Thứ Sáu, 22/11/2024 | 17:09
09:49 |
Thị trường ôtô: Cần có thêm các giải pháp để bình ổn
Sau 3 tuần thực hiện giảm mức lệ phí trước bạ đối với ôtô theo Nghị định số 23/2013/NĐ-CP của Chính phủ, đã có những phản ứng tích cực từ thị trường ôtô cũng như ý thức của người dân trong thực hiện quy định sở hữu xe chính chủ.
>> Chuẩn bị trình đề án phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam
>> Thay đổi chiến lược sản phẩm công nghiệp ôtô?
>> Xe ô tô 5 chỗ sắp đại hạ giá
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những hệ lụy đòi hỏi cần có thêm những giải pháp linh hoạt để thị trường bình ổn theo hướng bền vững.
Phá băng thị trường ôtô
Theo Nghị định 23/2013/NĐ-CP, lệ phí trước bạ đối với ôtô dưới 10 chỗ ngồi lần đầu với mức thu là 10% (trường hợp cần áp dụng mức thu cao hơn thì hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định điều chỉnh tăng nhưng tối đa không quá 50% mức quy định chung); lệ phí trước bạ lần thứ 2 trở đi với mức thu là 2% áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Tại Hà Nội đã áp dụng giảm lệ phí trước bạ đăng ký ôtô dưới 10 chỗ ngồi lần đầu từ 20% xuống 15%.
Theo Bộ Tài chính, việc giảm lệ phí trước bạ lần này là nhằm hỗ trợ người tiêu dùng, giúp người dân thực hiện tốt hơn quy định về việc sở hữu xe chính chủ và góp phần phá băng thị trường ôtô hiện nay.
Theo khảo sát của phóng viên tại nhiều đại lý bán xe ôtô, thị trường ôtô cũ đã sôi động hơn hẳn so với trước khi giảm lệ phí trước bạ. Nhờ lệ phí giảm, bên mua được giảm gánh nặng làm thủ tục sang tên đổi chủ nên việc mua, bán sẽ được diễn ra dễ dàng và suôn sẻ hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho cả bên mua và bên bán.
Anh Nguyễn Việt Tuấn, chủ một đại lý ôtô trên đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên), việc giảm lệ phí trước bạ phần nào đã làm ấm lên thị trường ôtô hiện nay, kể cả ôtô mới.
“Vài tuần nay, lượng khách đến đại lý xem và mua xe ngày càng nhiều. Lượng xe bán ra tháng này đã cao hơn so với tháng trước khoảng 10% và từ nay đến cuối tháng sẽ còn cao hơn nữa” - anh Tuấn cho biết.
Thống kê từ Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của toàn thị trường tháng 3 đạt 8.390 xe, bao gồm 2.832 xe con và 5.558 xe tải. Doanh số xe con tăng 75% so với tháng trước và xe tải tăng 111%.
Theo VAMA, doanh số tháng 3 đã cao hơn dự báo từ 400 đến 500 xe. Sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 6.974 xe, tăng 103% so với tháng trước. Đây là một tín hiệu tốt chứng tỏ việc giảm thuế, phí cho ngành ôtô là một sự khích lệ rất lớn đối với sự phát triển của ngành.
Bên cạnh việc làm thị trường ấm lên, việc giảm lệ phí trước bạ còn giúp giúp người dân thực hiện tốt hơn quy định về việc sở hữu xe chính chủ. Với chính sách mới này, số người đi đăng ký và làm thủ tục sang tên đổi chủ tăng lên rõ rệt, nhất là tại các tỉnh, thành phố lớn.
Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67), Công an Thành phố Hà Nội cho biết, trong 12 ngày đầu tháng 4 (từ 1/4-12/4) đã có 3.223 xe ôtô đăng ký sang tên đổi chủ, tăng gấp 4 lần so với 12 ngày cuối tháng 3. Trong khi đó, số lượng xe ôtô đăng ký mới cùng thời gian này có 1.167 chiếc.
Vẫn còn những hệ lụy
Mặc dù có những phản ứng tích cực của thị trường kể trên, nhưng việc giảm lệ phí trước bạ vừa qua vẫn còn một số hệ lụy nhất định. Theo các chuyên gia kinh tế, việc áp dụng lệ phí trước bạ mới với mức giảm mạnh như trên có thể sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.
Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, thu ngân sách của thành phố có thể sẽ giảm hơn 500 tỷ đồng. Với mức lệ phí trước bạ lần đầu giảm từ mức 20% xuống 15%, số lệ phí thu được dự kiến sẽ giảm 346,2 tỷ đồng. Trong khi với mức nộp lệ phí trước bạ lần hai từ mức 10% hiện hành giảm xuống 2%, số lệ phí dự kiến thu được có thể giảm 154,6 tỷ đồng.
Một hệ lụy khác phải kể đến đó là việc giảm phí trước bạ sẽ khiến thị trường ôtô cũ được thể tăng giá hàng loạt, tạo cơn sốt ảo để đánh lừa người tiêu dùng nhằm mục đích thu lợi. Những dòng xe phổ thông như Yaris, Corolla Altis, Camry, Fotuner… của Toyota; Santafer, Tucson, Getz… của Huyndai hay những dòng xe của Kia đều tăng giá từ 10-30 triệu đồng/xe.
Nguyên nhân tăng giá được nhiều chủ đại lý đưa ra là do nhu cầu mua xe cũ của người dân rất cao, lượng khách hàng mua xe gần đây tăng lên đáng kể (từ 10-20%) trong khi xe cũ cũng có hạn đã đẩy giá ôtô cũ tăng lên như hiện nay.
Thực tế cho thấy, nếu giá xe bị đẩy lên thì người tiêu dùng vẫn bị thiệt, thậm chí có khi giảm phí trước bạ không thấm vào đâu so với giá xe bị đẩy tăng. Anh Quang Huy, Giám đốc một công ty trách nhiệm hữu hạn ở Hà Nội cho hay, anh vừa mua một chiếc xe ôtô đã qua sử dụng vài ngày trước.
Nếu như trước đây, chiếc xe anh định mua có giá hơn 600 triệu đồng, với lệ phí trước bạ lần thứ 2 khi còn ở mức 12%, anh sẽ phải bỏ ra hơn 70 triệu đồng. Tuy rằng số tiền đăng ký lần này anh phải bỏ ra chỉ hơn 10 triệu đồng nhưng nếu cộng với giá xe tăng thêm 30 triệu đồng so với thời điểm trước thì chi phí thực tế anh phải bỏ ra vẫn hơn 40 triệu đồng. Như vậy, người mua xe cũ vào thời điểm này thực tế vẫn phải trả thêm từ 2-5% giá xe tăng và 2% phí trước bạ, trong khi đó, đáng lẽ họ chỉ phải trả 2% phí trước bạ.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo rằng, sự chênh lệch của lệ phí trước bạ lần đầu giữa các tỉnh có thể sẽ làm nảy sinh tình trạng người tiêu dùng, giới kinh doanh tìm cách lách luật bằng cách nhờ người khác đứng tên để đi đăng ký mới xe ôtô tại các tỉnh lẻ có mức lệ phí trước bạ thấp hơn và sau đó làm thủ tục sang tên để trả về đúng chủ.
Thực tế cho thấy, tại Hà Nội, lệ phí trước bạ đăng ký lần đầu ở mức 15% trong khi đó, tại các tỉnh thành lân cận như Hà Nam, Vĩnh Phúc… lại áp dụng ở mức 10%. Có thể làm phép tính đơn giản, đăng ký xe mới tại tỉnh lẻ có phí 10%, cộng với phí chuyển nhượng 2% như vậy những cá nhân này vẫn có thể hưởng lợi 3% so với cách thức đăng ký lần đầu tại Hà Nội.
Vậy, nếu không được quản lý và kiểm soát chặt chẽ, với những chiếc xe có giá trị nhiều tỷ đồng thì đây là món lời lớn với nhiều cá nhân, gây thất thu ngân sách nhà nước và tăng áp lực quản lý phương tiện cho Hà Nội và những thành phố lớn.
Theo Việt Trung (TTXVN)
Ý kiến đánh giá