09:26  | 

Kế sách trị "nạn" loạn giá xe máy

Honda SH vừa ra được dăm ngày, đã nghe nói đến loạn giá, tăng giá. Đại lý lại lập hội giở trò. Cơ quan quản lý vẫn thế - thờ ơ. Người tiêu dùng, một lần nữa, cũng chỉ biết kêu. Đừng kêu nữa! Hãy hành động!

Đã đến lúc cần phải hành động

Người tiêu dùng Việt Nam chẳng còn lạ quái gì cái chuyện tăng với loạn giá xe máy. Xe nào mới ra của Honda, Yamaha, “hot” một tí là y như rằng bị đẩy giá lên cao hơn so với mức giá công bố từ 3 đến 5, thậm chí là cả chục triệu đồng.

Người ta đã phát chán khi cứ đọc đi, đọc lại mấy cái tin, nào là AirBlade, Lead, PCX của Honda, nào là Exciter của Yamaha bị làm giá. Người ta đã quá quen với việc “đặt gạch” để mua xe, quen với việc bỗng dưng bỏ thêm hàng chục triệu chỉ để mua được mẫu xe mới. Quen quá, quen đến nỗi người ta cho đó là chuyện bình thường. Kêu thì cứ kêu, nhưng chấp nhận mua thì vẫn chấp nhận.

Điệp khúc xe máy tăng giá đã quá quen thuộc.

Chuyện các đại lý lấy lí do khan hàng để nâng giá, ai cũng biết. Chuyện Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chẳng có mấy vai trò trong chuyện này, ai cũng hay. Biết đấy, hay đấy, nhưng sao lại không tự bảo vệ mình, sao lại để tình trạng tăng giá, loạn giá xe tồn tại ngần ấy lần, chừng ấy thời gian!?

Xét đi, xét lại hóa ra người tiêu dùng cũng có lỗi. Tình trạng các Hãng xe tung ra xe mới rồi làm giá, các đại lý xe lợi dụng cơ hội mà tăng giá, rồi cứ được đà thế mà 5 lần 7 lượt làm tới âu cũng có nguyên nhân xuất phát từ người tiêu dùng. Cái kiểu của ta là cứ “mạnh tiền ai người đấy tiêu”, cùng đổ xô vào mua 1 mẫu xe theo “mốt”, đâm ra cũng góp phần gây loạn giá. Cái kiểu của ta là tâm lý nóng vội có xe ngay, sự thỏa hiệp trước sự nâng giá vô tội vạ của người bán xe khiến giá xe vẫn loạn.

Giá xe máy ở Việt Nam đã nhiều lần bị các đại lý nâng lên cao.

Đôi khi, việc đó còn nằm ở bệnh thích sĩ diện của người Việt, ta có nhiều tiền nên tội gì ta không mua ngay mẫu xe mới ra cho oai, đắt thêm chục triệu cũng mua. Nhưng vài hôm sau hết loạn, thì cả chục triệu đổi lấy cái oai này có đáng không, hay còn bị người khác còn chê thế là kém!?

“Ta kêu nhưng ta vẫn mua, ta mua xong ta lại kêu” nó là ở chỗ đó. Chung quy lại là phải có cách. Mà cái cách này thì không thể nghĩ và làm một mình. Có vài ba kế sách để trị “nạn” loạn giá. Nhưng cách nào đi chăng nữa thì cũng cần sự đồng lòng, chia sẻ, cần sự liên kết.

“Không mua xe ngay thì cũng không chết được”

Đó là ý kiến của nhiều người tiêu dùng trước việc loạn giá xe. Chiếc xe là rất cần thiết, mẫu xe mới thì ai cũng muốn sở hữu ngay, nhưng nếu tất cả cùng có thêm một chút bình tĩnh, nếu tất cả cùng không vội rút tiền mà cân nhắc thêm, thậm chí kiêm quyết nói không với việc bỏ thêm cả chục triệu để mua 1 chiếc xe, lúc ấy ai đó có muốn làm cho giá loạn cũng không thể loạn được.

Loạn giá xe một phần do tâm lý nóng vội của người mua, chỉ cần một phần ba số khách hàng không nóng vội nữa, cái sự loạn giá chắc chắn sẽ giảm rất nhanh. Thậm chí, chúng ta có thể tẩy chay một sản phẩm bị làm giá để để không phải chịu cảnh bị ép giá như thế này mãi được. Bài học từ Apple là một ví dụ, đầu tháng 7 vừa qua, khi hãng này ra quyết định rút toàn bộ các sản phẩm của mình ra khỏi tiêu chuẩn “thân thiện với môi trường” thì lập tức vấp ngay phải hành động tẩy chay từ phía các cơ quan chính phủ Mỹ và khách hàng. Ngay sau đó, Apple đã phải rút ngay lại quyết định trên.

Tận dụng sức mạnh của việc chia sẻ thông tin

Chúng ta hãy tận dụng sức mạnh của các diễn đàn, các mạng xã hội và chia sẻ trên internet. Đây là vũ khí lợi hại để “chống” loạn giá. Hãy nói, hãy thuyết phục để người khác cũng nghĩ và làm như mình.

Exciter là mẫu xe đã từng bị tăng giá mạnh.

Lấy ví dụ, khi chiếc xe Exciter 2011 ra mắt vào năm ngoái. Chiếc xe đã bị các đại lý của Yamaha nâng giá lên tới mười mấy triệu đồng tại thị trường ở Tp.HCM. Admin của diễn đàn có tiếng về xe máy đã mở một topic khá “hot” yêu cầu tẩy chay các đại lý của Yamaha. “Lời kêu gọi” này được các thành viên của diễn đàn trên ủng hộ nhiệt tình. Một người dừng lại không mua, rồi hàng trăm người dừng lại không mua, thử hỏi đại lý còn có khách để mà “loạn”, mà nâng nữa không.

Cùng lên tiếng phản hồi

Một vài người tiêu dùng như chúng ta kêu, tiếng kêu đó nhỏ lẻ, hẳn là sẽ chẳng ai thấu, hoặc cố tình không thấu. Nhưng nếu người nào cũng kêu, kêu đồng thanh thì mọi chuyện sẽ khác.

Hãy cùng phản hồi mạnh mẽ trên báo chí. Báo chí có sức lan tỏa lớn, tiếng nói của người tiêu dùng cũng vang xa hơn. Từng người lần lượt gọi điện đến đường dây nóng của Hãng có xe loạn giá ngoài thị trường phản ánh về tình trạng đại lý tăng giá xe. Bộ phận chịu trách nhiệm của Hãng nghe kêu nhiều thì cũng không thể làm ngơ. Nên nhớ, chúng ta không vi phạm điều gì, chúng ta chỉ đang muốn cất tiếng bảo vệ quyền lợi của chính mình. Cùng ký tên và gửi ý kiến lên Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng. Họ làm ngơ, họ đứng ngoài cuộc vì chưa có một nhóm, một hội, một tập thể nào trực tiếp kiến nghị gửi đích danh đến họ.

Hãy tự bảo vệ mình

Khi chưa có một biện pháp nào từ cơ quan quản lý, từ nhà sản xuất, khi người bán đặt lợi nhuận lên cao hơn đạo đức bán hàng, thì tại sao chính chúng ta, những người tiêu dùng lại không tự bảo vệ mình trước.

Giá xe sẽ không loạn nếu người tiêu dùng biết liên kết để tự bảo vệ chính mình.

Việc sốt xe, loạn giá bao giờ cũng chỉ mang tính thời điểm. Nếu bình tĩnh chờ thời điểm đó đi qua, chắc chắn chúng ta sẽ mua được xe đúng giá, không phải chịu cảnh giá xe loạn đến mức “cắt cổ”.

Nói theo một cách khác, không hề quá, việc loạn giá xe, việc giá xe bị đẩy lên thêm cả chục triệu, những người mua hàng đang bị lừa, bị lợi dụng bởi tâm lý nóng vội. Thời bão giá, khó khăn, hãy trân trọng hơn những đồng tiền trong túi của mình. Khi chúng ta đều là những người tiêu dùng thông thái, chẳng ai có thể lừa được chúng ta và chẳng có cái gì có thể loạn giá được, chắc chắn là như vậy.

Kiến Gió (TTTĐ)

Ý kiến đánh giá (29)


Có thể bạn quan tâm