Thứ Bảy, 18/01/2025 | 16:14
16:45 |
F1 - Giải đua xe danh giá nhất hành tinh và công thức kiếm tiền tuyệt hảo
Christian Sylt là nhà đồng sáng lập báo cáo thường niên Formula Money chuyên về mọi mặt tài chính của Giải đua xe Công thức Một (F1). Hãy cùng Sylt khám phá mọi ngóc ngách trong cuộc đua tốc độ danh giá nhất hành tinh.
- Ai sở hữu Giải đua xe Công thức Một?
Christian Sylt: Tập đoàn Formula One (F1), đơn vị nắm thương quyền Giải F1, gồm nhiều công ty hợp thành. Khoảng 30-40 gì đó. Các công ty này đầu tư khắp mọi nơi, từ Anh, Jersey, Luxembourg, Thụy Sĩ, nói chung là toàn thế giới, nhưng công ty mẹ là Delta Topco, đặt trụ sở tại Jersey. Vì thế Delta Topco có thể xem là chủ sở hữu thực tế của Giải F1.
Cổ đông lớn nhất của nó là CVC Capital Partners với 35,5% cổ phần. Cổ đông lớn thứ hai là một công ty Mỹ tên là Waddell and Reed - nắm 20%. Cổ đông lớn thứ 3 là Lehman Brothers, nắm 12%. Quỹ tín thác gia đình Bernie Ecclestone's nắm giữ khoảng 10% và riêng ông Ecclestone sở hữu khoảng 5%. Tóm lại, cấu trúc sở hữu của F1 rất phức tạp.
- Giải F1 kiếm tiền có tốt không?
Doanh thu của Tập đoàn F1 giai đoạn 2003 - 2011 (Đơn vị: Tỷ USD).
F1 ấn tượng lắm, thật đấy. Tôi chưa từng thấy một công ty nào như F1 có tiềm năng tạo ra doanh thu lớn thế.
5 năm vừa qua, chúng ta gặp phải một/hai đợt suy thoái kinh tế, vậy mà doanh thu và lợi nhuận của công ty này chỉ có tăng.
Doanh thu năm ngoái là 1,6 tỷ USD, năm 2011 là 1,5 tỷ USD. So với năm 2007/2008, con số này đã tăng lên đáng kể, khi vào thời điểm đó, F1 đạt quanh mức 1,2 tỷ USD doanh thu.
- Giải F1 kiếm tiền kiểu gì?
Nhìn chung, 500 triệu USD đến từ tiền phí mà các nhà tổ chức trả tiền để tổ chức các cuộc đua. Tiếp nữa là 500 triệu USD đến từ phí bản quyền truyền hình.
F1 kiếm thêm khoảng 250 triệu USD đến từ các nhà tài trợ gồm các nhà quảng cáo và hàng loạt các nhà bảo trợ. Còn lại 250 triệu USD nữa là từ tổ chức sự kiện.
- Bí quyết kiếm tiền của F1 là gì?
Chủ yếu là tiền phí thu từ các đơn vị tổ chức cuộc đua (500 triệu USD). Hầu hết hợp đồng dạng này đều có các điều khoản cam kết tăng tỉ lệ này lên 10% mỗi năm. Đó là một chiến lược rất thông minh vì nếu bạn xem xét bí quyết dẫn đến thành công của F1, bạn có thể xác định được một số điểm then chốt. Chuyển hướng sang châu Á chẳng hạn.
Lịch thi đấu F1 chỉ giới hạn ở 20 cuộc đua mỗi năm - các đội không chịu đua thêm - nên tăng doanh thu vượt bậc khó lắm. Thế nên Eccelestone mới đưa Giải F1 tới các nước mới nổi.
Với các quốc gia như Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc, rõ ràng tổ chức một chặng đua Công thức 1 danh giá sẽ là cách hay để có tên trên bản đồ thể thao quốc tế.
F1 là môn thể thao được theo dõi nhiều nhất trên thế giới với 500 triệu người xem mỗi năm. Đây là cách quảng bá tuyệt vời giúp đất nước của bạn được xuất hiện trên truyền hình, quảng bá du lịch và tiếng nói trở nên có trọng lượng hơn khi đặt lên bàn cân với các cường quốc thể thao trên thế giới.
- Các chặng đua khác nhau có phải nộp các khoản phí khác nhau?
Khác nhiều chứ. Ví dụ, với Monza (giải đua Grand Prix tại Ý), Ý chỉ tốn 7 triệu USD, còn Singapore mất tới khoảng 60 triệu USD hay Malaysia trả 66,9 triệu USD mỗi năm. Mức phí trung bình đối với các đơn vị tổ chức hiện là 27 triệu USD và nó còn tăng nữa khi có thêm nhiều chặng đua mới tổ chức ở châu Á.
Nhiều cuộc đua diễn ra tại châu Á được các chính phủ nước chủ nhà 'bao' tiền phí, vì F1 còn giúp quảng bá đất nước sở tại, trong khi các quốc gia châu Âu thì không cần đến F1 để làm điều đó.
- Lợi nhuận của F1 được phân bổ bao nhiêu cho các đội đua?
Về cơ bản, 47,5% lợi nhuận sẽ được chia cho các đội đua. Đó gọi là quỹ giải thưởng. Năm 2011, lợi nhuận đã đạt đến 1,1 - 1,2 tỷ USD, bởi vậy mức 47,5% tương đương với khoản tiền khoảng 400-500 triệu USD và được chia cho top 10 đội đua dựa theo thành tích họ đã đạt được.
Bên cạnh đó, một số đội còn được thưởng thêm tiền, trong đó Ferrari là đội hưởng lợi chính, mà theo như tôi được biết, thì vào khoảng 5% lợi nhuận. Sau đó sẽ có 2 hoặc 3 quỹ trao thưởng cho các đội có thành tích tốt nhất, thường là Ferrari, McLaren và Red Bull. Đây là những đội có uy tín và có truyền thống hoạt động lâu năm.
Đó là một chiến lược rất thông minh, bởi vấn đề là đại đa số các đội đua F1 khác đã đổi tên ít nhất một lần trong 5 năm qua. Lotus thành Caterham, BMW thành Sauber mà Spyker cũng lại thành Sauber.
Chẳng ai dừng xem F1 vì mấy đội đó đổi tên, nhưng nếu Ferrari, McLaren hay Red Bull biến mất thì ai còn xem nữa.
Những tay đua F1 cừ khôi có thu nhập cao nhất (triệu USD).
- Tại sao Ferrari lại được đối xử đặc biệt như vậy?
Ferrari là đội đua lâu năm nhất của F1. Theo tôi biết thì đây là đội duy nhất đã thi đấu trong tất cả các mùa giải. Nhưng Ferrari cũng là đội duy nhất do một công ty ô tô sở hữu. Công ty này ký hợp đồng trực tiếp với Giải F1 nên họ có nhiều quyền lợi hơn.
- Các đội đua đang gặp khó khăn như thế nào?
Thực tế các đội đua đang phải đối mặt với nguy cơ phải rời F1 vì họ không thể duy trì được nguồn tài chính. Về cơ bản, trừ ba đội mạnh nhất là Ferrari, McLauren và Red Bull, các đội còn lại đều gặp phải vấn đề đó cả. Tuy thế, mức độ nghiêm trọng đến đâu còn gây tranh luận gay gắt.
Vấn đề lớn nhất của đội Caterham là họ chẳng ghi được điểm nào trong cả giải.
Ông chủ của Caterham đã đầu tư nhiều tiền của hơn bất cứ đội nào trong lịch sử Giải F1, thế mà đến một điểm cũng chẳng ghi được. Có tin đồn là năm nay, đội Sauber sẽ tìm cách 'bán' mình cho một nhà đầu tư Nga.
Đội “trẻ” của Red Bull là Toro Rosso bị rao bán năm 2008 nhưng sau lại thôi vì chẳng ma nào thèm ngó. Vậy Red Bull còn chịu đổ tiền cho một đội đua chẳng mấy triển vọng thêm bao lâu nữa?
- Trong tương lai, các chặng đua của Giải F1 sẽ diễn ra ở đâu?
Có thể sẽ ở Thái Lan. Nga thì chắc rồi, năm 2014 sẽ có một chặng ở Thành phố Sochi.
Ngoài ra, có rất nhiều quốc gia cũng đang ướm lời. Hồng Kông, Nam Phi hay các đường đua ở Bắc Mỹ. Ví dụ Las Vegas là một ứng cử viên cực kì sáng giá. Đáng chú ý là Hi Lạp cũng muốn tổ chức một chặng nhưng tôi nghĩ chả bao giờ có chuyện đó.
- Ông đánh giá thế nào về tổng thể tình hình tài chính của F1?
Tập đoàn F1 đang ở thời kỳ sung sức nhất trong lịch sử hoạt động của mình. Cổ phiếu của F1 đang trong chờ niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Singapore.
Ông Bernie Ecclestone.
Họ còn đang chờ giải quyết nốt vụ việc của giám đốc điều hành Bernie Ecclestone tại Đức. Ông này bị một thẩm phán Đức cáo buộc hối lộ cựu giám đốc ngân hàng Đức Gerhard Gribkowsky với số tiền lên tới 44 triệu đôla.
Theo Kỳ Anh ( Trí Thức Trẻ/CNN/Formular Money)
Ý kiến đánh giá