Thứ Ba, 03/12/2024 | 02:06
07:35 |
Doanh nghiệp ô tô xe máy: Nản vì chính sách
Đây là lần đầu tiên sự bất ổn của chính sách chiến lược ô tô xe máy được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam.
Lo ngắn hạn
Hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) diễn ra thường niên nhưng năm nay, lần đầu tiên nhóm Nhóm công tác Công nghiệp Ô tô, xe máy được thành lập tại Diễn đàn doanh nghiệp để tập hợp kiến nghị, báo cáo lên CG.
Theo Nhóm công tác, ngành công nghiệp ô tô, xe máy thường được coi là một biểu tượng của sự phát triển của một quốc gia. Ngoài việc cung cấp và hỗ trợ các phương tiện vận chuyển cho các công dân, ngành công nghiệp ô tô, xe máy còn đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng tổng thể và tăng trưởng trong kinh tế và thương mại. Tại Việt Nam, ngành này mới đóng góp khoảng 3-5% GDP, thấp hơn khá nhiều mức trên 10% của nước láng giếng Thái Lan.
Tuy vậy, năm 2012 chứng kiến sự suy giảm bất thường, dự kiến tới 40-50%, của thị trường ô tô Việt Nam mà nguyên nhân chính được cho là sự sụt giảm kinh tế cộng hưởng với sự thay đổi chính sách thuế phí theo hướng thắt chặt việc mua mới ô tô. Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, Chủ tịch Ford Châu Á -Thái Bình Dương Joe Henrich cũng bày tỏ sự bất ngờ về sự suy giảm của thị trường ô tô Việt trong bối cảnh thị trường ô tô thế giới tăng, đặc biệt trong khu vực nhiều nước tăng kỷ lục.
Bên cạnh đó, những thay đổi liên tục và thường mạnh mẽ về thuế, nhất là thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt và phí trước bạ đã làm gián đoạn các dây chuyền sản xuất, các chuỗi cung ứng và hoạt động bán lẻ của các nhà sản xuất ô tô, xe máy vì đã tạo ra những thăng trầm trong nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó việc có sự khác biệt về phí trước bạ giữa Tp. Hồ Chí Minh (15%) và Hà Nội (20%) đã dẫn tới việc doanh số bán ở Tp. Hồ Chí Minh bị thổi phồng còn ở Hà Nội thì suy giảm vì các công ty có văn phòng ở cả hai thành phố có xu hướng đăng ký xe của mình tại Tp. Hồ Chí Minh – hay tốt nhất là ở Bình Dương - thay vì ở Hà Nội.
Ảnh minh hoa: giaothongvantai.com.vn
Nhóm công tác cho rằng, một lộ trình cho các loại/mức thuế và chính sách khác nhau trong ngành ô tô, xe máy đến năm 2025 sẽ có lợi cho ngành công nghiệp, các khách hàng và quốc gia nói chung. Trước mắt, cần thống nhất phí cấp biển số và phí trước bạ trong cả nước…
Ngại dài hạn
Việt Nam hiện có dân số khoảng 90 triệu người và sẽ tăng lên 100 triệu trong vòng 10 năm tới. GDP đầu người khoảng 1.200 USD và ước tính sẽ tăng lên 4.000 USD vào năm 2020. GDP đầu người và tổng số dân tăng sẽ tác động đến thói quen sử dụng và mua xe, đặc biệt khi tỉ lệ xe ô tô hiện nay là 2 xe/1000 dân. Thực tế chứng minh, những sự tăng trưởng này ở các nước khác đã kéo theo thói quen sử dụng ô tô, xe máy tăng, từ đó dẫn đến tăng trưởng của ngành công nghiệp ô tô, xe máy. Việt Nam có vị trí chiến lược và đây là thế mạnh cần tận dụng để đưa Việt Nam hội nhập vào chuỗi cung ứng của ASEAN và Châu Á, cũng như các quy hoạch phát triển sản xuất.
Theo cam kết cắt giảm hàng rào thuế quan khi Việt Nam tham gia hiệp định AFTA, Việt Nam sẽ phải giảm thuế suất nhập khẩu xuống 0% từ năm 2018 trở đi đối với mọi loại phương tiện được sản xuất tại ASEAN cũng như tuân thủ quy định về hàm lượng sản xuất từ ASEAN tối thiểu trong sản phẩm.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, một vướng mắc hiện nay là sự thiếu rõ ràng trong kế hoạch của Chính phủ về thúc đẩy, hỗ trợ lĩnh vực sản xuất, lắp ráp linh kiện trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy (CKD) hiện nay ở Việt Nam sau năm 2018. Vì vậy, các nhà đầu tư quốc tế vẫn chưa thể có động thái gì ngoài việc chờ đợi và theo dõi chính sách của Việt Nam. Nhóm công tác đề xuất Chính phủ nên lập, chia sẻ và công bố kế hoạch cụ thể về chính sách thuế theo quy hoạch 10 năm.
Cùng với đó, định hướng về loại phương tiện chiến lược của Việt Nam sau nhiều năm vẫn chỉ dừng ở mức dự thảo chưa hoàn thiện. Vì thế, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ xem xét phát triển xe hạng nhỏ để tạo điều kiện chuyển dần từ xe máy sang ô tô; xe van giao hàng hạng nhỏ không bị hạn chế khi vào nội thành thành phố; và xe vận chuyển hàng hóa và hành khách (ô tô tải hoặc xe buýt)...Ngoài ra, các vấn đề về phát triển cơ sở hạ tầng, về ưu tiên phát triển xe sạch...cũng được các doanh nghiệp báo cáo lên hội nghị CG.
Theo Vnmedia
Ý kiến đánh giá