09:05  | 

Chuyện cái... hộp số

Nhỏ thế mà lại vui, ấy là việc kể từ ngày 1/1/2013, tất thảy mọi cá nhân đi học lái ôtô và muốn được cấp giấy phép đều phải thực hành với xe trang bị hộp số tự động.

Nhưng vui ở điểm nào nhỉ? Và tại sao lại vui?

Quy định mới này của ngành giao thông vận tải, hiểu nôm na, là nhằm tránh tình trạng khi học thì thực hành rặt với xe số sàn, lấy giấy phép rồi, ra đường lại phần lớn điều khiển xe số tự động. Lấy chủ thể hộp số làm điểm nhấn chính nhưng sự thực thì cái khác nhau căn bản lại ở chỗ khác.

Khi đã “học” với xe số tự động rồi thì đến lúc “hành”, chuyện nhầm giữa mấy cần phanh, ga và côn nếu có gặp cũng chỉ là rất hãn hữu

Là thế này, điều khiển vô-lăng thì giống nhau, mấy cái nút điều khiển chức năng khác cũng gần như tương tự. Xe nào cũng thế, đánh lái sang trái thì là sang trái, đánh sang phải thì là sang phải, nút bấm còi thì ở giữa, cần gạt đèn xi-nhan nằm bên trái, cần gạt mưa nằm phía đối diện, trừ phi cái xe ấy là xe tay lái nghịch ở Anh hoặc những vùng thuộc địa Anh ngày xưa thì vị trí mấy cái cần gạt có khác nhau đôi chút.

Còn hộp số sàn với tự động thì thế nào? Hình dung đơn giản thôi, là anh số sàn thì người lái phải tự chuyển số (nên nhiều người mới gọi là số tay) kết hợp với động tác đạp – nhả chân côn; anh số tự động thì nó cứ chủ động chuyển số sao cho phù hợp với tốc độ, rảnh rang và văn minh. Ra là thế, có khác nhau nhiều thật. Ấy vậy mà lý do căn bản nhất để bắt học viên phải thực hành với xe số tự động lại nằm ở đặc điểm, vị trí và chức năng của mấy cái chân côn, chân phanh và chân ga chứ chẳng phải cái hộp số.

Hồi đầu năm, một bận người viết đang đứng trò chuyện với một cán bộ ngành kế hoạch ở sân trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên đường Văn Miếu thì chứng kiến cảnh một chiếc xe lao vọt sang đường, húc thẳng vào tường Văn Miếu. May mắn là không ai làm sao, chỉ có bức tường và tất nhiên là cả chiếc xe nữa bị hư hại phần nào. Hỏi ra mới biết, xe ấy là của một chị cán bộ, lần nào đến cơ quan cũng nhờ một anh bảo vệ đỗ xe giúp. Bữa ấy thế quái nào mà anh lẫn lộn cái chân ga với chân phanh. Đáng nhẽ đạp chân phanh thì anh cứ nhấn chân ga, kết cục là chiếc xe lao vọt đi, không hãm được.

Thỉnh thoảng lại thấy lùm xùm có vụ “xe điên” gây tai nạn liên hoàn. Những trường hợp “xe điên” kiểu ấy, kết quả điều tra của ngành công an đều xác định: xe số tự động. Đáng chú ý là người khiến chiếc xe thành “điên” đa số thuộc phái đẹp. Kể ra thì dễ hiểu, nói gì thì nói, lái xe thường không phải năng khiếu của phụ nữa, nên nhiều người đẹp một khi đã cuống quýt với một tình huống giao thông khó, nguy hiểm nào đó thì hay mất bình tĩnh, thành ra cứ đạp chân ga thật lực thay vì chân phanh.

Bản thân người viết cũng dính một “phốt”. Cách đây chừng dăm năm, trong một chuyến đi lễ có để cho một bác tài lớn tuổi lái xe. Quên béng chuyện nhắc nhở bác là cái xe số tự động. Và thế là, bác cứ kè kè cả hai cái chân cho hai cái cần ga và cần phanh (xe số tự động không có chân côn, khi lái chỉ dùng một chân bên phải). Gặp trường hợp khẩn cấp, “khực” và “rầm”. Bác bảo, “tôi đạp chân côn mà”. Ôi trời, hóa ra bác đạp chân phanh, xe khựng lại gấp gáp. Khổ nỗi, có mấy anh cò mồi dịch vụ lễ lạt đi xe máy bám sát ngay phía sau với tốc độ cao, phản ứng không kịp nên lao chí mạng vào đuôi ôtô. Thua thiệt cả đôi.

Vâng, vui chính là ở chỗ ấy. Khi đã “học” với xe số tự động rồi thì đến lúc “hành”, chuyện nhầm giữa mấy cần phanh, ga và côn nếu có gặp cũng chỉ là rất hãn hữu. Và như thế, hẳn (và kỳ vọng) sẽ hạn chế được tối đa những vụ tai nạn, va chạm giao thông không đáng có.

Theo VnEconomy

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm