06:53  | 

Trung đội nữ lái xe “độc nhất vô nhị”

Xưa bà Trưng, bà Triệu cưỡi voi ra trận, làm nên những trang sử vàng chói lọi. Nay, trong thời kỳ cả nước vì miền Nam ruột thịt, họ, những cô gái đang tuổi hai mươi đã cưỡi trên những chú “voi sắt” Gát, Jin ba cầu vượt mọi hiểm nguy dưới làn bom đạn để làm nên những kỳ tích của Trung đội nữ lái xe “độc nhất vô nhị”.

Tôi gặp Nguyễn Thị Hoàng Thanh một thành viên của trung đội nữ lái xe Trường Sơn, trong một buổi chiều cuối xuân, tiết trời vẫn hơi se se lạnh. Giọng nói rưng rưng, ánh mắt xa xăm như thấy những kỷ niệm ùa về, Hoàng Thanh bắt đầu kể…

Nữ tài xế Trường Sơn Nguyễn Thị Hoàng Thanh

Diệu kỳ trung đội nữ lái xe

Trong cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, đã có không biết bao nhiêu tấm gương anh hùng với những kỳ tích, góp chung vào sổ vàng của dân tộc để làm nên chiến thắng lẫy lừng năm châu, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Và họ, hơn 40 cô gái đến từ các tỉnh của miền Bắc, đã gặp nhau trong một khoá huấn luyện cấp tốc (45 ngày) và trở thành những cô gái lái xe, chia lửa với đồng đội trên tuyến đường Trường Sơn lịch sử. Giữa mong manh của sự sống và cái chết, những cô gái mang trong mình bầu nhiệt huyết của tuổi hai mươi và tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” ấy là trở thành huyền thoại, diệu kỳ trung đội nữ lái xe.

Đứng trước lựa chọn về địa phương, chuyển ngành hay đi văn công…, những cô gái thanh niên xung phong vừa hết nghĩa vụ ấy đã viết đơn, xin đi học… lái xe. Cùng chung suy nghĩ nam giới làm được, phụ nữ tại sao không, những cô gái trong khoá học ấy đã nhanh chóng trở nên thân thiết như chị em một nhà. Luyện thành tay lái, họ cùng chia lửa với đồng đội trên tuyến đường ác liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ - đường Trường Sơn.

Dù cho chiến tranh có khốc liệt, nhưng những cô gái vẫn là… những cô gái, họ làm nên những điều kỳ diệu theo cách riêng của con gái. Đường ra trận vẫn có hoa, có lá, có những bài hát và có cả những giọt nước mắt con gái. Nhưng điều kỳ diệu chính ở chỗ, trong suốt thời gian hơn hai năm (1968 - 1970) xuôi ngược trên tuyến đường này, tất cả chị em trong trung đội không ai hy sinh, đó là điều hạnh phúc nhất của trung đội đặc biệt này, bà Thanh bồi hồi.

Trong hơn hai năm ấy, không biết bao nhiêu chiến công đã được ghi, nhưng có lẽ hiển hách nhất, diệu kỳ nhất là chuyến vượt dốc Cổng Trời. Cung đường này vốn được mệnh danh là “túi bom” do mật độ đánh phá ác liệt của quân thù. Nam giới còn phải “chùn bước”, vậy mà các cô gái của trung đội đã xung phong không chút đắn đo. Chuyến vận chuyển hàng cấp tốc trong đêm đó đã thành công nhờ vào tinh thần dũng cảm, sự khéo léo của những cô gái lái xe. Sau chiến công ngoạn mục ấy, Phạm Thị Phàn (một trong hai cô gái) đã được Bác Hồ gửi tặng chiếc đồng hồ Poljot. Cho đến tận bây giờ, chiếc đồng hồ ấy vẫn gắn bó với bà Phàn, trở thành một kỷ niệm không thể nào quên trong đời.

Niềm tin có thật

Chiến tranh vốn ác liệt. Không ai dám tin những cô gái mảnh mai ấy lại có thể vượt qua được và trở về nguyên vẹn, không hao hụt quân số. Và trong những chuyến đi ấy, họ lại luôn có cho mình những kỷ niệm của một thời để giờ đây, lại thấy nao nao khi nghĩ về một thời đã qua.

Giọng Hoàng Thanh sôi nổi hẳn lên khi kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện mà có lẽ, không bao giờ bà có thể quên được. “Trong chuyến chở thương binh về hậu cứ, có một anh bộ đội đã vẫy xe để… xin đi nhờ. Lúc đó, tôi ngồi trên cabin, mặt bịt kín nên anh bộ đội tưởng là nam, cho đến khi lên xe rồi mới biết người lái xe là nữ. Ngạc nhiên lắm! Có gì đâu, giặc đến nhà đàn bà cũng đánh mà… Tưởng rằng chỉ có vậy, nhưng cho đến tuần sau, một lá thư được gửi về trung đội, mở ra đọc thì đó là một bài thơ có tiêu đề: Niềm tin có thật (tặng em cô bộ đội lái xe)”.

Không kịp chờ chúng tôi đề nghị, Hoàng Thanh đã đọc liền một mạch những dòng thơ tuyệt vời đó: “Không thể tin là em đã qua / Nơi túi bom bay mù bụi đỏ / Đường gập ghềnh ngổn ngang cây đổ / Trời lô nhô thân gỗ cưa ngang / Không thể tin là em đã sang / Nơi đất lạ trời xanh leo lẻo / Anh đón em qua tầm đạn réo / Tiếng tàu càng sốt ruột vo ve / Em là cô bộ đội lái xe / Giặc đuổi bắn bốn bề lửa cháy / Cái buồng lái là buồng con gái / Vẫn cành hoa mềm mại cài ngang / Em đã qua và em đã sang / Đẹp lắm đấy của những ngày đánh Mỹ / Đất nước mình nhiều điều giản dị / Ai chưa tin rồi sẽ phải tin thôi”.

Đọc xong, bà Hoàng Thanh bất ngờ hỏi chúng tôi có biết anh bộ đội đó là ai không? Còn chưa kịp trả lời, Hoàng Thanh đã nói luôn: Đó là cố nhà thơ Phạm Tiến Duật!

Tình yêu trong tuyến lửa

Chiến tranh có thể tàn phá mọi thứ, có thể làm cho con người bị huỷ diệt, nhưng những tình yêu trong tuyến lửa thì không sức mạnh nào, không bom đạn nào có thể dập tắt được. Nó mãnh liệt, nó cồn cào, nó da diết và nó chỉ bình thường khi ánh mắt họ chạm nhau, dẫu chỉ một phút giây.

Vốn là con gái Hải Phòng, Hoàng Thanh trốn gia đình đi thanh niên xung phong năm vừa tròn 16 tuổi vì sợ… lấy chồng. Trong những ngày tháng cầm vô lăng nơi tuyến lửa, mối tình của Hoàng Thanh cũng không kém phần lãng mạn.

Cuối năm 1968, trong một lần điều khiển chiếc xe 2,5 tấn vượt một con dốc cao, kề bên là vực sâu hun hút. Sắp đến giờ địch đánh bom tọa độ, vậy mà bỗng xuất hiện một chiếc đại xa từ trong rừng xông ra chặn kín cả lối đi. Thanh quát lớn: “Cái nhà anh kia, có tránh đường không nào?”. Anh lái xe bên kia cũng không vừa: “Còn chỗ đâu mà lùi. Em giỏi thì cứ việc lùi đi”. Nổi nóng, Thanh quát ầm lên. Phía bên kia cười giòn giã: “Con gái mà cục cằn thế thì ế chồng mất thôi em ạ. Có ma nó lấy”. “Ế thì mặc tôi, không lùi là tôi bắn đấy”, Thanh bực bội gắt lên. Cuối cùng, tay lái nam cũng chịu nhường đường cho nữ chiến binh lái xe băng lên phía trước. Chuyện chỉ có vậy mà sao lòng người lính sau đó cứ xôn xao và nhớ mãi hình bóng cô lái xe nóng tính. Từ đó sau mỗi chiến dịch trở về, anh lái xe lại mang về những nhánh lan rừng và đến tận lán nữ len lén cài lên xe cô gái đồng nghiệp. Cứ thế ngày tháng trôi qua, họ yêu nhau và chờ nhau cho đến ngày chiến thắng để thành vợ thành chồng.

Trong câu chuyện của mình, Hoàng Thanh còn kể cho chúng tôi nghe nhiều những câu chuyện tình cảm động như chuyện tình của Bùi Thị Vân với chồng, cũng là dân lái xe Trường Sơn. Vân xinh đẹp, thướt tha, được mệnh danh là “hoa khôi” gặp anh thương binh có cái tên rất khác người - Nguyễn Trần Đừng. Nhờ đôi tay chăm sóc mềm mại, dịu dàng của người con gái lái xe, anh Đừng đã vượt qua được cho dù vết thương ở chân rất nặng. Sau lần ấy, thỉnh thoảng Bùi Thị Vân lại nhận được những lá thư tình được viết rất nắn nót với những lời tha thiết nhớ nhung. Sau này khi đã thành vợ chồng, anh chị vẫn không thể quên được những lá thư thời chiến nồng nàn yêu thương ấy.

Những cô gái lái xe ngày nào, nay đều đã bước qua tuổi lục tuần, đều đã lên ông lên bà, nhưng kỷ niệm về một thời oanh liệt mãi không phai mờ trong ký ức. Mỗi năm họ lại gặp nhau một lần, vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, để cùng nhau chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống. Ao ước của họ thật giản dị, rằng mỗi lần gặp lại nhau, những gương mặt thân quen lại xuất hiện đầy đủ, để lại được kể cho nhau nghe những kỷ niệm của một thời hoa lửa!

The0 Hà Tuấn (thanhtravietnam)

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm