Chủ Nhật, 19/01/2025 | 07:14
22:28 |
Việt Nam cải tiến thành công xe bọc thép BTR-152
Gần đây, các kỹ sư quân đội của Việt Nam đã cải tiến thành công xe bọc thép bánh lốp BTR-152.
BTR-152 là một trong những loại xe bọc thép chở quân bánh lốp của lực lượng Tăng – Thiết giáp Quân đội Nhân dân Việt Nam. Việt Nam được Liên Xô (cũ) viện trợ số lượng lớn loại xe này trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Đặc điểm BTR-152
BTR-152 do Liên Xô thiết kế từ năm 1946 và bắt đầu sản xuất hàng loạt từ năm 1950-1962 với 15.000 chiếc được xuất xưởng, phục vụ tại 25 quốc gia trên thế giới tính tới thời điểm này.
BTR-152 thiết kế dựa trên khung gầm cơ sở xe vận tải ZiS-151, động cơ được lắp ở phía trước, cabin được đặt ngay sau đó và khoang chở quân nằm ở phía sau. Một vài biến thể sau này dùng khung gầm ZiL-157.
Xe bọc thép bánh lốp BTR-152.
Cấu trúc thân xe là kiểu hàn thép, vỏ giáp có độ dày từ 15-9mm, phần mỏng nhất nằm ở sàn xe, 4mm. Cabin có hai cửa, kính chắn gió được bảo vệ bởi 2 tấm sắt có khe nhìn, có thanh đóng mở riêng.
Khoang chở quân phía sau có khả năng chở 1,9 tấn hàng hoặc 18 lính. Lính trong xe có thể chiến đấu bằng súng cá nhân qua các lỗ châu mai ở hai bên thân xe. Họ vào/ra xe qua bằng cách leo qua nóc do xe không có mui.
Đây cũng chính là điểm yếu nguy hiểm của BTR-152, khi tác chiến trong khu vực đô thị, đối phương có thể phục kích trên nhà cao tầng nã đạn xuống, hoặc ném lựu đạn vào bên trong gây thương vong cho binh lính.
Xe cũng được trang bị vũ khí với một súng máy phòng không 12,7mm và một súng máy 7,62mm.
BTR-152 lắp động cơ xăng làm mát bằng nước ZIS-123 11,1 mã lực cho phép đạt tốc độ 75km/h (dung tích bình xăng 300 lít). Để bảo vệ động cơ, ở mũi xe có các cửa mảnh chống đạn. Xe không có bộ phận giảm xóc nên gây ra sự mệt mỏi cho kíp xe và binh lính khi di chuyển trên đường, đặc biệt địa hình vùng núi.
Hiện đại hóa BTR-152
Do trải qua hàng chục năm sử dụng, BTR-152 phục vụ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam đã xuống cấp, độ tin cậy giảm, hệ số kỹ thuật thấp.
Khi vận hành, động cơ xăng BTR-152 tiêu hao lượng nhiên liệu lớn, hệ thống lái không có trợ lực nên lái xe khó điều khiển. Khả năng bảo vệ kíp xe và bộ binh trong xe hạn chế vì không có mui thép. Thậm chí, xe không có thiết bị đèn báo xin đường, gương chiếu hậu nên khó di chuyển trên đường bộ.
Theo báo Quân đội Nhân dân, gần đây, Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự (Tổng cục Kỹ thuật) đã hoàn thành công trình “Nghiên cứu nâng cao khả năng cơ động của xe thiết giáp chở quân BTR-152”.
BTR-152 sau cải tiến của Việt Nam. Nguồn: báo Quân đội Nhân dân
Các kỹ sư quân đội ta đã thay thế động cơ ZiS-123 và hộp số cũ bằng động cơ diesel và hộp số mới. Cải tiến hệ thống lái cơ khí không trợ lực thành hệ thống lái có trợ lực thủy lực, nâng cấp hệ thống treo, hệ thống khí nén, hệ thống điện giúp tăng cường khả năng chịu tải, tính ổn định khi vận hành của xe.
Ngoài ra, BTR-152 còn lắp thêm mui thép, cần gạt mưa, thiết bị đèn chiếu sáng, kính chiếu hậu để xe có thể thuận lợi hơn trong di chuyển trên khu vực đường giao thông.
Sau quá trình cải tiến và vận hành thử nghiệm, BTR-152 được đánh giá có nhiều tính năng ưu việt hơn so với trước khi cải tiến.
Ví dụ, công suất cao hơn 9,1%, tốc độ cao hơn 5,6%, chạy ổn định, tin cậy…Đặc biệt, lượng tiêu thụ nhiên liệu giảm hẳn (trước đây cần tới 60-70 lít xăng/100km thì nay còn 30 lít dầu diesel/100km) do đó tiết kiệm đáng kể cho nhà nước.
Hồng Hà (TTTĐ)
Ý kiến đánh giá (1)