Chủ Nhật, 19/01/2025 | 01:59
13:13 |
Nỗi niềm “xe không chính chủ”
Từ ngày 10-11, người sử dụng xe không sang tên, đổi chủ sẽ bị phạt 800.000-1,2 triệu đồng (xe máy) và 6-10 triệu đồng (ôtô) theo nghị định 71. Trên thực tế, số lượng người đi xe “không chính chủ” khá nhiều.
>> Xe không chính chủ bị phạt tới 10 triệu đồng
Khách hàng công chứng mua bán xe gắn máy tại Phòng Công chứng số 4 ngày 12-11 - Ảnh: Chi Mai (tuoitre.vn)
Tại TP.HCM, tình trạng người đi xe do người khác đứng tên rất phổ biến.
Thủ tục nhiều, chờ đợi lâu
Giải thích lý do vẫn sử dụng xe gắn máy mang tên chủ cũ, ông Lê Viết Huy (làm nghề chạy xe ôm, ngụ P.15, Q.Tân Bình) thật
99% là công chứng ủy quyềnÔng Nguyễn Huy Giang, công chứng viên, văn phòng công chứng Tân Bình, cho biết đến 99% các trường hợp mua bán ôtô đến văn phòng làm thủ tục công chứng ủy quyền cho các giao dịch. “1% còn lại là các trường hợp chiếc xe được tiếp tục bán cho người kế tiếp hoặc hợp đồng công chứng ủy quyền đã hết hiệu lực pháp luật”. |
tình: “Chiếc xe tôi đi do người bạn để lại với giá vừa bán vừa cho có vài triệu đồng, hai bên chỉ làm giấy tay thôi. Trước đó tôi có đi làm thủ tục mua xe cũ cho đứa con. Đi lên đi xuống mất cả tháng trời mới xong. Mỗi ngày nghỉ chạy mất cả chục cuốc xe, chưa kể phải tốn mấy trăm ngàn đồng tiền thuế, phí công chứng, sang tên nên tui ngán quá”.
Chiều 12-11, có mặt tại Phòng Công chứng số 4 để chứng hợp đồng bán xe, anh Trần Gia Lộc, ngụ Q.Bình Tân, cho biết đây là lần thứ hai anh xin nghỉ làm để đi công chứng bán chiếc xe gắn máy mà anh đã đứng tên mua giùm đứa em họ từ năm năm trước (do người em không có hộ khẩu TP.HCM).
Khoảng một tháng trước, anh Lộc cùng người mua đến một phòng công chứng làm thủ tục bán chiếc xe trên. Anh Lộc được yêu cầu phải xuất trình giấy chứng nhận độc thân vì chiếc xe do anh đứng tên. Nếu đã lập gia đình thì cả hai vợ chồng phải đứng ra ký hợp đồng mới được. Cả tháng sau đó, bận bịu công việc anh cũng không có thời gian đi xác nhận độc thân nên việc công chứng bán xe đành gác lại.
Ngày 12-11, tìm hiểu được biết tại Phòng Công chứng số 4 không yêu cầu giấy xác nhận độc thân mà chỉ cần ký bản cam kết tình trạng hôn nhân và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc ký hợp đồng bán xe của mình nên anh Lộc đã đến ký. Theo anh Lộc, chỉ riêng khoản ký hợp đồng bán xe đã tốn quá nhiều thời gian của người mua bán xe.
Theo quy định trước đây, người mua bán xe gắn máy chỉ cần đến phường ký “giấy bán xe”, được phường chứng thực chữ ký là xong, chỉ khi mua bán ôtô có giá trị lớn, người dân mới phải đến công chứng. Tuy nhiên, từ giữa năm 2011 TP.HCM thực hiện việc chuyển giao theo Luật công chứng, UBND phường xã không còn nhận chứng thực các hợp đồng, giao dịch trên nên việc mua bán xe đều phải qua công chứng. Lệ phí chứng thực tại phường 10.000 đồng, còn khi công chứng hợp đồng mua bán xe, mức phí công chứng tối thiểu hiện nay là 100.000 đồng, chưa kể trường hợp xe có giá trị cao sẽ bị thu phí cao hơn căn cứ theo tỉ lệ phần trăm trên giá trị xe.
Nhiều người mua xe còn cho biết sau khi công chứng phải đến chi cục thuế đóng thuế trước bạ, nhận biên lai thuế xong mới đem hồ sơ đến đội cảnh sát giao thông quận huyện để nộp hồ sơ sang tên. Để được tiếp nhận hồ sơ, người mua cũng phải đem theo xe đến trụ sở công an quận “cà” số khung số máy, khai hồ sơ và nộp để chờ được cấp giấy đăng ký.
Theo quy định hiện nay, chỉ trong vòng hai ngày làm việc, lấy được giấy đăng ký xe nếu kèm cấp đổi biển số (từ biển số có bốn số sang năm số) mất bảy ngày. Tuy nhiên thực tế thời gian chờ đợi thường kéo dài có khi cả nửa tháng, một tháng mới xong. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay hồ sơ đăng ký xe gắn máy tại các quận huyện rất đông. Trường hợp việc mua bán xe khác quận, cơ quan công an quận huyện tiếp nhận hồ sơ còn phải làm thủ tục rút hồ sơ gốc của xe từ quận khác về nên việc chậm giải quyết hồ sơ đăng ký xe mua bán rất thường diễn ra.
Ôtô né phí!
Phần lớn việc mua, bán ôtô cũ đều không làm thủ tục sang tên đổi chủ. Từ các giao dịch cá nhân thông thường cho đến các trung tâm chuyên mua bán ôtô đã qua sử dụng đều áp dụng hình thức công chứng ủy quyền.
Tháng 9-2012, anh Thanh Phong (Q.3) quyết định đổi chiếc xe Gentra SX (năm 2009) đang dùng lấy chiếc Kia Morning (năm 2011) của một người bạn. Thay vì phải làm thủ tục sang tên, đổi chủ anh Phong vẫn quyết định giữ “cà vẹt” (giấy đăng ký) của chủ cũ mà không làm bất cứ giấy tờ gì cho giao dịch này. Người bạn bán chiếc Kia Morning cho anh Phong nhận lại chiếc Gentra SX với “cà vẹt” do một người khác đứng tên chứ không phải của anh Phong và cũng không làm thủ tục pháp lý gì. “Chiếc xe này giá 380 triệu đồng, nếu phải sang tên mất thêm hơn 38 triệu đồng (phí đăng ký lại lần hai là 10% giá trị của xe) với hơn 1 triệu đồng thủ tục lắp biển số mới. Tốn kém không cần thiết” - anh Phong giải thích lý do tại sao anh không làm thủ tục sang tên cho chiếc xe này và cả chiếc Gentra SX anh đã mua cách đây hơn một năm.
Đầu năm 2012, ông Vinh (Q.Tân Bình) bán chiếc Lacetti sản xuất năm 2005 với giá 260 triệu đồng để đổi một chiếc Mercedes-Benz C200 sản xuất năm 2003 với giá 400 triệu đồng. Ông Vinh chỉ ra phòng công chứng làm thủ tục công chứng ủy quyền cho người mua chiếc Lacetti và bản thân nhận lại tờ công chứng ủy quyền của người chủ chiếc Mercedes-Benz để sử dụng. “Cả tôi và người mua xe đều xác định chiếc xe này mình chạy kỹ, trong vòng 1-2 năm nữa lại bán nên không sang tên làm gì cho tốn kém” - ông Vinh giải thích.
Các trung tâm mua bán ôtô đã qua sử dụng cho biết phần lớn khách đến mua xe đều chọn cách né phí như anh Phong và ông Vinh. “Có thể khẳng định hơn 95% khách hàng mua xe đều chọn cách làm thủ tục chuyển sở hữu bằng công chứng ủy quyền, có chăng là công ty khi mua xe lại thì họ phải làm thủ tục đàng hoàng” - nhân viên kinh doanh Trung tâm ôtô đã qua sử dụng ở Q.Gò Vấp chia sẻ.
Ngoài ra, một giao dịch sang tên đổi chủ cho giao dịch mua bán ôtô sẽ mất 15-21 ngày, trong đó mất 5-7 ngày nộp hồ sơ tại cơ quan thuế để thẩm định giá trị và xác định khoản phí trước bạ mà người mua phải đóng. Sau đó tùy thuộc hộ khẩu của người mua xe mà đăng ký tại một trong ba nơi nhận thủ tục đăng ký ôtô thuộc Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (sẽ mất 10-14 ngày). Chính vì những rắc rối này mà người mua xe cũ chọn cách “lách” luật để sử dụng chiếc ôtô mua lại của người khác.
Ý kiến luật sư Nhiều rủi ro * Luật sư Lê Đình Phạt (Đoàn luật sư TP.HCM):Người mua, người bán nên làm thủ tục chuyển quyền sở hữu khi mua bán xe theo quy định của pháp luật để tránh các rủi ro phát sinh sau này. Thực tế có nhiều chủ xe đã bán xe nhưng không chịu sang tên, chỉ nhận tiền rồi đưa giấy đăng ký xe cho bên mua là xong nên sau đó người điều khiển xe gây tai nạn giao thông chết người, người chủ cũ vẫn bị triệu tập tham gia vụ án với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan.Chủ xe phải có nghĩa vụ chứng minh được mình không có trách nhiệm gì trong việc giao xe cho người gây tai nạn, nếu không chủ xe sẽ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xe của mình gây ra. * Luật sư Trần Quang Thắng (Công ty luật Quốc tế và cộng sự): Về lý thuyết, việc giao dịch dân sự công chứng ủy quyền không vi phạm luật và né được việc buộc phải đóng phí trước bạ cho lần đăng ký xe sau, phí lắp biển số mới... nhưng tiềm ẩn một số rủi ro. Văn phòng luật của ông đã giải quyết một trường hợp người mua xe cũ bị tịch thu xe và không được nhận lại tiền đã mua xe. Ông X., khách hàng của văn phòng, mua một xe đã qua sử dụng mà không làm thủ tục sang tên, đột nhiên một ngày chiếc xe của ông bị tịch thu do chủ cũ là bị đơn trong một tranh chấp về tài sản và bị áp dụng biện pháp ngăn chặn không cho dịch chuyển tài sản và bị buộc phải thu hồi. Về nguyên tắc, ông chủ cũ của chiếc xe có nghĩa vụ phải trả lại tiền mua xe cho ông X., nhưng ông này thông báo tiền đã tiêu hết nên khi nào có tiền mới trả lại sau. Trong trường hợp người ủy quyền chết, công chứng ủy quyền cho giao dịch mua bán ôtô sẽ vô hiệu theo Luật dân sự. Vì vậy người mua đang có công chứng ủy quyền sẽ không còn quyền định đoạt (mua, bán, cho, tặng...) tài sản là chiếc ôtô đó nữa. * Luật sư HÀ HẢI (Đoàn luật sư TP.HCM): Người mua xe nên đăng ký quyền sở hữu để tránh việc bị xử phạt và tránh việc mua phải xe gian, xe là tài sản của người phải chịu trách nhiệm về một nghĩa vụ dân sự, xe đang bị kê biên (có nguy cơ tài sản bị cơ quan chức năng thu hồi, người mua mất tiền). Về phía người bán, nếu không làm thủ tục bán xe theo quy định hoặc lựa chọn hình thức cho tặng hay lập giấy ủy quyền cho người mua sử dụng nhưng thực chất là đã bán xe, khi xe gây tai nạn thì khó lòng chứng minh được đã chuyển giao hợp lệ xe cho người mua nên phải bồi thường dân sự cho người bị hại nếu người mua nại lý do không phải là chủ sở hữu hợp pháp xe gây tai nạn và từ chối trách nhiệm bồi thường. Khi mua bán xe, trong hợp đồng chỉ nên ghi là hợp đồng mua bán xe và người bán nên ghi rõ người mua phải chịu trách nhiệm từ thời điểm nhận xe và người bán sẽ không phải chịu trách nhiệm về những rủi ro phát sinh sau khi bàn giao xe cho người mua. Để tránh những phiền toái xảy ra trong trường hợp người mua xe không làm thủ tục sang tên theo quy định của pháp luật, hợp đồng mua bán xe nên có chứng thực của cơ quan chức năng vào thời điểm thực hiện giao dịch. Nếu người mua không làm thủ tục sang tên, người bán nên đề nghị cơ quan chức năng xác nhận việc người bán đã bán xe máy, ôtô đó. |
Theo CHI MAI - LÊ NAM (tuoitre.vn)
Ý kiến đánh giá