Thứ Sáu, 22/11/2024 | 18:01
10:31 |
Sang tên xe cũ: Sợ phạt nhưng dân vẫn “ngại” làm thủ tục?
Nghị định 71 đã được áp dụng từ ngày 11/11, nhưng đa phần người dân vẫn còn thờ ơ với việc đi đăng kí xe chính chủ và làm thủ tục chuyển đổi quyền sở hữu. Sợ mất thời gian vì thủ tục rườm rà, đợi giảm chi phí xuống dưới 1% giá trị xe hay nhiều người vẫn muốn tìm cách lách luật?
>> Xử phạt trường hợp đầu tiên chưa sang tên, đổi chủ
>> Nỗi niềm “xe không chính chủ”
>> Xe không chính chủ bị phạt tới 10 triệu đồng
Chi phí cao
Nghị định 71 đã chính thức có hiệu lực thi hành khiến nhiều người tham gia giao thông thực sự lo lắng bởi Việt Nam là nước có ước tính đến 40% số xe đang lưu hành đều thuộc diện không chính chủ. Tuy nhiên, trái với dự đoán về số người sẽ đến đăng kí thay tên đổi chủ cho xế cưng của mình, mấy ngày qua, tại các cơ quan chức năng có trách nhiệm thực hiện quyền thay tên đổi chủ cho xe thì số lượng người đến thực hiện luật vẫn không tăng là bao nhiêu, chủ yếu vẫn là đăng kí mới. Vậy số phương tiện chưa chính chủ còn lại tính sao?
Việc tăng mức xử phạt tiền đối với người vi phạm quy định về đăng kí quyền sở hữu đối với phương tiện giao thông cá nhân theo quy định tại Điều 33 Nghị định 34/2010/NĐ-CP. Tuy nhiên, dư luận đã có sự hiểu lầm giữa hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định với việc đi xe không chính chủ.
Việc xử phạt đối với hành vi này là chuyện hết sức bình thường, không phải là quy định mới. Nghị định số 71/2012/NĐ-CP (sửa đổi từ Nghị định 34) chỉ nâng mức phạt tiền đối với trường hợp không chuyển quyền sở hữu phương tiện xe mô tô, xe gắn máy; các loại xe tương tự mô tô từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng; đối với xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô là từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Không phải bây giờ mà từ trước nay, Luật Giao thông đường bộ đã có quy định: Khi mua bán, cho tặng phương tiện, người bán và mua đều có trách nhiệm chuyển quyền sở hữu. Tại khoản 2 Điều 439 bộ Luật Dân sự cũng có quy định đối với tài sản mua bán mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì quyền sở hữu được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản đó. Đồng thời, theo mục B Thông tư số 36/2010/TT-BCA thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua bán, cho, tặng, thừa kế xe, người mua hoặc nhận xe phải đến cơ quan đăng ký xe đang quản lý xe đó làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe. Tuy nhiên, quy định trên vẫn chỉ được thi hành trên giấy bởi theo thống kê thực tế đang có 30-40% là xe mua bán chưa sang tên đổi chủ.
Việt Nam là nước ước tính có 40% số phương tiện giao thông đang lưu hành không chính chủ
Có nhiều lý do khiến người dân ngại đi làm thủ tục sang tên đổi chủ. Anh Quang Minh- chủ một cơ sở cho thuê xe ô tô tự lái, xe du lịch trên đường Láng (Hà Nội) cho biết: "Hiện tại, công ty tôi có nhiều xe được mua lại từ chủ cũ, hoặc kí hợp đồng cho mượn từ chủ sở hữu. Với xe mua cũ, chi phí làm thủ tục khá cao, lại phải đăng kí rườm rà, rắc rối nên khi mua xe, tôi và người bán chỉ thống nhất làm chỉ giấy viết tay có chữ kí của hai bên. Xưa nay việc mua bán xe cộ tại Việt Nam vẫn chủ yếu là chỗ bạn bè quen biết, tin nhau là chính, đâu cần phải ra tận chính quyền làm thủ tục hay công chứng gì cho rắc rối".
Để sang tên một chiếc ô tô cũ, người mua sẽ phải nộp phí trước bạ tương đương 10 đến 15% giá trị còn lại của chiếc xe, mức áp dụng tùy từng địa phương. Giá trị còn lại này được tính dựa trên thời gian sử dụng. Ví dụ xe đã chạy từ 1 đến 3 năm, giá trị sử dụng bằng 70% so với giá mua từ năm sản xuất hoặc nhập khẩu. Sau 3 đến 6 năm, giá trị xe còn 50%. Cứ mỗi lần sang tên chủ mới, chiếc xe sẽ lại thêm một lần "được" đóng phí trước bạ. Nhiều chủ xe cho rằng, mức thuế phí hiện nay là nguyên nhân chính dẫn đến việc 40% lượng xe đang lưu thông chưa sang tên đổi chủ.
Thủ tục rườm rà
Cũng tương tự như phí trước bạ và chuyển nhượng là đất rất đắt đỏ, người mua và người bán xe đều lách luật bằng cách thông đồng hạ giá xuống khiến nhà nước thất thu. Bây giờ nếu giá chuyển nhượng hạ xuống thì có thể người dân sẽ tự nguyện đến đăng kí làm thủ tục nhiều. Ngoài vấn đề chi phí, cách đăng ký của các cơ quan hiện nay cũng rất phức tạp, công chứng, nộp tiền, rất mất thời gian nên người dân càng thêm ngại.
Theo quy định của pháp luật, người dân muốn đăng kí xe chính chú phải mang giấy tờ cá nhân như chứng minh thư nhân dân. Nếu nơi thường trú ghi trong giấy chứng minh nhân dân không phù hợp với nơi đăng ký thường trú ghi trong giấy khai đăng ký xe thì xuất trình sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú. Tiếp đến là phải chuẩn bị đủ các loại giấy tờ liên quan đến phương tiện từ giấy khai đăng kí xe, giấy chứng nhận đăng kí xe, chứng từ chuyển nhượng quyền sở hữu theo quy định, chứng từ lệ phí trước bạ theo quy định.
Đó là chưa nói đến việc đăng ký sang tên sẽ phải thay đổi cả biển số cũ nếu biển cũ là biển 3 và 4 số (sẽ được đổi thành biển 5 số). Đối với những xe chuyển từ tỉnh khác chuyển đến thì không cần giấy chứng nhận đăng kí xe mà thay vào đó là giấy khai sang tên và phiếu sang tên di chuyển kèm theo chứng từ chuyển nhượng quy định và hồ sơ gốc của xe theo quy định. Đối với những xe di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác cần phải có chứng từ chuyển nhượng xe theo quy định.
Anh Quang Huân, một tài xế taxi cho biết, xe do anh đang lái đều do công ty đứng tên, hầu hết các lái xe taxi chỉ là người làm thuê. "Các thủ tục chuyển nhượng, ủy quyền phải qua nhiều bước rất mất thời gian. Trong khi anh em lái xe thì hầu hết đánh bóng mặt đường, phải làm tăng ca đủ kiểu mới đủ tiền kiếm sống lấy đâu ra thời gian đi đăng kí, làm đầy đủ các thủ tục. Nếu cứ áp dụng thế này thì tiền lương không đủ cho tiền phạt", anh Huân lo lắng.
Tuy nhiên, khi được hỏi về việc công ty có thông báo gì về vấn đề này cho các lái xe, anh Huân cho biết thêm: "Hiện các chủ xe còn vô tư vì nghe nói vẫn chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở. Thế nên anh em lái xe cũng vẫn lưu thông trên đường với những giấy tờ có từ trước tới nay. Còn những người có xe riêng để lái taxi thì vẫn đợi nghe ngóng xem áp dụng xử phạt thế nào mới đi đăng kí chính chủ. Hơn nữa, nhiều anh em lái xe là dân ngoại tỉnh, xe lại mua bán qua nhiều chủ nên việc đăng kí càng khó khăn hơn. Mong sao, các cơ quan chức năng sớm xem xét các trường hợp cụ thể để luật thực sự bám sát với cuộc sống".
Từ khi mới có thông tin về Nghị định 71 đưa vào áp dụng trong quản lý giao thông, nhiều người dân cũng có tâm lý hoang mang và tìm hiểu kĩ về quyền sang tên đổi chủ của phương tiện giao thông. Tuy nhiên, sau một "hồi tá hỏa tam tinh" đi tìm hiểu luật thì nhiều người lại tặc lưỡi "mặc kệ thôi". Không phải vì không tin vào khả năng xử lý của cơ quan chức năng mà lý do được đưa ra là: Luật loằng ngoằng khó hiểu quá, để chuẩn bị sang tên đổi chủ xe phải qua bao nhiêu bước giấy tờ và xin phép này nọ thì quá mất thời gian và tiền bạc.
Theo Đỗ Huệ (nguoiduatin.vn)
Ý kiến đánh giá (1)