Chủ Nhật, 19/01/2025 | 10:15
22:23 |
Mexico kỳ thú (Phần 2) - Chiến binh chiến binh Zapatista
Họ đã làm một cuộc cách mạng gây rúng động Mexico với sự ủng hộ của hàng trăm ngàn người khắp nơi trên thế giới. Sau đó lập khu tự trị, sống cách ly với chính quyền. Luôn đội mũ trùm, bịt khăn kín mặt nên không ai biết họ thật sự là ai, ngoài một điều… Đó là những chiến binh Zapatista.
>> Mexico kỳ thú (phần 1) – Bí ẩn đảo Búp bê
Ngày 1/1/1994, Mexico “rúng động” vì hơn 3000 chiến binh Zapatista đầu đội mũ trùm che kín mặt đồng loạt nổi dậy tại các thành phố lớn bang Chiapas (một trong những bang nghèo nhất Mexico). Họ giải thoát tù nhân, phóng hoả đốt đồn cảnh sát, trại lính… Mãi 11 ngày sau, xung đột vũ trang mới tạm ngừng. Hơn 100 ngàn người đã biểu tình ủng hộ cuộc khởi nghĩa Zapatista. (Báo The New York Times gọi đây là “Cuộc cách mạng đầu tiên thời hậu hiện đại của người Mỹ La tinh”).
Năm 2000, tổng thống Vicent Fox hứa đám phán hoà bình với Zapatista nhưng không thành và Zapatista tuyên bố tự trị. Hàng chục ngàn người thiểu số đã lập ra năm khu tự trị chính, tự động cô lập, sống cách li với chính quyền.
Đường đến Oventic
Trước chuyến đi, tôi có dịp được xem thước phim tài liệu về “những người nông dân nổi dậy” Zapatista này. Cuốn phim thật sự thôi thúc sự tò mò trong tôi. Họ thực sự là ai? Có “ghê rợn” như các chiến binh bịt mặt Hồi giáo thường xuyên bắt người, chặt đầu mà người ta vẫn thường đọc trên báo chí phương Tây? Câu hỏi đó cứ lẩn vẩn trong đầu tôi cho đến khi có dịp đặt chân đến Mexico.
Lần theo dấu của các chiến binh Zapatista, tôi bắt chuyến xe đò đi gần 900 km từ thủ đô Mexico đến San Cristobal (bang Chiapas)- nơi nổ ra phát súng đầu tiên của cuộc khởi nghĩa. Chính tại đây, Zapatista giải phóng tù binh, đọc tuyên ngôn lý do phát động của cuộc nổi dậy. (Tại quảng trường trung tâm hiện vẫn còn những dấu tích của cuộc nổi dậy năm nào). Đến một số công ty du lịch uy tín tìm người hướng dẫn đến Oventic - trung tâm đầu não của Zapatista- nhưng tất cả đều gặp cái lắc đầu: “ Ở đấy có gì mà xem? Mà chưa chắc đến đấy là được phép vào đâu nhé”. Đành liều tự đi vậy.
Trong mấy ngày mò mẫm tìm đường đi nước bước, tôi tình cờ làm quen với Lizeth- cô sinh viên khoa tiếng Anh người Mexico. Nghe tôi “vẽ vời” về sự hấp dẫn của chuyến đi, Lizeth cũng nổi máu tò mò. Tuy nhiên, cô vẫn… sợ. Vậy cũng hay. Lizeth là phụ nữ, sợ nguy hiểm nên cần một người bạn đồng hành. Còn tôi, với vốn tiếng Tây Ban Nha chỉ đủ để giao tiếp thì có một người đồng ý làm “phiên dịch viên miễn phí” (tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Anh) cũng là một may mắn.
Với 40 peso (khoảng 60 ngàn đồng Việt Nam), tôi và Lizeth ra bến xe cóc, leo lên chiếc xe dù 12 chỗ đời cũ nhưng chất gần 20 người cùng những bao tải khoai tây, gà… y như đi xe đò ở Việt Nam hồi thập niên 70, 80.
Trên đường đi, tuy ngoài mặt làm tỉnh nhưng thật sự lòng tôi vẫn phập phồng. Hình ảnh những phóng viên bị phiến quân Hồi Giáo bắt giữ lại hiện lên trong đầu. Lời dặn dò của một người dân địa phương lại vang lên: “Cẩn thận nhé. Ở đấy vẫn còn phức tạp lắm”. Tôi không biết “phức tạp” cỡ nào, nhưng nơi đèo núi heo hút thế này, mọi chuyện đều có thể xảy ra.
Chiến binh Zapatista (ảnh chụp lại tại làng Oventic)
Vào trung tâm đầu não
Bị lắc lư như say rượu hơn tiếng đồng hồ đường đèo núi toàn những khúc cua cùi chỏ. Và một tấm bảng hiệu bên đường:“Lãnh thổ của Zapatista. Đây là nơi mọi người có thể yêu cầu và chính quyền sẽ tuân lời” báo cho biết chúng tôi đang tiến vào vùng quản lí của các chiến binh Zapatista. Ở đây, Zapatista có toàn quyền. Lizeth bất giác nắm chặt lấy tay tôi, mặt đầy căng thẳng. Tôi trấn an: “esta bien! (ổn cả thôi)” nhưng tim đã bắt đầu đập thình thịch.
Được xem là “trung tâm đầu não” của Zapatista, làng Oventic (một trong năm khu tự trị của Zapatista) được sự “quan tâm” lớn của chính quyền cũng như thế giới. Tuy nhiên, không như tôi tưởng tượng sẽ đến một khu kín cổng cao tường, cờ xí, bảng hiệu rợp trời, lính tráng súng ống đầy mình, gương mặt đầy “sát khí”… Oventic như một khu làng bình yên nào đó ở Mexico. Không tường, không trạm gác. Nếu như không có tấm bảng: “Tất cả cho mọi người, không dành riêng cho chúng tôi” phía dưới tấm bảng có dòng chữ: “trái tim trung tâm của Zapatista” thì hẳn tôi sẽ không tin mình đã đến nơi.
Đấy chỉ là một cái cổng song sắt cao vừa bằng đầu người, sơn hai màu đỏ đen ( hai màu chính trong lá cờ của Zapatista). Đứng nép bên góc là một nữ “ninja” bịt kín mặt đang đứng gác.
“Tôi là phóng viên đến từ Việt Nam, muốn vào tìm hiểu về Zapatista của các bạn”, tôi nói. Cô “ninja” lướt cặp mắt dò xét nhìn chúng tôi từ đầu đến chân, kiểm tra passport rồi dẫn chúng tôi vào một căn phòng nhỏ. Hai “ninja” nam khác đang chờ sẵn, họ thuộc Ủy Ban Cảnh Vệ.
Đến trước chúng tôi, có một nhóm gồm một cô giáo người Mỹ (và vài người Mexico dẫn đường) cũng muốn đến tìm hiểu nhưng không được Zapatista cấp phép đi tham quan mặc dù họ đã cố gắng nài nỉ. Người đàn ông bịt mặt lịch sự nhưng lạnh lùng giải thích: “Sau khi xem xét giấy tờ và lí do của các bạn đến đây. Chúng tôi cảm thấy không đủ tin tưởng để cấp phép”.
Các công ty du lịch tại San Cristobal nói đúng. Không quá dễ dàng để được cấp phép vào tham quan, tìm hiểu về Zapatista. (Có lẽ vì vậy mà họ không mở tour du lịch đến đây). Tôi đứng đó, dạ bồn chồn không yên. Lúc này sự sợ hãi trong tôi hoàn toàn biến mất mà thay vào đó là nỗi lo không được cấp phép. Tôi đã tốn quá nhiều thời gian, công sức để đến được đây chẳng lẽ lại thành công cốc. Rồi cũng đến lượt chúng tôi. Tên, tuổi, nghề nghiệp, mục đích đến lần lượt được chúng tôi tự kê khai trên giấy. Mười phút nặng nề trôi qua. Sau khi săm soi giấy tờ, hỏi han đủ điều, người cảnh vệ gật đầu: “Các bạn được tham quan nhưng cấm quay phim, chụp ảnh. Đừng cố gắng làm trái qui định, hậu quả sẽ nặng nề lắm đấy”. Không sao. Tôi gật đầu lia lịa. “ Chỉ cần được vào trước. chuyện chụp hình thì… làm lén vậy”, tôi nhủ thầm. Như đã quá quen với “ý đồ chụp ảnh lén”, dù đã cảnh báo, chúng tôi vẫn được “tặng kèm miễn phí” một “ninja” đi theo để kiểm soát…
Tấm bảng (trước làng Oventic): “Trung tâm đầu não của Zapatista. Tất cả cho mọi người, không dành riêng cho chúng tôi”.
Thông tin thêm
Quân đội giải phóng dân tộc Zapatista (EZLN) thành phần chính là những dân tộc thiểu số nghèo bang Chiapas. (Zapatista lấy tên từ người anh hùng Zapata đã đốt các trang trại, đồn điền để đòi lại đất đai cho nông dân Mexico trong cuộc nổi dậy năm 1910).
Cuộc khởi nghĩa nổ ra đúng ngày hiệp định tự do thương mại NAFTA giữa Mexico, Mỹ và Canada có hiệu lực để bày tỏ sự phản đối của những dân tộc thiểu số bang Chiapas. Họ cho rằng nông sản không được sự bảo hộ của chính quyền (nên không cạnh tranh nổi với Mỹ và Canada). Cạnh đó, bị phân biệt đối xử, đất đai bị thu hẹp, không được bồi thường thoả đáng cũng là nguyên nhân.
>> Phần 3: Lãnh địa của những người bịt mặt
Châu Bá Thông (nguồn: phượt.vn)
Ý kiến đánh giá