Thứ Bảy, 18/01/2025 | 19:26
00:07 |
Chiến lược mới của Ford ở Trung Quốc
Tuần trước tại Thượng Hải, Chủ tịch Ford khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Châu Phi, ngài Joe Hinrichs cho biết: "Nếu bạn muốn trở thành người dẫn đầu thị trường, bạn sẽ phải chiếm lĩnh các phân khúc giá thấp bởi vì đó chính là chìa khóa cho sự tăng trưởng."
"Ở Trung Quốc, chiến lược của chúng tôi trước đây là chỉ tập trung vào một số dòng sản phẩm. Cần điều chỉnh lại chiến lược này."
Thực trạng hiện nay là các sản phẩm cung cấp cho thị trường Trung Quốc có giá chưa thật mềm và chưa đa dạng.
Rẻ nhất trong số 5 mẫu xe của Ford, chiếc Fiesta đắt gần gấp rưỡi so với chiếc Chevrolet Sail của GM.
Trong khi đó, hãng xe lớn nhất châu Âu Volkswagen cung cấp nhiều sản phẩm từ chiếc Jetta giá 75.800 tệ (tương đương 12.000 đôla) tới chiếc Audi R8 giá 2,32 triệu tệ.
Chiếm lĩnh được thị trường Trung Quốc sẽ giúp Ford giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ, nơi doanh số đã bất ngờ sụt giảm vào tháng trước, và thị trường châu Âu, nơi Ford thua lỗ tới 1 tỷ đôla trong năm nay.
Để đối phó với chiến lược phát triển của GM và VW, CEO Alan Mulally của Ford tuyên bố sẽ chi 4,9 tỷ đôla để xây dựng các nhà máy mới và ra mắt các mẫu xe mới, nhằm mục tiêu đến năm 2020 sẽ nâng lượng xe tiêu thụ tại thị trường này lên gấp 5 lần, chiếm 1/3 tổng doanh số toàn cầu.
Thay đổi chiến lược
Giới thiệu các mẫu xe giá rẻ ở Trung Quốc và Châu Á đánh dấu một bước ngoặt trong chiến lược của Ford.
Năm 2010, công ty đã ra mắt chiếc hatchback Figo tại Ấn Độ, động thái này đã giúp doanh số của năm đó tăng gần 3 lần.
Còn ở Trung Quốc, những thành phố chưa phát triển chính là thị trường màu mỡ để tiêu thụ sản phẩm trong tương lai.
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc thì tổng lượng xe bán ra trong năm nay, bao gồm cả xe tải và xe buýt, dự kiến tăng từ 5% đến 8% lên 20 triệu chiếc, ngay cả với bối cảnh tốc độ phát triển kinh tế là chậm nhất trong vài năm trở lại đây.
Dù không còn tăng trưởng mạnh mẽ như mức 46% năm 2009 và mức 32% năm 2010, thì Trung Quốc vẫn là một thị trường đầy hấp dẫn và giàu tiềm năng. Cùng với sự sụt giảm lượng cầu tại thị trường châu âu, xu thế này sẽ không thay đổi trong nhiều năm tới.
Khởi sự muộn mằn
Theo Klaus Paur, trưởng bộ phận ôtô của công ty nghiên cứu thị trường Ipsos thì những động thái mới nhất của Ford nhằm phát triển thị trường Trung Quốc có vẻ như đã hơi muộn so với GM và VW.
Khi Ford gia nhập thị trường Trung Quốc năm 2002 cũng là lúc hãng bắt đầu thua lỗ ở Mỹ và cần một kế hoạch tái cơ cấu.
GM đã đặt chân vào Trung Quốc trước Ford gần một thập kỷ, sau khi có được mối quan hệ đối tác quan trọng với Tập đoàn công nghiệp ôtô Thượng Hải vào năm 1995. Volkswagen thì từ năm 1985 đã lắp ráp những chiếc xe đầu tiên tại đây.
Kẻ đi đầu bao giờ cũng giành được lợi thế.
VW chiếm 5 trong số 10 mẫu xe bán chạy nhất của năm, còn GM chiếm 3 mẫu, trong đó bán chạy nhất là chiếc Buick Excelle và thứ nhì là chiếc Sail Chevy.
Mẫu Ford Focus xếp hạng 8 về lượng đơn hàng và đẩy Hyundai Verna ra khỏi danh sách.
Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường LMC Automotive thì Ford chỉ chiếm 2,4% tổng thị phần ôtô hạng nhẹ, so với mức 19% của VW và 10% của GM.
Kém năng động
Klaus Paur cho rằng: "Đây là bài học cho Ford. Họ đã chậm chạp và kém nhạy bén với thị trường hơn so với những đối thủ cạnh tranh."
Để khắc phục thiếu sót này, hiện Ford đang xây dựng một khu công nghiệp trị giá 760 triệu đôla tại Hàng Châu, được nối với Thượng Hải bằng tàu cao tốc. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào năm 2015.
Nhà máy này sẽ làm sản lượng xe tăng gấp đôi lên 1,2 triệu chiếc mỗi năm.
Vấn đề mở rộng sản xuất tại Trung Quốc là rất quan trọng vì ôtô lắp ráp nội địa được miễn thuế nhập khẩu (có thể chiếm tới 25% giá thành).
Ford sẽ giới thiệu thêm 3 chiếc SUV cho thị trường Trung Quốc để phục vụ những đối tượng khách hàng cao cấp hơn.
SUV chính là phân khúc xe tăng trưởng nóng nhất ở Trung Quốc, với doanh số bán hàng trong nửa đầu năm tăng 32% so với mức 7,1% của toàn thị trường.
Nhu cầu về dòng xe SUV
Chiếc SUV Explorer sẽ được nhập khẩu và sẵn sàng bán ra trong năm tới. Đồng thời, hãng cũng lắp ráp Kuga (còn được biết đến với tên Escape) và Eco Sport tại một nhà máy ở Trùng Khánh.
Ford chưa có kế hoạch đưa nhãn hiệu cao cấp Lincoln đến Trung Quốc, nơi mà nó sẽ phải cạnh tranh với Audi, BMW và Mercedes-Benz.
Hiện những mẫu xe Ford đang được bán ở Trung Quốc là Mondeo, Fiesta, Focus, S-Max và Edge.
Theo Jochen Siebert, Giám đốc một công ty tư vấn ôtô có trụ sở tại Thượng Hải thì Ford đang có cơ hội tốt để bắt kịp các đối thủ vì phần lớn đối tượng khách hàng là những người mua xe lần đầu tiên, nên họ sẽ không trung thành với thương hiệu nào cả.
Siebert cũng dự đoán doanh số của Ford sẽ tăng gấp 3 lần lên 1,1 triệu chiếc vào năm 2018. "Ford đang đi đúng hướng, nhắm đúng phân khúc và thực hiện đúng kế hoạch. Những sản phẩm mới sẽ khiến mọi người có cái nhìn khác về họ."
Hinrichs chính là ứng của viên thay thế Alan Mulally cho vị trí CEO của Ford, đã thừa nhận rằng kế hoạch mở rộng thị phần này sẽ phải mất vài năm mới đạt kết quả.
Nên nhớ rằng Trung Quốc là một trong những thị trường cạnh tranh khốc liệt nhất.
"Chúng tôi không còn đường rút nữa rồi. Khi nhìn ra ngoài, tôi thấy những thương hiệu ôtô rất lạ, tôi hỏi lái xe nhưng đôi khi chính anh ta còn chẳng biết." - Hindrichs tâm sự.
Ngọc Tuấn (TTTĐ)
Ý kiến đánh giá