Thứ Ba, 10/09/2024 | 05:11
07:00 |
'Sốt xình xịch' thuê ôtô lái chơi Tết
Anh Tiến đang sốt hết cả ruột vì nếu không quyết định nhanh sẽ chẳng có xe mà thuê, nhưng phải thuê đủ 10 ngày thì 'đau túi tiền quá'.
Với những gia đình về ăn Tết ở quê xa, hoặc có ý định du lịch gần trong dịp Tết nhưng lại chưa mua được xế hộp, thuê ô tô tự lái là một giải pháp tiện lợi. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, vào các dịp Tết, dịch vụ này thường cầu lớn hơn cung nên khách hàng cần xe phải lo từ sớm.
Thuê sớm nhưng vẫn bị ép
Anh Tiến, 32 tuổi, sống ở Định Công, Hà Nội, cho biết mấy năm nay, hầu như năm nào anh cũng về quê ở Thanh Hóa bằng ô tô thuê: "Mình có bằng lái rồi, nếu cố thì cũng mua được một cái xe ít tiền, nhưng nghĩ đi nghĩ lại với mức thu nhập của mình, nuôi một con xe tốn kém quá trong khi nhu cầu sử dụng chưa cao. Vì thế thuê xe tự lái khi cần tính ra lại tiết kiệm nhất".
Nhu cầu thuê xe tự lái vào mỗi dịp Tết ngày càng cao
Mấy năm trước, Tiến thường thuê xe Tết ở dịch vụ của một người quen. Mấy hôm trước, anh gọi điện để "xí chỗ" một chiếc như mọi năm thì người đó cho biết đã không kinh doanh lĩnh vực này nữa, xe đã bán cả. Thế là Tiến phải vội vàng tìm chỗ khác ngay vì biết rằng nếu không nhanh chân sẽ chẳng còn xe ngon với giá tốt. Nhưng mấy điểm cho thuê xe tự lái mà anh hỏi đều bắt anh phải thuê cả chục ngày, hoặc ít nhất là 7 ngày, trong khi anh chỉ cần dùng xe có 3 ngày thôi.
"Con xe Lacetti tôi định thuê giá 1 triệu đồng một ngày, chục ngày là chục triệu, phí mất 7 triệu, xót chứ. Cậu chủ xe bảo anh thuê có 3 ngày, những ngày còn lại lỡ cỡ em để xe không à. Thực ra cũng có mấy cái xe có thể thuê ngắn ngày được, nhưng hoặc là xấu và tệ quá, hoặc là dòng xe đắt, đến hơn 2 triệu đồng một ngày", anh Tiến nói.
Thấy anh Tiến không thuê, cậu chủ xe bảo nếu không đặt ngay thì vài hôm nữa chẳng còn mà thuê đâu, Tết nhất năm nào chả cháy xe. Anh biết vậy, nên đang sốt hết cả ruột, chả nhẽ thuê cái xe "chuồng gà" tệ nhất của cậu ta, hứa hẹn là sẽ uống xăng như nước lã và chết máy dọc đường.
Nắm bắt nhu cầu thuê xe tự lái tăng cao trong dịp Tết, nhiều điểm dịch vụ đã căng băng rôn quảng cáo, nhiều cơ sở đăng tin rao vặt ở trên mạng. Giao dịch thường rất đơn giản, khách hàng chỉ cần có một trong các thứ giấy tờ như chứng minh thư, hộ khẩu, giấy phép lái xe, và tài sản bảo đảm là xe máy kèm giấy tờ, hoặc có thể đặt cọc bằng tiền. Giá cho thuê rẻ nhất là 1 triệu đồng mỗi ngày, với những loại xe bình dân như Getz, Vios 2013, Lacetti SE, Kia Forte, Innova E... Nhiều nơi còn ra điều kiện là nếu khách đi quá 250km mỗi ngày sẽ phải trả thêm khoản phụ trội là 2.500 đồng/km.
Thủ tục thì đơn giản, nhưng điều kiện thuê lại khá "hóc": hầu hết các điểm cho thuê xe đều buộc khách hàng phải thuê trọn gói cả đợt tết, tức 9-10 ngày, trọn thời gian nghỉ Tết. Vậy mà nhiều chủ dịch vụ cho biết phần lớn xe của họ đã được đặt cọc, chỉ trừ những xe xấu hoặc xe đắt tiền. Nhiều ông chủ khác thì thừa nhận vẫn còn nhiều xe trống, nhưng họ chẳng có gì phải sốt ruột vì càng gần Tết, sẽ càng có nhiều khách tranh giành nhau, giá cũng cao hơn.
"Năm nào cũng thế, không có ế xe bao giờ"
"Năm nào cũng thế, không có ế xe bao giờ", anh Long, chủ một hiệu thuê xe ở quận Hai Bà Trưng, cho biết. "Nhiều người chê đắt, chê xe không ngon, mấy hôm sau quay lại thì đắt hay không ngon cũng hết, năn nỉ tôi cho thuê cái xe mà tôi định dùng cho gia đình, hoặc ngày nào cũng gọi hỏi có khách nào hủy hợp đồng không. Càng gần Tết, người ta càng thấy rằng thà tốn tiền còn hơn không có xe đi".
Không chỉ những cơ sở chuyên làm dịch vụ cho thuê xe tự lái, nhiều ông chủ garage sửa chữa ô tô cũng tranh thủ kiếm. Anh Thiên, có xưởng sửa chữa ô tô ở Hoàng Mai, Hà Nội, cho biết, xưởng của anh có khá nhiều xe thuộc diện "bãi rác" do nhiều khách ký gửi, xem có ai mua thì bán với giá rẻ. Những xe này đã xấu xí, đi xa ngồi trên đó rất mệt, lại cực kỳ tốn xăng và rất hay dở chứng giữa đường, vì vậy khách hỏi thì nhiều mà chẳng ai mua.
Nhưng vào dịp Tết, khi không kiếm đâu ra xe, rất nhiều người sẵn sàng thuê cả những chiếc xe đó, nên anh Thiên kiểm tra, bảo dưỡng, sửa sang lại để chúng ở trạng thái tốt nhất và cho thuê với giá rẻ, chỉ 500.000-700.000 đồng một ngày, điều kiện cũng dễ dàng hơn chứ không bắt khách phải thuê hết cả thời gian nghỉ Tết.
"Xe xấu và đi chán thật nhưng có mà đi cũng là tốt", anh Thiên nói. "Vì tôi đã sửa ngon lành rồi nên chưa khách thuê nào xảy ra sự cố gì, có điều thỉnh thoảng họ gọi điện cho tôi để hỏi cái nọ cái kia. Mấy người thuê năm ngoái, năm nay lại hỏi tôi có con xe nào kiểu đấy không thì giữ cho họ".
Một nhà có xe, 4 nhà lăm le mượn
"Gia đình tôi năm nào cũng về quê ăn Tết, vì bố mẹ hai bên đều ở xa, ấy thế mà năm nào cũng gần đến Tết là có dăm người dò hỏi có dùng xe không để mượn, bảo tất nhiên là dùng chứ thì lại dặn nếu bỗng nhiên không cần xe nữa thì ới nhé", anh Hưởng, nhà ở Định Công, Hà Nội, tâm sự.
Tết năm nay, mẹ già vào nam ăn Tết với gia đình con gái cả, nên anh Hưởng quyết định sẽ đưa cả nhà đi du lịch nước ngoài. Chuyện này anh chưa nói với ai, không hiểu sao "cả làng" đã biết. Chục ngày nay, anh đã nhận không biết bao nhiêu cú điện thoại của bạn bè, đồng nghiệp, anh em họ... để hỏi mượn xe đi Tết.
Ôtô cũng hay "bị mượn" vào dịp Tết
Mặc dù anh Hưởng đã nhận lời cho một người bạn mượn rồi nhưng ngày nào cũng có ít nhất một cuộc gọi. Có người gọi lại để hỏi: "Thằng bạn cậu có còn cần xe nữa không? Hắn mà thôi mượn thì nhất định ưu tiên tớ nhé". Có người thì gạ: "Hay cậu kiếm cớ từ chối đi, cho tớ thuê, tớ trả tiền đàng hoàng".
Còn chị Thảo, nhà ở Thanh Xuân, Hà Nội, kể, Tết năm ngoái, chị vào Sài Gòn ăn Tết nhà ngoại bằng máy bay, ô tô bỏ không nên khi cô bạn làm cùng công ty hỏi mượn mấy ngày Tết, chị đồng ý ngay. Chẳng ngờ sau đó, cậu em con chú của chồng biết chuyện cũng hỏi mượn để Tết về quê vợ ở Thái Bình. Lúc đó chị đã hứa với đồng nghiệp rồi nên đành nói cho em thông cảm, nhưng cậu ấy không thông cảm.
Người em họ này giận dỗi, trách móc, "tố" với cả họ là Thảo hẹp hòi, ghê gớm với họ nhà chồng, anh em rất cần để đi xa thì nói mãi không cho mượn, mà đem cho người ngoài thuê lấy tiền. Bố mẹ chồng vì mang tiếng nên trách móc, cằn nhằn Thảo rất nhiều.
Tuy nhiên, mượn xe chỉ là giải pháp bất đắc dĩ, còn đa số những người cần xe đều chủ động đi thuê. Theo những người có kinh nghiệm trong chuyện này, nếu đã định thuê xe thì phải thực hiện sớm, để trước Tết 2 tuần mới tìm thì rất khó tìm được xe hợp lý hoặc nếu có thì giá cắt cổ, dù là xe rẻ tiền hay đắt tiền. Nếu muốn thuê loại xe bình dân thì lại càng phải nhanh chân vì đây là dòng xe "cháy hàng" đầu tiên, bởi nó phù hợp với khả năng chi trả của số đông.
Sau khi tìm hiểu về nhà cung cấp dịch vụ, lựa chọn được chiếc xe ưng ý, thỏa thuận xong giá cả thì nên đặt cọc luôn, kẻo người ta có thể giao xe cho người khác.
"Tôi luôn luôn đặt thuê xe sớm", anh Ngọc, nhà ở quận Long Biên, Hà Nội, nói. "Bạn bè tôi nhiều đứa chủ quan, gần Tết mới tìm hỏi về xe cộ, không thuê được, lại quay sang năn nỉ tôi thông cảm nhà chúng xa hơn mà nhường suất thuê cho. Đành là thương bạn nhưng không nhường được, còn vợ con nữa chứ".
Theo anh Ngọc, khi nhận xe, nên lái thử, kiểm tra kỹ tình trạng của nó, ngoài những bộ phận cơ bản bảo đảm xe vận hành tốt còn phải để ý đến từng chi tiết để tránh trường hợp khi trả xe phải bồi thường cho những vết xước, vết trầy đã có từ trước. Nên nhìn biển số để tránh thuê phải chiếc xe quá cũ. Ngoài ra cũng nên hỏi kỹ về 'tính nết" chiếc xe để có thể "đối xử" phù hợp khi có vấn đề.
Khả Khanh (TTTĐ)
Ý kiến đánh giá