22:11  | 

Khủng hoảng: Xe mới phải làm sao?

Trong khi các hãng xe sản xuất đại trà đang vấp phải những khó khăn trầm trọng về tài chính và doanh thu ở châu Âu, thì các hãng xe cao cấp lại có vẻ như chưa bao giờ gặp nhiều thuận lợi hơn thế.

Mẫu MPV Lodgy nằm trong dòng xe châu Âu mở rộng của Dacia

Các khách hàng đang dần rời bỏ thị trường tầm trung, và thay vào đó, họ tìm cách để nhận được nhiều lợi ích hơn những gì các thương hiệu truyền thống nổi tiếng cung cấp với số tiền bỏ ra – như việc cân nhắc về Hyundai và Kia so với Peugeot và Citroen. Hoặc họ chọn những tên tuổi uy tín hơn như Audi, BMW hay Mercedes, những hãng có phản ứng nhanh hơn cả những thương hiệu thuộc thị trường xe tầm trung trước sự phát triển dòng xe SUV và các mẫu xe nhỏ ở thị trường xe cỡ trung (như BMW X1 và Audi A1 chẳng hạn).

Và dù khủng hoảng tài chính châu Âu làm thay đổi thói quen mua sắm và truyền thống thị trường ở mức tương đương tổng doanh số của thị trường tầm trung, song dường như đây lại là thời điểm tốt để trình làng một thương hiệu cao cấp hay bình dân ở châu lục này.

Rafael Treguer: những chiếc xe của ông phải rẻ và hữu dụng

Dacia và Infiniti đang tiến hành việc đó. Cả hai nhãn hiệu đều nằm trong khối liên minh khổng lồ Renault – Nissan nhưng lại có mô hình kinh doanh và kế hoạch phát triển rất khác biệt dù vẫn chung một mục tiêu: thành công ở châu Âu với vai trò của một hãng xe toàn cầu.

Infiniti nổi tiếng ở Mỹ và đã có mặt tại thị trường này được hơn 20 năm, song kể từ khi ra mắt tại châu Âu năm 2009, cái tên này vẫn hầu như vô danh. Lí do chủ yếu có lẽ là bởi hãng không có hệ truyền động với động cơ 4 xy-lanh. Điều này có thể không cần thiết với người Mỹ, nhưng lại có tầm ảnh hưởng tối quan trọng đến doanh số bán hàng ở châu Âu.

Chủ tịch tập đoàn Carlos Ghosn rất tận tâm chèo lái Infiniti, và mới đây ông đã đề nghị cựu giám đốc Audi tại Mỹ Johan de Nysschen về dẫn dắt kế hoạch mở rộng của hãng. De Nysschen đã làm việc cho Audi trong 19 năm, vào giai đoạn mà công ty gần như đã thay đổi đến không thể nhận ra, và dường như cũng muốn góp sức tạo dựng một thương hiệu xe sang.

Về danh nghĩa, đề xuất tung ra nhãn xe giá rẻ như Dacia có vẻ đơn giản hơn, ít nhất là xét theo sự thành công nhanh chóng của Renault từ khi mua lại hãng xe Rumani này năm 1999.

Dacia hiện đang thống lĩnh các thị trường mới nổi và kể từ khi Logan xuất hiện năm 2004, hãng liên tiếp lập kỉ lục doanh số cũng như chiếm được doanh thu từ các thương hiệu bình dân có tên tuổi ở Tây Âu .

Hiện tại, với chiếc supermini Sandero có giá 200 triệu VND và chiếc SUV Duster 300 triệu VND (tại Anh), Dacia đã sẵn sàng trình diện thị trường Anh.

Hai thương hiệu cần ra mắt, hai phân khúc khác biệt cần đột phá. Và đây là cách Dacia và Infiniti lên kế hoạch để thực hiện điều đó...

Dacia - thương hiệu bình dân

Logo của Dacia

Bạn sẽ nghĩ việc chế tạo một chiếc xe tinh tế và phức tạp vốn cần đến các thanh giằng cao cấp sẽ khó hơn nhiều so với việc làm ra những mẫu xe gia đình giá rẻ và đơn giản. Song Rafael Treguer – giám đốc thương hiệu của Dacia, cho rằng các đối thủ tiềm năng của mình bao gồm Volkswagen sẽ ngạc nhiên bởi việc giảm chi phí như Dacia đã làm khó khăn thế nào, chưa kể đến việc vẫn phải sản xuất những chiếc xe rộng rãi, đơn giản, chắc chắn và thông minh.

Độ rộng là một yếu tố gây thử thách khi Dacia muốn sản xuất một chiếc xe có giá thấp hơn mẫu xe cạnh tranh cùng phân khúc. Phải cắt giảm chi phí và xử lý khéo léo để làm được điều này và tạo ra lợi nhuận. Song Renault vẫn đang làm được điều này.

Các mẫu xe

Dacia liên tục trình làng hàng loạt xe mới. Tham vọng xe giá rẻ của Renault được khơi nguồn sau chuyến thăm nước Nga của cựu CEO Louis Schweitzer, khi ông nhìn thấy sự phổ dụng của những chiếc Lada tuy lỗi thời nhưng giá rẻ.

Đầu tiên là Logan, rồi tiếp đến là những chiếc Sandero hatch, Sandero Stepway, Logan MCV (Xe đa năng), Logan pick-up và van, Duster crossover, Lodgy MPV và Dokker van. Renault sử dụng cùng bệ gầm B-zero cho tất cả các xe với tầm hoạt động động cơ gần như y hệt, tạo nên lợi thế quy mô và giảm chi phí. Treguer cho biết: “Chúng tôi vẫn áp dụng các phương pháp cải tiến từng sử dụng cho Logan. Từng bước đều được giám sát kỹ càng”. Những công việc như sử dụng cùng loại kính cho Sandero và Duster, hạn chế các tùy chọn và không giảm giá đều có tác dụng nhất định.

Mở rộng

Một sự khôn ngoan nữa nằm ở việc không phải tất cả các xe Dacia đều gắn mác Dacia. Ở ngoài thị trường châu Âu, đa phần chúng là Renault. Dacia cũng xuất hiện hoặc từng xuất hiện dưới nhiều tên khác như Nissan, Lada, Mahindra, Renault Tondar và các phiên bản chạy điện EMC tại Mỹ. Chúng được chế tạo tại các quốc gia có chi phí thấp như Nam Phi, Iran, Colombia, Ma-rốc, Ấn Độ, Nga, Brazil và Romania (nơi Dacia ra đời).

Johan de Nysschen: “Chúng tôi muốn trở thành một thương hiệu “bậc nhất”

Trong 2 năm qua, thương hiệu Dacia đã bán được gần 350.000 chiếc, nếu tính thêm các xe sử dụng thương hiệu khác, con số này sẽ là 814.000 chiếc. Theo dự đoán của Renault, riêng mẫu Duster sẽ đạt doanh số 370.000 chiếc trong năm 2014. Điều đó cho thấy Treguer không đặt tham vọng lớn vào Dacia hay dòng xe giá rẻ – thay vào đó, ông hướng đến việc mở rộng thị trường đến những nơi có nhu cầu lớn, và thu hút các khách hàng mới.

Infiniti - thương hiệu cao cấp

Làm ra một chiếc xe và cố thuyết phục mọi người rằng nó cao cấp và mức giá như thế là phù hợp là một thách thức không hề nhỏ. Điều này càng đúng với một nhà sản xuất xe hơi mà đối thủ cạnh tranh là Audi, BMW, Mercedes-Benz và Lexus. Doanh số bán hàng của Infiniti từ khi ra mắt ở Tây Âu năm 2009 dường như đã phản ánh điều này.

Chủ tịch mới của Infiniti, ông Johan de Nysschen cho hay thách thức trước mắt của ông là tạo dựng một hình ảnh thương hiệu nhất quán và nâng cao nhận thức. Ông khẳng định: “Chúng tôi sẽ phải đầu tư dàn trải vào thương hiệu này. Audi cũng đã mất một thời gian dài để làm điều tương tự”. Sản xuất nhiều mẫu xe hiệu suất cao hơn, tài trợ liên tục cho đội xe F1 Red Bull và liên kết mạnh mẽ với Sebastian Vettel là bước tiến mới nhất của Infiniti.

Các mẫu xe

Như De Nysschen đã nói: “Infiniti chỉ chiếm 60% thị phần với dòng xe hiện có và lại không được trang bị hệ động lực với động cơ 4 xy-lanh”. Sự thiếu hụt ngày một lớn giữa động cơ xăng và động cơ diesel của cùng dòng xe đang ngăn cản đà tăng trưởng của Infiniti vào lúc này, nhưng mẫu xe kế thừa G-series, đối thủ của 3-series sẽ giải quyết vấn đề này trong năm 2013.

Infiniti cũng dự định gia nhập phân khúc A3/1-series/A-class đang bùng nổ bằng một mẫu xe mới lấy nền tảng từ A-class theo như hợp tác với Daimler. Song, hãng đã đạt được thành công bất ngờ với mẫu SUV FX crossover, sản phẩm bán chạy nhất của Infiniti, một chiếc xe có mục đích đặc biệt là tìm kiếm các khách hàng biết cảm thụ. De Nysschen cho biết hãng đang hướng nhiều hơn đến các “khoảng trống” trên thị trường nhằm tạo nên một cú hích nữa theo phong cách FX.

Logo của Infiniti

Mở rộng

Thành công ở những thị trường mới nổi rộng lớn như Trung Quốc là chìa khóa để Infiniti đạt mục tiêu bán ra nửa triệu chiếc xe trong trung hạn. Song, De Nysschen hiểu rằng thương hiệu này còn có thể tiến xa hơn nữa so với những thành công gần đây ở Trung Quốc bằng cách đẩy mạnh nó ở châu Âu. Ông chia sẻ: “Trung Quốc và Mỹ có thể là tâm điểm về sản lượng của chúng tôi, nhưng Châu Âu mới là ngôi nhà chung của những chiếc xe cao cấp. Chúng tôi cần phải thành công ở đây để tạo sự đa dạng cho công việc kinh doanh của mình”.

Sứ mệnh trong 15 năm của De Nysschen đã được định rõ. “Chúng tôi muốn có mặt trên thị trường toàn cầu, đạt dấu ấn về chế tạo và được nhìn nhận như một thương hiệu cao cấp “bậc nhất”. Để có điều đó, hãng phải có một thương hiệu tên tuổi đi kèm với một danh mục sản phẩm có giá trị, các khâu tiếp thị và sự nhận thức về thương hiệu để hỗ trợ”.

Theo AutocarVietNam

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm