Chủ Nhật, 19/01/2025 | 02:35
14:59 |
GM và VW hưởng lợi từ làn sóng phản đối xe Nhật tại TQ
Cách đây 2 năm, Sherry Wang mua một chiếc Toyota Camry mới, chiếc xe này đã giúp cô đi lại thuận tiện và thoải mái từ nhà đến nơi làm việc – một trung tâm nghiên cứu tại thành phố Tây An Trung Quốc.
>> Honda, Mazda “tạm tê liệt” tại Trung Quốc do làn sóng biểu tình
>> Toyota “méo mặt” do tranh chấp Trung – Nhật
>> Do tranh chấp lãnh thổ, Nissan gặp khó tại Trung Quốc
Nhưng mới đây thôi, người ta thấy cô đi lại bằng xe bus. Wang nói "Tôi sợ là chiếc xe của tôi hoặc chính bản thân tôi sẽ là mục tiêu tấn công trong làn sóng những người biểu tình chống Nhật Bản đang rầm rộ xuống đường những ngày gần đây, tôi chỉ hy vọng cuộc sống sẽ trở lại bình thường càng nhanh càng tốt".
Xe hơi Nhật Bản bị lật ngược và cửa kính bị đoàn người biểu tình đập vỡ.
Những trường hợp như cô Wang chính là lý do khiến một loạt các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản như Toyota, Nissan và Honda đang phải gồng mình chèo chống trong cuộc khủng hoảng mà hậu quả có lẽ còn ghê gớm hơn thảm họa sóng thần xảy ra tại Nhật Bản năm ngoái.
Khi các cuộc biểu tình đòi quyền kiểm soát quần đảo Điếu Ngư bùng nổ tại Trung Quốc, Hiệp hội ô tô Trung Quốc dự đoán, lần đầu tiên kể từ năm 2005, các nhãn hiệu Nhật Bản sẽ để mất vị trí dẫn đầu vào tay các đối thủ đến từ nước Đức.
Dự báo cho thấy có thể người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay các nhãn hiệu xe hơi Nhật Bản và chuyển sang những nhãn hiệu xe nổi tiếng khác như General Motors, năm nay GM đã bán được 1.840.000 chiếc tại thị trường Trung Quốc với các nhãn hiệu như Buick, Chevrolet, Cadillac. Riêng Volkswagen AG với hai công ty liên doanh tại Trung Quốc trong năm nay cũng đã bán được tổng cộng 1.490.000 chiếc.
Tính đến thời điểm này, hãng xe hơi hàng đầu của Nhật Bản, Nissan, đã bán ra được 485.000 xe tại thị trường Trung Quốc.
Các đại lý bị tấn công
Ba nhà sản xuất ô tô lớn nhất Nhật Bản - Toyota, Nissan và Honda đã thông báo về những vụ tấn công vào các đại lý của họ tại cảng phía đông thành phố Thanh Đảo và quyết định ngưng sản xuất ở các nhà máy tại Trung Quốc.
Hãng Suzuki đã ngưng hoạt động của nhà máy sản xuất xe máy tại Trung Quốc. Các quan chức của Nissan,Toyota, Honda, Suzuki, Mitsubishi và Mazda cho biết họ đang cân nhắc tình hình ở Trung Quốc.
Khi các hãng xe hơi Nhật Bản rơi vào tình thế chịu nhiều thiệt hại nhất, cuộc khủng hoảng ngoại giao này cũng đẩy nguy cơ rủi ro vào quan hệ thương mại song phương Trung Quốc-Nhật Bản, qui mô mối quan hệ này đã tăng gấp 3 trong vòng một thập kỷ qua, đạt hơn 340 tỷ USD trên nhiều lĩnh vực từ buôn bán gạo đến các loại máy móc thiết bị khác.
Căng thẳng trong các cuộc biểu tình ở Trung Quốc đang trong tình trạng leo thang, một số người biểu tình đã đốt phá các cửa hàng giới thiệu sản phẩm xe hơi và đập phá các xe mang thương hiệu Nhật Bản.
Biến cố Mãn Châu
Hôm qua, hàng ngàn người biểu tình tại các thành phố của Trung Quốc để kỷ niệm ngày biến cố Mãn Châu, các nhà sử học cho rằng biến cố này đã dẫn đến việc quân đội Nhật Bản xâm chiếm phần phía đông bắc của Trung Quốc
Theo lời ông Luo Lei, Phó tổng thư ký Hiệp Hiệp hội các đại lý ôtô Trung Quốc, nhiều đại lý Trung Quốc bán xe hơi Nhật Bản đã đóng cửa ngay sau khi được tin một số cửa hàng bị tấn công và phá hoại.
Ông Luo cũng cho rằng làn sóng chống các nhãn hiệu xe hơi Nhật Bản tại Trung Quốc hiện nay có thể gây thiệt hại nghiêm trọng hơn cả thảm họa sóng thần xảy ra vào năm ngoái khiến các nhà máy trên khắp Nhật Bản phải đóng cửa.
Trả lời phỏng vấn ngày 17 tháng 9 vừa qua, ông Luo nhận xét “Tác động do thiên tai gây ra có thể được tái thiết nhanh chóng, tuy nhiên để làm dịu đi tâm lý thù địch chống lại các hãng xe hơi Nhật Bản, cần phải nỗ lực trong một thời gian khá dài”.
Quá thù địch
Các hình ảnh chưa được xác minh đăng trên các diễn đàn trực tuyến trong tuần này cho thấy các xe Toyota lại được phủ ngoài với các thương hiệu Trung Quốc như BYD. Trong khi đó các đại lý xe hơi Nhật Bản tại Trung Quốc lại treo cờ và biểu ngữ tuyên bố lòng yêu nước với đất nước Trung Hoa.
Ông Zhang Jian, một nhân viên bán hàng của một đại lý Mitsubishi ở Thành Đô nhận xét “Hiện nay, hầu như tất cả mọi người đều thể hiện thái độ thù địch với Nhật Bản, dù đang bán sản phẩm cho một thương hiệu liên doanh Trung Quốc-Nhật Bản, điều này cũng chả ảnh hưởng gì đến chính kiến của chúng tôi về quần đảo Điếu Ngư. Là người Trung Quốc và chúng tôi ủng hộ tuyên bố chủ quyền của chính phủ Trung Quốc."
Ông Zhang cho biết thêm, cuối tuần qua các khách vãng lai giảm một nửa, và doanh số sẽ tiếp tục giảm nếu căng thẳng tiếp diễn.
Ông Julien Chen, trưởng phòng bán hàng của một nhà phân phối của Nissan ở gần đó cho biết, cảnh sát đã tăng cường tuần tra sau khi những kẻ tấn công phá hỏng các showroom tại Thanh Đảo.
Ông Chen cũng cho biết đại lý của Nissan và một showroom của Toyota gần đó cũng đóng cửa từ ngày 16 tháng 9 để phòng ngừa bất trắc.
Thị phần
Theo dự báo của Hiệp hội Xe thương mại Trung Quốc, thị phần chung của các thương hiệu xe hơi Nhật Bản, chiếm giữ vị trí đầu bảng trong số các nhãn hiệu xe nước ngoài ở Trung Quốc kể từ năm 2005, có thể sẽ giảm xuống còn 22% trong năm nay, trong khi các nhãn hiệu xe hơi Đức có thể tăng thị phần lên 22,5%,
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc, nguồn gốc của sự sụt giảm này có thể bắt đầu từ khi doanh số bán hàng của các thương hiệu xe hơi Nhật Bản tại Trung Quốc giảm sút trong tháng vừa qua, trong khi đó các nhãn hiệu xe hơi khác của Đức, Mỹ và Hàn Quốc tăng 10%.
Tập đoàn Goldman Sachs đưa ra ước tính cho rằng thị trường Trung Quốc chiếm 30% lợi nhuận của Nissan, 17% của Toyota và 15% của Honda.
'Xung đột nghiêm trọng'
Một số nhà phân tích nhận định có vẻ xung đột đã được thổi phồng quá mức.
Ông Klaus Paur, giám đốc Trung tâm nghiên cứu xe hơi toàn cầu Ipsos tại Thượng Hải nhận xét "Cả Nhật Bản và Trung Quốc có lẽ chưa quan tâm đúng mức đến cuộc xung đột nghiêm trọng này, gây tổn thất cho cả hai nền kinh tế, tôi mong đợi sớm có một giải pháp cho vấn đề này. Với một phương pháp tiếp thị thích hợp và các chiến lược kinh doanh sắc bén, các nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản có thể nhanh chóng phục hồi những gì đã mất."
Nissan có kế hoạch đầu tư quy mô lớn nhất tại Trung Quốc, với một liên doanh trị giá 50 tỷ nhân dân tệ (tương đương 7,8 tỉ USD) nhằm nâng doanh số bán hàng lên hơn 2,3 triệu xe tại Trung Quốc vào năm 2015, so với con số 1,3 triệu chiếc năm 2010.
Trong tháng này, Toyota cho biết họ đặt mục tiêu sẽ tăng số lượng xe bán ra tại Trung Quốc lên 1,8 triệu chiếc vào năm 2015, tăng hơn gấp đôi so với doanh số năm ngoái, bằng việc sẽ trình làng thêm ít nhất 20 mẫu xe mới.
Tháng 4 vừa qua Honda cũng tuyên bố kế hoạch trong vòng 4 năm sẽ tăng gấp đôi sản lượng xe bán ra tại Trung Quốc sau thời kỳ "quá thận trọng" trong việc mở rộng các hoạt động sản xuất và kinh doanh tại thị trường này.
Ông Châu Tấn Thành, một nhà phân tích thuộc trung tâm nghiên cứu Fourin cho rằng trong ngắn hạn, tình hình căng thẳng này chắc chắn hưởng đến doanh thu của các hãng xe hơi Nhật, tuy nhiên, theo thời gian, xe hơi Nhật Bản sẽ tìm lại các khách hàng thân thiết của họ. Ông nhận xét ""Người tiêu dùng Trung Quốc đều biết các sản phẩm của Nhật Bản có chất lượng tốt, vì vậy, các nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản không nên lo lắng về các sản phẩm của mình, tuy nhiên, họ có thể cần phải xem xét lại kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp cho phù hợp với diễn biến chính trị tại nước sở tại".
Thanh Vân (TTTĐ)
Ý kiến đánh giá