Thứ Hai, 11/11/2024 | 08:24
07:05 |
Năm 2020 sẽ tiến hành cấm xe máy
Sau khi TS Lương Hoài Nam cựu Tổng giám đốc Jetstar Pacific đề cập về vấn đề cấm xe máy trong cả nước thì Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp đã tái khẳng định chắc chắn trong tương lai Việt Nam sẽ phải cấm xe máy.
Vấn đề cấm xe máy lưu thông trong nội thành thành phố đã được đưa ra bàn luận cách đây hai năm. Lúc đó, đại diện Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia (UB ATGTQG) đề xuất cần có lộ trình giảm xe máy trong cả nước và riêng đối với Hà Nội và TP. HCM thì cần có lộ trình tiến tới cấm xe máy trong nội đô. Ông cũng nói là không cấm ngay lập tức, 10-15 năm sau mới cấm, nhưng cần sớm công bố lộ trình.
Tuy nhiên, ý kiến trên lại nhận được sự phản ứng của người dân và sau đó sự việc được chìm vào quên lãng. Tháng 10 vừa qua TS. Lương Hoài Nam đã lật lại việc cấm sử dụng xe máy và đã đưa ra các phân tích cho vấn đề trên một cách cụ thể trên báo VTC, khiến vấn đề “tư duy xe máy” lại một lần nữa trở nên sôi nổi.
Với số liệu ATGT được đưa ra rằng, mỗi năm ở Việt Nam có trên dưới 10.000 người chết và 20.000 bị thương vì tai nạn giao thông, phần lớn các vụ giao thông có ít nhất một bên là xe máy (xe máy với ô-tô, xe máy với xe máy, xe máy với người đi bộ...) thì việc cần có một lộ trình cho xe máy thực sự là vấn đề an toàn giao thông cần thiết.
Nhìn chung những vấn đề mà TS Lương Hoài Nam đặt ra là những điều xuất phát từ nhìn nhận thực tế. Tuy nhiên, để thực hiện việc cấm xe máy tại các thành phố tại Việt Nam hiện nay vẫn là một bài toán quy hoạch khá mất thời gian.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp cũng cho biết: “Trong bối cảnh hiện nay, đúng là có muốn cấm xe máy cũng không làm được. Kinh tế chưa phát triển, hạ tầng chưa có, các phương tiện vận tải công cộng chưa nhiều thì đúng là không thể cấm được xe máy. Thế nhưng, khoảng năm 2020 – 2025, khi nền kinh tế phát triển hơn, mọi thứ hiện đại hơn, chắc chắn ta phải cấm. Đó mới là lý do chúng ta cần có lộ trình và phải đầu tư cho hạ tầng ngay từ bây giờ.”
Theo ông Hiệp, Việt Nam xử lý vấn đề xe máy chậm hơn so với các nước đang phát triển chính là do yếu tố lịch sử để lại và được thừa hưởng mọi thứ một cách chắp vá. Trong khi đó, những khu đô thị mới như Mỹ Đình, nhờ có quy hoạch tốt nên hoàn toàn có thể sử dụng các phương tiện công cộng được. Nhưng có lẽ, ông Hiệp không tính đến lúc trời mưa, đường ngập đến cả lốp xe, thì lúc đó phương tiện di chuyển phải là loại “Xuồng buýt”. Ông cũng cho rằng, với không gian ở nội thành, nhiều ngõ nhỏ, phố nhỏ thì việc phát triển các phương tiện vận tải công cộng là rất khó. Nhưng trên thực tế, nếu quy hoạch đô thị tốt, các loại phương tiện công cộng như xe ôtô điện vẫn có thể len lỏi vào những ngõ nhỏ và hiện cũng đang là loại xe giúp khách du lịch thăm quan phố cổ. Vì thế, chuyện cấm xe máy không phải là quá khó mà có chăng nếu muốn làm thì có đồng bộ được hay không thôi.
Có một thực tế là ở Việt Nam, chuyện các ngôi nhà nằm trong ngõ nhỏ chỉ một xe máy đi vừa đang khiến người dân thấy tự hài lòng với không gian sống của mình. Vì vậy rất khó có thể dẹp được những “tổ chim” ngõ ngách như thế nếu tài sản của cả gia đình là chiếc xe máy vẫn “lọt” được vào trong nhà.
Chưa biết lộ trình cấm xe máy sẽ bắt đầu thực hiện như thế nào trong vòng 10 năm tới nhưng chắc chắn với tình hình giao thông, hạ tầng cơ sở và cả nền kinh tế hiện nay của Việt Nam thì hi vọng vào một dự án quy hoạch như mong muốn là chuyện khó có thể làm ngay được. Bởi nếu chuyện cấm xe máy lại được làm nửa vời như cấm xe ba gác, xe công nông, trong khi không tạo ra được một phương tiện nào thay thế phù hợp với tình hình tài chính của người dân thì lại càng khiến dân nhờn với các quy định. Một khi đã muốn áp dụng những “lộ trình” đi đến “văn minh” thì những cái đầu lãnh đạo phải có tầm nhìn và văn minh trước đã.
Theo V.H (songmoi.vn)
Ý kiến đánh giá (4)