Chủ Nhật, 19/01/2025 | 02:28
08:51 |
“Độ” ô tô, xe máy: Hiểm họa khôn lường
“Độ xe”, “chế xe”, thay đổi kết cấu ô tô, xe máy hiện đang là một cách để thể hiện đẳng cấp và độ chịu chơi. Song những chiếc xe này không chỉ gây nguy hiểm cho chủ xe mà cho cả những người xung quanh...
Những vật sắc nhọn trước mũi xe gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông
“Dị” để thể hiện phong cách
Một số người đam mê ôtô cho rằng việc phá vỡ màu sắc rập khuôn hay sự mềm mại của thân xe bằng các lỗ khoét, thay đổi mầu sắc của đèn, bộ nâng gầm, cửa kính mầu, lắp đặt màn hình ti vi, thậm chí là đặt những chiếc sừng, hay bất cứ vật sắc nhọn nào bên ngoài đầu mũi xe,…đem lại cho chủ nhân của những chiếc xe này sự khác biệt. Đặc biệt, trên các diễn đàn dành cho những người yêu thích xe hơi, dễ dàng tìm thấy chỉ dẫn của một số người “thạo nghề” hướng dẫn chi tiết cho người thích “độ xe” cách thay thế hoặc làm mới những chi tiết của chiếc xe.
Là người yêu thích xe hơi, anh Nguyễn Tuấn Anh, kỹ sư xây dựng, chủ nhân của chiếc xe Ford F-150 sản xuất năm 1992 cho biết, sau khi nghiên cứu và tìm hiểu từ các thành viên trên diễn đàn của những người “nghiện” xe ô tô anh đã quyết định “nâng đời” cho chiếc xe của mình. Cụ thể, anh đã cho nâng hệ thống treo của chiếc xe này lên 10 cm, thân xe lên 7,6 cm, đồng thời lắp thêm bánh xe có đường kính 96,5 cm. Tuy nhiên, sau khi tìm kiếm thông tin trên mạng anh Tuấn Anh mới biết việc làm này có thể khiến chiếc xe tăng 30% nguy cơ lật và giảm 25% khả năng phanh của xe. Điều đáng nói là trong trường hợp xảy ra tai nạn với một chiếc xe nâng gầm, nhiều khả năng mũi của xe sẽ tác động lên kính chắn gió của chiếc xe ngược chiều, gây tác động qua lại, khiến va chạm trở nên nghiêm trọng hơn. “Tôi nghĩ rằng mình đã bỏ ra số tiền không nhỏ để “chế” chiếc xe này theo sở thích cá nhân nên rất hài lòng với nó. Tất nhiên, sự thay đổi nào cũng có tính hai mặt, nhưng dám chơi thì dám chịu. Hàng ngày tôi vẫn bắt gặp nhiều dân “chơi” chuyên nghiệp lái những chiếc xe “độ” ở mức “khủng” hơn nhiều …”- anh Tuấn Anh chia sẻ.
Hiện trên địa bàn Hà Nội, bên cạnh các cửa hàng phụ tùng ô tô, xe máy chuyên lắp đặt, thay thế phụ kiện nhập khẩu, có rất nhiều “xưởng” chế, “độ” xe ô tô, xe máy được giới chơi xe tìm đến. Anh Trần Hùng - một “dân chơi” xe “độ” ở quận Hoàn Kiếm nhận xét, trước kia những người có sở thích “độ xe” chỉ thay đổi một số chi tiết cho đẹp hơn như thay màu sơn, lắp đèn trang trí…, thì nay họ có thể đến các “lò” độ xe chuyên nghiệp để biến xe của mình thành một sản phẩm “độc nhất vô nhị”.
Theo một số chủ xưởng “độ” xe thì nhiều vị khách khi đến “xưởng” sẵn sàng chi một số tiền lớn để thay thế toàn bộ chi tiết của chiếc xe. Điều khiến họ quan tâm là ngoài diện mạo mới của chiếc xe ô tô thì nó còn khiến họ tự hào khi xuất hiện trên đường phố như một chiến binh. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Tiến - chủ một xưởng sửa chữa ô tô ở quận Hai Bà Trưng thì khi chủ nhân của những chiếc xe cho thay đổi kết cấu của xe, đặc biệt là việc nâng gầm xe sẽ giúp họ cảm thấy có thêm nhiều khác biệt, song khi biến những chiếc SUV, xe bán tải, trở thành “người khổng lồ” có thể khiến cho tính mạng của chủ nhân những chiếc xe này bị đe dọa khi không làm chủ tốc độ hoặc xảy ra những bất trắc trên đường.
Luật đã cấm, vẫn vi phạm
Điều 50, Luật Giao thông đường bộ Việt Nam quy định: “Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo, hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”. Còn tại điều 48 của luật này cũng quy định cụ thể về điều kiện để xe cơ giới có thể tham gia giao thông là tất cả những bộ phận, chi tiết cấu thành xe đều phải bảo đảm như thiết kế của nhà sản xuất đã được kiểm định.
Luật sư Võ Đình Hải- Đoàn Luật sư Hà Nội cho hay, một chiếc xe được “chế” quá đà không chỉ gây phản cảm cho người khác mà còn vi phạm Luật Giao thông đường bộ Việt Nam. Việc thay đổi cấu tạo của một chiếc xe sẽ làm chất lượng xe thay đổi, là nguyên nhân ảnh hưởng đến sự an toàn của chủ phương tiện và những người xung quanh. Mặt khác, đối với những chiếc xe mà chủ phương tiện cố ý gắn các vật nhọn chĩa ra bên ngoài, nếu xảy ra va chạm, gây thương tích cho người tham gia giao thông thì người điều khiển xe còn có thể bị xử lý về hành vi cố ý gây thương tích. Thậm chí, khi nạn nhân tử vong thì chiếc xe như một tình tiết tăng nặng cho chủ sở hữu.
Cũng theo luật sư Hải, điều 19 Nghị định số 34/NĐ-CP của Chính phủ quy định người điều khiển xe ô tô bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng, nếu xe lắp lốp không đúng kích cỡ, hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật; tự ý thay đổi kích thước thành xe, thùng xe, tự ý lắp thêm ghế trên xe vận chuyển khách. Điều 33 của Nghị định 34 quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với chủ xe ô tô, máy kéo, xe gắn máy chuyên dùng vi phạm các hành vi: Tự ý thay đổi tổng thành khung, máy; hệ thống phanh, chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà chế tạo.
Luật đã cấm, song việc tự chế thêm chi tiết vào ô tô, xe gắn máy vẫn diễn ra. Thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc cố tình vi phạm làm người chế xe và người điều khiển xe tự chế đối mặt với nguy hiểm. Không ít người là nạn nhân của những vụ cháy ô tô, xe gắn máy do lắp thêm đèn, loa, chế các thiết bị trang trí vào xe cho sành điệu. Nhiều người vì sở thích cá nhân đã thay đổi hoàn toàn màu sắc, thậm chí là tổng thành của xe, dán đề can màu, đề can hoa văn, gắn con vật vào biển kiểm soát mà không biết mình đang phạm luật.
Theo Lê Thu (anninhthudo.vn)
Ý kiến đánh giá