Chủ Nhật, 19/01/2025 | 02:03
07:10 |
Sếp Ford Việt Nam ủng hộ cấm mua ôtô bằng tiền mặt
“Ai có thể tin rằng ngày nay cầm 500 triệu đồng tiền mặt trong túi để đi mua một chiếc xe ôtô lại là một hành động an toàn?”...
>> Không được mua ôtô bằng tiền mặt
“Ai có thể tin rằng ngày nay cầm 500 triệu đồng tiền mặt trong túi để đi mua một chiếc xe ôtô lại là một hành động an toàn?”, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) Laurent Charpentier, người đồng thời đang giữ chức Tổng giám đốc Ford Việt Nam, nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với VnEconomy, khi nhắc đến việc Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo thông tư trong đó quy định về việc cấm mua ôtô bằng tiền mặt.
"Tôi thực sự hy vọng rằng năm 2013 tình hình sẽ tốt hơn. Tôi vẫn luôn chia sẻ với các bạn rằng nhu cầu đối với ôtô, xe máy của người Việt Nam là rất lớn và không thay đổi".
Mặc dù vậy, người đứng đầu VAMA cũng cho rằng trong vài năm trở lại đây, nhiều chính sách được ban hành nhưng chưa sát với thực tế, trong số đó có những chính sách đã phải điều chỉnh liên tục để “bám đuổi” diễn biến của thị trường, của tình hình sản xuất. Điều này đã góp phần đẩy thị trường ôtô rơi Việt Nam rơi vào trạng thái bất ổn trong khi các doanh nghiệp sản xuất cũng thường phải đối mặt với nguy cơ “vỡ kế hoạch”.
Thưa ông, nỗi lo ấy liệu sẽ sớm được giải tỏa khi mới đây, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã hai lần liên tiếp yêu cầu các ngành rà soát kỹ lưỡng để ban hành hệ thống chính sách mới đối với công nghiệp ôtô, trên nguyên tắc bám sát thực tế và yêu cầu phát triển?
Hy vọng là vậy.
Ông đánh giá thế nào về những động thái có phần “sốt sắng” này của Chính phủ?
Tôi có sự tôn trọng sâu sắc đối với Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và tin tưởng vào ông. Chúng tôi thực sự hài lòng khi được nghe một mục đích tích cực từ Chính phủ, bởi đó là điều chúng tôi hy vọng cho ngành công nghiệp ôtô và cho cả nền kinh tế Việt Nam. Chúng tôi sẽ ủng hộ hết mình cho Chính phủ để thực hiện điều đó trong một tương lai rất gần.
Theo ông, cần phải làm những gì và làm thế nào để giúp ngành công nghiệp ôtô Việt Nam phát triển?
Có rất nhiều việc, nhưng theo tôi, ít nhất chúng ta cần làm hai điều: một là kế hoạch phát triển công nghiệp ôtô cho 10 năm tới và hai là một loạt các chính sách ủng hộ cho sự phát triển của ngành. Tôi cho rằng Chính phủ cần phải thiết kế một chiến lược rõ ràng với mục tiêu cụ thể là khi nào hoàn thành và khi nào chúng ta có thể đi tiếp.
Trước những động thái đầu tư mạnh mẽ vào Thái Lan và Indonesia của một số tập đoàn ôtô, trong đó đáng chú ý là Ford và Toyota, nhiều ý kiến cho rằng các hãng xe tại Việt Nam chỉ đang sản xuất cầm chừng nhằm “giữ chỗ” cho thời điểm năm 2018 (thời điểm thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ ASEAN+ vào Việt Nam chỉ còn 0-5%). Ông đánh giá thế nào?
Trước hết, phải nói rằng đây là thị trường đang bị lùi bước chứ không phải các nhà sản xuất ôtô đang sản xuất cầm chừng! Thực tế chúng ta đã chứng kiến ngành công nghiệp ôtô sụt giảm hơn 33% trong năm 2012 so với năm 2011.
Thứ hai, với một ngành công nghiệp đang còn ở rất xa với con số 138.000 xe đã đạt được năm 2011, chúng tôi có nhiều đối thủ hơn, cho ra mắt nhiều mẫu xe mới hơn. Khối lượng cho mỗi sản phẩm cạnh tranh đang giảm mạnh mẽ ở Việt Nam. Trong khi đó, các nước láng giềng của Việt Nam lại có một kế hoạch rõ ràng để phát triển công nghiệp ôtô và họ đã đầu tư tốt vào cơ sở hạ tầng cùng nền tảng cung cấp. Thị trường Đông Nam Á vẫn là nơi đầy tiềm năng của châu Á, nơi chiếm đến 60% tốc độ phát triển của ngành công nghiệp ôtô đầy hứa hẹn.
Bản thân Ford Motors đã cam kết với Việt Nam từ 17 năm trước, chứ không phải chỉ mới hôm qua.
Nói đến thị trường, tháng 1/2013 là thời điểm thị trường ôtô Việt Nam thường sôi động nhất do lượng khách hàng muốn mua xe trước Tết Nguyên đán rất lớn. Nhưng theo số liệu do VAMA cung cấp, sản lượng bán hàng ôtô tháng 1/2013 đã giảm 10% so với tháng liền trước. Theo ông, thực tế này báo hiệu điều gì?
Kết quả bán hàng của tháng đầu năm chỉ ra rằng ngành ôtô tại Việt Nam trong năm 2013 sẽ phát triển cao hơn năm trước. Mặc dù doanh thu bán hàng tháng 1 thấp hơn 10% so với tháng trước, nó vẫn tốt hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái và đó là dấu hiệu rằng những dự báo cho năm 2013 với doanh số 100.000 chiếc là hoàn toàn thực tế.
Năm 2012 thực sự là một năm rất khó khăn khi tổng sản lượng bán hàng giảm đến 33% so với 2011. Còn năm 2013, ông nhận định thế nào?
Tôi thực sự hy vọng rằng năm 2013 tình hình sẽ tốt hơn. Tôi vẫn luôn chia sẻ với các bạn rằng nhu cầu đối với ôtô, xe máy của người Việt Nam là rất lớn và không thay đổi. Thông tin cho rằng gần đây Chính phủ đã đồng ý không áp dụng các loại phí mới, cùng với việc giảm thuế sở hữu ôtô đã bước đầu có tác động tích cực đến thị trường.
Tuy nhiên chúng ta vẫn còn phải nỗ lực nhiều để có thể có một kế hoạch rõ ràng và ổn định cho những gì Chính phủ sẵn lòng thực hiện để hỗ trợ cho ngành công nghiệp ôtô.
Tại Ford, kế hoạch “Một Ford” vẫn tiếp tục gặt hái thành công trên thế giới, bao gồm cả thị trường Việt Nam, với những mẫu xe toàn cầu mới được giới thiệu gần đây. Năm 2013 sẽ không là một ngoại lệ khi chúng tôi sẽ mang tới thêm những điều thú vị khác!
Thực tế cho thấy khách hàng mua ôtô tại Việt Nam vài năm trở lại đây có tỷ lệ khá lớn là những người thành công trong lĩnh vực bất động sản và chứng khoán. Hiện thị trường chứng khoán Việt Nam đang có dấu hiệu hồi phục trong khi thị trường bất động sản đang trông chờ gói trợ giúp của Chính phủ. Điều này liệu có tác động đến lượng ôtô bán ra trong năm nay không, thưa ông?
Chắc chắn là có. Nhưng như đã đề cập ở trước, các chính sách ổn định là điều bắt buộc phải có cho cả khách hàng và nhà sản xuất đang thuê hàng nghìn công nhân làm việc. Nhưng nền kinh tế toàn cầu sẽ có một tác động tích cực đến một đất nước mạnh xuất khẩu như Việt Nam và chúng ta sẽ thấy một xu hướng tích cực đến trong nửa năm tới.
Chính sách thuế luôn được các doanh nghiệp ôtô xem là gây khó dễ cho thị trường. Năm 2012, việc tăng lệ phí trước bạ đã góp phần khiến sức mua ôtô giảm mạnh. Tuy nhiên, mới đây Chính phủ đã ban hành nghị quyết trong đó quy định giảm lệ phí trước bạ ôtô đăng ký lần đầu về 10%, một số địa phương có thể áp dụng tối đa 15%. Theo ông, quyết định này sẽ tác động cụ thể thế nào đến thị trường ôtô thời gian tới?
Điều đó sẽ khích lệ thị trường ôtô rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn cần hiểu rằng Chính phủ sẽ hướng đến hoạt động gì trong những năm tới để cải thiện được những dự đoán và giảm thiểu sự thiếu ổn định và chắc chắn.
Tôi cho rằng, khả năng dự đoán được là một trong những vấn đề khó khăn nhất đang cản trở nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, những thông tin như trên sẽ kích thích thị trường với tốc độ theo như dự đoán là 8% với tổng sức mua ở mức 100.000 xe.
Hiện Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo thông tư trong đó quy định về việc cấm mua ôtô bằng tiền mặt. Nếu quy định này được áp dụng, nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ôtô bởi thực tế cho thấy nhiều người dân Việt Nam chưa có thói quen tiêu dùng phi tiền mặt?
Tôi không thấy có vấn đề gì cả, thậm chí đó còn là một cách làm hay đến từ các nước phương Tây.
Nhưng một lần nữa, điều này nên được thực hiện từ từ đối với từng ngành và thời gian cho phép đủ để mọi người có thể quen dần với nó. Có một lợi ích rõ rằng đó là sự an toàn của chính chúng ta. Ai có thể tin rằng ngày nay cầm 500 triệu đồng tiền mặt trong túi để đi mua một chiếc xe ôtô lại là một hành động an toàn?
Ngành công nghiệp ôtô dĩ nhiên là một lĩnh vực mà việc chuyển khoản từ ngân hàng này đến ngân hàng kia là điều phổ biến, đặc biệt là vì cứ 2 khách hàng thì lại có 1 người vay tiền để chi trả cho khoản mua xe. Vì vậy, đây là một quy định đáng khích lệ và nên áp dụng.
Theo An Nhi (Vneconomy)
Ý kiến đánh giá