Thứ Sáu, 04/10/2024 | 02:16
10:45 |
Tham quan nhà máy lắp ráp xe thể thao chạy điện Tesla
Tesla Motors thường được nhắc đến như nhà sản xuất xe ô tô thể thao chạy hoàn toàn bằng điện đầu tiên trên thế giới.
Các nhà sản xuất ô tô đã có tên tuổi trên thị trường thường phải chi hơn 1 tỷ USD để xây một nhà máy sản xuất một mẫu xe đã có thiết kế. Khởi đầu một công ty ô tô hoàn toàn mới là việc cực kỳ khó khăn và tốn kém, nên cũng dễ hiểu khi nhiều người cười nhạo các công ty ô tô mới thành lập như Tesla.
Tesla được thành lập bởi tỷ phú Elon Musk - ông chủ của công ty thanh toán trực tuyến hàng đầu thế giới PayPal và công ty hàng không SpaceX vào năm 2003. Nhà máy của công ty ô tô chạy điện này nằm ở bờ đông của Vịnh San Francisco (Mỹ). Thay vì xây dựng một nhà máy hoàn toàn mới, Tesla mua lại nhà máy Nummi cũ, nơi từng sản xuất xe GM và Toyota từ năm 1984 cho đến khi bị đóng cửa vào năm 2010. Tesla chỉ phải trả 42 triệu USD để sở hữu nhà máy nằm trong khuôn viên rộng hơn 150 hécta và được xây dựng từ năm 1962.
Tesla hầu như không thay đổi thiết kế bên ngoài nhà máy rộng hơn 500.000m2, mà chỉ sửa chữa và thay biển hiệu. Công ty hiện chỉ xuất xưởng mỗi ngày một chiếc xe chạy điện Model S. Nhà máy vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện, ổn định sản xuất. Dự kiến đến cuối năm nay, nhà máy sẽ xuất xưởng 80 xe/ngày, với 1.200 - 1.500 công nhân làm việc 8 tiếng (1 ca). Tuy nhiên, so với một nhà máy bụi bặm cho ra đời tới 500.000 xe/năm thì nhà máy mới được sơn sửa lại của Tesla thực sự gây ấn tượng, với sàn nhà sạch bong và bố trí linh hoạt.
Hãy cùng dạo một vòng quanh nhà máy:
Tesla hiện mới chỉ sử dụng khoảng 1/4 diện tích nhà máy Nummi cũ. Phần mới được sửa chữa có thiết kế nhiều cửa số trên mái nên tận dụng được ánh sáng tự nhiên. Bên trong nhà máy cũng được sơn các màu sáng. Phần còn lại của nhà máy cũ được ngăn cách bởi các bức tường tạm.
Không có showroom chuyên nghiệp trong khuôn viên nhà máy. Thay vào đó, một chiếc xe chạy điện Model S được bày mẫu bên cạnh một bức ảnh lớn ở lối dẫn vào khu lắp ráp.
Tesla đã dỡ bỏ toàn bộ dây chuyền lắp ráp cũ của nhà máy Nummi và cho lắp đặt hệ thống robot mới có thể thực hiện nhiều chức năng khác nhau, như lắp ráp khung xe. Một số robot có thể làm nhiều nhiệm vụ, như hàn, tán đầu đinh, gắn keo, và laze.
Tesla tự sản xuất 95% linh kiện, phụ tùng nên có hệ thống máy móc đồ sộ và cực kỳ hiện đại. Các miếng pin cỡ AA được nhập khẩu dạng cell rời, sau đó được lắp thành từng bộ pin tại khu vực tầng 2 của nhà máy - mỗi bộ pin gồm hơn 7.000 cell.
Ông Gilbert Passin, phó chủ tịch phụ trách sản xuất của Tesla (người từng làm cho Toyota) đang giới thiệu khung cửa bằng nhôm trọng lượng nhẹ của xe Model S.
Khu vực sơn sử dụng các robot để trước tiên phun lớp lót màu, sau đó phủ một lớp trong suốt để bảo vệ và tạo bóng. Với các màu sơn cao cấp, Tesla ứng dụng quy trình sơn gồm 3 giai đoạn: lót màu, lớp trung gian, và lớp phủ trong suốt. Sau khi công đoạn sơn hoàn tất, công nhân sẽ kiếm tra chất lượng sơn trong buồng sáng.
Hệ thống Smart Carts, thay vì dây chuyền lắp ráp cố định, sẽ đưa thân xe Model S đi quanh nhà máy để hoàn thiện. Hệ thống này có thể nâng/hạ thân xe để các công nhân thao tác dễ dàng hơn.
Các dải từ gắn trên sàn sẽ chỉ dẫn cho hệ thống Smart Carts. Cơ chế này tạo sự linh hoạt cho Tesla khi cần thay đổi bố cục nhà xưởng cho phù hợp với việc lắp ráp các mẫu xe khác trong tương lai.
Các robot đang lắp ghế xe Model S.
Robot sử dụng các camera 3D độ phân giải cao để lấy cửa nóc, gắn kéo và lắp một cách chuẩn xác vào thân xe.
Dãy ống này đưa các chất lỏng vào xe ở cuối dây chuyền sản xuất, trước khi xe được chuyển sang khâu kiểm tra chất lượng cuối cùng trên đường chạy thử trong nhà.
Tỷ phú Elon Musk đích thân trao chìa khoá xe cho những khách hàng đầu tiên mua xe Model S.
Theo Dantri
Ý kiến đánh giá