Thứ Sáu, 22/11/2024 | 22:02
22:35 |
Joe Hinrichs - Con đường đến chiếc ghế CEO của Ford
Hinrichs, người đàn ông nắm trong tay "một nửa thế giới của Ford" đang đứng trước bước ngoặt quan trọng của cuộc đời. Việc có thể thành người kế nhiệm Mulally hay không phụ thuộc vào con đường ông định đi tại khu vực rộng lớn nhất thế giới - châu Á Thái Bình Dương.
>> Lãnh đạo cấp cao của Ford Motor: “Việt Nam là một thị trường kỳ lạ”
Một số chuyên gia của ngành công nghiệp đặt Joe Hinrichs vào vị trí kế nhiệm thứ hai, sau Mark Fields, trong cương vị CEO của Ford Motor. Cuộc chạy đua vẫn còn tiếp tục, cho nên tất nhiên, việc giám đốc trẻ trung của Ford khu vực châu Phi và châu Á Thái Bình Dương leo lên được vị trí quyền lực mà Alan Mulally đang nắm giữ là điều hoàn toàn có thể.
Nhiệm vụ của Hinrichs là hoàn thành mục tiêu đầy tham vọng của Mulally: tăng doanh số bán hàng trong khu vực lên 20% trong tổng doanh thu của Ford trước năm 2020, từ 7% vào quý I năm 2012. Nếu thành công, Hinrich có thể đẩy Fields ra xa hơn chiếc ghế CEO. Công việc này sẽ vô cùng khó khăn, nhưng không có nghĩa là không thể.
Vài nét về Joe Hinrichs
Joe Hinrichs được bổ nhiệm vị trí phó chủ tịch tập đoàn và chủ tịch khu vực châu Á Thái Bình Dương bắt đầu từ tháng 12 năm 2009, và là Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Ford Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1 tháng 11 năm 2011.
Ở vị trí hiện tại, Hinrichs giám sát tất cả các hoạt động và quan hệ đối tác của Ford trong khu vực châu Phi và châu Á Thái Bình Dương, bao gồm cả Mazda.
Trước khi đảm nhiệm vai trò hiện tại, ông đã từng giữ rất nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy toàn cầu Ford như phó chủ tịch phụ trách lao động và sản xuất toàn cầu, chịu trách nhiệm về hoạt động của 105 nhà máy sản xuất, lắp ráp trên toàn thế giới và giám sát hỗ trợ kĩ thuật toàn cầu, chủ tịch Ford Canada…
Trước khi gia nhập Ford, Hinrich là phó chủ tịch cao cấp tập đoàn Ryan Enterprises, một công ty đầu tư sản xuất ở Chicago. Ông đã sử dụng những năm đầu tiên trong sự nghiệp của mình tại General Motors trong rất nhiều vị trí về kỹ thuật và sản xuất, bao gồm cả quản lý nhà máy.
Ông đã từng nhận giải thưởng Lãnh đạo sản xuất Shien-Ming Wu năm 2008, vinh danh tầm nhìn, tư duy chiến lược, và ảnh hưởng của các nhà lãnh đạo sản xuất đến ngành công nghiệp. Ngoài ra, ông từng được chọn trong giải thưởng Ngôi sao sản xuất của tạp chí Automotive News năm 2007. Ông đã có công lãnh đạo đội ngũ sản xuất Ford Bắc Mỹ trong việc giúp đỡ thúc đẩy chất lượng sản phẩm và cải thiện năng lực sản xuất.
Sinh ra tại Columbus, Ohio, người đàn ông 3 con này sở hữu bằng cử nhận kỹ thuật điện tại đại học Dayton (Ohio) vào năm 1989 và bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh Harvard vào năm 1994. Với những kinh nghiệm đầy mình trong cả kỹ thuật lẫn kinh doanh, chiếc ghế CEO không phải là một thứ gì đó quá xa tầm với của Hinrichs. Và có lẽ, cuộc chạy đua vào chiếc ghế CEO của Ford sẽ là một cuộc cạnh tranh kinh điển trong ngành công nghiệp ôtô thế giới khi sở hữu những ứng cử viên đầy tiềm năng.
Thách thức hiện tại
Ford đã tụt lại phía sau các đổi thủ toàn cầu của mình tại Trung Quốc, thị trường xe hơi lớn nhất thế giới. “Trung Quốc là nơi phức tạp nhất mà chúng tôi từng biết”, Hinrichs nói, “nhưng chúng tôi nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ đội ngũ toàn cầu của Ford”.
Hinrichs và thách thức mang tên "Trung Quốc"
“Ford có một vai trò mờ nhạt tại Trung Quốc. Vấn đề là, họ tự cho họ là một hãng ôtô toàn cầu, nhưng họ có thị phần không tương xứng tại thị trường xe hơi lớn nhất trên thế giới”, Adam Jonas, chuyên gia phân tích của Morgan Stanley tại New York cho biết. “Trung Quốc sẽ chiếm khoảng 35% doanh số toàn cầu vào giữa thập kỷ này. Tuy nhiên, Trung Quốc lại chiếm dưới 10% trong tổng khối lượng toàn cầu của Ford”.
Năm ngoái, thị phần của Ford tại Trung Quốc chỉ vỏn vẹn có 2%, so với 13% của tập đoàn Volkswagen và 7% của General Motors. Trong 10 năm tới, đó sẽ là những thách thức lớn nhất mà công ty phải đối mặt.
Hinrichs không hề nản chí
Trong một phiên họp gần đây với báo chí tại Trụ sở chính của Ford, Hinrichs đã chia sẻ quan điểm của ông về tương lai công ty ở khu vực năng động nhất trên thế giới.
Để bắt kịp, ông đã đề ra hàng loạt các kế hoạch như tung ra các dòng sản phẩm mới, xây dựng nhà máy và kí kết các hợp đồng đại lý. Tất cả các dự án khổng lồ này đang diễn ra với một tốc độ chóng mặt.
Hinrichs cũng thẳng thắn trao đổi về những thách thức phải đối mặt. Ford muốn tăng gấp đôi lực lượng lao động ở Trung Quốc. Tuy nhiên, việc tìm kiếm các kĩ sư chuyên gia đủ trình độ là một công việc khó khăn, ngay cả với các hãng ôtô khác chứ không riêng gì Ford.
Tỷ lệ tiêu hao lao động ở Trung Quốc hàng năm là từ 10-11% do nguyên nhân nhảy việc tràn lan. Vì vậy, “trung bình, cứ 10 năm bạn lại có một lực lượng lao động mới. Mọi người ở lại nhưng bạn phải giải quyết việc thêm người để bắt kịp tiến độ”.
“Người Trung Quốc có tài năng tuyệt vời”, Hinrichs nhận xét. Nhưng họ mong đợi nhanh hơn những gì chúng ta thường mong đợi ở một cá nhân Hoa Kỳ hay châu Âu. “Họ về nhà vào mỗi dịp năm mới và kể với gia đình họ về công việc. Gia đình đó muốn thấy một chức danh khác trên danh thiếp”.
Nếu người đàn ông 45 tuổi này có thể đáp ứng các mục tiêu của Ford, ông có thể đổi chức vụ trên danh thiếp của mình.
Chủ tịch Bill Ford Jr. nói với các cổ đông trong cuộc họp thường niên rằng, chưa có thời gian cụ thể cho sự ra đi của Mulally. Đây là một cơ hội tuyệt vời bởi trước khi người kế nhiệm được chọn, Hinrichs sẽ có thêm thời gian để chứng tỏ mình.
Một nửa thế giới
Hiện nay, trong khi Fields đang làm mưa làm gió ở Bắc Mỹ thì Hinrichs đang chập chững những bước đầu tiên trong chiến lược kinh doanh tại khu vực trải rộng một nửa thế giới.
Từ văn phòng ở Thượng Hải, Hinrichs giám sát 21 báo cáo trực tiếp. Ngoài Trung Quốc, phạm vi của ông trải dài 11 múi giờ, từ mũi Hảo Vọng ở Nam Phi cho dến New Zealand và các thị trường tăng trưởng cao khác như Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan. “Đó là một cấu trúc phức tạp”, ông phát biểu.
Ford đã lỗ khoảng 100 triệu đô la ở khu vực này trong quý đầu tiên trong năm nay, một phần do chi tiêu để mở rộng thị trường. Ford đang xây dựng tám nhà máy trong khu vực và sẽ giới thiệu những phiên bản xe và hệ thống truyền lực dành riêng cho thị trường này trước 2015. Tuy nhiên, vị giám đốc điều hành định hướng hành động gốc Ohio này không hề nao núng, thậm chí còn tỏ ra rất phấn khích.
Con đường đến chiếc ghế CEO phải đi qua Trung Quốc?
Hinrichs phát biểu: “Khi bạn có cơ hội để trở thành một phần của điều đó, sự mở rộng công nghiệp lớn nhất kể từ cuối những năm 50 và thế chiến thứ hai. Nó khiến bạn tiếp tục. Tốt hơn nhiều so với chuyển dịch cơ cấu”. Trong sâu thẳm của cuộc khủng hoảng năm 2009 gần như nhấn chìm ngành công nghiệp ô tô Mỹ, Hinrichs là chìa khóa trong việc đàm phán nhượng bộ với Nghiệp đoàn công nhân giúp Ford ngăn chặn phá sản.
Trước đó, Hinrichs đã đàm phán các hiệp định hoạt động với các nghiệp đoàn lao động địa phương vào năm 2006-2007 cho công ty quyền để khiến các công nhân sản xuất hoạt động đa dạng hơn và cho phép nhà máy hoạt động với chi phí thấp.
Hinrichs, một chuyên gia sản xuất đã từng là quản lý nhà máy trẻ nhất của GM ở độ tuổi 29 trước khi gia nhập Ford có một mối quan hệ tuyệt vời với chủ tịch UAW Ron Gettelfinger và lãnh đạo công đoàn. Bên trong Ford, Hinrichs được biết đến như một lãnh đạo hòa đồng với cách giải quyết vấn đề hợp lý.
Một cơ hội thực sự
Michael Dunne, chủ tịch hãng nghiên cứu thị trường Hong Kong chuyên nghiên cứu về ngành công nghiệp châu Á Dunne&Co đã nhìn thấy sự khởi đầu cho Ford. Khoảng 75-80% người tiêu dùng Trung Quôc là “những người mua hàng đầu tiên và sở hữu mức độ trung thành thương hiệu thấp”. Những đặc tính khách hàng đặc biệt đã cho Ford một cơ hội thực sự để giành lấy thị phần khi các sản phẩm mới được tung ra thị trường. Và tất nhiên, điều này cũng mang đến cho Hinrichs cơ hội không thể tuyệt vời hơn để nắm lấy chiếc ghế CEO mà Mulally đang sở hữu.
Ford cho biết, họ sẽ giới thiệu 15 mẫu xe tại Trung Quốc trước năm 2015 và dự định sẽ chi tiêu 4,9 tỷ đô la để thực hiện tham vọng đó.
Ford đang giải quyết những nhu cầu phức tạp của thị trường châu Á với kế hoạch phát triển sản phẩm toàn cầu Một Ford cùng mục tiêu đạt 85% doanh số bán hàng toàn cầu chỉ với 5 nền tảng xe toàn cầu và 4 nền tảng địa phương. Tuy nhiên, việc pha trộn và phù hợp những nền tảng này tại những thị trường đa dạng châu Á không phải là nhiệm vụ dễ dàng.
Hinrichs nói Một Ford cho phép Ford đáp ứng các yêu cầu khác nhau của thị trường châu Á bằng cách phát triển thân xe và nội thất riêng biệt. Trọng tâm của kế hoạch là tăng gấp đôi kích thước và lao động tại trung tâm phát triển sản phẩm Nam Kinh của Ford.
Việc đặt Nam Kinh trên cơ sở bình đẳng với trung tâm phát triển sản phẩm Rim Thái Bình Dương (Broadmeadows, gần Melbourne, Úc) sẽ giúp Ford phát triển sản phẩm đặc biệt cho Trung Quốc.
Ví dụ, Nam Kinh có thể giúp đỡ thiết kế một chiếc Focus đa dạng nội dung cho các khách hàng giàu có ở bờ biển phía đông Trung Quốc với các tính năng như nhận diện giọng nói Sync bằng tiếng phổ thông, và một phiên bản cơ bản nữa cho các tỉnh phía Tây, nơi mà thu nhập và mong đợi thấp hơn.
Những chiếc xe được phát triển trong khu vực của Hinrichs có thể được bán trên toàn thế giới, đặc biêt khi khối lương lớn ở các thị trường này có thể giúp trang trải các chi phí phát triển.
“Nó sẽ chắp cánh cho thương hiệu Ford phát triển, thậm chí trên toàn thế giới”, Hinrichs nói, “chúng tôi có thể thâm nhập vào các phân khúc mới mà chúng tôi đã bỏ lỡ trước đó, bởi chúng tôi có chơ hội để làm vậy, và chủ yếu là những cơ hội đến từ châu Á Thái Bình Dương”.
Ngọc Điệp (TTTĐ)
Ý kiến đánh giá