Thứ Ba, 03/12/2024 | 03:17
11:59 |
Công nghiệp ô tô: Tầm nhìn đến năm 2030- Kỳ I
Việt Nam đang đến gần theo các cam kết mở cửa thị trường, hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển với hàng loạt con số không đạt chỉ tiêu. Bộ Công Thương đang trình Chính phủ quy hoạch mới về phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Kỳ I- KẾT QUẢ 10 NĂM ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN
Ngày 5/10/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 177/2004/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp (CN) ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 với mục tiêu: Xây dựng và phát triển ngành CN ô tô Việt Nam để đến năm 2020 trở thành một ngành CN quan trọng của đất nước, có khả năng đáp ứng ở mức cao nhất nhu cầu thị trường trong nước và tham gia vào thị trường khu vực và thế giới.
Với quy hoạch đó, từ năm 2004 đến 2010, ngành CN ô tô đã đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở một số nhà máy lắp ráp ô tô với dây chuyền thiết bị tương đối đồng bộ, hiện đại; bước đầu hình thành được đội ngũ công nhân, kỹ thuật viên và kỹ sư lành nghề trong ngành sản xuất ô tô; đã xây dựng được mối quan hệ đối tác chiến lược với các nhà cung cấp trong và ngoài nước để có thể cung cấp nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng ổn định, có giá cả cạnh tranh. Có thể thấy, ngành ô tô nước ta đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu trong nước về xe tải và xe khách, các sản phẩm ngày càng có uy tín và nhiều sản phẩm có khả năng cạnh tranh. Ngành ô tô ngày càng khẳng định vai trò và vị trí trong nền kinh tế quốc dân.
Tính đến năm 2012, tổng số các DN sản xuất ô tô trên lãnh thổ Việt Nam là gần 400 DN. Trong số 56 DN lắp ráp ô tô, có 18 DN là thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA). Các DN sản xuất ô tô tập trung chủ yếu tại vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng. Đa số các DN có quy mô vừa và nhỏ. Theo công suất thiết kế, các DN sản xuất ô tô cả nước có tổng công suất sản xuất lắp ráp xe hiện nay là khoảng 458.000 xe/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 47%, các DN trong nước chiếm 53%.
Năm 2010, cả nước sản xuất 112,3 ngàn xe các loại, cao gấp gần 2 lần năm 2005 và 8,4 lần năm 2000. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong 10 năm là 17,44%/năm. Năm 2011, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, sản xuất lắp ráp xe trong nước chỉ đạt 107,9 ngàn xe, giảm 4% so với năm 2010. Năm 2012 số lượng xe lắp ráp trong nước còn 72.749 xe, giảm 31% so với năm 2011.
Các chỉ tiêu bị phá vỡ
Tuy vậy, sau gần 10 năm thực hiện quy hoạch, ngành công nghiệp ôtô cũng đã lộ rõ nhiều bất cập. Các doanh nghiệp tập trung chủ yếu ở khâu lắp ráp, công nghiệp hỗ trợ chưa được chú trọng đúng mức. Hầu hết các chỉ tiêu của quy hoạch đề ra năm 2010 đều không đạt. Đặc biệt, tỷ lệ giá trị nội địa của ô tô sản xuất trong nước rất thấp.
Cụ thể như ngành CN hỗ trợ cho phát triển ngành sản xuất ô tô Việt Nam hình thành và phát triển rất chậm trong giai đoạn vừa qua. Đến 2012, ước tính cả nước có khoảng trên 210 DN tham gia sản xuất các loại linh kiện, phụ tùng ô tô với gần 27 ngàn lao động và tổng tài sản cố định và đầu tư dài hạn của các DN là khoảng 8 ngàn tỷ đồng. Năng lực cạnh tranh quốc tế của CN hỗ trợ sản xuất ô tô còn yếu, nhất là công nghiệp hỗ trợ ngành chưa phát triển, tỷ lệ nội địa hoá thấp là một trong những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Các linh kiện, phụ tùng đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao chưa sản xuất được nên tỷ lệ giá trị nội địa trong ô tô lắp ráp trong nước còn thấp, đặc biệt đối với loại xe dưới 9 chỗ.
Ngoài ra còn phải kể đến hàng loạt các bất cập khác như: sau nhiều năm sản xuất ở Việt Nam, tỷ lệ chuyển giao công nghệ của các công ty nước ngoài đối với sản xuất ô tô trong nước rất thấp. Đến nay, Việt Nam vẫn chưa có DN sản xuất ô tô lớn tầm cỡ khu vực để có thể cạnh tranh và xuất khẩu; sự liên kết, hợp tác, phân công sản xuất của các DN trong ngành còn rất yếu nên không phát huy được sức mạnh, lợi thế của từng DN dẫn đến năng lực cạnh tranh kém; các chính sách phát triển chưa phù hợp nên các DN ô tô chủ yếu hoạt động theo phương thức lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa...
Áp lực hội nhập đang ngày càng tới rất gần, năm 2018 (chỉ còn 5 năm nữa) là năm mà theo các cam kết AFTA, thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc sẽ giảm về 0%. Với xu hướng đó, không loại trừ khả năng một số DN ô tô ở Việt Nam đang chuẩn bị cho động thái rút khỏi thị trường, chuyển từ lắp ráp sang hoạt động thuần túy thương mại. Khi đó, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ô tô cho các hãng nước ngoài. Áp lực nhập siêu của nền kinh tế sẽ ngày càng gia tăng.
Trước thực tế này, Chính phủ giao cho Bộ Công Thương lập lại Quy hoạch phát triển ngành CN ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (theo Thông báo số 5047/VPCP-KTN ngày 20 tháng 7 năm 2010 của Văn phòng Chính phủ).
Kỳ II- Quy hoạch mới - Gấp rút cho lộ trình hội nhập
Theo Quỳnh Minh (baocongthuong.com.vn)
Ý kiến đánh giá