Chủ Nhật, 19/01/2025 | 10:13
23:00 |
Doanh nghiệp nhỏ chưa nghiêm túc lắp hộp đen
"Ở nước ta, số lượng lớn các doanh nghiệp nhỏ, xe ít, hợp tác xã có từ 5-7 xe chiếm tỷ lệ lớn nên thường chưa quản lý tập trung, quản lý khoán là chính. Các đơn vị này nhận thức chưa đầy đủ về yêu cầu của Nhà nước về lắp hộp đen và tự thân doanh nghiệp cũng chưa thấy tính cấp thiết của thiết bị để phục vụ kinh doanh nên họ chưa thực hiện đầy đủ và sử dụng thiết bị hữu hiệu", Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Quyền trao đổi.
- Bắt đầu từ 1/7 các phương tiện thuộc diện bắt buộc đã được quy định sẽ phải lắp hộp đen giám sát hành trình. Tổng cục Đường bộ đánh giá thế nào về việc lắp đặt hộp đen của doanh nghiệp vận tải trên cả nước?
Chủ trương lắp hộp đen để quản lý họat động vận tải là chủ trương đúng đắn, qua triển khai thực tiễn thì các Sở Giao thông vận tải đã triển khai tích cực và đồng bộ. Các sở đều yêu cầu các doanh nghiệp phải cam kết phải lắp khi đến hạn.
Các doanh nghiệp, Hợp tác xã về cơ bản đều hưởng ứng chủ trương này. Tuy nhiên, đơn vị vận tải vẫn chưa quan tâm khai thác nên hiệu quả chưa đều.
Hiện nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát có số lượng khá lớn. Các doanh nghiệp có nhiều xe, bộ máy quản lý tập trung đều khai thác tính năng tốt, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và kinh doanh hiệu quả như doanh nghiệp Hoàng Hà, Hoàng Long.
Tuy nhiên, ở nước ta, số lượng lớn các doanh nghiệp nhỏ, xe ít, hợp tác xã có từ 5-7 xe chiếm tỷ lệ lớn nên thường chưa quản lý tập trung, quản lý khoán là chính. Các đơn vị này nhận thức chưa đầy đủ về yêu cầu của Nhà nước về lắp hộp đen và tự thân doanh nghiệp cũng chưa thấy tính cấp thiết của thiết bị để phục vụ kinh doanh nên họ chưa thực hiện đầy đủ và sử dụng thiết bị hữu hiệu.
Đối với các doanh nghiệp đến hạn mà chưa lắp thì tiếp tục lắp. Phương tiện không lắp đặt khi kiểm tra, kiểm định sẽ xử lý bằng cách rút hoặc không cấp giấy phép kinh doanh, đăng kiểm.
Phó Tổng cục Trưởng Nguyễn Văn Quyền trao đổi về việc lắp hộp đen trên xe ô tô sau 1/7.
- Việc bị ép phải lắp thiết bị hộp đen sẽ khiến các doanh nghiệp lắp ghép đối phó hoặc lắp ghép những sản phẩm không đủ tiêu chuẩn. Ông nói sao về điều này?
Quản lý chất lượng theo quy định thì Bộ đã ban hành quy chuẩn kĩ thuật về hộp đen trong đó yêu cầu 5 thông tin cơ bản để phục vụ quản lý gồm: hành trình, tốc độ vận hành, số lần và thời gian dừng đỗ, tình trạng khi xe đang chạy, thời gian lái xe. Ngoài ra , các đơn vị cung ứng có thể theo yêu cầu của doanh nghiệp vận tải sẽ lắp thêm một số phụ kiện với những tiêu chí khác như: mức tiêu hao nhiên liệu, số lượng hành khách trên xe...
Riêng các đơn vị cung ứng thiết bị khi đăng kí chất lượng sản phẩm sẽ được Viện Đo lường (Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng) và Trung tâm đo lường quân đội kiểm định và cấp phiếu đạt chuẩn. Trên cơ sở đó Bộ ra văn bản công nhận thiết bị hợp quy.
Hiện có hơn 30 sản phẩm hợp quy, các doanh nghiệp vận tải phải lắp đặt ở những đơn vi đã được công nhận hợp quy. Tổng cục Đường bộ cũng khuyến cáo doanh nghiệp cần lắp đúng sản phẩm đã được công bố không lắp thiết bị trôi nổi trên thị trường.
Hộp đen là 1 trong những thiết bị trên ôtô và là điều kiện để kinh doanh. Thiết bị không hợp quy sẽ không đủ điều kiện kinh doanh. Các doanh nghiệp lắp đặt chỉ đối phó để đăng kiểm thì sau này Nhà nước sẽ có hình thức kiểm tra theo định kì thông qua hợp đồng, nghiệm thu sản phẩm, lưu trữ hồ sơ.
- Thưa ông, hiện nay việc quản lý, kết nối và cung cấp thông tin hộp đen chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa đơn vị sản xuất và nhà mạng theo dõi. Nếu cơ quan cung cấp thiết bị theo dõi bị giải thể thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn bởi theo dõi phương tiện ra sao, hoạt động như thế nào, thông tin có còn được lưu giữ không. Ông nghĩ gì về vấn đề này?
Trong các văn bản và chỉ đạo vẫn chưa có quy định các doanh nghiệp phải truyền thông tin trực tiếp để lực lượng kiểm tra. Doanh nghiệp lưu trữ liên kết như thế nào đó để lưu trữ, hình thành trung tâm quản lý thì tự thân họ phải làm, để đảm bảo có thông tin đầy đủ khi kiểm tra.
- Như vậy, theo ông chúng ta có cần phải xây dựng trung tâm quản lý thông tin chung để theo dõi thiết bị?
Đây là chủ trương đã được Tổng cục Đường bộ đề xuất và tiến tới xây dựng trong đó thông tin về hộp đen là 1 trong những trung tâm thông tin. Phần mềm cơ sở dữ liệu bao gồm nhiều hoạt động nên sẽ là rất lớn. Và để xây dựng dữ liệu chung đó cũng phải trang bị hạ tầng kỹ thuật cho các sở, các bến xe… Nếu triển khai tích cực và kinh phí có được nhanh nhất cũng phải mất 2 năm mới có thể có trung tâm quản lý thông tin chung.
Cụ thể, trung tâm thông tin sẽ cung cấp thông tin liên quan đến quản lý bến xe như thế nào, chất lượng dịch vụ ra sao? thông tin ghi nhận đến đâu? quản lý nhữn vi phạm đối với người lái xe? tuyến vận tải chạy bao nhiêu xe? chạy đúng tuyến không?
- Thưa ông, tới đây việc xử phạt vi phạm thông qua hộp đen sẽ thực hiện như thế nào bởi lực lượng công an và thanh tra giao thông vẫn chưa có các trang thiết bị để kiểm tra, theo dõi và xử lý phương tiện vi phạm?
Theo quy định, các thiết bị khi kiểm tra phải in được dữ liệu trong trường hợp cơ quan chức năng kiểm tra thông qua hình thức in hoặc kiểm tra định kỳ khi đăng ký cấp phép kinh doanh, đăng kiểm.
Về phía các cơ quan Nhà nước cần tiếp tục có chủ trương và biện pháp về thanh kiểm tra, hình thành cơ sở dữ liệu ở các sở và Tổng cục Đường bộ. Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng tuần tra như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông thì hiệu quả thiết bị này sẽ phát huy cao hơn.
-Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!.
Theo VnMedia
Ý kiến đánh giá