Thứ Hai, 09/12/2024 | 13:55
21:56 |
Dụng cụ cứu hộ không thể thiếu trong off-road
Nếu chỉ gọi xe 2 cầu có trang bị những loại phụ kiện chuyên dụng là xe để đi off-road thì có lẽ chưa chính xác lắm về khái niệm xe hơi địa hình. Khái niệm off-road thường làm người ta liên tưởng đến các nhóm chơi xe địa hình kết hợp du lịch khám phá và dã ngoại còn các xe dân dụng khác thì không liên quan gì đến những vấn đề của xe off-road.
>> 6 bí quyết đơn giản giữ xe “khỏe” đón hè
>> Mùa hè và những vấn đề của máy lạnh trên ôtô
Thực tế chứng minh điều ngược lại, nếu như các nhóm chơi xe hơi địa hình chủ yếu là giải trí và rèn luyện kỹ năng lái xe thì các xe dân dụng lại là vấn đề sống còn. Có rất nhiều loại công việc đòi hỏi bạn phải lái xe qua những địa hình hiểm trở. Trong khi những người xem off-road là một môn giải trí sẵn sàng quay lại nếu đường đi quá khó thì những xe dân dụng lại bắt buột phải ‘đi đến nơi, về đến chốn’.
Ví dụ bạn có một trang trại cà phê hoặc đồn điền cao su, mùa mưa đến phải chở lương thực, thuốc men vào tiếp tế khẩn cấp thì không có chuyện đi không được thì quay về. Còn nhiều công việc khác đòi hỏi xe và người lái phải có khả năng vượt địa hình khó khăn hiểm trở như công tác kiểm lâm, cứu hộ, tuần tra biên giới, thống kê dân số, phòng chống bão lụt và dịch bệnh, công tác tuyên truyền, làm phóng sự truyền hình… Như vậy phạm vi của khái niệm off-road không còn giới hạn trong 2 chữ giải trí nữa.
Cho dù mục đích của off-road là gì đi nữa thì các vấn đề thường gặp trên đường đi đều như nhau; xe mắc lầy, xẹp lốp, nước vô động cơ, va vào đá núi hoặc gốc cây, đèn không đủ độ sáng, chết bình ắc qui… bất kỳ vấn đề nào phát sinh đều đưa đến một nhóm các hậu quả chung là chuyến đi bị chậm trễ do thời gian khắc phục sự cố hoặc thậm chí là phải hủy chuyến đi.
Khái niệm Go Prepared – chuẩn bị kỹ càng trước khi đi không đơn thuần chỉ là độ xe, trang bị cản tời, ống thở hay khóa vi sai là xong. Ngoài những hành trang bắt buộc như lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh có những món đồ tuy rất nhỏ bé nhưng nếu thiếu nó ngay khi bạn cần lại là vấn đề cực kỳ lớn, kể cả khi xe bạn đã được trang bị tận răng. Nhóm các vật dụng quan trọng kia được gọi chung là Dụng cụ cứu hộ.
Tất cả các xe khi xuất xưởng đều có sẵn hai dụng cụ cứu hộ chủ chốt là con đội nâng xe và bộ đồ nghề thay lốp xe. Dọc đường thiên lý có thể bao nhiêu đó cũng tạm đủ để bạn có thể đi tiếp cuộc hành trình cho đến khi gặp một gara sửa xe gần nhất. Tuy nhiên giữa rừng sâu núi thẳm, không làng mạc trạm xăng, không gara hay bất kỳ một tiệm sửa xe nào thì bạn cần phải xem lại hành trang các loại dụng cụ cứu hộ trước khi lên đường. Đa số thời gian, chủ quan là nguyên nhân chính làm cho chuyến đi lại trở thành một cuộc hành xác nhớ đời. Xe có trang bị tời nhưng khi mắc lầy lại không biết móc cáp vào đâu để kéo. Khi cần phải thay lốp xe trên bề mặt đất mềm thì đội thông thường theo xe lại mất tác dụng. Cả hai lốp xe bị xì hơi giữa rừng không thể có chỗ bơm vá… chỉ là vài ví dụ thông thường nhất về những tình huống khóc dở trong off-road. Hãy cùng điểm qua một vài loại dụng cụ cứu hộ và công dụng cũng như cách sử dụng chúng.
Dây cáp mềm và ma ní và găng tay
Dây cáp mềm dùng làm điểm tựa để móc tời, khi xe bạn có trang bị tời nếu chẳng may mắc lầy tất cả bạn cần là một điểm neo đủ chắc để móc dây tời kéo xe lên. Quấn dây cáp mềm quanh một hòn đá hoặc gốc cây to, nếu không có cây to bạn nên choàng qua nhiều cây nhỏ để bảo đảm cây không ngã đè lên xe của bạn. Tốt nhất bạn nên nắm rõ trọng lượng của chiếc xe mình đang cầm lái cùng với tất cả hàng hóa chở trên xe là bao nhiêu để lựa chọn điểm neo cho thích hợp. Trước khi quấn cáp mềm vào cây, cần khảo sát tình trạng cây còn chắc khỏe không, có bị mục không để đủ sức chịu trọng lượng tối thiểu bằng 1,5 lần tổng trọng lượng xe? Thường khi xe bị mắc lầy trọng lượng tăng lên 1,5 lần vì vậy các loại ma ní, cáp mềm hoặc tời phải đủ sức chịu được trọng lượng tương đương. Đứt cáp, gãy ma ní có thể sẽ dẫn đến những hậu quả bạn không bao giờ tưởng tượng ra được trước đó thương tích thậm chí là ảnh hưởng tới tính mạng. Đừng để chuyến đi chơi giải trí biến thành cơn ác mộng chỉ vì những vật dụng nhỏ bé này.
Đa số các xe SUV có trọng lượng tịnh khoản 2 tấn, cộng với tất cả người ngồi trên xe và hành lý tổng trọng lượng có thể lên tới 3 tấn. Theo công thức nhân 1,5 lần thì tất cả các loại dây cáp, ma ní bạn sử dụng phải chịu được ít nhất 1,5 lần của 3 tấn tức tương đương với 4,5 tấn.
Như bao loại vật dụng khác, ma ní kim loại và cáp mềm sẽ yếu đi qua một thời gian sử dụng mặc dù bề ngoài nhìn vẫn mới do được bảo dưỡng kỹ. Chỉ số an toàn khi bạn chọn mua dây cáp và các vật dụng cứu hộ khác nên vào khoảng 9 tấn. Ngày nay với công nghệ chế tạo tiên tiến, ma ní hay dây cáp 9 tấn vẫn duy trì được kích thước nhỏ gọn và đủ nhẹ để bạn không phải bận tâm về vấn đề trọng lượng phải chở thêm và quan trọng là đừng vì tiết kiệm chi phí mà mua những loại dây cáp không rõ nguồn gốc xuất xứ để rồi đặt tính mạng của mình cho sự may rủi định đoạt.
Kỹ hơn nữa, trong khi tời bạn cần sử dụng miếng chặn dây tời (recovery damper) để phòng trường hợp đứt dây cáp, nếu không có loại dụng cụ này bạn vẫn có thể chặn dây bằng một cành cây to hoặc một sợi dây xích. Ngoài ra, trong khi tời, vùng cánh quạt nằm hai bên dây cáp được gọi là vùng sát thương, đứng tránh ra khỏi vùng này nếu có thể để giữ an toàn cho bản thân bạn.
Lưu ý do dây cáp tời thường xuyên sét rỉ nên nhất định bạn phải mang găng tay bảo hộ khi thao tác với nó vì sự an toàn của bản thân.
Đội thước HiLift và Pa lăng
Các loại tời điện có một nhược điểm là khi phải kéo liên tục, mô tơ bị nóng và để bảo đảm an toàn rơ le cảm biến sẽ ngắt dòng điện cho tới khi mô tơ nguội đến nhiệt độ cho phép hoạt động trở lại. Để hạn chế việc này có một vài thủ thuật nhỏ giúp bạn tăng tuổi thọ của tời và rút ngắn thời gian cứu hộ.
Nếu xe bạn đã trang bị tời, hãy trang bị thêm một pa lăng chuyển hướng (snatch lock) vì một số lý do sau:
- Pa lăng hoạt động theo nguyên lý của ròng rọc, vì vậy khi choàng dây cáp tời qua pa lăng sức kéo sẽ tăng lên gấp 2 lần, ví dụ bạn đi xe Land Cruiser với trọng lượng 2 tấn, theo nguyên tắc 1,5 lần thì loại tời 8,000 lbs hay tương đương với 3,6 tấn là đủ. Tuy nhiên khi xe mắc lầy tời phải hoạt động hết công suất để kéo xe ra nên sẽ mô tơ sẽ nhanh chóng bị nóng qua nhiệt độ cho phép. Nếu bạn tời qua pa lăng xe bạn sẽ nhận được một lực kéo lên đến 7,2 tấn, kết quả là tời không phải hoạt động hết công suất vì thế xe sẽ được kéo nhanh hơn và tuổi thọ của tời vì thế cũng sẽ kéo dài hơn.
- Khi xe mắc lầy không phải lúc nào bạn cũng có thể tìm được chỗ neo tời như ý, đa số điểm neo tời nằm lệch với xe về bên trái hoặc bên phải. Trong trường hợp này bạn có thể dùng pa lăng để chuyển hướng dây tời qua hướng thích hợp nhất để cứu hộ xe lên. Thậm chí trong một vài tình huống đi trên đường độc đạo khi xe đi trước mắc lầy xe đi sau vẫn có thể tời xe đi trước tiếp tục tiến về phía trước.
Đội thước HiLift là một loại dụng cụ đặc biệt được trang bị cho gần như tất cả các xe của quân đội Mỹ. Nếu như các loại đội thông thường chỉ có thể nâng bánh xe lên khoản 10 cm khỏi mặt đất đủ để thay vỏ xe thì cây HiLift có thể nâng bánh xe lên đến 80 cm đến 1,2 mét trong trường hợp bánh xe bị lún sâu, cây HiLift còn có thể sử dụng như một loại tời tay trong trường hợp tời điện gặp sự cố. Điều cần lưu ý khi sử dụng cây HiLift là sau khi đội xe lên bạn phải chèn xe cho thật kỹ tránh trường hợp xe bị trôi dẫn đến hậu quả là sập cây HiLift sẽ rất nguy hiểm cho người đang thao tác dưới gầm xe. Đội thước HiLift tuy rất hữu dụng nhưng đây không phải là loại đồ chơi dành cho dân amateur, bảo đảm bạn biết cách sử dụng thành thục trước khi dùng đến nó trong tình huống thực tế.
Ngoài ra miếng đệm để cây HiLift không bị lún hay còn được gọi là HiLift Base cũng là loại vật dụng không thể thiếu đi cùng với đội thước. Do có nhiều cơ cấu động nên cây đội thước HiLift cũng cần được bảo dưỡng thường xuyên để nó luôn sẵn sàn phục vụ ngay khi bạn cần đến nó. Bảo dưỡng cây HiLift tương đối đơn giản, bạn chỉ cần rửa sạch bùn đất, để nơi khô ráo và xịt phụ gia chống sét như RP7 hay W40 là đủ.
Bơm hơi, đồng hồ đo áp suất lốp, bộ vá xe và đèn pin
Lủng lốp xe gần như là chuyện tất yếu, xe hơi, xe máy, xe đạp đều gặp phải vấn đề này tuy nhiên khi xe hơi lủng lốp thì mất nhiều thời gian và sức lực để xử lý nhất. Khi đi trên đường nhựa, bạn chỉ cần dừng xe, tháo lốp thay lốp mới là xong. Nhưng nếu xe bạn đang bị lún dưới sình hay cheo leo bên vực và bị xẹp lốp thì vấn đề không còn đơn giản như thế nữa.
Lúc này nếu trên xe có trang bị một bộ vá xe nhanh và một bơm hơi, chỉ cần 10 phút với một nổ lực tối thiểu là xe bạn lại có thể tiếp tục lăn bánh. Bánh xe dự phòng chỉ được dùng đến khi lổ thủng quá lớn không thể vá được hoặc xe bị nổ lốp.
Khi đi off-road để tăng độ bám của lốp xe bạn cần phải hạ áp suất lốp xuống còn 40 – 60% áp suất tiêu chuẩn. Ví dụ lốp xe bạn cần bơm 30 psi khi đi trên đường nhựa thì khi đi trên đường cát bạn cần hạ xuống còn 15 psi hoặc 20 psi khi đi trên đường sình lầy trơn trượt. Đồng hồ đo áp suất lốp giúp bạn cân chỉnh 4 bánh đến cùng một áp suất tối ưu giúp xe vận hành tốt hơn.
Sau khi ra khỏi đoạn đường off-road, bạn cần bơm đủ áp suất qui định để bảo vệ lốp xe vì vậy bơm hơi trở thành loại vật dụng không thể thiếu lúc này, đặc biệt khi trời tối thì bạn khó có thể làm được gì nếu thiếu cây đèn pin chuyên dụng.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại bơm hơi xách tay, giá cả cũng dao động từ vài trăm ngàn đồng đến vài trăm USD. Hơn bao giờ hết bạn nhớ câu nói của người xưa ‘tiền nào của nấy’ trước khi quyết định đầu tư cho món đồ hữu dụng này, kinh nghiệm cho thấy những loại bơm hơi rẻ tiền cắm vào chỗ mồi thuốc trên xe chỉ là vật trang trí không hơn không kém.
Một vấn đề nhỏ thường gặp nhưng lại khiến bạn bối rối và mất nhiều thời gian xử lý đó là bùn đất vào van bơm hơi khiến bạn không thể bơm lốp xe được. Để khắc phục vấn đề này bạn cần luôn kiểm tra các nắp van của từng lốp xe, nếu mất cần thay ngay lập tức trước khi nó làm cho bạn phải dở khóc dở cười.
Trên đây chỉ là một vài loại dụng cụ cứu hộ tối thiểu bạn cần trang bị khi đi off-road, người xưa có câu ‘cẩn tắc vô áy náy’, bạn càng chuẩn bị kỹ bao nhiêu thì cơ hội gặp rắc rối lại càng ít bấy nhiêu.
Hy vọng có thể chia sẽ với bạn một chút ít kinh nghiệm trong off-road thông qua bài viết này.
Chúc các bạn luôn có những chuyến đi an toàn và mãn nguyện.
Theo Vulcan4x4 (otosaigon.com)
Ý kiến đánh giá (1)