Thứ Năm, 14/11/2024 | 09:02
11:12 |
GĐ thiết kế Lamborghini: Bí quyết là sự khác biệt
Chính Filippo Perini cũng phải thừa nhận mình là một người may mắn. Nhậm chức Giám đốc trung tâm thiết kế Lamborghini Centro Stile từ năm 2006, ông đã phụ trách các dự án như Gallardo LP 570-4, Reventon, Aventador và gần đây nhất là bản concept Urus mới ra mắt tại triển lãm ôtô Bắc Kinh.
>> Bật mí công nghệ thiết kế Lamborghini Aventador
Kể từ khi Lamborghini Centro Stile được đưa vào hoạt động năm 2004, những thiết kế của hãng ngày càng mang tính nghệ thuật cao hơn và đã khiến Lamborghini trở thành thương hiệu siêu xe đầu bảng. Perini chính là người khơi nguồn cho những thiết kế đầy thẩm mỹ và phong cách đó.
Dưới đây là cuộc trò chuyện với Filippo Perini:
Phóng viên (PV): Từ khi nào ông quyết định sẽ trở thành một nhà thiết kế ôtô?
Filippo Perini - Giám đốc thiết kế của Lamborghini
Filippo Perini (FP): Khi còn bé tôi đã được xem những bản vẽ phác thảo ôtô trên tạp chí. Giờ tôi vẫn còn giữ vài cuốn đây. Trong số chúng có vài mẫu Lamborghini. Kể từ đó, tôi đã mơ ước được trở thành một nhà thiết kế, nhưng mẹ tôi lại muốn tôi thành kỹ sư. Vì vậy, tôi theo học tại Politecnico di Milano, nhưng thực ra thiết kế mới là niềm đam mê của tôi.
PV: Xin ông cho biết về công việc khởi nghiệp của mình?
FP: Tôi đã thuyết phục được thầy giáo hướng dẫn tại Politecnico di Milano cho tôi làm đồ án tốt nghiệp về thiết kế nội thất. Sau đó, ngài Walter de'Silva đã nhận tôi vào làm và bảo rằng: "Đây chính là tương lai của cậu. Nên đồ án của tôi được làm tại Alfa Romeo Centro Stile và tôi cũng tham gia nhiều dự án khác nữa.
PV: Ông đã thu được những gì từ kinh nghiệm đó?
FP: Nó liên quan tới công việc hiện tại của tôi. Hiện chúng tôi có hai nhân viên thực tập - lúc này họ làm những phần việc bình thường, lúc khác đầu óc họ lại bận bịu với những ý tưởng viển vông. Điều quan trọng là thực sự hiểu được vai trò của mình trong công ty. Vì vậy, thời gian thực tập tối thiểu là 6 tháng và tới khi họ làm được việc, chúng tôi mới chính thức nhận họ. Tôi rất coi trọng việc tuyển dụng nhân sự. Chúng tôi còn hợp tác với các trường đại học để tuyển được nhiều nhân tài hơn.
PV: Xin ông chia sẻ những dấu ấn trong sự nghiệp của mình?
FP: Tôi đã làm việc cho Alfa Romeo và Audi, nhưng Lamborghini mới là bước ngoặt quan trọng nhất. Mỗi dự án đều thú vị và có nhiều thứ để quan tâm. Công việc thì khó khăn hơn vì phải thỏa mãn những tiêu chuẩn và yêu cầu chất lượng cao hơn. Và bạn thấy đấy, mỗi dự án chính là một bước đệm. Chúng tôi đang trên con đường chinh phục sự hoàn mỹ. Tôi tự hào về điều đó.
Kể từ lúc khởi nghiệp, tôi đã rất may mắn khi được tham gia vào nhiều dự án hấp dẫn. Tôi học vẽ phác thảo trên mẫu xe concept Nuvola và bản thiết kế của tôi đã được Wolfgang Egger, người sau này phụ trách dự án, giới thiệu cho mọi người. Tôi còn làm việc với Wolfgang Egger trong dự án Competizione 8C và chúng tôi đã hợp tác rất thành công với Aventador. Ông cũng chính là người dẫn dắt tôi khi làm việc ở studio Munich của Audi. Tôi tự hào vì đã được cộng tác với nhiều người trong nhiều công ty khác nhau để cùng đạt tới mục tiêu.
PV: Có phải ông đã ngừng việc sử dụng những mô hình bằng đất sét?
FP: Trong thiết kế sản phẩm, công nghệ xe đua hay công nghệ tàu vũ trụ, chẳng còn ai sử dụng mô hình bằng đất sét nữa cả. Bởi hiện nay thiết kế trên máy tính có thể dễ dàng được hiện thực hóa.
Ngày trước để chỉnh sửa các mô hình cần tốn khá nhiều thời gian, có khi tới nhiều giờ đồng hồ. Bây giờ chỉ cần vài giây là bạn đã thực hiện được điều đó. Chúng tôi có thể thay đổi một chiếc xe chỉ trong vài phút và gửi bản thiết kế tới bất kỳ nơi nào trên thế giới. Đây là thời đại công nghệ.
PV: Xin hỏi bản chất ngôn ngữ thiết kế của Lamborghini là gì?
FP: Trở nên khác biệt, đó chính là bí quyết. Trước đây khi làm việc với Luc Donkerwolke, chúng tôi đã bàn luận về vấn đề này. Cần luôn luôn đổi mới. Chúng tôi phải thiết kế nhiều bản xe concept để tìm ra những ý tưởng mới vì từ trước tới giờ hãng luôn đưa ra các sản phẩm khác nhau - từ 400GT đến Miura, sau đó là Countach và tiếp nữa là LM off-road. Công ty còn làm cả thuyền máy, và nếu tôi nhớ không nhầm thì Ferruccio đã chi khá nhiều tiền để sản xuất máy bay trực thăng. Đó chính là lý do khiến chúng tôi không được phép tự lặp lại.
PV: Được biết ông thiết kế tất cả các mẫu xe trên máy tính mà không hề sử dụng mô hình đất sét. Đó là hướng đi khá độc đáo so với những đối thủ cạnh tranh.
FP: Đúng thế. Đôi khi tôi cũng gặp chút chút khó khăn khi thiết kế theo kiểu đó. Nghĩa là bạn cần biết chính xác những gì bạn đang làm và có ý đồ rõ ràng. Hơi khó khăn một chút. Vì thường các nhà thiết kế không có ý tưởng khởi đầu rõ ràng.
Lamborghini Urus tại triển lãm Bắc Kinh 2012
Khi làm việc với đồng sự trên mô hình tỷ lệ 1:4 hay bản chuẩn kích thước thì bạn chỉ cần theo dõi các công đoạn rồi sửa đổi các chi tiết. Nhưng khi tự thiết kế từ đầu, bạn phải thực sự nắm bắt được cả thiết kế tổng thể.
Tôi tin rằng đó chính là công việc của một nhà thiết kế đúng nghĩa. Ta không thể chỉ làm những phần việc nhất định. Sẽ không ổn chút nào nếu đi theo hướng đó. Bạn phải biết làm thế nào để thiết kế ra một cỗ xe hoàn chỉnh chứ không phải chỉ là các bộ phận riêng lẻ.
PV: Vậy nên đội ngũ của công ty thiết kế cả ngoại thất lẫn nội thất?
FP: Đúng thế. Tôi có một nhân viên thiết kế phần trong của đèn pha trước, ngoài ra còn chịu trách nhiệm cả phần ngoại thất. Một người khác thì vừa trang trí bên ngoài vừa thiết kế nội thất. Chúng phụ thuộc vào nhu cầu và ưu tiên trong quá trình làm dự án.
Khi rời tập đoàn Fiat, tôi đã bị sốc. Tôi dành gần một năm trời ở Audi để làm việc với các kế hoạch mới và tôi đã nhận ra cách thức để một nhà thiết kế được đánh giá cao là rất quan trọng. Nó khác nhiều so với trước đây. Tôi luôn luôn nỗ lực để được tín nhiệm. Tại Lamborghini, mỗi nhà thiết kế đều có chuyên môn tốt. Đó là thuận lợi lớn khi họ hợp tác cùng nhau. Tôi tin rằng tất cả các nhân viên của tôi sẽ đều trở thành thiết kế trưởng.
PV: Làm thế nào mà ông cộng tác được với những studio khác của tập đoàn Volkswagen?
FP: Khi có một dự án mới, họ sẽ bắt đầu với chung một kiểu đề án và các công đoạn, kế hoạch. Điển hình như dự án Aventador với sự tham gia của các studio Seat Design, Munich và Potsdam. Phần nội thất chủ yếu được thực hiện bởi studio Potsdam, họ đã hợp tác rất tốt cùng chúng tôi.
Đây chính là sự cạnh tranh tích cực khi làm việc trong một tổ chức lớn. Luôn hướng về phía trước, đó là điều tốt. Nhưng mặt xấu là bạn sẽ phải làm việc quên ăn quên ngủ.
PV: Thách thức lớn nhất trên cương vị hiện tại của ông là gì?
FP: Thách thức lớn nhất hiện nay của tôi là làm thế nào duy trì được bản sắc truyền thống của công ty. Đó còn là một lời cam kết. Khi nhìn vào quá khứ, bạn sẽ thấy những mẫu xe đã đi vào lịch sử. Chẳng ai là không biết tới Muira, Diablo, Countach, Murcielago hay Aventador. Để gìn giữ được hình ảnh này không phải việc dễ dàng. Tôi chưa bao giờ cảm thấy tự hài lòng cả. Đôi lúc tôi thúc ép mọi người quá mức, ngay cả khi tôi biết rằng đã muộn để cố gắng làm gì đó tốt hơn.
Với tiêu chuẩn hiện nay, để tạo ra sự khác biệt cho một cỗ xe khó hơn nhiều so với hồi thập niên 60. Chúng tôi phải đối mặt với nhiều thách thức hơn. Đôi khi chúng tôi phải thay đổi thiết kế để phù hợp với tiêu chuẩn của thị trường Trung Quốc hay Canada. Điều này đã khiến chúng tôi đưa ra các giải pháp khác nhau cho thiết kế đầu xe và bánh xe. Ngay cả với mỗi chi tiết nhỏ, chúng tôi cũng suy đi tính lại từng chút một.
PV: Đâu là cội nguồn cảm hứng để ông sáng tạo?
FP: Tôi cho rằng việc tìm nguồn cảm hứng bên ngoài công ty là rất quan trọng. Chúng tôi được làm việc ở những địa điểm rất đẹp như Barcelona và Munich, vì vậy tôi thu xếp một khoảng thời gian trước mỗi buổi giới thiệu xe để tham quan bảo tàng hoặc đi mua sắm nhằm xả stress. Tôi luôn cố gắng để duy trì hoạt động này.
Những người thiết kế ôtô không phải là nhà tạo mốt thời trang, công việc này đòi hỏi một quá trình lâu dài. Tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu tham khảo những bộ quần áo và phụ kiện thể thao như giày trượt tuyết hay vợt tennis - các sản phẩm thay đổi mẫu mã theo từng năm.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!
Thông tin thêm về Filippo Perini: Sinh tại Piacenza, Ý Vị trí công tác 2006-2012: Giám đốc Thiết kế, Lamborghini 2004-2006: Trưởng bộ phận Thiết kế ngoại thất, Lamborghini 2003-2004: Thiết kế ngoại thất, Audi 2001-2003: Trưởng bộ phận Thiết kế ngoại thất, Alfa Romeo 1995-2001: Thiết kế nội thất và ngoại thất, Alfa Romeo 1993-1995: Làm tự do Bằng cấp Kỹ sư cơ khí và tự động hóa ôtô, trường Politecnico di Milano Dự án từng tham gia Lamborghini Urus concept, Lamborghini Aventador, Lamborghini Miura concept, Alfa Romeo 159, Alfa Romeo 8C Competizione. |
Ngọc Tuấn (TTTĐ)
Ý kiến đánh giá