Bản, cha con Toyoda vừa duy trì sản xuất máy dệt vừa âm thầm chuẩn bị cho dây chuyền sản xuất ôtô đầu tiên của Nhật Bản. Bắt đầu năm 1930, lần lượt từng dây chuyền sản xuất vỏ xe, gầm xe rồi động cơ xe ôtô được gia đình Toyoda hoàn thiện.

Năm 1934, Kiichiro Toyoda, lúc này đã thay cha điều hành công ty Toyoda đã công bố chiếc xe ôtô đầu tiên, mở đường cho kỷ nguyên huy hoàng của tập đoàn Toyota sau này.

 Thảo Anh (Theo TTTĐ/ Nguồn: Tổng hợp)

Ý kiến đánh giá (1)


Có thể bạn quan tâm