16:21  | 

Toyota "đau đầu" vì sự cố thu hồi xe

Để thay thế một sản phẩm bị lỗi, Toyota mất trung bình 40 phút, tức là với 7,4 triệu chiếc xe, sẽ mất tới 565 năm tính theo công sửa chữa. Thực tế, đây không phải là sự cố đầu tiên và nghiêm trọng nhất của Toyota trong thời gian qua. Tuy nhiên, những vấn đề của nhà sản xuất ôtô Nhật Bản này đã bắt đầu trở thành chuyện cơm bữa.

>> Lỗi cửa sổ điều khiển điện, Toyota triệu hồi 7,43 triệu xe

Sau cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2009, Toyota đã phải đối mặt với hàng loạt vấn đề về sản phẩm. Đó là năm 2011, khi động đất và sóng thần tàn phá nhiều cơ sở sản xuất tại Nhật. Đó là các cuộc biểu tình phản đối Nhật Bản tại Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ, đã dẫn đến việc doanh số bán xe sụt giảm mạnh trong vòng nửa tháng qua khi người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay hàng Nhật.

Toyota đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn

Đây chính là lúc thử thách sức mạnh của Toyota. Trong khi các vấn đề về sản phẩm đang lan rộng và trở thành vụ lớn nhất kể từ lần thu hồi của Ford năm 1996 - Toyota vẫn có khả năng gắng gượng được.

Lợi nhuận hằng quý của Toyota là đủ để duy trì chi phí sửa chữa. Riêng vụ lỗi chân ga năm 2010 đã ngốn của hãng tới hàng tỷ đôla, tính ra cũng chỉ chiếm khoảng 26% lợi nhuận ròng theo quý.

Toyota vẫn có thể thu xếp những khoản vay dài hạn với mức lãi suất khoảng 1,5% và hiện công ty nắm giữ tới 27,4 tỷ USD. Gần đây hãng cũng lấy lại vị thế thương hiệu ôtô bán chạy nhất thế giới, với mức tăng trưởng doanh số là 86% trong quý II năm nay. Trong đó, thị trường Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 12% thị phần toàn cầu của hãng.

Tuy nhiên, vấn đề chất lượng có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường Mỹ. Sức mua của thị trường này đang trên đà phục hồi. Nhưng với việc những đối thủ như Hyundai đang thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng, đã khiến Toyota gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì thị phần. Cộng thêm yếu tố tỷ giá của đồng yên Nhật đã tăng 49% so với đồng đôla Mỹ trong vòng 5 năm qua, Toyota ước tính tổn thất trong năm tài chính vừa qua lên đến 3 tỷ USD.

Hiện Toyota đang có kế hoạch chuyển khoảng 1/7 tổng sản phẩm từ Nhật Bản sang Ấn Độ, Thái Lan và Bắc Mỹ. Điều đó sẽ giúp cắt giảm chi phí, nhưng việc mất đi dòng chữ "Made in Japan" có thể sẽ khiến Toyota càng khó thuyết phục người tiêu dùng hơn, rằng họ sẽ không gặp sự cố nào tương tự trong tương lai.

Ngọc Tuấn (TTTĐ)

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm