Chủ Nhật, 19/01/2025 | 09:28
07:17 |
Mù Cang Chải - Tìm “vàng” ở lưng trời
Chúng tôi vẫn cứ gọi vui, cuộc hành trình của mình là hành trình tìm "vàng"
Chúng tôi cứ nói vui, hành trình mấy trăm cây số đường đồi núi lên cái nơi diệu kì ấy là hành trình tìm “vàng”. “Vàng” ở đây là lúa, vì đồng bào dân tộc Mông sống giữa lưng trời quý lúa như vàng. “Vàng” ở đây còn là những “khoảnh khắc vàng”. Có nhiếp ảnh gia, họa sĩ, nhà mỹ thuật, có nhà báo, sinh viên... dù đối tượng khác nhau nhưng lên đây đều muốn thu vào tầm mắt và ống kính những khung hình đẹp nhất của Mù Cang Chải mùa vàng. Hành trình bớt gian khó Vào những ngày gặt lúa, đâu đâu cũng thấy khách du lịch hỏi nhau “đã đi Mù Cang Chải chưa?”. Đơn giản vì Mù Cang Chải mùa này rất đẹp khi lúa ở các thửa ruộng bậc thang bắt đầu chín vàng. Điều đó hối thúc chúng tôi lên đường đến với “những thửa ruộng trên mây”. Chúng tôi rời Hà Nội trong cái tiết cuối thu se se lạnh. Từ Hà Nội lên Yên Bái là 180 cây số, từ Yên Bái vào đến Mù Cang Chải phải đi tiếp 200 cây số nữa. Xa xôi là vậy nhưng cuộc hành trình đến huyện miền núi xa nhất tỉnh Yên Bái giờ dễ đi hơn nhiều, đường núi vùng cao uốn lượn quanh co như con rắn nằm cuộn mình giờ trải nhựa đẹp hơn, rộng hơn. Một bên núi cao, một bên vực sâu cũng không còn khiến lái xe “chùn” tay lái nhờ những dải ta-luy kéo dài vô tận “dẫn đường”.Đường lên Mù Cang Chải đã dễ đi hơn nhiều
Tâm lý háo hức “đón” mùa vàng, cộng với việc có người bạn đồng hành là chiếc xe bán tải 2 cầu Nissan Navara nên hành trình của chúng tôi như gần hơn. Trên cung đường có nhiều núi cao, vực sâu với những khúc cua quanh co và đèo dốc, việc phải leo đèo, đổ dốc và vào cua liên tục diễn ra hầu hết các chặng đường. Tuy nhiên, chiếc xe của Nissan có hệ thống khung gầm cao và chắc chắn nên trong cả hành trình, Navara luôn đem đến một cảm giác ổn định và vững tâm đối với những người ngồi trong xe."Biển vàng" ở Khau Phạ
Gần đến Tú Lệ, chúng tôi dừng chân ven đường và bắt gặp những ánh mắt, những cái nhìn, những nụ cười thân thiện của các mẹ, các em người Thái. Ngồi “hóng” chuyện, chúng tôi mới hiểu thêm về câu tục ngữ "Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò". Người già ở Tú Lệ vẫn kể cho con cháu nghe giai thoại về giống gạo nếp Tan Lả Tú Lệ. Giống lúa ấy gieo ở khắp vùng Tây Bắc đều không có kết quả như ý, nơi thì thóc không nảy mầm, nơi thì lúa còi cọc bông lép. Chỉ khi tới chân đèo Khau Phạ (sừng trời), dừng chân bên con suối Mường Lùng, lúa gieo xuống mới xanh tốt và có mùi thơm tinh khiết đến vậy.Toàn một màu vàng óng làm nổi lên sắc xanh của núi rừng
Còn khoảng gần chục cây số nữa là đến thị trấn Mù Căng Chải, từng thửa ruộng bậc thang hiện ra theo đường xe chạy. Từng thửa ruộng nằm chênh vênh trên sườn núi, toàn một màu vàng óng làm nổi lên sắc xanh của núi rừng. Rồi màu vàng của nắng, thi thoảng xa xa điểm những chòi canh lúa nhỏ nhắn xinh xinh bằng gỗ của đồng bào dân tộc vùng cao… Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu, cả một mùa vàng với những “bậc thang vàng”, “phím đàn vàng” còn đang chờ chúng tôi khám phá vào ngày hôm sau. Ở nơi “lúa mọc ngang trời” Không biết tự bao giờ, ruộng bậc thang đã là đặc sản của vùng cao Tây Bắc, mà Mù Cang Chải là một điển hình kỳ diệu. Người Mông đã chọn những quả đồi thấp, có diện tích rộng, độ dốc vừa phải, tận dụng được cả nước mưa và nước suối dẫn từ trên cao tràn xuống để khai khẩn ruộng bậc thang.Ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải là những công trình kì diệu
Năm tháng qua đi, ruộng bậc thang được mở rộng dần. Và dưới bàn tay tài hoa của đồng bào Mông, núi đồi Mù Cang Chải như một bức tranh thủy mặc mỗi mùa đổ nước cấy lúa và như một bức tranh dát vàng mỗi mùa lúa chín, làm mê mẩn lòng người. Có lẽ vì thế mà ngày nay, bao nhiêu du khách trong nước và ngoài nước đã không quản ngại xa xôi, vượt qua những cung đường đèo quanh co, dốc đứng, qua cả biển mây Khau Phạ để đến với Mù Cang Chải, chỉ mong được tận mắt nhìn thấy những thảm lúa vàng giữa vùng sơn cước. Chúng tôi thơ thẩn cả ngày trời với những cái tên nghe đã thấy hứng thú. Kìa thung lũng Cao Phạ kỳ vĩ với những triền núi xanh trùng điệp bỗng rực lên sắc vàng mê mải của lúa chín. Kìa những ruộng bậc thang ở La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Zế Xu Phình đi mãi không thấy mỏi, ngắm mãi không thấy chán."Người bạn đồng hành" Navara bên những "dải lụa vàng"
Di chuyển trên chiếc Navara tới những triền lúa đẹp cách nhau vài chục cây số, bất chợt dừng xe, mở cửa, bước xuống, hít một hơi thật sâu để nuốt lấy cái khí trời mát dịu, cả đoàn như có thêm sức khỏe rồi nổi hứng để chiếc bán tải lại một mình giữa những con sóng vàng, quyết định leo lên những đỉnh đồi cao để ngắm ruộng. Ở trên cao, phóng tầm mắt ra xa mới thấy, ít ở đâu, ruộng bậc thang lại bát ngát đến thế. Lúa trải dưới thung lũng, lúa men trên sườn núi, hết đỉnh này kế tiếp đỉnh kia, tầng tầng lớp lớp, ruộm một màu vàng. Cảm nhận bức tranh sống động Đến Mù Cang Chải, nếu người nào đó chỉ lang thang đi ngắm ruộng hay ghi lại những hình ảnh đẹp thì dường như vẫn có cái gì đó thiếu hụt. Bức tranh ruộng bậc thang Mù Cang Chải sẽ đẹp hơn nếu ở đó xuất hiện bóng dáng của con người.Mù Cang Chải đẹp hơn với dấu ấn của con người
Càng chiêm ngưỡng, chúng tôi lại càng thán phục bàn tay tài hoa và kiên nhẫn, cần cù, chịu khó của người Mông đã tạo nên kiệt tác có một không hai của đất trời Tây Bắc. Các chuyên gia cho rằng, người Mông chắc chắn phải có thứ dụng cụ nào đó để đo đạc thì mới có thể tạo nên từng thửa ruộng đều tăm tắp cả về độ cao và độ rộng như vậy. Nhưng trên thực tế, cái đều tăm tắp ấy hoàn toàn do sức lao động thủ công của đồng bào tạo ra chứ không có bất kỳ sự hỗ trợ kỹ thuật nào.Người Mông là những kỹ sư tài hoa tạo nên công trình ruộng bậc thang Mù Cang Chải
Được biết, người Mông đã dùng cuốc bướm (cuốc lưỡi nhỏ, hình cánh bướm) cào thành bờ, dùng chân giẫm và dùng gáy cuốc đập mạnh, nén chặt bờ ruộng. Ðể tạo đường đồng mức cho từng mảnh ruộng, phải dùng nước làm đường cân bằng. Chỗ trũng thì dùng cuốc bướm cào bằng thêm, chỗ cao thì san bớt lên bờ. Vì vậy cả thửa ruộng quanh quả đồi đều có nước và độ cao giống nhau, tạo ra các bậc thang đều khắp. Không có thước đo đạc, cũng chẳng có một sự căn cơ khoa học nào, mà bằng sức lao động thô sơ và những áng chừng, những kinh nghiệm khai khẩn ruộng bậc thang từ năm này qua năm khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác, người Mông đã tạo nên những thửa ruộng đẹp như mơ.Vẻ đẹp trinh nguyên của cả cảnh và người
Bơi giữa “biển vàng”, trò chuyện với một gia đình người Mông lên nương gặt lúa mới thấy cuộc sống thật yên bình và giản dị. Gieo hạt, trồng lúa, lấy nước vất vả là thế, đến mùa thu hoạch, bà con dân tộc vẫn tốn không ít mồ hôi để địu được hạt gạo về nhà. Mọi khâu từ gặt, đập đến tách hạt lép, giã cho trầy vỏ đều làm thủ công bằng chân tay và dựa vào thiên nhiên. Song, cái sự vất vả ấy bị lấn át bằng niềm vui được mùa. Đi dưới tiết thu lồng lộng gió trời và biển lúa rập rờn cánh sóng, chúng tôi luôn bắt gặp những nụ cười. Nụ cười hồn nhiên của đám trẻ nhỏ. Nụ cười đẹp trinh nguyên như hoa rừng của người thiếu nữ hay nụ cười hạnh phúc của những bầm, bủ vùng cao như đang mãn nguyện với cuộc sống này.Về nhé, về để năm sau lại lên với mùa vàng
Những nụ cười ấy vẫn như muốn níu giữ chúng tôi trên cả bước đường về. Đành phải về thôi, về để tiếp tục lao vào cuộc sống mưu sinh, để lại chờ đợi, háo hức, chờ đến mùa lúa năm sau tiếp tục lên đường tìm “vàng”.Xem ảnh Mù Cang Chải mùa vàng (Photo: Lê Thắng)
Ý kiến đánh giá