11:40  | 

Chính sách cãi nhau, ô tô còn lâu mới giảm giá

Những diễn biến mới nhất cho thấy, định hướng chính sách phát triển công nghiệp ô tô vẫn còn chưa rõ ràng và thiếu thống nhất điều này khiến cho mong muốn giảm giá ô tô vẫn chỉ là giấc mơ.

>> Đến 2020, khó mua và đăng ký xe máy mới?

Ưu tiên hay không ưu tiên

Tổ công tác về Sáng kiến chiến lược công nghiệp hóa hợp tác song phương Việt Nam- Nhật Bản vừa qua đã lựa chọn ra 5 ngành công nghiệp ưu tiên mà Việt Nam cần phát triển trong thời gian tới để trình Chính phủ phê duyệt, nhưng không có ngành công nghiệp ô tô.

Theo các chuyên gia thì ngành công nghiệp ô tô còn nhiều điểm không thống nhất giữa 2 bên nên đang tiếp tục thảo luận. Phía Việt Nam rất muốn đưa công nghiệp ô tô vào danh sách công nghiệp ưu tiên để hợp tác với Nhật Bản phát triển thời gian tới, nhưng phía Nhật Bản lại chưa muốn.

Phía Nhật Bản cho rằng quy mô thị trường ô tô Việt Nam hiện nay là quá nhỏ và chính sách thì không ổn định khiến cho nó không hấp dẫn với các nhà đầu tư và khó có thể thúc đẩy nội địa hóa được. Còn phía Việt Nam lại cho rằng ngành công nghiệp ô tô mặc dù đã được bảo hộ trong thời gian dài nhưng tỷ lệ nội địa hóa vẫn thấp, giá cả còn cao.

Tuy nhiên trong Bản chiến lược phát triển Công nghiệp đến 2020 tầm nhìn đến 2030 do Bộ Công thương đang soạn thảo thì công nghiệp ô tô được đưa vào danh sách các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển trong thời gian tới.

Theo ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp, Bộ Công thương, cơ quan soạn thảo Bản chiến lược, do nhận thấy công nghiệp ô tô là ngành rất quan trọng cần được ưu tiên phát triển nên đã đưa vào. Việt Nam rất muốn phát triển công nghiệp ô tô bởi tính hiệu quả mà nó mang lại cho nền kinh tế là rất lớn, từ tạo ra nhiều việc làm, giá trị gia tăng cao, sử dụng nhiều công nghệ cao, tính lan tỏa rộng, tạo động lực thúc đẩy nhiều ngành công nghiệp khác phát triển theo.

Thời gian gần đây Chính Phủ và các Bộ, Ngành đã có sự quan tâm đến ngành công nghiệp ô tô. Cụ thể trong 2 tháng đầu năm 2013, Chính phủ đã có 2 chỉ đạo quan trọng đối với công nghiệp ô tô.

Theo đó, yêu cầu các Bộ Công Thương và Bộ Tài chính phân tích rõ thực trạng phát triển ngành công nghiệp ô tô giai đoạn từ năm 2001 đến 2012, những ưu điểm, nhược điểm của từng loại thuế, lệ phí hiện hành đối với ô tô nguyên chiếc, linh kiện, phụ tùng; trên cơ sở đó tính toán, dự báo nhu cầu thị trường đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Xác định rõ mục tiêu phát triển của ngành công nghiệp ô tô; giải trình cụ thể về việc có nên lựa chọn dòng xe chủ lực và tiêu chí lựa chọn, các chính sách cần thiết để tập trung phát triển dòng xe này.

Xây dựng các phương án điều chỉnh chính sách thuế, chính sách ưu đãi... đối với ô tô. Có lộ trình thực hiện chính sách này trên nguyên tắc đảm bảo tính minh bạch, dễ dự báo, phù hợp yêu cầu hội nhập để tính toán các phương án thị trường tương ứng với tốc độ tăng trưởng hợp lý, sát thực tế và phù hợp yêu cầu phát triển.

Xa vời chính sách

Bộ Công Thương đã xây dựng định hướng phát triển ngành công nghiêp ô tô theo hướng chọn một dòng xe chiến lược trên cơ sở tham khảo ý kiến với các nhà sản xuất trong nước và các nhà nghiên cứu, bên cạnh đó là tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua cung cấp linh kiện ô tô cho các tập đoàn công nghiệp ô tô lớn của thế giới.

Với dòng xe chiến lược thì tập trung các chính sách ưu đãi như giảm ít nhất 70% thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm 50% - 70% lệ phí trước bạ để tăng nhu cầu. Bên cạnh đó, Nhà nước phải cam kết đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bao gồm cả hệ thống giao thông; Cam kết các địa phương không được đưa ra những quy định khác với Nhà nước. Cùng với đó là xây dựng chính sách hỗ trợ sản xuất ô tô; Sửa đổi lộ trình giảm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc đến năm 2018...

Mục tiêu của ngành công nghiệp ô tô hướng tới là dòng xe chiến lược sẽ có sản lượng 30.000 xe vào năm 2015 và 100.000 xe vào năm 2020 với tỷ lệ nội địa hóa đạt 25% vào năm 2015; 40% - 45% vào năm 2016 - 2020 và 50% - 60% vào năm 2021 - 2030.

Bộ Tài chính cũng đã có những quan điểm mới về các chính sách thuế với công nghiệp ô tô như sẽ hỗ trợ các sản phẩm để tham gia chuỗi cung ứng công nghiệp ô tô trong khu vực; Khuyến khích hợp tác và chuyển giao công nghệ; Hỗ trợ cho xe chiến lược để phát triển; Tiếp tục ưu đãi có chọn lọc, có điều kiện, dựa trên định hướng phát triển của ngành công nghiệp ô tô; Duy trì mức thuế nhập khẩu hiện tại trong AFTA đến năm cam kết cuối cùng; Sửa đổi cách tính thuế, khuyến khích sử dụng và sản xuất các linh kiện trong nước nhằm tăng nội địa hóa...

Theo các cơ quan chức năm Việt Nam chắc chắn sẽ có thị trường ô tô lớn vào sau năm 2020, khi thu nhập bình quân đầu người vào mức 3.000 USD/năm thì nhu cầu về ô ô sẽ tăng mạnh. Dự báo đến 2025 Việt Nam sẽ đạt mức 50 xe/1.000 dân. Khi đó nếu sản xuất trong trong nước không đáp ứng được, tất cả xe ô tô phải nhập khẩu thì số ngoại tệ phải bỏ ra là 12 tỷ USD và năm 2030 là 20 tỷ USD.

Tuy nhiên, liên quan đến việc lựa chọn dòng xe chủ lực, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề này đã được đề cập khá lâu, từ cách đây 3 - 4 năm và cũng đã có hàng loạt ý kiến mà không thể đồng thuận. Vì vậy cần phải nhanh chóng xác định rõ rằng. Áp lực của ngành công nghiệp ô tô đang ngày càng tăng khi thời điểm 2018 đến gần, trong khi các cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay về chính sách, thì các DN vẫn còn phải chờ.

Theo Trần Thuỷ (Vietnamnet)

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm