00:46  | 

Công nghệ tiên tiến khiến lái xe trở nên lười hơn?

Một kỹ sư của GM, người phát triển và thử nghiệm các hệ thống hỗ trợ lái cho biết rằng những công nghệ này sẽ song hành chứ không thay thế sự chú ý của lái xe.

Các hệ thống an toàn tiên tiến như phát hiện điểm mù và cảnh báo chệch làn đường có thể cảnh báo cho lái xe những mối nguy hiểm tiềm tàng đang ngày càng trở nên phổ biến. Bước tiếp theo trong chương trình phát triển của công nghệ “trợ giúp người lái” là các hệ thống như ngăn cản chệch làn đường và cảnh báo va chạm phía trước với phanh tự động được điều khiển từ chỗ lái xe, trong những tình huống nhất định để ngăn ngừa tai nạn.

Công nghệ cảnh báo chệch làn đường

Hiện tại, những hệ thống này vẫn chủ yếu được ứng dụng trên những chiếc xe cao cấp, các nhà sản xuất đã bắt đầu nghĩ đến việc cung cấp cho một số dòng xe rẻ tiền hơn. Việc này thậm chí sẽ còn được mở rộng nhanh hơn nếu chính phủ tham gia và ủy quyền cho nhà sản xuất trong một nỗ lực làm giảm tử vong và tai nạn giao thông. Châu Âu là châu lục đi tiên phong trong vấn đề giải quyết an toàn giao thông

Các quy định được thông qua ở châu Âu gần đây yêu cầu tất cả những chiếc xe mới được tung ra thị trường từ năm 2014 phải được trang bị phanh khẩn cấp tự động có thể kiểm soát việc dừng xe khi xảy ra tai nạn nếu lái xe không thể dừng được. Chương trình đánh giá xe ôtô mới châu Âu, một tổ chức tương tự như cơ quản quản lý an toàn giao thông đường bộ quốc gia Mỹ NHTSA sẽ có nhiệm vụ đánh giá tất cả những chiếc xe mới. Những mô hình không đủ tiêu chuẩn công nghệ sẽ không thể giành được điểm số 5 sao.

Trong khi vẫn chưa xuất hiện những tranh cãi về việc công nghệ trợ giúp người lái có thể giúp ngăn ngừa tai nạn và bảo toàn sự sống hay không thì một số cá nhân lại cho rằng mạng lưới an toàn trên ôtô khiến cho các lái xe lười biếng hơn và ít có khả năng cũng như động lực để học được những kĩ năng lái xe hoàn hảo. Lập luận được đưa ra là: Nếu các lái xe biết rằng họ sở hữu một hệ thống như phát hiện điểm mù, họ sẽ không bận tâm chú ý kiểm tra gương chiếu hoặc quan sát hai bên trước khi thay đổi làn đường.

Tuy nhiên, một kỹ sư, người đã phát triển và thử nghiệm những hệ thống an toàn lên tiếng phản đối mạnh mẽ rằng các hệ thống này có nhiệm vụ làm tăng thêm chứ không phải là thay thế sự chú ý của lái xe, do đó, chúng vẫn là những nhân tố quan trọng nhất để phòng ngừa tai nạn.

Jim Nickolaou, kỹ sư làm việc cho General Motors, đã thử nghiệm các hệ thống hỗ trợ người lái tiên tiến trên chiếc xe mới Cadillac XTS và chiếc xe sắp ra mắt ATS bao gồm hệ thống chuẩn bị va chạm tự động, hệ thống phanh tự động trước và sau được sử dụng trong ghế cảnh báo an toàn của Cadillac để chuyển các dấu hiệu khả nghi đến người lái thông qua một xung dao động của đệm ghế. Trước đây, trong sự nghiệp của mình Nickolaou đã từng phát triển và kiểm tra radar cùng các hệ thống khác cho máy bay chiến đấu F-14, F15. Ông cũng đã làm việc trong đội ngũ GM xây dựng các phương tiện tự động cho cuộc thi sáng tạo Grand Challenge DARPA liên kết với đại học Carnegie Mellon đồng tổ chức.

“Công việc của tôi là mang tất cả các công nghệ này vào những chiếc xe ôtô”, Nickolaou cho biết. “Nhưng niềm đam mê của tôi là làm giảm số vụ tai nạn. Tôi đang cố gắng để mang công nghệ, kiến thức đã đạt được những năm qua và ứng dụng chúng trên dòng Cadillac bằng việc xây dựng các hệ thống an toàn”.

“Không thể có một chiếc xe an toàn tuyệt đối”, ông cho biết thêm. “Nhưng các hệ thông hỗ trợ lái nâng cao như kiểm soát hành trình thích ứng phạm vi rộng, cảnh báo làn đường, giảm nhẹ va chạm sẽ sẵn sàng giúp đỡ lái xe. Và với một số công nghệ tương lai mà chúng tôi đang hướng tới, chúng tôi sẽ cung cấp một môi trường an toàn hơn cho các lái xe”.

Tuy nhiên Nickolaou cũng nhấn mạnh rằng sự can thiệp của con người mới là chìa khóa. “Chúng tôi không bao giờ muốn lái xe thiếu các trải nghiệm trên đường” Ông nói. “Các lái xe không thể hoàn toàn phụ thuộc vào các thiết bị điện tử”. Các hệ thống an toàn sẽ còn phải mang trên vai trách nhiệm bảo vệ con người nặng nề hơn trong tương lai không xa.

Cadillac đã công bố một công nghệ lái xe bán tự động được gọi tên Siêu hành trình, có khả năng lái tự động hoàn toàn, phanh và tập trung vào làn đường dưới những điều kiện lái nhất định. Hãng này có thể sẵn sàng sản xuất những chiếc xe như vậy vào giữa thập kỷ này. “Tôi thường lái xe tới lui đến Carnegie Mellon và đó là một quãng đường nhàm chán”. Nickolaou cho biết. “Nhưng những chiếc xe bán tự động sẽ không bao giờ mang người lái ra khỏi chương trình lập sẵn”.

Công nghệ này sẽ khiến cho việc lái xe trở nên dễ chịu hơn trong một vài tình huống, chẳng hạn như một hành trình dài và buồn tẻ như Nickolaou miêu tả. Nó cũng sẽ giúp cứu mạng con người, xét cho cùng, các cảm biến và camera thì không cảm thấy chán ngắt và mất tập trung như con người.

Ngọc Điệp (TTTĐ)

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm