Chủ Nhật, 19/01/2025 | 09:35
21:57 |
Hành trình chinh phục Himalaya của một người Việt trẻ (Kì 6)
Hành trình này chúng tôi đã thực hiện từ cách đây tròn nửa năm. Nửa năm qua, chẳng quá ngắn cũng chẳng quá dài, đủ để quên những thứ cần quên, và không bao giờ đủ để xóa nhòa những ký ức cần nhớ.
Kì 4: Đường trek đến Namche Bazaar
Kì 6: Kì vĩ Ama Dablam
Vẻ đẹp của Ama Dablam
Dil gõ cửa phòng tôi vào 6h30. Nhìn thấy tôi, nó giật mình. Sau khi hỏi han tình hình, nó cân nhắc 1 lúc rồi bảo: “Tao gọi trực thăng đưa mày về Kathmandu vào bệnh viện. Càng đi bây giờ càng lên cao. Mày bị bệnh độ cao nặng rồi, không đi được đâu”. Tôi nằm im lắc đầu: “Tao muốn đi tiếp” và cứ lải nhải câu đó như mất hồn. Nó đành bảo sau khi ăn sáng và uống thuốc xong thì sẽ quyết định.
Dil quay ra và lát sau bưng cho tôi bữa sáng vào phòng. Bữa sáng của tôi, hay chính xác hơn là mọi bữa của tôi từ Namche Bazaar cho đến hết hành trình, chỉ có cháo và sữa. Răng đau khiến tôi không thể nhai bất cứ thứ gì trừ việc nuốt chửng. Cũng may tôi đã cẩn thận mang 3 hộp sữa Ensure từ nhà đi, và đấy chính là cứu tinh cho tôi duy trì nốt hành trình còn lại.
Ăn sáng và uống thuốc xong, tôi thiếp đi 1 lúc và tỉnh dậy vào hơn 9h sáng. Mặt trời đã lên cao, nắng rọi chói chang vào cửa sổ. Có lẽ điều đó cũng làm tôi khỏe khoắn và phấn chấn hơn. Tôi thuyết phục Dil là mình đi được tiếp, rằng chắc sự cố hôm nay chỉ là 1 “bad luck”, rằng nếu sau đó có bất cứ vấn đề gì thì tôi sẽ nghe nó bay về ngay lập tức. Nó đành miễn cưỡng đồng ý.
Chúng tôi lên đường vào lúc 9h30 sáng, muộn hơn 2 tiếng so với lịch trình. Tôi phải đưa balo của mình cho porter đeo để không tốn thêm sức. Dil đưa tôi thêm cây gậy của nó.
Đỉnh Ama Dablam phủ trắng tuyết sừng sững giữa nền trời xanh
Quãng đường ngày hôm nay đẹp không kém so với hôm qua. Chúng tôi tiếp tục đi qua những cây cầu vắt vẻo, dọc con sông rạt rào nước chảy, qua những phiến đá khắc kín những ký tự cổ xưa. Điểm nhấn chính và cũng đẹp nhất của đoạn đường trek này là đỉnh Ama Dablam phủ trắng tuyết sừng sững giữa nền trời xanh. Chúng tôi lại có dịp chiêm ngưỡng nàng công chúa của Himalayas một cách rõ nét với tất cả vẻ lộng lẫy. Vẻ đẹp kiêu kỳ pha lẫn hoang dại của nàng có lẽ đã làm thổn thức không biết bao kẻ lãng du, ước ao chinh phục.
Mặc dù chỉ cao chừng 6800m, nhưng Ama Dablam là một trong những đỉnh núi thách thức nhất, thậm chí độ khó về kỹ thuật còn hơn Everest và nhiều đỉnh trên 8000m. Sườn núi dựng đứng tưởng như không có chỗ đặt chân, bao bọc bởi những mảng băng hà vĩnh cửu là một sự cám dỗ khó cưỡng với những kẻ thích phiêu lưu mạo hiểm.
Ama Dablam là một trong những đỉnh núi thách thức nhất
Bất chấp hiểm nguy, hàng năm vào mùa leo núi, vẫn có hàng chục đoàn thám hiểm ôm mộng chinh phục Ama Dablam. Nếu như những mối đe dọa khi leo Everest hay Lhotse là độ cao (khiến việc cứu nạn cực kỳ khó khăn - trực thăng chỉ bay được đến base camp), bão tuyết, crevasses (rơi xuống những khe nứt giữa các mảng băng lớn) và những điều kiện cực kỳ khắc nghiệt nơi nồng độ oxy trong không khí chỉ bằng 1/3 so với thông thường, thì ở Ama Dablam, đa số các ca thương vong là do lở tuyết và sự bất cẩn của người leo. Ở độ cao 6800m, cơ thể người nói chung vẫn chưa cần đến sự hỗ trợ của bình oxy. Thế nhưng, việc treo mình trên những mảng băng dựng đứng và leo trong nhiều giờ liền là 1 thách thức không nhỏ đòi hỏi kỹ thuật leo trình độ cao và sức khỏe đáng nể.
Hàng năm vẫn có hàng chục đoàn thám hiểm ôm mộng chinh phục Ama Dablam
Chi phí cho 1 chuyến expedition kéo dài 1 tháng đến Ama Dablam từ 8-15.000USD/người, tùy thuộc vào độ lớn của nhóm. Thực ra thời gian để trek từ Lukla đến Ama Dablam base camp chỉ mất 5 ngày. Hai chục ngày còn lại dành cho việc thích nghi độ cao và luyện tập. Người ta sẽ nghỉ ở base camp vài ngày, rồi leo lên Camp 1, rồi lại về base camp (theo nguyên tắc "leo cao ngủ thấp"). Sau đó sẽ lại lên Camp 1, ở lại đó 1-2 ngày, lên Camp 2 rồi lại quay lại Camp 1 hoặc base camp. Cứ dần dần như vậy đến Camp 3, Camp 4. Trong thời gian thích nghi độ cao, 1 người thường phải leo lên leo xuống giữa các camp vài lần. Sau khi cảm thấy đã thích nghi tốt và thành thục về kỹ thuật, người ta sẽ chọn ra 1 ngày (được dự báo là thời tiết đẹp) để lên đỉnh. Thông thường từ Camp 3 hoặc 4, người ta sẽ leo 1 mạch lên đỉnh và quay lại trong ngày. Các chuyến đi thường được bắt đầu vào nửa đêm để đảm bảo thời gian lên đỉnh buổi sáng và đủ thời gian cho việc leo xuống.
Bạn guide của chúng tôi không phải là người duy nhất bảo với tôi: “Everest chỉ là đỉnh cao nhất, nhưng không phải đẹp nhất, mà là Ama Dablam”.
Đối với nàng, tôi chỉ dám kính nhi viễn chi. Nhưng tôi chắc sẽ rất dễ phải lòng anh chàng nào gan góc leo được lên đó.
Thích nghi độ cao ở Dingboche
Chúng tôi đến Dingboche vào khoảng 4h chiều, mây mù ngày càng rơi xuống thấp, phủ kín mọi thứ trong màn sương mờ đục. Trời lạnh buốt và gió. Chúng tôi chui vào nhà trọ của mình, mỗi đứa làm ngay cốc trà nóng. Mặc dù Dingboche ở độ cao hơn Tengboche, song cơn đau đầu của tôi có vẻ đã thuyên giảm.
Đoàn bò Yaks trên đường trek và Dingboche ở phía xa
Dil quyết định chúng tôi sẽ dành 1 ngày thích nghi độ cao ở Dingboche để chuẩn bị cho Island Peak.
Như vậy, chúng tôi có 1 chút thay đổi so với lịch trình ban đầu. Dil nói nếu trek đến EBC trước rồi quay về leo Island Peak thì e rằng sức khỏe của chúng tôi đã bị hao tổn, trong khi leo Island Peak (IP- 6189m) không phải chuyện đùa. Vì vậy, hiện giờ khi chúng tôi còn dẻo dai thì nên leo IP trước rồi trek đến EBC sau. Chúng tôi nhất trí với sự sắp xếp của Dil.
Chúng tôi sẽ dành 1 ngày thích nghi độ cao ở Dingboche. Ngày hôm sau sẽ trek lên Chukkung (4900m). Ngày kia sẽ trek đến Island Peak base camp (5200m) và đêm hôm đó sẽ bắt đầu leo lên Island Peak.
Ngôi làng Dingboche có khoảng dăm chục nóc nhà, vây quanh bởi các ngọn núi cao trên 5000m, quanh năm tuyết phủ. Hầu hết người dân ở đây kinh doanh nhà nghỉ và các dịch vụ cho du khách. Ngoài ra, họ còn trồng khoai tây, cà rốt và bắp cải. Vào mùa du lịch (từ tháng 9 đến hết tháng 11 và từ tháng 2 đến tháng 5), khu vực này lúc nào cũng nhộn nhịp dân trek và leo núi nườm nượp qua lại. Song vào mùa vắng khách, người ta đa số về lại Lukla hoặc Kathmandu... nghỉ ngơi để chờ đến mùa có khách tiếp theo.
Du lịch chính là nguyên nhân khiến cho Dingboche ra đời và phát triển. Trước kia khi chưa có nhiều khách, Namche Bazaar chỉ là một thị trấn nhỏ với khoảng 15-16 nóc nhà; Tengboche chỉ có mỗi tu viện; còn Dingboche thậm chí chưa hình thành. Lượng khách đông đảo đã góp phần làm trù phú thêm làng mạc và hình thành nên những ngôi làng nhỏ dọc đường trek đến Base camp và các đỉnh núi khác trong vùng để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách.
Bò Yak trước 1 căn nhà ở Dingboche
Dọc đường trek đến Dingboche, chúng tôi bắt gặp những người porter cõng trên vai những súc gỗ lớn nặng dễ đến trăm ký nặng nhọc đi lại. Thế mới biết, để đẽo đá và xây lên được những ngôi nhà, những con đường; canh tác được những mảnh ruộng ở nơi thời tiết khí hậu khắc nghiệt thế này là một khối lượng công sức và thời gian khổng lồ.
Theo nguyên tắc thích nghi độ cao "leo cao ngủ thấp", hôm nay chúng tôi sẽ trek lên một đỉnh núi cạnh làng cao khoảng 5000m rồi chiều sẽ về lại Dingboche để ngủ.
Trên đường leo, chúng tôi bắt gặp hàng chục dải cờ phướn đủ màu sắc bay phần phật trong gió. Trên núi, chúng tôi còn trông thấy những stupa với khuôn mặt Phật và con mắt thứ ba nhìn về bốn phía. Từ đây, có thể bao tầm mắt đến khắp các đỉnh núi “nổi tiếng” trong vùng.
Stupa với khuôn mặt Phật và con mắt thứ ba nhìn về bốn phía
Dil chỉ cho chúng tôi Island Peak – đỉnh núi chúng tôi sẽ chinh phục ngày hôm sau. Thời tiết hôm nay rất đẹp, dự báo ngày mai cũng vậy, nên tôi cũng thấy yên tâm hơn phần nào. Bên phải nó là một đỉnh thiêng có hình dạng giống như Kailash bên Tây Tạng. “Không ai được phép lên trên đỉnh núi đó. Đến bọn chim cũng không bay qua đây” – Dil nói, “bọn nó bay vòng sang chỗ khác”. Bên trái Island Peak là Lhotse – đỉnh núi cao thứ 4 thế giới. “Đã có rất nhiều người bỏ mạng khi leo ngọn núi này”.
Ngay trước mặt chúng tôi lại là Ama Dablam, tuy nhiên ở một góc nhìn khác. “Giờ này năm ngoái có 1 chiếc trực thăng đâm vào đây”, Dil kể cho tôi. “Có 2 người leo núi Nhật Bản bị mắc kẹt khi đang leo lên. Họ không di chuyển được và phải gọi trực thăng cứu hộ, song chiếc trực thăng xấu số ấy khi loay hoay tiếp cận hai người gặp nạn đã va phải vách núi và nổ tung”. “Vậy rốt cuộc hai người Nhật Bản đó có được cứu không?” – tôi hỏi. “Có chứ, một chiếc khác đến và cứu họ”.
Dù mặt trời đã lên cao, song trời rất lạnh, khô và gió. Lên độ cao khoảng 4800m, còn chừng 200m nữa tới đỉnh, tôi cảm thấy khá mệt và quyết định ngồi nghỉ 1 lúc rồi đi xuống. Trời vẫn xanh ngắt không một gợn mây, thời tiết rất lý tưởng cho việc leo Island Peak, nhưng tôi khá lo lắng về tình trạng sức khỏe của mình.
Dingboche (4400m) ở độ cao hơn hẳn so với Tengboche (3900m) - nơi tôi bắt đầu bị sốc độ cao dữ dội - song tôi lại cảm thấy dễ chịu hơn nhiều. Cơn đau đầu có xuất hiện vào sáng nay nhưng không đáng kể. Tôi cũng không cảm thấy bị lạnh cóng, sốt hay buồn nôn nữa.
Chuyện với Dil
Tôi dành cả buổi chiều ở Dingboche đọc sách và chuyện phiếm với Dil về nghề mountain guide của nó, về cuộc sống nói chung ở Nepal.
Dil kém tôi vài tuổi, vóc người nhỏ con nhưng có sức bền và sự dẻo dai đáng kể. Trong khi chúng tôi mặt mày phờ phạc, thở hồng hộc mỗi khi lên dốc thì nó vừa đi vừa thẩn thơ ngắm nghía, kể chuyện, động viên. Chưa lúc nào tôi thấy nó mệt hay thở dốc mặc dù Dil không phải người Sherpa và sinh ra ở một ngôi làng nhỏ gần thủ đô Kathmandu. Dil đã có kinh nghiệm guide được vài năm, tuy nhiên nó chủ yếu guide trekking chứ không phải mountaineering. Hàng năm, Dil thường dành 6 tháng trên núi cho việc dẫn khách đi trek, 6 tháng còn lại nó phụ gia đình bán tiệm tạp hóa ở Kathmandu.
Khi tôi hỏi vậy mày sẽ theo nghề này lâu chứ, nó bảo nó rất thích công việc hiện giờ, tuy nhiên theo nó thì "không ổn định và chẳng bạn gái nào thích người yêu cứ ở trên núi suốt thế cả". Trong mùa off-season, ngoài việc bán tạp hóa, Dil vẫn thường xuyên đến văn phòng công ty du lịch phụ giúp điều hành tour, trò chuyện với khách để nâng cao vốn ngoại ngữ đồng thời đi học thêm tiếng Nhật. Nó hy vọng sẽ kiếm được việc bàn giấy và ổn định cuộc sống hơn bây giờ.
Theo lời Dil, tôi cũng khá bất ngờ khi phát hiện ra rằng hôn nhân ở Nepal nói chung vẫn theo kiểu cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Ở các thành phố lớn điều này có phần thuyên giảm, song vẫn đặc biệt phổ biến ở các làng mạc trên khắp đất nước. Quan hệ yêu đương trai gái trước hôn nhân được nhìn với con mắt không thiện cảm và thường phải diễn ra trong vòng bí mật. Nếu yêu ai mà gia đình không đồng ý thì sẽ không được lấy.
Ngôi làng Dingboche nhìn từ trên cao
Người Nepal rất coi trọng việc lập gia đình trong cuộc đời. Đó là việc bắt buộc phải làm và cha mẹ rất tích cực can thiệp hoặc hỗ trợ để đảm bảo việc đó chắc chắn diễn ra. Nếu ai không lập gia đình sẽ bị coi là không tốt, là thất bại. Cha mẹ họ sẽ rất xấu hổ và nhục nhã.
Dil cho biết ở Nepal, người ta biết rất ít về người bạn đời sắp tới của mình trước khi cưới. "Như đánh xổ số vậy, may mắn thì được cô vợ tốt, không thì ...", nó bỏ lửng câu nói. "Nếu không thì sao, có ly dị không?" - tôi hỏi. "Nếu không thì tao sẽ làm guide thường xuyên hơn" - nó nhe răng cười buồn. Ở miền núi và vùng quê nơi nó sinh ra, con gái thường được gả khi 14-15 tuổi, cái tuổi theo nó thì "chưa sống hết tuổi trẻ đã bị làm mẹ" và nó không thích thế. Phụ nữ ở Nepal khi lấy chồng xong sẽ dành toàn bộ thời gian lẫn tâm huyết chăm lo cho gia đình, chăm sóc nhà cửa con cái. Kể cả những người phụ nữ dù có học cao (đại học, thạc sỹ) vẫn sẽ coi thiên chức đó quan trọng hơn việc phát triển nghề nghiệp hay thỏa mãn các sở thích cá nhân của mình.
"Dù sao phụ nữ ở Việt Nam vẫn sướng hơn, được đi khắp nơi, được làm những gì mày thích, được chọn lựa bạn trai", nó kết luận.
Từ Dingboche, Dil khuyên những người bạn của tôi hạn chế gọi các món thịt. Từ Namche Bazaar đến đây được coi là thánh địa linh thiêng, việc sát sinh tuyệt đối bị cấm. Do vậy những súc thịt khi được chở từ Lukla tới Dingboche thường đã trải qua vài ngày ròng rã trên lưng bò yak/ porter. Rất dễ bị đau bụng.
Càng lên cao, giá cả các mặt hàng cũng trở nên đắt hơn nhiều lần. Tại Dingboche, chúng tôi phải trả tới 250 đồng (tương đương 90k VND cho 1 chai nước suối 1.5lit), 300 đồng cho 1 lần xạc pin máy ảnh, và tận 900 đồng (tương đương 300k VND) cho 1 giờ sử dụng internet dial-up chập chờn.
Nhiệt kế ngoài trời chỉ -5 độ C vào lúc 8h tối khi chúng tôi ăn xong và vào phòng chuẩn bị đi ngủ. Một đêm dài đang chờ phía trước.
Xem tiếp Kì 7: Bỏ cuộc ở Chukkung
Rosy (Theo TTTĐ)
Ảnh: rOsy
Ý kiến đánh giá