Thứ Sáu, 22/11/2024 | 15:00
07:03 |
Khi triển lãm ôtô... “cháy hàng”
Hàng loạt nhà phân phối ôtô liên tiếp báo tin vui về thành quả bán hàng ngay trong khuôn khổ Vietnam Motor Show 2013, kỳ triển lãm vừa kết thúc tại Tp.HCM.
>> 5 cái “nhất” của Triển lãm Ôtô Việt Nam 2013
“Áo đã quá chật”
Có lẽ BMW là hãng xe tỏ ra vui mừng nhất. Trong 5 mẫu xe mà nhà phân phối Euro Auto đem đến trưng bày thì 428i coupé là mẫu xe đáng chú ý nhất và cũng là mẫu xe hoàn toàn mới tại thị trường Việt Nam. Lô đầu tiên, Euro Auto chỉ nhập khẩu 12 chiếc thì ngay trong hai ngày đầu diễn ra triển lãm, 11 chiếc đã có chủ. Sang đến ngày thứ ba, chiếc xe cuối cùng cũng được khách hàng “rước” nốt.
Hình ảnh những chiếc xe hạng sang được cài tấm biển “sold” ở phần kính chắn gió tràn ngập tại triển lãm Vietnam Motor Show 2013 - Ảnh: Đức Thọ.
Ngay cả 4 chiếc xe còn lại, dù đã được giới thiệu ra thị trường từ trước song ngay trong ngày đầu diễn ra triển lãm, tấm biển “sold” (đã bán - PV) cũng đã được cài ở phần kính chắn gió.
Mercedes-Benz còn “khủng” hơn. Trong 5 ngày triển lãm, liên doanh này đã ký hơn 100 hợp đồng bán xe. Đáng chú ý là “ngôi sao” sáng giá nhất, chiếc S500L 2014 có mức giá bán lẻ 4,6 tỷ đồng đã được 3 khách hàng đặt mua, dù ở triển lãm chỉ có 1 xe trưng bày.
Audi, một thương hiệu nữa đến từ nước Đức cũng tưng bừng chẳng kém. Ngày triển lãm đóng cửa là ngày nhà phân phối Liên Á quốc tế “chốt” được 28 đơn đặt hàng.
Hay như Land Rover, một thương hiệu vốn rất kén khách thì cũng nhận được đến 15 hợp đồng mua xe, trong đó có đến 6 hợp đồng đối với chiếc Range Rover Sport hoàn toàn mới trị giá 4,5 tỷ đồng.
“Chưng hửng” nhất chính là Lexus, nhưng là về phía khách hàng. Thương hiệu hạng sang thuộc tập đoàn Toyota vốn dĩ là cái tên rất được ưa chuộng tại Việt Nam. Thế nhưng, Lexus lại bị đánh giá là quá chậm trễ cho quyết định chính thức phân phối. Dàn sao 5 mẫu xe đình đám của hãng này luôn được vây kín bởi khách tham quan.
Và theo đại diện hãng xe Nhật Bản, thì đã có ít nhất 30 khách “đòi” đặt hàng ngay tại triển lãm. Vấn đề là, cho đến lúc này, thời điểm Lexus chính thức có mặt trên thị trường thậm chí vẫn chưa được công bố, và đương nhiên là những khách hàng cần mua tiếp tục phải chờ đợi.
Quan sát cảnh đông đúc tại các gian hàng, nhất là trước thực tế lượng khách hàng đặt mua xe quá lớn, đại diện nhiều nhà trưng bày đã đưa ra chung một nhận định là “thị trường ôtô Việt Nam đang như một chiếc áo quá chật”.
Không chỉ là mua bán
Nhân viên của một hãng xe sang có thị phần khá lớn tại Việt Nam cho biết, trong 5 ngày triển lãm, anh đã không ít lần gặp cảnh khách hàng đòi đặt tiền mặt để có thể nhận được xe ngay. Những chiếc xe đó, chiếc rẻ nhất cũng hơn một tỷ đồng.
“Nếu như ở các nước phát triển, việc khách hàng mua xe hơi chủ yếu thanh toán qua ngân hàng và vay trả góp thì ở Việt Nam, phần lớn lại thanh toán “thẳng cửa” bằng tiền mặt. Thật khó tưởng tượng chuyện rất nhiều người mang theo cả tỷ đồng để có thể mua xe như mua đồ dùng gia dụng”, anh này chia sẻ.
Ngoài việc tìm hiểu, chiêm ngưỡng những chiếc xe mới thì mục tiêu ban đầu của anh Võ Quang Huy, một khách tham quan triển lãm, là dạm trước để cuối năm nay “rinh” về nhà một chiếc Lexus dòng LS.
“Chuyện nhiều người đặt cả tỷ đồng tiền mặt để mua xe ngay tại triển lãm cũng không khó hiểu. Vì thực tế, khi chúng tôi đi hỏi xe thì đa số đều không có xe ngay, phải đặt cọc, làm hợp đồng và chờ đợi thường vào khoảng 3 tháng”, anh Huy cho biết.
Giám đốc một nhà phân phối xe sang có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất nhì tại Việt Nam cũng cho biết: nếu như xe lắp ráp trong nước (CKD) hay xe bình dân khách hàng thường có thể nhận xe ngay thì đối với xe hạng sang nhập khẩu nguyên chiếc (CBU), tình hình gần như ngược lại.
Theo vị doanh nhân này, thực tế giá trị của mỗi chiếc xe hạng sang đều rất lớn nên đa số các nhà nhập khẩu và phân phối chỉ nhập một vài xe mỗi lô cho từng mẫu xe, tránh bị tồn đọng vốn và chi phí ban đầu quá lớn. Kiểu kinh doanh “chắc ăn” này cũng giúp tránh rủi rõ một mẫu xe nào đó không bán hết sẽ coi như cầm chắc lỗ. Do đó, với xe hạng sang nhập khẩu , thông thường khách hàng phải làm hợp đồng, đặt cọc và khoảng 3 tháng sau mới được giao xe.
Một lý do nữa cũng khá quan trọng tại phân khúc xe hơi hạng sang là thường các tập đoàn mẹ hoặc đại diện khu vực rất khắt khe, đồng thời yêu cầu cao về vấn đề giữ gìn, phát triển thương hiệu. Tình trạng nhập khẩu tràn làn có thể dẫn đến ế ẩm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín thương hiệu. Vì vậy, hầu hết các nhà nhập khẩu đều phải dự báo thị trường, lên kế hoạch chi tiết cho năm sau, trong đó có số lượng xe cam kết để các hãng duyệt.
“Cái khó của chúng tôi là khi kế hoạch đã được duyệt từ tập đoàn, cho dù chúng tôi bán nhanh hay chậm thì cũng phải tuân thủ kế hoạch. Thực tế cũng đã có năm chỉ 6 tháng đầu chúng tôi đã bán hết xe của cả năm và năm tiếp theo, phải xin kế hoạch nhập khẩu với số lượng bù lại cho cả năm trước”, vị doanh nhân này cho biết thêm.
Theo An Nhi (VnEconomy)
Ý kiến đánh giá