Chủ Nhật, 19/01/2025 | 01:29
10:26 |
Trụ cột công nghiệp suy yếu
Ngành cơ khí Việt Nam đang tụt hậu khá xa so với các nước trong khu vực. Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam trong 10 năm qua được cho là không thành công.
>> Thay đổi chiến lược sản phẩm công nghiệp ôtô?
>> Nghịch lý “hợp lý” của thị trường ôtô Việt Nam
Thất vọng
Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020. Theo đó, đến 2010 đáp ứng 40-50% nhu cầu sản phẩm cơ khí cả nước, xuất khẩu đạt 30% giá trị sản lượng...
Tuy nhiên phần lớn các mục tiêu đề ra đều không đạt được, thậm chí có ngành còn tụt hậu hơn thời bao cấp. Cơ khí được coi là một trụ cột công nghiệp nhưng xem ra cây cột trụ này đang ngày càng yếu đi.
Có lẽ thành công nhất trong lĩnh vực cơ khí thời gian qua là ngành công nghiệp xe máy. Hiện tỷ lệ nội địa hóa với xe máy đã đạt mức trên 90% và thỏa mãn 80-90% nhu cầu tiêu dùng trong nước và mỗi năm xuất khẩu khoảng 200.000 xe.
Nhưng số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia trong sản xuất xe máy đến nay không nhiều. Nếu như trước năm 2005 Việt Nam có 57 DN 100% vốn trong nước sản xuất lắp ráp 1 triệu xe/năm thì đến nay chỉ còn chưa đầy 10 doanh nghiệp tồn tại với sản lượng khoảng 30.000-50.000xe/năm, nhường trên 90% thị phần cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Trong các doanh nghiệp cơ khí sản xuất linh kiện cung cấp cho doanh nghiệp xe máy FDI hiện nay thì chiếm tới 50% là nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, 30% đến từ các nước khác như Hàn Quốc, Thái Lan... Doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20%.
Nếu chia sản xuất linh kiện xe máy làm 2 loại là cứ có thiết bị sẽ làm được và phải có nghiên cứu phát triển, thì các doanh nghiệp Việt Nam chỉ làm được loại thứ nhất tức là chỉ cần có thiết bị là làm được, còn loại thứ 2 phải có đầu tư cho nghiên cứu phát triển thì không đáng kể nên sản phẩm làm ra có giá trị gia tăng thấp.
Nhóm ngành chế tạo thiết bị toàn bộ cho các dây chuyền sản xuất cũng được xem là ngành có tiến bộ vượt bậc trong những năm qua, nhưng thực tế vẫn chỉ là sản xuất những thiết bị lớn, phi tiêu chuẩn, đây là phần dễ làm nhất và chỉ chiếm không quá 20% toàn bộ giá trị dây chuyền.
Ngành đóng tàu đến nay có khả năng đóng được những chiếc tàu lớn, nhưng về hiệu quả kinh tế thì chưa hẳn, bởi toàn bộ trang thiết bị linh kiện từ que hàn cũng phải nhập khẩu. Có những con tàu ký hợp đồng trị giá 360 triệu USD thì chiếm tới 330 triệu USD là linh kiện, trang thiết bị nhập khẩu.
Ngành chế tạo thiết bị điện cũng tương tự, chủ yếu là chế tạo biến áp nhưng sản lượng cũng đang giảm mạnh. Chế tạo máy phát điện cho các nhà máy điện mặc dù được kỳ vọng nhiều nhưng kết quả không cao.
Công nghiệp ô tô cũng đặt ra mục tiêu đến 2010 đạt tỷ lệ nội địa hóa 40-60% đáp ứng 60-80% nhu cầu trong nước, hướng tới xuất khẩu phụ tùng, thì chỉ có mục tiêu xuất khẩu phụ tùng là đạt, còn lại đều thất bại, nhất là với dòng xe con. Các chi tiết có hàm lượng kỹ thuật cao như động cơ, hộp số đều chưa sản xuất được.
Trong ngành cơ khí có ngành chế tạo máy công cụ còn được cho là tụt hậu hơn so với thời bao cấp khi không có cơ sở chế tạo lớn nào còn hoạt động.
Tóm lại những gì ngành cơ khí Việt Nam làm được trong 10 năm qua vẫn nằm ở phân khúc dễ không đòi hỏi trình độ công nghệ chuyên sâu và có giá trị thấp, khả năng đáp ứng cho nhu cầu trong nước ở mức dưới 25%.
Điểm yếu của cơ khí Việt Nam nằm ở công nghệ cũ, lạc hậu, thiếu chuyên môn hóa, trình độ tụt hậu tới 2-3 thế hệ so với khu vực, thiết bị chế tạo phần lớn là vạn năng đã qua nhiều năm sử dụng, lạc hậu về tính năng kỹ thuật và độ chính xác, thiếu vốn đầu tư để thay hế đổi mới... Nguồn nhân lực ngày càng yếu, hiện hàng loạt các ngành cơ khí đang thiếu nhân lực trầm trọng...
Ưu đãi cũng như không
Trụ cột công nghiệp suy yếu
Theo Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí, có đến 50% các doanh nghiệp thuộc Hội đang thiếu vốn. Không có vốn thì việc đầu tư đổi mới trang thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất là không thể thực hiện được và như vậy thì cứ tụt hậu mãi.
Năm 2009 Thủ tướng Chính phủ ban hành Cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm, có rất nhiều ưu tiên cho ngành cơ khí, đặc biệt là chế tạo thiết bị toàn bộ.
Tuy nhiên trong 10 năm triển khai chỉ có 6 công trình cơ khí được hưởng ưu đãi. Con số này là quá nhỏ so với mong muốn khi đưa ra các chương trình đầu tư cho ngành cơ khí.
Ở thời điểm 2011-2012, lãi suất vay thương mại khoảng 17%- 20%/năm và không có ưu đãi nào cho lĩnh vực cơ khí, thiết bị toàn bộ, nên chẳng ai dám đầu tư.
Không những thế, lãi suất ưu đãi cũng khá cao. Năm 2011, lãi suất hỗ trợ mà Ngân hàng phát triển Việt Nam thực hiện là 11,4% thì không một doanh nghiệp cơ khí nào muốn tham gia. Với lãi suất quá cao như vậy, trong khi ngành cơ khí nói riêng chỉ lãi khoảng 3-5% sẽ khó chịu đựng nổi.
Ông Ngô Văn Trụ - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệp nặng Bộ Công thương cho rằng, đối với các nhà đầu tư cơ khí nếu được vay lãi suất 0% trong 10 năm phải trả nợ cũng không ai muốn làm nữa là lãi suất ưu đãi trên 11%.
Lãi vay cao nhưng thủ tục lại hết sức phức tạp khiến người đi vay nản lòng. Có dự án ôtô đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho vay 250 tỷ đồng lãi suất ưu đãi từ năm 2009 nhưng đến cuối 2012 vẫn chưa được giải ngân.
Căn cứ mục tiêu phát triển kinh tế đất nước đến 2020, cơ khí có một thị trường lên tới 250 tỷ USD về thiết bị trong các ngành năng lượng, xây dựng, vật liệu xây dựng, nếu tính cho toàn nền kinh tế thì lên tới 1.000 tỷ USD.
Tiềm năng rất lớn nhưng hiện nay chúng ta đang bỏ ngỏ cho nước ngoài với doanh số nhập khẩu nhập khẩu các thiết bị cơ khí khoảng 25-30 tỷ USD mỗi năm.
Theo Trần Thủy (Vef)
Ý kiến đánh giá (1)