Chủ Nhật, 19/01/2025 | 02:13
18:05 |
Nhận biết 5 kiểu mũ bảo hiểm cơ bản
Thế nào là mũ full-face, mũ nửa đầu, hở mặt…? Những phân loại dưới đây sẽ giúp bạn dễ dàng nhận biết được các kiểu mũ để sử dụng chúng đúng mục đích và an toàn khi đi môtô, xe máy.
>> Mũ bảo hiểm xe máy bắt nguồn từ đâu?
>> 70% người dân đội mũ bảo hiểm “đểu”
Có 5 loại mũ bảo hiểm cơ bản dùng cho người lái môtô, còn các loại khác chỉ mang tính chuyên dụng. Tất cả đều được trang bị dây buộc cằm. Chỉ khi nào người lái thắt chặt dây buộc cằm sao cho thật vừa vặn với đầu thì tác dụng của chiếc mũ bảo hiểm mới được phát huy tối đa.
Sau đây là các loại mũ bảo hiểm được sắp xếp theo khả năng bảo vệ từ cao xuống thấp do người lái và các nhà sản xuất bình chọn.
1. Loại trùm kín đầu (full-face)
Mũ bảo hiểm full-face trùm kín phần đầu của người sử dụng với phần sau phủ toàn bộ sọ não và khu vực bảo vệ trước cằm. Loại mũ bảo hiểm này luôn có một khe hở trong vành đai chắn trước mắt và mũi cùng tấm che mặt bằng nhựa (trong suốt hoặc nhuộm màu) xoay lên xuống tùy ý. Bên cạnh đó, nhiều chiếc mũ full-face còn trang bị thêm lỗ thông khí nhằm lưu thông dòng không khí bên trong.
Mũ bảo hiểm full-face có khả năng bảo vệ đầu tốt nhất
Điểm thu hút lớn nhất của loại mũ bảo hiểm full-face là khả năng bảo vệ. Một số người không thích chúng vì nóng, cô lập, thiếu gió và hạn chế khả năng nghe. Mũ bảo hiểm full-face dùng cho những tay đua off-road đôi khi còn tháo bỏ cả tấm che mặt nhưng mở rộng phần vành lưỡi trai và chắn cằm.
Theo nhiều nghiên cứu, mũ bảo hiểm full-face bảo vệ người lái tốt nhất vì có đến 35% các vụ tai nạn gây ảnh hưởng đến vùng cằm. Các loại mũ bảo hiểm càng che chắn ít càng kém an toàn hơn cho người sử dụng.
2. Loại off-road/motocross
Đặc trưng của mũ bảo hiểm off-road/motocross là phần cằm và vành lưỡi trai kéo dài, thanh chắn cằm, tấm che nửa mặt đi kèm cặp kính bảo vệ. Vành lưỡi trai có nhiệm vụ che ánh nắng mặt trời chiếu vào mắt người lái khi nhảy lên/xuống.
Đặc trưng của mũ bảo hiểm motocross là phần cằm và vành lưỡi trai kéo dài
Ban đầu, mũ bảo hiểm off-road không gắn thêm thanh chắn cằm. Người lái thường sử dụng mũ bảo hiểm gần giống loại hở mặt như hiện nay kèm theo mặt nạ để tránh bụi hay các mảnh vụn đất đá văng vào mũi và miệng. Mũ bảo hiểm off-road hiện đại bao gồm một thanh chắn cằm (hình tam giác thay cho hình tròn) để bảo vệ mặt khỏi chấn thương, bụi bặm và đất đá bay xung quanh. Khi kết hợp đúng cách với kính mắt, người lái sẽ có cảm giác được bảo vệ như loại mũ bảo hiểm full-face dùng trên đường phố.
3. Loại môđun hoặc lật (flip-up)
Mũ bảo hiểm môđun hoặc lật (flip-up) là sự kết hợp giữa loại full-face và hở mặt dùng trên đường phố thông thường. Ngoài ra, đôi khi chúng còn được gọi với cái tên “bỏ mui” hoặc “lật mặt”. Khi được lắp ghép đầy đủ và đóng lại, trông chúng rất giống loại mũ bảo hiểm full-face nếu có thêm thanh chắn cằm dùng để hấp thụ lực tác động lên mặt.
Mũ bảo hiểm môđun giống loại full-face nhưng linh hoạt hơn nhiều
Thanh chắn cằm của mũ flip-up có thể xoay ngược lên trên (hoặc tháo rời) bằng một chiếc cần đặc biệt cho phép người sử dụng tiếp xúc với toàn bộ khuôn mặt. Nhờ đó, người lái vẫn có thể ăn, uống hoặc nói chuyện bình thường mà không cần phải nới dây buộc cằm và tháo mũ bảo hiểm.
Mũ bảo hiểm môđun được thiết kế để đội cố định trong suốt thời gian lái vì thanh chắn cằm tháo lắp tùy chỉnh rất hữu dụng khi đứng yên. Tuy nhiên, hình dáng uốn cong của thanh chắn cằm mở và tấm che mặt có thể tăng lực kéo không khí lúc đang lái do gió không chạy xung quanh giống như loại mũ ¾. So với loại hở mặt, thanh chắn cằm của mũ bảo hiểm môđun nhô ra xa hơn hẳn vùng trán, từ đó dễ gây nguy cơ chấn thương cổ cho người lái khi gặp tai nạn.
4. Loại hở mặt hoặc 3/4
Mũ bảo hiểm hở mặt hoặc ¾ vẫn phủ kín phần sau sọ não nhưng thiếu thanh chắn cằm và tấm che mặt như loại full-face. Nhiều chiếc còn trang bị vành lưỡi trai dài tùy chọn được sử dụng để tránh ánh nắng mặt trời. Mũ bảo hiểm hở mặt có khả năng bảo vệ phần não sau tương tự loại full-face nhưng không che được mặt ngay cả trong trường hợp phi va chạm.
Mũ bảo hiểm hở mặt có khả năng bảo vệ phần não sau tương tự loại full-face nhưng không che được mặt
Những con bọ, bụi bẩn thậm chí là gió đập vào mặt và mắt có thể khiến người lái khó chịu hoặc bị thương. Đó là lý do tại sao khi đội mũ bảo hiểm hở mặt, người lái bao giờ cũng đeo thêm kính râm hoặc kính bảo vệ để che mắt. Ngoài ra, nhiều chiếc mũ ¾ còn gắn thêm tấm che mặt mở rộng phần trên để bảo vệ mắt.
5. Loại nửa đầu
Mũ bảo hiểm nửa đầu hay còn gọi là “shorty” có thiết kế mặt trước tương tự loại hở mặt nhưng rút ngắn phần sau đầu. Loại nửa đầu có độ phủ tối thiểu theo qui định của luật giao thông Mỹ. Tương tự loại hở mặt, mũ bảo hiểm nửa đầu luôn đi kèm các thiết bị bảo vệ mắt.
Mũ bảo hiểm nửa đầu là loại kém an toàn nhất
Trái với loại hở mặt và full-face, mũ bảo hiểm nửa đầu rất dễ trượt và rơi khỏi đầu người lái nếu gặp tai nạn. Một số khóa học của Tổ chức An toàn Môtô đã cấm sử dụng mũ bảo hiểm nửa đầu trong các bài tập lái do khả năng bảo vệ kém hơn các loại khác.
Thế Đạt tổng hợp (TTTĐ)
Ý kiến đánh giá