Thứ Sáu, 22/11/2024 | 22:13
07:17 |
Hành trình sụp đổ của biểu tượng văn hóa xe hơi nước Mỹ
Tiêu thụ nhiên liệu giảm cùng sự xuất hiện của các phương tiện chạy bằng điện khiến các trạm xăng - biểu tượng văn hóa xe hơi Mỹ - dần biến mất.
>> Mercedes-Benz – Hơn cả một biểu tượng
Trong báo cáo hồi tháng 4, phố Wall cho biết các trạm xăng tại một số khu vực của nước Mỹ như đường Houston và Lafayette - cuối phố Manhattan - có thể sẽ sớm phải đóng cửa do quá ít khách hàng.
Trước đó, tờ Washington Post cũng đăng bài bình luận cho rằng các trạm xăng tại các khu vực ngoại thô thủ đô Washington DC cũng dần biến mất. "Dọc theo đại lộ Winconsin đông đúc, 2 trạm xăng của Exxons và một của BP đã buộc phải ngừng bán hoặc đóng cửa vĩnh viễn, nhường mặt sàn cho các dự án xây dựng lớn hơn", tờ báo viết.
Những sự biến mất như vậy dường như không còn là những sự kiện đơn lẻ mà đã trở thành một hiện tượng khá phổ biến ở Mỹ. Đã 100 năm kể từ khi trạm xăng bán lẻ đầu tiên được dựng lên - trạm Gulf ở Pittsburgh - những trạm xăng như vậy đang dần trở lên lỗi thời so với bối cảnh thương mại của nước Mỹ. Theo thống kê, mỗi ngày nước Mỹ có từ 3 tới 4 trạm xăng buộc phải đóng cửa.
Một số, như các trạm xăng của BP ở Soho và các trạm ở đại lộ Winconsin, là nạn nhân của tình trạng bất động sản leo thang ở các khu vực đô thị và ngoại ô đang bùng nổ phát triển. Trong khi số khác lại là nạn nhân của sự thay đổi trong văn hóa xe hơi của nước Mỹ. Ngày nay, người Mỹ lái xe ít hơn so với quá khứ, kéo theo đó thói quen lái xe của các tài xế cũng đổi khác. Nếu bắt buộc phải dùng tới xe hơi, họ cũng có xu hướng chọn các loại xe tiết kiệm nhiên liệu hơn. Kết quả, cứ mỗi ngày qua, lượng khách hàng dừng chân vào trạm xăng ngày một ít hơn.
Các trạm xăng Mỹ ngày một vắng bóng người qua lại.
Theo tạp chí Dầu khí quốc gia Mỹ, tổng số trạm xăng trên toàn nước Mỹ - bao gồm cả các trạm tiếp liệu công cộng, bến cảng, các cửa hàng tiện ích và các đại siêu thị bán nhiên liệu - ước tính vào khoảng 156.000 trạm, tính đến cuối năm 2012, giảm 1.328 trạm (hay 1%) so với năm 2011. Đây cũng là năm giảm thứ 7 liên tiếp. Tính từ năm 2002, số lượng trạm xăng trên toàn nước Mỹ giảm khoảng 8%, tương đương 14.000 trạm.
Xu thế lụi tàn của các trạm xăng - biểu tượng văn hóa xe hơi một thời của nước Mỹ - bắt đầu manh nha vào thập niên 1990, khi chuỗi các siêu thị, cửa hàng tạp hóa và bán lẻ như Costco và Walmart thực hiện chiến dịch chiếm lĩnh thị trường bán lẻ xăng. Những chuỗi cửa hàng này nhanh chóng chiếm được lợi thế lớn nhờ khả năng hoạt động với chi phí thấp, và thu hút một lượng lớn khách hàng của các trạm xăng khác.
Bên cạnh sự cạnh tranh khốc liệt từ các chuỗi cửa hàng bán lẻ, sự phát triển của nền kinh tế và khoa học công nghệ cũng góp phần đẩy các trạm xăng tới bờ vực biến mất. Theo phát ngôn viên Jeff Lenard thuộc Cơ quan thông tin năng lượng, lượng bán xăng của nước Mỹ bắt đầu đạt đỉnh vào năm 2007 với 3,38 triệu tỷ thùng xăng được tiêu thụ. Tuy nhiên, đến năm 2012, con số này giảm còn 3,18 tỷ thùng.
Vậy điều gì đã dẫn tới sự suy giảm đó? Nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ khủng hoảng tài chính toàn cầu cùng sự phục hồi yếu ớt của kinh tế Mỹ. Điều đó khiến người Mỹ ít sử dụng xe hơn và chuyển sang sử dụng các loại hình giao thông công cộng để tiết kiệm chi phí. Trong khi đó, nhu cầu mua sắm xe ô tô mới cũng yếu đi khi các gia đình bắt đầu thắt chặt hầu bao hơn.
người Mỹ ít sử dụng xe hơn và chuyển sang sử dụng các loại hình giao thông công cộng để tiết kiệm chi phí
Người Mỹ ít sử dụng xe hơn và chuyển sang sử dụng các loại hình giao thông công cộng để tiết kiệm chi phí.
Thêm vào đó, các quy định về môi trường như yêu cầu các chủ trạm xăng sử dụng các bồn chứa xăng an toàn hơn khiến không ít người phải chấp nhận từ bỏ ngành kinh doanh này.
Nguyên nhân tiếp theo, và cũng là lớn nhất, như đã nói ở trên chính là sự thay đổi trong văn hóa xe hơi của nước Mỹ. Dù không mấy ai nhận ra, song một cuộc cách mạng xe hơi đang âm thầm quét qua mọi ngóc ngách và cuộc sống của người Mỹ. Nếu như trước kia, mỗi chiếc xe hơi bình thường của nước Mỹ sẽ tiêu tốn khoảng 1 gallon xăng cho quãng đường dài từ 30-40 dặm, thì ngày nay, mỗi chiếc xe đạt chuẩn phải tiêu thụ ít hơn 20% nhiên liệu trong một quãng đường tương tự.
Chính phủ Mỹ mới đây cũng ban hành các quy định yêu cầu các nhà sản xuất phải nâng cao khả năng sử dụng tiết kiệm xăng của xe hơi, và mốc 54,5 dặm/gallon được xác định là mức tối thiểu cho mỗi chiếc xe vào năm 2025.
Bản thân người Mỹ cũng bắt đầu ưa chuộng sử dụng các loại xe lai giữa động cơ điện và xăng. Theo thống kê, riêng trong tháng 4 năm nay, khoảng 7.000 chiếc xe động cơ điện lai xăng đã được tiêu thụ tại thị trường Mỹ.
Nguyên nhân cuối cùng chính là sự phát triển của mạng lưới giao thông công cộng tại các thành phố và ngoại ô trên khắp nước Mỹ. Ngày nay, số lượng cư dân ở mỗi thành phố ngày một đông hơn, do đó nhu cầu đi lại cũng tăng cao hơn. Để giải quyết vấn đề này, chính quyền Mỹ không ngừng cho cải thiện hệ thống xe buýt, đường sắt hay xây dựng các làn đường riêng dành cho xe đạp. Kết quả là, thói quen tới các trạm xăng mỗi ngày của người dân Mỹ cũng đang dần biến mất.
Theo The DailyBeast/Dân Việt
Ý kiến đánh giá