Chủ Nhật, 19/01/2025 | 02:25
01:37 |
Người đàn ông 2 lần xuyên Việt bằng Mobylette (P.2)
Tôi gặp người đàn ông có khuôn mặt hiền lành, dáng gầy với nước da đen đúa ấy trong một buổi chiều đông tại Hà Nội cách đây 2 năm. Cũng chẳng ngờ rằng, người ngồi ngay trước mặt tôi lúc đó, với thể trạng đầy sung sức, lại vừa thực hiện một hành trình dài xuyên Việt với chính chiếc xe Mobylette thân yêu của ông.
>> Người đàn ông 2 lần xuyên Việt bằng Mobylette (P.1)
>> Diện kiến cao thủ sửa xe cổ đất Hà thành
>> Gặp ông Tây xuyên Việt bằng xe Win
Kì 2: Vượt qua thách thức
Cuối tháng 4 vừa qua, tôi lại có cơ duyên lần thứ 2 gặp người đàn ông này. Ở cái tuổi 54, cái tuổi đã đề huề con cháu nội, ngoại, ông Nhạc Mobylette lại một lần nữa “xách” xe xuyên Việt một mình. Chuyến đi dọc dải đất hình chữ S lần thứ 2 của ông có thể được gọi là “chuyến đi vượt qua sự thách thức”, đi để tiếp tục chứng tỏ mình, để cho người ta thấy chuyện ông xuyên Việt bằng xe Mobylette là thật chứ chẳng phải nói xạo, và hơn cả, đi để lại được hòa vào tình cảm của anh em chơi xe “bốn biển một nhà”.
“Một mình, một ngựa, lên đường”
Nhận được lời mời tham dự Đại hội Honda 67 toàn quốc năm 2013 được tổ chức tại Thái Nguyên, ông Nhạc đã đi đến quyết định xuyên Việt bằng Mobylette lần thứ 2 mà không chút đắn đo.
Ông Nhạc tâm sự: “Ngay khi trở lại thành phố từ chuyến xuyên Việt vào năm kia, tôi đã nung nấu ý định muốn đi tiếp. Vấn đề chỉ là sắp xếp thời gian và công việc. Lần đi này cũng quyết tâm chả kém lần trước. Phần vì muốn được gặp lại anh em chơi xe ở khắp các tỉnh thành. Phần vì có một số người ở Sài Gòn không tin Nhạc lại đi xuyên Việt một mình được bằng Mobylette”.
Chiếc Mobylette AV 85 (cá xanh) là người bạn đồng hành cùng ông Nhạc trong chuyến xuyên Việt lần 2
“Có người cho rằng, chuyện tôi đi một mình bằng Mobylette là chuyện tôi nói xạo. Họ nghĩ tôi chỉ đi chiếc xe ra khỏi Sài Gòn, rồi sau đó vứt lên xe đò đi thẳng ra Hà Nội. Cái này là chuyện nhỏ nhưng kì thực cũng chạm vào lòng tự ái. Nên quyết định đi thêm lần nữa cho họ biết luôn” – ông Nhạc kể.
Thế mới có chuyện, lần này đi, ông Nhạc đã mua hẳn một bình sơn, xịt chữ “Mobylette Nhạc” to đùng trên đỉnh đèo Hải Vân, để những người nghĩ ông nói xạo đi qua sẽ thấy. Người đàn ông ấy vẫn thế, sống thật tâm, tình cảm nhưng có chút ngang tàng và đầy bản ngã.
Ông Nhạc không kể nhiều về chuyến đi lần này vì nó rất thuận lợi, khác hẳn với cuộc hành trình trong mưa bão cách đây 2 năm. Điều quan trọng hơn cả là ông đã có kinh nghiệm và chuẩn bị tốt về xe cộ, sức khỏe cho chuyến ra Bắc đã được dự tình trong đầu từ lâu.
“Để đi đường dài, phải có một chiếc xe thật tốt. Tôi đã chọn chiếc Mobylette AV 85 (cá xanh) – chiếc xe tôi đã bỏ công làm máy ngon lành, lên công suất, căn chỉnh bộ điện lửa sao cho xe đi khỏe mà lại tiết kiệm nhiên liệu” – ông Nhạc chia sẻ.
Nhiều anh em chơi xe, mê xe Mobylette ở khắp các tỉnh thành, những nơi ông Nhạc đi qua đều ngạc nhiên vì “Mobylette gì mà khỏe dữ”. Khỏe đến nỗi ông Nhạc vượt đèo Hải Vân, đèo Ngang, đèo Cả mà thấy qua đèo chóng vánh quá. Vui nhất là tới địa phận tỉnh Thanh Hóa, ông Nhạc bị cảnh sát giao thông bắn tốc độ vì mát ga ở một đoạn đường thẳng. Ông Nhạc bị giữ lại, nhưng mấy anh cảnh sát cũng không tin và nghĩ là máy bắn nhầm vì “xe babetta, sao mà chạy quá tốc độ được” nên đã để cho ông Nhạc đi.
Đến Hà Nội sau 4 ngày, 3 đêm, ông Nhạc được anh em chơi xe tại Hà Nội đón tiếp nồng nhiệt. Ngày hôm sau ông tiếp tục cùng Hội xe 67 Hà Nội lên Thái Nguyên dự Đại hội Honda 67 toàn quốc. Chuyến đi xuyên Việt lần thứ 2 dễ dàng hơn, thuận lợi hơn, nhưng theo ông Nhạc, tình cảm, sự quan tâm của anh em chơi xe dọc hành trình ông đi vẫn nồng ấm, thậm chí còn gắn bó hơn trước.
Người thợ sửa xe cổ có tài
Tiếp xúc với ông Nhạc, người ta không chỉ khâm phục người đàn ông đã luống tuổi này ở cái quyết tâm, cái nỗ lực 2 lần xuyên Việt một mình bằng Mobylette. Anh em chơi xe cổ ở Gò Vấp, ở Sài Gòn, Hà Nội và trên diễn đàn Phố xe còn biết đến ông như một người thợ sửa xe có tiếng, người làm chủ hoàn toàn và “bắt” được mọi loại “bệnh” của chiếc Mobylette “khó chơi”.
Ông Nhạc không thể nhớ nổi mình đã “làm” bao nhiêu chiếc Mobylette cho anh em chơi xe trên khắp cả nước
Cho đến nay, ông Nhạc cũng không thể nhớ nổi mình đã “làm” bao nhiêu chiếc Mobylette cho anh em chơi xe trên khắp cả nước. Mỗi chiếc xe ông dọn lên, sửa chữa đều khiến chủ nhân của chúng yên tâm sử dụng, yên tâm “chơi”, và nếu có gặp trục trặc gì do điều kiện khách quan, cái tên đầu tiên anh em nhớ đến chính là “Nhạc Mobylette”.
Là một người thợ sửa chữa cơ điện tử, nhưng ông Nhạc mê mẩn tìm hiểu xe Mobylette từ cách đây cả 20 năm trời. Ban đầu, ông làm quen với những chiếc xe đạp máy từ xưởng của ông bác, sau đó thì mọi kiến thức do ông tự mày mò, tự học cho đến khi không một “bệnh” nào trên chiếc xe Mobylette có thể làm khó được ông.
Ông Nhạc cũng tự tin khẳng định, ông có thể “bắt bệnh” xe Mobylette trong vòng không quá 1 phút 30 giây. Theo ông, điều đó không phải là cái gì ghê gớm, không phải lấy đó làm thành tích để khoe khoang. “Việc tìm ra nguyên nhân hỏng hóc của chiếc xe một cách nhanh chóng chỉ đơn giản là phục vụ anh em trên đường. Khắc phục nhanh để người chơi xe tiếp tục hành trình, hay theo kịp các đoàn diễu hành...”
Việc tìm ra nguyên nhân hỏng hóc của chiếc xe một cách nhanh chóng chỉ đơn giản là phục vụ anh em trên đường
Trong chuyến hành trình lần này, cái duyên với Mobylette đã níu chân ông lại Hà Nội. Chỉ trong vòng ít ngày, hơn 10 chiếc Mobylette đủ loại, đủ “đời” đã được ông Nhạc “cứu sống”. Xe đang “chết” mà qua tay ông, bỗng chạy vè vè khắp phố.
Ông Trần Thiết Cường – một người sưu tập xe máy cổ ở Hà Nội kể: “Tôi đang có 2 chiếc cá xanh, bỏ một “mả tiền” ra rước về, rồi lại bỏ ra không ít tiền mượn thợ về sửa mà xe vẫn không chạy được. Thật may lúc anh Nhạc đến nhà chơi, xem “đống” xe của tôi mà tiếc hùi hụi, trách tôi nỡ coi “những chiếc xe quý giá” kia như “đống sắt vụn”. Chả nói chả rằng, anh moi móc chiếc xe lên, tẩn mẩn ngồi làm, trong vòng có một buổi sáng mà cả 2 chiếc đã nổ máy, chạy vù vù như ma làm”.
Nhiều thành viên trong CLB Moped Hà Nội được ông Nhạc sửa xe đã không khỏi ngạc nhiên khi mang xe đi sửa rất nhiều thợ, mất cũng kha khá tiền mà xe cũng chỉ chạy lúc chăng, lúc chớ. Trong khi đó, ông Nhạc bỏ không quá nhiều thời gian, không cần thay thế nhiều phụ tùng mà xe “ngon hơn hẳn”. Chả thế mà một cô bé chơi xe trong CLB nhờ ông sửa xe, thấy phục và biết ơn ông nên đã xin được nhận làm con gái nuôi.
Nhiều thành viên trong CLB Moped Hà Nội được ông Nhạc hỗ trợ sửa xe
Ông Nhạc không phải là người thấy mình làm được mà giấu nghề, theo ông, cái Mobylette chỉ có 2 “bệnh” cơ bản: Một là, do người dùng khi đổ xăng, pha tỉ lệ xăng và nhớt không đều dẫn đến nghẹt bộ chế hòa khí. Kế đến là bộ điện lửa, cam, căn không đúng thì. Điện lửa không đầy đủ, không hòa hợp với chế hòa khí thì cũng làm cho xe không hoạt động được.
Làm được nhiều, kết quả cũng đã được chứng minh bằng thực tế, nhưng ông Nhạc cũng chỉ kết luận một cách khiêm tốn: “Thực ra chẳng phải mình tải giỏi gì. Cục máy của Mobylette rất đơn giản. Nó dễ như đồ chơi vậy đó. Hễ ai mà chuyên tâm nghiên cứu, tìm hiểu đến cùng thì cũng làm được cả thôi”.
“Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”
Được coi là một người thợ giỏi, nhưng ông Nhạc lại không xác định kiếm tiền ở lĩnh vực này. Ông không giàu về tiền bạc, nhưng bù lại ông giàu về tình cảm, giàu cái “tâm”. Đi gần hết đời người, đến nay ông Nhạc cũng chỉ sống bằng công việc phụ bán hàng tạp hóa với vợ ở chợ Tân Định. “Đủ ăn, đủ tiêu, con cháu trưởng thành cả, anh em bạn bè khắp nơi quý trọng, thế là vui rồi”.
Được coi là một người thợ giỏi, nhưng ông Nhạc lại không xác định kiếm tiền bằng nghề sửa dòng xe cổ này
Nghĩ thế, sống thế, nên trong cả 2 chuyến xuyên Việt, ông đã được những người chơi xe, mê xe khắp cả nước thật tâm giúp đỡ mà không hề tính toàn vụ lợi điều gì. Quý cái thứ tình cảm ấy, nên khi nghe tin có anh em nào từ Bắc vào, có ai khó khăn dọc đường đi, ông đều sẵn sàng hết mình vì bạn.
“Tôi nghèo, nhưng đã chơi với anh em là chơi hết mình, chơi đến khi chỉ còn cái quần tà-lỏn mới thôi” – ông Nhạc nói vui. Nói thế để thấy rằng ông Nhạc rất nhiệt tình với anh em chơi xe, dù không quen biết, dù nơi họ sinh sống cách ông cả ngàn cây số. Cái xe đã gắn kết họ với nhau.
Năm ngoái, có anh trong CLB Honda 67 Thanh Trì – người cũng có cái máu khùng khùng giống ông, một mình, một 67 chạy từ Hà Nội vào Nam. Ông Nhạc đã đứng lên làm đầu mối, là người liên hệ, tổ chức đưa đón, bố trí chỗ ăn nghỉ cho anh chàng kia suốt từ Đà Nẵng trở vào. Đến Sài Gòn, nhiều anh em ngoài Bắc muốn đi chơi miền Tây, ông Nhạc không ngần ngại bán nguyên một chiếc Mobylette 2 đũa, tiền bán được đem ra làm chi phí cho anh em miền Bắc đi chơi khắp lục tỉnh, đến tận mũi Cà Mau.
Với anh em chơi xe, ông Nhạc đều giúp đỡ hết mình khi họ gặp khó trên đường
Ông Nhạc quan niệm, đừng quan trọng hay khoe khoang mình đã giúp đỡ vật chất gì cho anh em. Cái quan trọng là mình nhiệt tình tiếp đón anh em ra sao, trân trọng và cư xử với anh em như thế nào.
Với những người chơi xe ở Hà Nội nói riêng, trên cả nước nói chung, qua 2 chuyến đi, ông Nhạc thấy mình còn “nợ” họ nhiều lắm. Cái nợ ở đây là nợ tình cảm, nợ ân nghĩa. Thế nên khi ra đến Hà Nội, được tin xe của anh em nào đang hỏng, đang “chết”, ông Nhạc liền lao vào sửa. Mà phải sửa cho kì chạy được, sửa cho thật ngon lành mới yên tâm.
Điều đáng quý là trong suốt thời gian lưu lại Hà Nội, ông Nhạc đã hỗ trợ sửa xe cho rất nhiều anh em chơi xe mà không hề lấy một đồng tiền công nào. “Ra đây, thấy có những chiếc xe người chơi phải bỏ số tiền không nhỏ ra mà xe chạy không nổi nên tôi chẳng đừng được, nhận làm miễn phí cho anh em. Mình sửa xe được cho người ta đi, là mình đem niềm vui đến cho người ta. Rồi thì mình cũng thấy vui, đồng thời để lại dấu ấn trên đất Hà Nội”.
Người đàn ông này có thể không giàu về vật chất nhưng lại rất giàu tình cảm
Ra thủ đô, ông Nhạc cũng rất muốn tìm một người thợ chuyên sửa Mobylette có sẵn tay nghề để rồi trao đổi, truyền hết lại những kiến thức ông biết về dòng xe này. Theo ông, như vậy thì những anh em chơi xe đạp máy, chơi xe cổ ở miền Bắc sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Đó quả là cái tâm đáng trân trọng của một người thợ. Sửa chữa không công, không giấu nghề, cũng chẳng có những mánh khóe để kiếm tiền của người chơi xe, nhiều người cho rằng ông Nhạc bị “khùng”. Khùng đấy, điên đấy, nhưng giờ thì kiếm đâu ra người thợ sửa xe cổ, vừa có tài lại vừa có tâm như thế!?
XEM ẢNH CHI TIẾT "CƯỠI" MOBYLETTE TỪ SÀI GÒN RA THĂM THỦ ĐÔ
Thế Đạt (TTTĐ)Ảnh: Lê Thắng
Ý kiến đánh giá (1)