Chủ Nhật, 19/01/2025 | 02:23
08:23 |
Làm thế nào để chống ngủ gật khi lái xe?
Gần đây, những thông tin liên tiếp về các vụ tai nạn kinh hoàng xuất phát từ việc tài xế ngủ gật khiến chúng ta không khỏi giật mình. Tìm hiểu một vài thông tin để chống ngủ gật khi lái xe dưới đây vừa không thừa, vừa tránh được những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Nguyên nhân dẫn đến ngủ gật?
Lái xe là công việc nặng nhọc, dù cơ bắp không vận động nhiều nhưng mắt và một số giác quan luôn trong tư thế tập trung cao độ. Theo thời gian, năng lượng cung cấp cho não dần bị cạn. Cơ thể đòi hỏi nghỉ ngơi và hiện tượng ngủ gật xuất hiện. Bên cạnh đó, cơ thể ở tư thế ngồi cố định, rung, ồn, xóc trên xe cũng dễ làm lái xe mệt mỏi, vì thế cũng phát sinh cảm giác thèm ngủ.
Nguyên nhân của tình trạng buồn ngủ khi lái xe chủ yếu là do thiếu ngủ và mệt mỏi. Việc dùng thuốc chồng dị ứng, thuốc cảm cúm cũng dẫn tới tình trạng tài xế bị "lơ tơ mơ".
Biểu hiện của ngủ gật?
Khi buồn ngủ, phản xạ của người lái sẽ chậm lại, độ tỉnh táo giảm, rất dễ căng thẳng và khả năng xử lý tình huống thiếu chính xác. Nghiên cứu mới đây cho thấy, một tài xế bị coi là đang "gà gật" khi anh ta nhắm mắt thay vì chớp mắt, đầu anh ta lắc lư về phía trước rồi gật gù về phía sau và thay vì đảo mắt quan sát đường đi hay nhìn gương, mắt anh ta thường đờ đẫn và chỉ tập chung về một điểm cố định.
Khi cơ thể rơi vào trạng thái vô thức, tài xế mất đi khả năng điều khiển xe, chạy không ổn định, lấn làn. Lái xe không kịp phản xạ để tránh tình huống nguy hiểm khi tới gần chướng ngại vật hoặc phương tiện giao thông khác. Chính bởi thế ngủ gật là một trong những nguyên nhân gây ra những tai nạn nghiêm trọng.
Cách nào để chống ngủ gật khi lái xe?
“Đã lái xe thì không rượu, bia”: Đây dường như là nguyên tắc đầu tiên khi lái xe. Uống rượu bia không chỉ khiến bạn thiếu tỉnh táo, thực hiện sai hành vi, mất khả năng điều khiển mà còn là nguyên nhân dẫn đến trạng thái ngủ gật.
Ngủ đủ giấc trước khi lái xe: Cách tốt nhất để chống ngủ gật là ngủ đủ. Người lớn cần giấc ngủ sâu trong khoảng thời gian từ 7 tiếng mỗi ngày. Nếu thiếu một trong hai yếu tố trên, có thể coi là thiếu ngủ.
Không chạy xe liên tục quá 4 tiếng: Khi mệt mỏi tự bản thân cơ thể sẽ đòi hỏi được nghỉ ngơi. Sau 2 tiếng chạy xe liên tục, tài xế nên dừng và xuống xe, vận động cơ thể chừng 10-15 phút lấy lại sự tỉnh táo, rồi mới tiếp tục lái. Một tài liệu thần kinh của Mỹ khuyến cáo, không nên lái xe liên tục trong 4 tiếng. Vì khi đó não bộ đã làm việc quá sức, cơ thể không còn khả năng tập trung.
Lấy lại tỉnh táo bằng chè và cà phê: Nên dừng xe khi cảm thấy buồn ngủ và uống càfê hoặc chè để lấy lại sự tỉnh táo. Tuy nhiên, bạn không nên quá lạm dụng. Sử dụng liên tục trong hành trình dài có thể làm cơ thể mệt mỏi quá mức, dù không ngủ gật nhưng lái xe vẫn không thể tập trung dẫn đến tai nạn.
Sau khi uống cà phê hoặc chè khoảng 30 phút mới được tiếp tục lên đường bởi cần có thời gian để nghỉ ngơi và để chất caffein ngấm vào máu.
Chọn thời điểm lái: Bạn không nên làm việc cả ngày rồi lái xe cả đêm. Nên tranh thủ lái xe những lúc bạn tỉnh táo và nghỉ đêm thay vì lái thông cả ngày lẫn đêm. Nên tránh lái xe vào những thời điểm dễ gây buồn ngủ như giữa trưa và từ giữa đêm đến sáng.
Vặn to đài, vận động cơ thể: Khi lái xe đường trường một mình, bạn nên vặn to đài, thỉnh thoảng thay đổi chương trình để chống lại cơn buồn ngủ. Bên cạnh đó nên nghỉ 2h mỗi khi đi được từ 150 đến 200km. Những lúc nghỉ nên ra khỏi xe, làm vài động tác thể dục nhất là với cổ và vai. Hãy lên lịch trình đi và không nên đi quá 500km/ngày.
Sử dụng thiết bị chống buồn ngủ: Một số hãng sản xuất xe và phụ kiện đã có nhiều giải pháp công nghệ nhằm ngăn chặn như kính chống buồn ngủ, tai nghe chống ngủ gật.. Công dụng của chúng thường là cảnh báo tài xế khi họ có những biểu hiện ngủ gật, vì không phải lúc nào lài xe cũng tự nhận ra. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng khi sử dụng các loại thiết bị này bạn sẽ không buồn ngủ.
Học những mẹo đơn giản: Theo kinh nghiệm của nhiều “bác tài”, mẹo ăn quả chua hoặc ớt, rửa mặt, ngâm chân trong nước lạnh, nhai kẹo cao su... cũng là những biện pháp đơn giản để chống buồn ngủ, dù rằng đó chỉ là những phương án tạm thời.
Khi nào nên nghỉ ngơi để “trốn” cơn buồn ngủ?
Khi bạn không thể nhớ được những km cuối cùng bạn vừa đi qua, đôi lúc lái lệch ra khỏi làn đường của mình. Khi bạn cảm thấy suy nghĩ không còn thật tập trung, ngáp liên tục hoặc suýt đâm vào cái gì đó… bạn nên dừng xe lại nghỉ ngơi và tuyệt đối không lái xe tiếp.
Thế Đạt (TTTĐ)
Ý kiến đánh giá