11:06  | 

Lái taxi, kiếm "nghìn đô" mỗi tháng

Cả 3 anh em của bác tài Nguyễn Cu Em từ Bình Định vào TPHCM lập nghiệp và đều theo nghề lái taxi. Anh cho biết: “Hai đứa em tôi mỗi đứa thu nhập tầm 10 triệu đồng/tháng. Còn tôi nhỉnh hơn 2 đứa em một chút, mỗi tháng khoảng 17 - 18 triệu đồng”.

>> Giá xăng tăng, các hãng taxi khốn đốn

>> Hà Nội, 30 tuyến phố cấm taxi hoạt động giờ cao điểm

Học nghề dễ kiếm việc…

Nghe kể về thu nhập của anh Em có lẽ nhiều cử nhân, thạc sĩ cũng giật mình. Anh cho biết đó không phải là thu nhập tháng cao điểm mà là thu nhập bình quân trong năm 2012 của anh, đầu năm 2013 có nhỉnh hơn tí chút nữa. Anh cũng không phải là người có thu nhập cao nhất công ty, thu nhập năm 2012 của anh chỉ đứng hạng 4 trong giới tài xế taxi của hãng Vinasun.

Anh Em cũng không phải là tài xế lâu năm trong nghề, anh chỉ mới bắt đầu lái taxi từ năm 20111. Anh cho biết: “Tôi vốn là tài xế xe tải. Năm 2011, công ty giải thể nên thất nghiệp, tôi tính chạy taxi vài tháng để chữa cháy, ai ngờ nghề này thu nhập cao nên tôi gắng bó đến giờ. Làm nghề như tôi thì cần cù, chịu khó là kiếm được tiền, thu nhập cao”.

Làm nghề chỉ cần chịu khó, cần cù là có thu nhập cao

Bà Nguyễn Hoàng Huệ Linh, Giám đốc truyền thông công ty Diageo Việt Nam cũng cho biết là trong năm 2012 công ty tổ chức nhiều khóa đào tạo partender với khoảng 1.000 học viên. Mỗi khóa chỉ đào tạo chừng 1 tháng nhưng khi học xong các học viên đều có thể tìm được công việc ổn định ở các bar, các khách sạn cao cấp ở TPHCM với thu nhập khá cao so với mặt bằng chung của Việt Nam.

Tại đại hội cổ đông năm 2013 của Vinasun, ông Tạ Long Hỷ, Giám đốc Taxi Vinasun cho biết, mức thu nhập trên 10 triệu đồng là khá cao trong giới tài xế taxi nhưng không hiếm. Thu nhập bình quân trong năm 2012 của hơn 10 ngàn tài xế của hãng là trên 7 triệu đồng/tháng, gần 7 ngàn anh em thu nhập cao phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Rất nhiều tài xế taxi vào nghề bằng 2 bàn tay trắng mà dành dụm 2, 3 năm đã mua được nhà.

Theo bà Huệ Linh thì hiện ngành partender có nhu cầu khá cao ở TPHCM cũng như các đô thị lớn ở Việt Nam. Ông Tạ Long Hỷ cũng cho biết lái taxi cũng là một nghề hấp dẫn và dễ kiếm việc vì hầu như lúc nào hãng cũng có nhu cầu tuyển mới. Vả lại, học lái xe thì thời gian học ngắn, chi phí thấp.

…Nhưng ít người theo

Tuy nhiên, thực tế cho thấy xã hội hiện nay vẫn còn quá chú trọng đến bằng cấp, thanh niên đua nhau học đại học, “bết” ra cũng là cao đẳng, trung cấp chứ không chọn trường nghề. Theo khảo sát nhu cầu nghề nghiệp của học sinh TPHCM năm 2012 do Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) thực hiện cho thấy: 70,83% học sinh chọn học Đại học, 25,6% chọn học Cao đẳng và chỉ có 3,57% chọn học Trung cấp; trong khi đó ở bậc Sơ cấp nghề hầu như không có ai chọn học.

Trong một hội thảo bàn về chính sách bảo hiểm thất nghiệp vừa tổ chức tại TPHCM gần đây, các đại biểu đều thừa nhận là bảo hiểm thất nghiệp tại Việt Nam hiện nay chủ yếu chỉ thực hiện chức năng chi trả trợ cấp là chính, còn việc hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm hầu như là không có.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là người lao động chẳng mấy mặn mà với việc học nghề. Người lao động đều muốn nhận khoản trợ cấp 1 lần và tự tìm kiếm việc làm chứ không muốn học nghề, trau dồi thêm kỹ năng nghề nghiệp… Lao động phổ thông thì muốn tiếp tục tìm 1 công việc phổ thông khác, người có trình độ thì chấp nhận thất nghiệp để tìm chỗ làm “có trình độ” chứ không thích học nghề để tìm cơ hội khác.

Theo các chuyên gia lao động thì đây là một thực trạng đáng báo động vì với cơ cấu kinh tế của nước ta hiện nay thì nhu cầu nhân lực thợ lành nghề là rất cao. Trong khi đó, ở nước ta lại “thầy” nhiều hơn “thợ”.

Điều này dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường khó tìm việc và tỷ lệ thất nghiệp rất cao. Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc thường trực Falmi thì có đến 80% sinh viên mới ra trường không tìm được việc làm trong 3 tháng, 50% thất nghiệp trong 6 tháng, thậm chí sau 1 năm vẫn có đến 30% sinh viên không tìm được việc làm hoặc buộc phải làm trái nghề.

Ông Tuấn cho rằng: “Trước xu hướng phát triển của doanh nghiệp, giới trẻ cần thay đổi định hướng nghề nghiệp, trong đó học nghề là con đường ngắn nhất để có việc làm, ổn định nghề nghiệp”.

Theo Tùng Nguyên (Dân Trí)

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm