15:19  | 

Toyota – “Trùm” thu hồi xe năm 2012

Năm 2012 Toyota đã phải trả một khoản tiền phạt kỉ lục do việc chậm trễ trong quá trình thu hồi dòng xe Lexus RX tại thị trường Mỹ. Đây cũng là lần thứ ba trong chưa đầy bốn năm Toyota phải thu hồi một lượng cực lớn sản phẩm của hãng, điều này đã khiến họ trở thành “ông trùm” thu hồi xe, một danh hiệu không lấy gì làm vẻ vang.

Trong năm 2012, ngành công nghiệp Mỹ đã thu hồi tổng cộng 16.2 triệu xe bao gồm cả xe máy, xe tải và RVs, tăng 4.5% so với năm 2011 – theo nghiên cứu của Cục Quản lý An toàn Detroit News về dữ liệu giao thông quốc gia.

Toyota trải qua một năm đầy sóng gió

Năm vừa qua, Toyota đã cung cấp gói dịch vụ an toàn cho 5.3 triệu ô tô, xe tải, crossover và hơn một nửa trong số đó nằm trong đợt thu hồi các xe có nguy cơ bị cháy do lỗi kĩ thuật của hãng. Cụ thể, tháng 10 năm 2012, Toyota đã có một đợt thu hồi xe lớn nhất trong lịch sử của hãng – điều này có tác động đến 7,5 triệu xe trên toàn thế giới trong đó có 2,5 triệu xe tại Mỹ - do lỗi bộ chuyển mạch tại cửa sổ xe, có thể gây ngắn mạch dẫn đến cháy xe. Chưa hết, đến trung tuần tháng 11, tập đoàn này lại tiếp tục đối mặt với nguy cơ thu hồi gần 2,8 triệu xe trên toàn cầu vì lỗi ở hệ thống bơm nước và hệ thống lái trong nhiều dòng xe.

Riêng với dòng xe hạng sang Lexus tại Mỹ, Toyota cũng phải tuyên bố sửa chữa hơn 700 ngàn xe do lỗi tăng tốc đột ngột. Tuy nhiên điều này chỉ được coi như một gói dịch vụ sửa chữa vì thế không được tính trong tổng số 5,3 triệu xe được Toyota thu hồi chỉ tính riêng tại Mỹ và ít nhất gần 8 triệu xe trên toàn thế giới trong năm vừa qua.

Không chỉ tốn rất nhiều tiền tiến hành thu hồi xe, Toyota còn mất hàng tỷ USD tiền phạt do lỗi chậm thu hồi. Những ngày cuối năm 2012, cơ quan An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) tuyên bố hãng xe Nhật sẽ phải trả gần 17.4 triệu USD cho việc trì hoãn thu hồi các xe Lexus có vấn đề với việc tăng tốc bất ngờ. Và đây cũng là lần thứ tư tính từ năm 2012, Toyota bị phạt ở mức cao nhất đối với lỗi trì hoàn thu hồi xe một cách trái phép. Không chỉ bị phạt, Toyota còn bị buộc phải tổ chức các cuộc họp hàng tháng để bàn bạc kỹ hơn về các vấn đề an toàn xe.

Tuy việc thu hồi xe và nộp phạt năm vừa qua không ảnh hưởng quá lớn đến niềm vui gặt hái doanh số của họ, nhưng nếu tiếp tục, Toyota sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm niềm tin của khách hàng.

Toyota không phải là nhà sản xuất duy nhất bị phạt bởi các nhà quản lý an toàn liên bang do chậm thu hồi xe. Năm 2012, BMW AG và Volvo Cars cũng gặp nhiều rắc rối và phải trả nhiều triệu USD tiền phạt do việc chậm trễ thu hồi xe lỗi.

Còn trong danh sách các đại gia thu hồi xe kỷ lục trong năm qua, ngoài Toyota, có rất nhiều hãng tai to mặt lớn khác như Honda với 3.9 triệu xe, xếp vị trí thứ 2, tiếp đến là GM với 1.5 triệu xe, con số này đã tăng đáng kể so với 500 nghìn chiếc vào năm 2011. Chevrolet Cruze là dòng xe được thu hồi nhiều nhất của GM với 413 nghìn xe do có khả năng bị cháy động cơ. Ford Motor đứng thứ tư trong danh sách trên với 1.4 triệu xe. Ford cũng gặp rất nhiều vần đề liên quan cháy động cơ, xuất hiện nhiều trên các mẫu crossover của hãng.

Đáng chú ý, trong khi số lượng xe bị thu hồi tăng khá mạnh thì số lần tiến hành thu hồi lại giảm nhẹ xuống còn 587 lần so với 593 lần hồi năm 2011. Nhìn chung, 2012 vẫn là năm có lượng thu hồi xe chấp nhận được nếu so với mức đỉnh điểm 30,8 triệu xe và 600 lần thu hồi vào năm 2004. Các nhà phân tích cho rằng nền công nghiệp xe hơi thế giới đang trở nên trở nên chủ động hơn kể từ khi xảy ra vẫn đề của Toyota năm 2009 và 2010, và điều quan trọng là các nhà sản xuất đã không lờ đi những vấn đề nhỏ của xe như vài năm trước đây.

Bài viết này không nhằm mục đích phê phán Toyota hay bất kỳ nhà sản xuất nào khác mà nó nhằm đưa đến cho chúng ta cái nhìn mới về thị trường ô tô của thế giới, các hãng ngày càng chú ý đên sự an toàn của khách hàng, vì thế nên họ sẵn sàng thu hồi lượng lớn xe và chi trả những khoản phí không nhỏ để khắc phục sự cố. Bởi vậy, hãy cùng mong chờ những chiếc xe an toàn hơn, tốt đẹp hơn mà các nhà sản xuất đang chạy đua để đem tới cho khách hàng trong thời gian tới.

Phan Liên (TTTĐ)

Ý kiến đánh giá (1)


Có thể bạn quan tâm