Thứ Sáu, 22/11/2024 | 16:21
09:55 |
Lái F1 chuyên nghiệp như thế nào?
Biên tập viên Matt Prior của Autocar trò truyện với tay đua Nico Rosberg về nghệ thuật lái xe F1.
Một số người nói rằng các vận động viên đều toát lên ánh hào quang khi họ bước vào phòng. Matt Prior chưa bao giờ thấy vậy, song tay đua Nico Rosberg quả có một thân hình thể thao săn chắc khi anh bước vào sảnh nhà máy Mercedes AMG F1 ở Brackley, Northamptonshire, nơi cuộc trò chuyện bắt đầu trước khi họ ngồi vào chiếc S-class đang đậu sẵn bên ngoài.
Nico Rosberg cho biết điểm phanh ở chiếc F1 Mercedes của anh liên tục thay đổi. “Khiến cho mỗi vòng đua một khác. Không vòng nào giống vòng nào”.
Từ nơi bắt đầu cuộc phỏng vấn, xe chở họ tới nhà máy chế tạo động cơ của Mercedes ở Brixworth, nơi Rosberg được mời tới để thực hiện một chương trình truyền hình. Khoảng cách giữa hai điểm là 48km và Matt hy vọng nó đủ xa để Nico có thể mô tả những bí kíp để lái một chiếc F1 nhanh nhất có thể đồng thời giúp Matt hiểu được những kỹ thuật lái tối ưu.
Cũng cần hiểu đó không phải là những kỹ thuật bạn có thể thực hiện - mà chỉ giống như cách một bác sĩ phẫu thuật giải thích những trình tự ông vừa thực hiện, và Matt hy vọng sẽ nắm bắt được các nguyên lý này.
Vậy liệu Nico có thể phổ biến các kỹ năng anh có được trong sự nghiệp 17 năm đua xe của mình trong chưa đầy 1 giờ? Matt không chắc về điều này song Nico đã sẵn sàng.
Nico giúp Matt hiểu được những kỹ thuật lái tối ưu
Matt bắt đầu bằng câu hỏi về môi trường lái F1 và những gì Nico có thể thấy từ khoang lái chiếc F1. Nico cho biết: “Bạn có thể thấy đỉnh các lốp xe. Bạn có thể thấy 20m trước mặt, và chẳng thấy gì phía trước đó nữa. Tuy nhiên, đừng để ý rằng bạn đang chạy xe rất nhanh”.
Thiết bị bảo vệ (HANS) không hạn chế chuyển động đầu, Nico cho biết: “Bạn có thể quay đầu tùy thích. Song điểm mù là khá lớn bởi vì bạn không thể thấy một chiếc xe khi đã quá muộn”.
Các pê-đan F1 có cùng kích thước, với phanh không trợ lực và chân ga tương đối nặng. Vị trí ngồi khá eo hẹp và nghiêng về phía sau. Tay lái trực tiếp và nhanh. Rosberg cho biết: “Vòng quay vô-lăng đến điểm chết ở mỗi bên là 180º. Tuy nhiên trên đường đua, bạn không bao giờ có thể sử dụng hết biên độ, ngoại trừ ở Monaco. Thông thường biên độ sử dụng chỉ 90º ở cả hai bên”.
Còn độ nặng tay lái? “Có thể xác lập theo ý muốn - song phải đủ nặng để có cảm giác. Nhìn chung, tay lái F1 khá nhẹ. Bạn cần có phản hồi qua vô-lăng, bởi nó rất nhạy khi khóa bánh và xoay. Vô-lăng cho cảm giác nhiều hơn (so với một chiếc xe thương mại tốt) - nghĩa là độ nặng lớn hơn”.
Thế còn các góc cua? Liệu chúng có phải là những yếu tố duy nhất để tạo khoảng cách giữa các tay đua? Theo Rosberg, điểm phanh theo “nghĩa đen là một điểm cụ thể. Nó có thể được đánh dấu trên đường, gờ giảm tốc, làn chạy 100m, đại loại là thế”. Tuy vậy, thật không may, phụ thuộc vào trọng lượng bình xăng và độ mài mòn của lốp, điểm này “liên tục thay đổi”. Và đặc biệt là độ nhạy của lốp xe theo mùa. Rosberg cho biết ngay cả ở tốc độ rất cao, vẫn có thể để khóa bánh khi phanh.
Tuy nhiên, Nico gợi ý rằng tốt nhất là nên đạp phanh không trợ lực “thật mạnh”. Và sự dịch chuyển trọng lượng mạnh mẽ diễn ra ở chiếc F1, không giống như xe thương mại “sự dịch chuyển không diễn ra từ từ mà ngay tức thì về phía trước. Bạn phải chống mạnh vào tay lái để không bị chúi khỏi ghế”.
F1 không có chân côn. Thay vào đó là một cần kéo dưới vô-lăng. Nico cho biết cần kéo này chỉ dịch chuyển khoảng 10mm và “không tạo cảm giác”
Rosberg giải thích, phanh là điểm khác biệt lớn giữa xe đua và xe thương mại. “Lúc đầu, phải đạp phanh thật mạnh. Xe F1 có độ bám đường tốt nhờ tạo được nhiều lực nén xuống mặt đường. Tuy nhiên sau đó, khi xe chậm lại, độ bám đường cũng giảm theo. Vì vậy, phải nhả bớt phanh để giảm tốc tối đa”.
Liệu các tay đua F1 có giữ chân phanh khi vào cua, rồi dần nhả ra ngay cả khi họ đánh tay lái? Rosberg quả quyết: “Đúng là vậy, rất nhiều lần. Cho tới thời điểm chuyển sang chân ga, tay đua vẫn giữ chân (phanh)”. Tuy nhiên một lần nữa lốp xe bị ảnh hưởng. “Nếu vừa đánh tay lái vừa phanh, xe sẽ giảm tốc theo chiều dọc và tăng tốc theo chiều ngang. Điều này có thể dễ khiến lốp trước chịu tải lớn”.
Nếu mọi việc tốt đẹp, xe sẽ trượt tới đỉnh khúc cua. Rosberg cho biết: “Chúng tôi luôn tăng tốc ở đỉnh khúc cua. Phải rất cẩn trọng khi nhấn ga. Ngay khi cảm thấy đuôi xe dịch chuyển. Bạn phải tiếp tục đợi”.
Vậy trượt xe ngang có phải là lợi thế hay không? Rosberg giải thích: “Đương nhiên là vậy. Bạn chỉ cần tìm sự cân bằng phù hợp. Có những lúc bạn cảm thấy mất kiểm soát quá nhiều, vì vậy phải tìm cách trượt thích hợp”.
Matt tự hỏi liệu đó có phải là điểm lái trung lập, khi vô-lăng thẳng và xe trượt trên đường đua. Đó được xem là chạy nhanh. Rosberg khẳng định “đó là cách lái xe nhanh nhất. Giống như những tay đua đường trường, luôn lái trên bánh sau. Bởi khi văng đầu, bạn phải đợi lâu cho đến khi xe lượn quanh góc cua. Trong khi văng đuôi... là cách nhanh nhất”.
Thông tin này thật thú vị.
Ngoài lý thuyết, theo Rosberg, “chắc chắn luôn có những thủ thuật nho nhỏ ở mọi nơi. Và đó là những điều rất nhỏ. Thông thường một tay đua tìm kiếm thủ thuật này, còn tay đua kia tìm kiếm thủ thuật khác, và bạn học tập người khác từng tí từng tí một và tự mình trải nghiệm. Có rất rất nhiều thủ thuật nhỏ ở mọi lúc”.
Những kinh nghiệm trên thật tuyệt. Nó như thể bạn đang lái xe theo phong cách của mình, và chạy nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là với các tay đua mà sự nghiệp của họ chủ yếu là các cuộc đua kéo dài 20 phút, hay nửa giờ, khi lái F1 họ thường không chạy hết tốc độ.
Các lốp xe “rất nhạy cảm”, Rosberg giảng giải, đặc biệt là loại lốp mềm nhất. Điều này làm tăng thêm tính bất ngờ thú vị cho mùa giải năm nay. “Bạn thực sự phải lái rất thận trọng, đừng có bất cứ hành động hung hăng nào với tay lái vì bạn sẽ mất thời giờ ngay lập tức. Ở mùa giải gần đây lốp xe không như trước. Trước đây bạn từng có thể chỉ tập trung lái xe nhanh”.
Matt cho rằng anh đã có được những lý thuyết lái F1 cơ bản trong cuộc trao đổi trên chiếc S-class. Vì thế, anh đưa ra một câu hỏi nữa: Lái F1 có thú vị hay không? Rosberg trả lời: “Đương nhiên, thật tuyệt vời. Đặc biệt là vòng đua phân hạng, khi bạn có thể đạt tới các giới hạn. Bởi ngày nay bạn không thể (lúc nào cũng) chạy hết tốc lực, vì vậy đây là sự khác biệt”.
“Tuy nhiên ở cuộc đua phân hạng bạn có thể chạy hết tốc lực. Và như Mario Andretti, một tay đua thế giới kỳ cựu từng nói, nếu tất cả nằm trong tầm kiểm soát, bạn đang chạy chưa đủ nhanh”.
Theo AutocarVietNam
Ý kiến đánh giá