10:02  | 

10 năm, 6 lần đổi phí trước bạ

Thông tin Hà Nội giảm phí trước bạ mới đây khiến người dân khấp khởi. Tuy nhiên, việc đổi, tăng phí trước bạ liên tục trong khoảng chục năm trở lại đây đã tác động không nhỏ tới doanh nghiệp cũng như ý định mua xe của người tiêu dùng.

>> Chính thức giảm trước bạ ôtô tại Hà Nội xuống 12%

>> Hà Nội ban hành mức lệ phí trước bạ mới

>> Giảm phí trước bạ ôtô từ tháng 4

Lệ phí trước bạ là một loại tiền mà người có tài sản (trong đó có ôtô) phải nộp khi đăng ký quyền sở hữu. Hiểu một cách nôm na là anh muốn sở hữu một chiếc xe hơi, một ngôi nhà hay một chiếc xe máy... thì anh phải đóng một khoản phí cho Nhà nước.

Tại địa bàn Hà Nội, phí trước bạ liên tục thay đổi trong 10 năm qua

Nhằm từng bước hạn chế ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, Chính phủ có chủ trương hạn chế số lượng xe gắn máy, ôtô tham gia lưu thông trong các thành phố, thị xã bằng nhiều biện pháp. Trong đó, có biện pháp tăng lệ phí trước bạ đối với xe ôtô, xe gắn máy. Ngày 12/5/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/2003/NÐ-CP về việc sửa đổi bổ sung điều 6 Nghị định số 176/1999/NÐ-CP ngày 21/12/1999 của Chính phủ về lệ phí trước bạ, có hiệu lực từ ngày 11/6/2003.

Theo đó, tại khoản 3 điều 1 của Nghị định 47 và điểm 3.3 khoản 3 mục 1 của Thông tư 55, quy định: Ôtô, xe máy, súng săn, súng thể thao nộp lệ phí trước bạ theo tỷ lệ là 2%. Riêng với xe ôtô từ 7 chỗ ngồi trở xuống nộp lệ phí trước bạ lần đầu là 5%.

Kể từ đó đến nay, tròn 10 năm, tại Hà Nội, cũng với lý do giảm ùn tắc giao thông, các nhà hoạch định chính sách đã không ngừng thay đổi và tăng lệ phí trước bạ đối với việc sở hữu ôtô.

Người tiêu dùng chịu tác động không nhỏ từ sự thay đổi thuế, phí

Cụ thể, vào cuối năm 2008 lệ phí trước bạ dành cho ôtô được điều chỉnh tăng, với mức sàn 10% và mức trần 15% đối với các loại xe du lịch dưới 10 chỗ ngồi (Nghị định 80). Thuế trước bạ tăng kéo theo giá xe tăng trước khi quy định mới có hiệu lực. Khách hàng cuống cuồng tìm mua, và mỗi chiếc xe bán ra tăng thêm ít nhất 500 USD, thậm chí tới 3.000 USD.

Đến đầu tháng 5/2009, do kinh tế khó khăn, Chính phủ quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ và 50% thuế VAT cho ôtô đến hết năm. Giá xe ngay lập tức giảm mạnh khiến nhiều người mua xe trước đó méo mặt.

Hai năm sau (2011), Chính phủ lại ban hành Nghị định số 45/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 có hiệu lực từ 1/9/2011, quy định tăng khung lệ phí trước bạ ôtô từ 10-15% lên 10-20%, và mức thu cụ thể sẽ do các tỉnh, thành tự quyết tuỳ điều kiện địa phương.

Với chính sách này, sau đó HĐND TP. Hà Nội đã họp và quyết định nâng lệ phí trước bạ lên 20% với ôtô, bắt đầu từ 1/1/2012 và nâng phí cấp biển xe ôtô lên 20 triệu đồng. Còn tại TP.HCM, lệ phí trước bạ nâng lên 15% từ 1/1/2012.

Cuối năm 2011, một đợt mua xe lại ào ào diễn ra tại hai thành phố lớn nhất nước để tránh phí cao; giá xe lại tăng và nhiều mẫu xe lại "cháy" hàng.

Sau đó, cũng chỉ vì phí trước bạ được áp dụng cùng đủ loại thuế và phí khác nên năm 2012 tiêu thụ ôtô giảm mạnh, ở mức 40% so với năm trước đó.

Vào cuối năm 2012, nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, Bộ Tài chính đã đệ trình lên Chính phủ đề xuất giảm một nửa phí trước bạ ôtô mới và áp phí 2% với xe đăng ký từ lần thứ hai trở đi.

Đến đầu năm 2013, Chính phủ đã ra Nghị quyết 02/NQ-CP giảm một loạt thuế phí, trong đó có thuế trước bạ đối với ôtô dưới 10 chỗ ngồi. TP Hà Nội đã có công văn về việc điều chỉnh lệ phí trước bạ và áp dụng mức thu lệ phí trước bạ lần đầu là 15% (mức cũ là 20%) đối với ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe).

Mới đây nhất, HĐND TP. Hà Nội đã họp bàn xem xét việc giảm lệ phí trước bạ ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống đăng ký lần đầu từ 15% xuống 12% hoặc 10%.

Chính sách thay đổi thường xuyên khiến doanh nghiệp nản lòng và không theo kịp

Chưa nói đến sự điều chỉnh các loại thuế, phí với ôtô như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế VAT, phí đường bộ... chỉ cần thông kê số lần thay đổi phí trước bạ ôtô ở riêng địa bàn Hà Nội cũng đã đủ cho thấy, việc chính sách thay đổi quá nhiều quá nhanh trong thời gian ngắn khiến thị trường ôtô trong 10 năm qua liên tiếp chuyển từ thái cực này sang thái cực khác, tạo ra thiếu sự ổn định.

Sự thay đổi thường xuyên, với mức độ lớn đã và sẽ làm gián đoạn đáng kể các dây chuyền sản xuất, chuỗi cung cấp và các hoạt động bán lẻ của những bên tham gia vào ngành này do xuất hiện những mức cầu cao điểm và thấp điểm giả tạo trên thị trường.

Khi chính sách thay đổi và tạo ra những điểm cầu giả tạo đương nhiên sẽ tác động không tốt tới sản xuất. Nhu cầu xe tăng đột ngột khiến nhà sản xuất và nhà cung cấp linh kiện không thể đáp ứng kịp, nhu cầu giảm thấp thì sản lượng lại dư thừa. Thiếu và thừa đều làm mất đi tính ổn định của sản xuất và làm nản lòng doanh nghiệp.

Thế Đạt (TTTĐ)

Ý kiến đánh giá (1)


Có thể bạn quan tâm