Thứ Hai, 25/11/2024 | 11:07
00:16 |
Đi về phía dòng sông
Dòng Đà giang hôm nay đã không còn ầm ào như xưa mà yên lặng xanh ngắt một màu.
>> Vespa – Xuôi về xứ sương mù
>> Cưỡi Vespa cổ qua miền Tây Bắc
>> Chinh phục cao nguyên đá bằng Vespa cổ
>> “Phượt” xe máy ở thị trấn mù sương
>> Cùng Toyota Fortuner vượt cao nguyên đá
Đại đỉnh đèo thứ 3
Chào tạm biệt xứ Mù Cang Chải đang mùa đổ nước với bức tranh ruộng bậc thang hai màu xanh vàng. Không phải là màu vàng của cả thảm lúa mùa gặt, mà chỉ là chấm xanh chấm vàng xen kẽ nhau. Chấm xanh là những nương lúa đang cấy dở, chấm vàng là thửa ruộng đang đổ ải chờ được tô thành màu xanh. Đứng trên đỉnh đèo Khau Phạ nhìn xuống cả cánh đồng Cao Phạ bạn sẽ thấy thật bình yên.
Dòng Đà giang hôm nay đã không còn ầm ào như xưa mà yên lặng xanh ngắt một màu
Bình yên trên những nương lúa mùa cấy, phía xa mờ kia con đường vào Lìm Mông cheo leo chạy vắt qua cả thung lũng rồi vút thẳng lên trời như con rắn khổng lồ nằm trên triền núi. Chạy dọc cánh đồng là dòng suối vẫn chảy bốn mùa, có cả những cây gạo đỏ rực hoa tô điểm thêm cho màu xanh của nương mạ.
Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy lom khom dưới kia là những chấm nhỏ với nhiều màu sắc khác nhau. Màu đỏ tím trắng của người phụ nữ cấy lúa thật nhanh, màu đen nâu của anh người Mông đang cày ruộng và be bờ giữ nước. Cả bức tranh mùa cấy hiện lên trước mắt chúng tôi, không cầu kỳ tô vẽ, không như bức ảnh đã xem trong bao cuộc triển lãm. Bức tranh thật của cánh đồng Cao Phạ đang hút hết ánh nhìn và dán chặt cặp mắt của mỗi ai qua đây.
Ba chú ong nhỏ đã chinh phục thành công 3 trên 4 tứ đại đỉnh đèo của nước Việt
Cung đèo thứ 3 trong tứ đại đỉnh đèo đã được chúng tôi chinh phục thành công. Khau Phạ trong tiếng Mông có nghĩa là “sừng trời” (chiếc sừng nhô lên tận trời) để chỉ độ hiểm trở của chúng. Đèo nằm giữa hai huyện Văn Chấn và Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái với chiều dài chừng 30km trên độ cao hơn 1200m, vì thế khí hậu trên đỉnh đèo luôn mát mẻ, thường có sương mù dày đặc.
Ngày đoàn qua đây chỉ kịp nhìn thấy biển mây trắng xóa từ đỉnh đèo phía xứ Mù, từng áng mây trắng tựa bông bồng bềnh dưới thung lũng. Nhưng khi lên đến đỉnh đèo và xuôi xuống phía Tú Lệ thì sương giăng kín, mù đến nỗi ba chiếc xe phải nối sát đuôi nhau để đi, bởi nhìn theo ánh đèn hậu xe trước mà đi sẽ dễ hơn rất nhiều.
Lũng Lô vẫn hiểm trở và cheo leo như ngày xưa vốn có của nó
Con đường qua đây thường xuyên bị sạt lở tạo nên nhiều ổ gà, bùn đất trơn trượt. Kỹ thuật để di chuyển những dòng xe côn tay bánh nhỏ trên địa hình này là đi thật chậm, sử dụng cả phanh bằng số và phanh trước sau, tuyệt đối không được cắt (bóp chặt) hết côn để xe trôi tự do khi xuống đèo. Sử dụng bóng đèn vàng để đi sương mù, sử dụng phanh sau theo kiểu “nhấp thả” mà không đạp hết phanh và giữ. Bằng những cách đó, đoàn chúng tôi xuống hết đèo một cách nhàn nhã.
Thả mình thật chậm, xuôi theo đèo Khau Phạ xuống Tú Lệ, rồi Nghĩa Lộ để từ đó theo quốc lộ 37 vượt đèo Lũng Lô qua đất Phù Yên, chúng tôi đã đi vào địa phận tỉnh Sơn La. Con đường từ Tú Lệ về Nghĩa Lộ khá đẹp, đường nhựa phẳng mịn, góc cua không qua gấp, ít phương tiện qua lại - một không gian tuyệt vời để ba chú ong của chúng tôi trình diễn. Lúc vút lên thật nhanh lấy đà lên dốc, lúc xuống lại thật chậm, côn không được cắt hết mà giữ ở mức vừa phải, đủ để thả vào khoảng lặng đất trời tiếng “pạch pạch” đặc trưng.
Mùi khói thơm từ xe phía trước do anh bạn trong đoàn sử dụng loại nhớt thơm, hoà với mùi cỏ cây hoang dã, mùi của gió thoảng lên từ thung lũng đang cấy tạo nên chất kích thích kỳ lạ giúp cho ai trong đoàn cũng tỉnh táo và phấn chấn.
Đi về phía dòng sông
Đèo Lũng Lô bây giờ ít người qua lại, tại đỉnh đèo giáp ranh giữa Yên Bái và Sơn La chỉ còn lại một con đường đá cấp phối khá nhỏ được làm lại với độ dốc lên đến 16% bởi con đường chính đã bị sạt lở hết rồi. Không quá vội vã, đoàn dừng chân đỉnh đèo để có thể ngắm cả vùng đồi núi trùng điệp trong buổi chiều muộn, khi mặt trời đang ngấp nghé đi ngủ.
Lũng Lô khi xưa là con đường huyết mạch trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng vạn người hành quân, hàng tấn gạo, vũ khí được vận chuyển qua đây để lên Sơn La rồi Điện Biên chi viện cho những trận đánh làm nên chiến thắng lịch sử 1954.
Có những con dốc cao đến 16%
Đến ngã ba Mường Cơi, không rẽ theo lối về Thu Cúc mà đoàn lại đi theo hướng về Phù Yên, nơi có dòng sông Đà đi qua, để có thể chạy hết con đường Phù Yên – Vạn Yên, con đường uốn mình theo từng vách núi của sông, phía bên phải là núi là nhà cửa của bà con người Thái, người Mường, phía bên trái là dòng Đà giang xanh ngắt một màu.
Đã có nhiều dịp đi qua đây cũng như đi dọc dòng sông này, nhưng lần nào cũng đưa lại cho tôi cảm giác mới lạ. Con đường vắng lặng, chỉ có ba chú ong nhỏ “bay” thật chậm, gió từ sông thổi lên mát rượi, từng ngọn núi cao ngất khi xưa nay đã trở thành những hòn đảo nhỏ bởi nước dâng lúc ngăn đập thủy điện Hòa Bình. Toàn bộ nhà cửa, làng mạc sát dòng sông cũ đã được di chuyển lên tận đỉnh núi nhường chỗ cho nước.
Đâu đó, trên dòng sông là những bè cá, là những ngôi nhà nổi, là con thuyền ngược xuôi chở gạo muối nhu yếu phẩm. Có khá nhiều bản làng hiện nay chỉ có phương tiện duy nhất để đi lại là thuyền. Thuyền đánh cá, thuyền chở hàng, thuyền chở người qua sông, tất cả tạo nên bức tranh sông nước sống động nơi đây.
Vạn Yên vẫn chưa có cầu, ước mơ về một chiếc cầu nối hai bờ quốc lộ 43 của người dân nơi đây vẫn phải chờ, phải đợi. Chẳng biết đến bao giờ mới có thể đi liền một mạch từ Phù Yên qua Mộc Châu mà không phải dùng đến những chiếc phà qua sông.
Chúng tôi chạy miết theo con đường men núi cho đến khi hết đường để đi, đó cũng là lúc đến bến Vạn Yên. Bến là nơi tập trung của thuyền bè qua lại hai bên sông hay đi ngược đi xuôi. Bến là nơi những lái thương dùng thuyền để mua nông sản của bà con.
Hơn 3500km đã qua dưới vệt bánh của những chiếc Vespa cổ lỗ sĩ này
Chiếc phà cũ đã hoen rỉ theo năm tháng đưa ba chiếc Vespa cùng chúng tôi qua sông. Từng đợt sóng vẫn vỗ ì oạp vào mạn phà tạo nên âm thanh thú vị, gió từ sông vẫn thổi mát lành. Trên cao, trăng của đêm 16 đã lên cao quá ngọn núi. Trăng soi sáng cho chúng tôi trên chặng đường từ đó về miền cao nguyên Mộc Châu.
Con đường dài hơn 50km với nhiều góc cua tay áo khá ngặt, đi qua nhiều bản làng của người Mông, người Thái, người Mường. Từng ngôi nhà sàn đã đỏ đèn, bếp nhà ai cũng đang đỏ rực chuẩn bị cho bữa tối. Mùi khói bếp quyện mùi sương núi làm ai trong chúng tôi cũng lâng lâng.
Những guồng quay cuối cùng dưới ánh trăng, đưa ba chú ong nhỏ về miền cao nguyên của đồi chè, của xứ hoa đào, hoa mận đang mùa khoe sắc.
Theo Autocarvietnam
Ý kiến đánh giá