23:06  | 

Trò chuyện với Chủ tịch Akio Toyoda

Chủ tịch của Toyota, Akio Toyoda là một tay đua cừ khôi và một tín đồ xe hơi đích thực.

Ông đã dành riêng cho Steve Cropley, Tổng biên tập của Autocar một cuộc trò chuyện.

Ông tới, rất tự nhiên, không ồn ào, với trang phục bình thường, quần sẫm màu, áo sơ mi hở cổ, áo khoác giản dị giống như mọi người ở Goodwood trong một buổi chiều thứ bảy đầy gió. Có một điều hết sức rõ ràng: Aikio Toyoda là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của một thương hiệu xe hơi lớn nhất thế giới nhưng ông không cần đến cái tôi quá lớn để khẳng định địa vị của mình. Ở Toyota có biết bao con người và Akio Toyoda đơn giản thấy vui khi là một trong số đó.

Đằng sau nụ cười luôn thường trực là một vị lãnh đạo với tinh thần thép.

Việc ông đến dường như là rất bình thường nhưng rõ ràng lại có người hồi hộp tính từng giây; đồng hồ của Steve chỉ đã quá 10 giây so với giờ hẹn là 2 giờ chiều. Một giờ trước đó, Toyoda còn đang theo đuổi niềm đam mê của mình, kiểm tra máy móc tại khu vực kỹ thuật chế tạo xe đua của Goodwood. Rõ ràng, sự trải nghiệm khiến ông phấn chấn, mặc dù đây không phải là lần đầu tiên. Toyoda đã từng tới Goodwood 3 hoặc 4 lần trước đây, rồi bí mật rời đi.

Sticker của Akio Toyoda khẳng định ông là một tín đồ xe hơi đích thực.

Chúng ta sẽ gặp mặt tại đâu? Không cần phải tìm kiếm, ngài Toyoda nói, ở ngay đây cũng được. Chúng tôi theo ông lên một cầu thang hẹp vào phòng làm việc của nhóm Gazoo Racing, chắc hẳn ông đã dành không ít thời gian tại nơi này.

Tình yêu đối với xe hơi nói chung và xe thể thao nói riêng là hoàn toàn thật; ông lái những chiếc Toyota mới tinh trong khi những đối thủ của ông còn đang không ngừng thực hiện những bài thử nghiệm, những cuộc đua thử tại Nhật và trong 5 năm qua, ông luôn đăng ký tham gia giải đua Nürburgring 24 Hours.

Dự án Gazoo Racing do ông phụ trách, thành lập nhằm khuyến khích những kỹ sư say mê kỹ thuật tại Toyota, chính là tâm huyết của ông. Và chỉ vài tháng trước, ông đã gặp tai nạn (điều này khiến các hãng bảo hiểm phải lo lắng) đâm vào rào chắn trên đường đua Daytona khi điều khiển chiếc Camry Nascar 2013 của Toyota chạy với tốc độ rất cao cùng với tay đua Kyle Busch trên ghế hành khách.

Chúng tôi ngồi tại một chiếc bàn vuông gồm: Toyoda, phóng viên báo chí cao cấp của ông, tôi, biên tập viên Holder, và phiên dịch của Toyoda, một phụ nữ Nhật Bản nhỏ nhắn. Cô ấy và Toyoda làm việc rất ăn ý. Khả năng hiểu các câu hỏi bằng tiếng Anh của ông rất tốt – ông đã học MBA tại trường đại học Babson, gần Boston – và đôi khi ông trả lời trực tiếp bằng tiếng Anh, nhưng ông vẫn muốn đi cùng phiên dịch của mình.

Tôi bắt đầu bằng một câu hỏi mang tính chất “thăm dò”: Có phải mọi người giống như những nhân viên đầy nhiệt huyết trong Goodwood, sẽ muốn mua chiếc coupe GT86 ra mắt gần đây của Toyota? Dự án GT86 không chỉ muốn hướng đến một loại khách hàng, ông nói: “Toyota đã cho ra mắt 2000GT từ những năm 1960, sau đó 20 năm là Supra, MR2, và Celica. Và giờ đây là GT86. Chúng tôi dường như trong một chu kỳ 20 năm, và lại đang bắt đầu”.

Thật tuyệt, tôi nhằm vào chữ “bắt đầu”. Nó khẳng định rằng mục tiêu của Toyoda không chỉ là củng cố khả năng thiết kế và trình độ kỹ thuật hiện có của Toyota và giới thiệu mẫu xe thể thao độc đáo GT86. Nó gợi cho tôi một thắc mắc khác: Có phải Toyota sẽ chế tạo thêm nhiều mẫu xe thể thao khác để tạo nên một dòng GT86? Sau khi đặt câu hỏi này, tôi mong đợi một sự thay đổi trong biểu hiện của vị chủ tịch Toyota, có thể ông sẽ tìm một lời cáo lỗi và không tiết lộ thêm gì.

Nhưng điều đó không xảy ra. Ông đã trả lời rất thẳng thắn: “Trong tương lai, vào một lúc nào đó, tôi muốn chế tạo một chiếc Supra. Nó hầu như luôn ấp ủ trong tâm trí tôi. Tôi nhìn thấy sự kết hợp của rất nhiều chiếc xe, 86 ở giữa, những chiếc xe hiệu suất cao phía trên và một vài chiếc nữa ở bên dưới. Nhưng đây chỉ là ý kiến của cá nhân tôi. Toyota là một hãng rất lớn, và chẳng ai để ý đến những gì tôi nói”.

Tất cả chúng tôi đều cười vì ai cũng biết đó không phải là sự thật. Những gì mà Toyoda muốn, ông sẽ đạt được. Thông điệp đã rất rõ ràng: Toyota đang trở lại với dòng xe thể thao.

Tất nhiên là tôi đã không bỏ lỡ cơ hội, ông còn vui vẻ trình bày thêm về ý tưởng của ông về xe thể thao: “Nếu các bạn bỏ qua những mẫu xe như thế chỉ vì không bán được với số lượng lớn thì chính là các bạn đang phủ nhận bản chất thật sự của xe hơi. Mọi người giờ đây không chỉ muốn những chiếc xe giá rẻ mà họ còn muốn những chiếc xe có thể mang lại xúc cảm cho họ. Những chuyên gia về xe phải biết theo kịp những sở thích riêng của mọi người; một phương pháp mà chúng tôi có thể áp dụng là cung cấp một mức giá khởi điểm thật thấp và sau đó đưa ra thêm vô số tùy chọn. Trước đây, cách này đã rất có hiệu quả tại Nhật”.

"Toyota rất lớn và không ai để ý đến những gì tôi nói".

Có phải kế hoạch được thông báo tuần trước về việc chế tạo một chiếc xe siêu tiết kiệm hiệu suất cao Toyota-BMW – một phần trong dự án hợp tác của hai hãng – cũng nằm trong phân khúc này? Tôi nhận thấy một thoáng do dự ở Toyoda.

Ông giải thích: “Sự hợp tác này chỉ có một mục đích, đó là để tạo nên những chiếc xe tốt hơn. Nó không nhằm khuếch trương công ty của chúng tôi hay mang lại cổ phần cho chúng tôi trong các công ty khác. Điều tuyệt vời nhất ở ý tưởng này là BMW đã chọn Toyota và Toyota đã chọn BMW. Chúng tôi đều không muốn chọn bất kỳ đối tác nào khác. Mục tiêu chung của chúng tôi chính là những chiếc xe hơi thật tuyệt vời, nhưng chúng tôi vẫn chưa có kế hoạch cụ thể về các mẫu xe. Hiện tại là chưa”.

Toyoda đã trả lời một cách nghiêm túc câu hỏi bên lề của tôi là liệu ông có hy vọng câu lạc bộ xe hơi của cá nhân ông, Gazoo Racing, mở rộng phạm vi ra toàn thế giới hay không. Ông cười lớn: “Một cách nghiêm túc, chúng tôi lập ra Gazoo là để nuôi dưỡng những nhân tài sẽ khẳng định được tên tuổi cho những mẫu xe tương lai của chúng tôi. Tôi luôn tràn đầy hy vọng rằng một ngày, các kỹ sư của Gazoo sẽ tạo nên một cái gì đó giống như loạt M-series của BMW”.

Nói về các điều khoản cộng tác, kinh nghiệm từ Aston Cygnet thì sao, chính là vụ việc mà hãng Gaydon đã chuyển đổi một mẫu xe đô thị của Nhật trị giá khoảng 330 triệu VND thành một chiếc xe của Anh giá 1,3 tỷ (đây là kết quả của một cuộc gặp tình cờ tại Nürburgring giữa Toyoda và CEO của Aston là Ulrich Bez)? Doanh số bán ra không được tốt lắm; quan điểm của Toyoda về vấn đề này như thế nào?

Toyoda, tại FoS, thực hiện điều mà ông yêu thích nhất: lái xe.

Ông cười, rồi trả lời rất nghiêm túc: “Cygnet là một chiếc xe thú vị. Nó đã cho chúng tôi thấy iQ có thể tạo nên một mẫu xe có giá trị cao hơn mà không cần bỏ đi cấu trúc cơ bản. Chúng tôi đã học được những bài học bổ ích”.

Chúng tôi thay đổi chủ đề. Tôi rất muốn biết Toyoda đối mặt với những sức ép như thế nào. Ông đã liên tục bị những người Mỹ quá khích săn đuổi vì những lỗi đã được tìm thấy tại một dòng xe của hãng, mà về sau được khẳng định chỉ là những lỗi nhỏ. Nhìn lại mới thấy, toàn bộ sự việc giống như một hành động thực hiện nhằm mục đích bảo hộ cho ngành công nghiệp địa phương của Mỹ vốn đang bị theo sát. Tôi đã trình bày vấn đề này với ông và hỏi xem ông đã xử trí như thế nào.

Câu trả lời đã cho thấy nghị lực phi thường của vị chủ tịch này. Ông nói: “Tôi không biết liệu có phải chúng tôi bị đối xử không công bằng hay không, nhưng năm nay chúng tôi sẽ tổ chức kỷ niệm 75 năm thành lập Toyota, và là một thành viên của hãng, tôi muốn khẳng định khoảng thời gian 3 năm mà anh vừa nhắc tới chính là một giai đoạn tuyệt vời, nhờ nó, tôi hiểu thêm mọi người muốn gì ở Toyota.

Công ty chúng tôi gồm 320.000 nhân viên ở khắp nơi trên thế giới và tôi không có cơ hội để nói chuyện trực tiếp với họ. Nhưng ít nhất những sự việc bất ngờ đó cũng cho chúng tôi cơ hội để hiểu việc chúng tôi luôn sát cánh bên nhau có ý nghĩa như thế nào”.

Cropley đang trình bày đánh giá 5 sao về mẫu GT86 đã được lắp ráp.

Câu trả lời này khiến tôi quá bất ngờ. Thật không thể tưởng tượng nổi một nhân vật vốn có tầm ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp của cả thế giới, liên tiếp bị đối xử bất công, bị coi như một bao cát, lại có phản ứng đầy sáng tạo như vậy với những rắc rối mà mình gặp phải và mô tả những tác động của nó với một sự tích cực và một thái độ hòa nhã như thế.Tôi kết luận, đây quả là hành động của một vị lãnh đạo đích thực.

Giờ đây, Toyota trở lại với vị trí nhà sản xuất xe hơi số 1 trên thế giới. Doanh số quý một (gần 2,5 triệu xe) đã vượt qua GM với 2,28 triệu xe và VW với 2,16 triệu xe.

Không chỉ có vậy, Toyota còn trở thành công ty có lợi nhuận cao nhất tại Nhật. Nhưng vị chủ tịch của hãng lại nhấn mạnh đây là một Toyota hoàn toàn khác. Không ai còn nhắc đến những con số lớn nữa. “Global 15”, kế hoạch chiếm 15% doanh số bán xe trên toàn thế giới còn chưa được thảo luận. Tất nhiên, đó là mục tiêu, nhưng về cơ bản đó là vấn đề của các giám đốc chi nhánh tại mỗi khu vực. Nếu họ có thể đạt được một con số lớn, sẽ rất tốt. Mục tiêu cốt lõi của công ty là “tiếp tục phát triển”.

Những điều trên không phải là nguyên tắc chỉ đạo thực sự của Toyoda. Ông dường như quả quyết hơn bao giờ hết khi xem những khách hàng – tất cả 9 triệu khách hàng – là những cá nhân riêng biệt. Ông nói: “Mục đích và động lực lớn nhất của tôi là cung cấp những chiếc xe ngày càng tốt hơn tới từng khách hàng. Tôi muốn mang đến nụ cười trên khuôn mặt họ”.

Theo Autocarvietnam

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm