Thứ Bảy, 18/01/2025 | 18:04
15:42 |
Làm thế nào để lái xe an toàn trong mùa mưa?
Lái xe dưới điều kiện "Trời mưa bão" luôn gặp các mối nguy hiểm: Tầm nhìn giảm, đường trơn, phanh kém hiệu quả, mất lái, xe bị ngập nước và khó đoán trước được tình huống xảy ra. Để tránh được các nguy hiểm đó bạn cần phải hiểu được kinh nghiệm cơ bản và phải duy trì tình trạng xe luôn ở điều kiện hoạt động tốt.
A. Trường hợp khi đi dưới trời mưa:
Bạn nên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống gạt mưa, mức nước và phun nước rửa kính thường xuyên để đảm bảo được tầm quan sát tốt nhất. Bạn nên bật đèn pha và chạy với tốc độ chậm để đảm bảo an toàn.
B. Trường hợp xe gặp đường trơn trượt:
Bạn nên kiểm tra thường xuyên áp suất lốp và tình trạng lốp. Vì các gai trên bề mặt lốp được thiết kế để thoát nước và đảm bảo độ bám giữa lốp và mặt đường.
Khi lốp mòn hoặc áp suất lốp thấp sẽ làm tăng khả năng xuất hiện tượng Hydroplaning (lốp bị nâng khỏi mặt đường), dẫn đến xe bạn sẽ bị trượt và mất lái. Đó chính là nguyên nhân phổ biến của những tai nạn khi lái xe trên đường trơn trượt. Ngoài ra, chạy xe với tốc độ nhanh hoặc phanh gấp cũng gây nguy hiểm cho bạn.
Các giải pháp tránh nguy hiểm khi đi dưới trời mưa và trên đường trơn trượt:
- Bảo dưỡng hệ thống gạt mưa thường xuyên.
- Kiểm tra áp suất lốp (tham khảo tem áp suất lốp dán trên khung cửa để biết tiêu chuẩn áp suất lốp) và tình trạng lốp xe thường xuyên.
- Không đạp phanh gấp hay tăng ga mạnh.
- Chạy với tốc độ vừa phải và giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước.
- Từng bước hướng bánh lái theo chiều muốn đi.
- Bảo dưỡng xe đúng định kỳ
C. Trường hợp đường ngập lụt:
Lái xe trên đường ngập lụt gặp nhiều trở ngại lưu thông và gây hư hỏng các hệ thống của xe. Sau đây là các tác hại xe của bạn có thể gặp phải:
- Chập hệ thống điện: Nước mưa cũng là chất dẫn diện, chính vì vậy khi nước xâm nhập vào hệ thống điện (các môtơ, còi, cảm biến) và các hộp điều khiển điện tử, túi khí, ABS,…sẽ làm hư hỏng do chạm, chập và ôxi hoá các linh kiện điện tử.
- Hư hỏng hệ thống gầm: Nước sẽ làm rỉ sét, hư hỏng, giảm tính năng bôi trơn và đàn hồi của hệ thống.
- Giảm hiệu lực của ly hợp & phanh: Nước vào ly hợp & phanh sẽ làm giảm ma sát của các đĩa ma sát, má ly hợp… làm giảm tính năng hoạt động và an toàn của xe.
- Ướt nột thất: Nước mưa vào nội thất xe nếu để lâu sẽ gây nấm mốc và xuất hiện mùi hôi.
- Hỏng động cơ: Nước vào động cơ qua đường hút gió của động cơ. Khi động cơ vận hành bình thường, các piston di chuyển lên để nén hỗn hợp khí nạp với tốc độ rất lớn, do hỗn hợp khí nạp đã bị nước chiếm chỗ và vì nước không chịu nén nên chính lực ép này đã tạo phản lực làm hư hỏng động cơ.
Nhẹ: Cong tay biên, giảm công suất động cơ.
Nặng: Gãy tay biên, vỡ động cơ.
Các giải pháp phòng tránh nguy hiểm khi gặp mưa bão hoặc đường ngập nước:
- Đậu xe nơi cao ráo , nên chọn các tuyến đường ít ngập nước.
- Không nên đi qua đoạn đường ngập nước vì bạn khó biết mức nước sâu bao nhiêu. Bạn nên chọn các tuyến đường khác để đi hoặc đỗ xe vào lề đường chờ nước rút.
- Tuyệt đối không tăng ga mạnh để vượt qua vùng ngập nước, điều này sẽ biến xe bạn thành động cơ bơm nước công suất lớn làm động cơ hư hỏng trầm trọng.
- Nếu xe bị chết động cơ, bạn không nên cố gắng khởi động bằng cách đề hoặc đẩy bởi điều này sẽ khiến hỏng hóc càng nặng hơn. Giải pháp an toàn nhất là gọi xe cứu hộ giao thông để kéo xe bạn về xưởng gần nhất.
- Sau khi đi qua các vùng ngập nước bạn nên đem xe đến các xưởng sửa chữa gần nhất để kiểm tra lại các tính năng hoạt động & an toàn của xe.
Hoàng Tuấn (TTTĐ/Honda Việt Nam)
Ý kiến đánh giá