Thứ Hai, 02/12/2024 | 20:40
06:16 |
“Sao không làm xe máy?”
Đó là một thắc mắc có phần… kỳ cục của người đứng đầu nhà sản xuất xe máy đang chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam.
Trong một cuộc trò chuyện với giới thuyền thông, Tổng giám đốc Honda Việt Nam, ông Masayuki Igarashi, đã cho rằng thay vì loay hoay mãi với các giải pháp phát triển công nghiệp ôtô thì tại sao các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý không tập trung cho công nghiệp xe máy.
Là người đứng đầu một doanh nghiệp lớn vừa sản xuất ôtô, vừa sản xuất xe máy, xem ra thắc mắc của ông Masayuki Igarashi không phải không có những cái lý rất đáng phải suy ngẫm.
Theo vị doanh nhân này, công nghiệp ôtô Việt Nam hiện nay thực sự còn quá nhỏ bé, phát triển chậm ngay trong bối cảnh dung lượng thị trường thấp (khoảng 100.000 – 120.000 chiếc/năm), chưa kể còn bị “bó” chặt do các chính sách hạn chế lưu thông phương tiện xuất phát từ sức ép hạ tầng, tai nạn giao thông. Càng khó hơn cho ngành ôtô khi chỉ còn 4 năm nữa là đến thời điểm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ các nước ASEAN về mức 0%.
Trong khi đó, công nghiệp xe máy lại đang đứng trước con đường rộng thênh thang không chỉ đáp ứng cho thị trường nội địa mà xa hơn, còn có cơ hội trở thành một cường quốc trên thế giới.
Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam vừa chính thức ra mắt hôm 19/2/2014
Thực tế cũng cho thấy, Việt Nam hiện đang là thị trường xe máy đứng thứ 4 toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Năm 2013 vừa qua, cả nước đã tiêu thụ khoảng 2,8 triệu chiếc, trong đó Honda chiếm thị phần lớn nhất với 1,87 triệu chiếc, Yamaha tiêu thụ 721.200 chiếc, SYM bán được 500.000 chiếc, Piaggio và Suzuki bán được lần lượt 56.000 chiếc và 50.000 chiếc.
Đại diện một số hãng xe lớn cho biết, với sản lượng khoảng 3 triệu chiếc/năm, công nghiệp xe máy Việt Nam hoàn toàn có thể duy trì tốt hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, tiêu thụ nội địa không phải là duy nhất mà lớn hơn, mục tiêu xuất khẩu mới là tương lai của một trong những nền công nghiệp xe máy hàng đầu thế giới như Việt Nam hiện nay.
Nhìn từ một giác độ khác, phát triển công nghiệp xe máy hướng đến nhiệm vụ xuất khẩu, đưa Việt Nam thành trung tâm công nghiệp xe máy của thế giới cũng là một sức ép cần phải “bung” ngay. Bởi lẽ, dường như thị trường nội địa hiện đã sớm rơi vào trạng thái bão hòa.
Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, đã có đến 37 triệu xe máy đăng ký lưu hành tính đến hết năm 2013. Đây thực sự là con số bất ngờ bởi tại thời điểm tháng 6/2012, lượng xe máy lưu hành là 35,2 triệu chiếc. Tính toán của Bộ Công Thương cho biết, với dân số khoảng 99,6 triệu người vào năm 2020 thì lượng xe máy lưu hành khoảng 33,5 triệu chiếc sẽ đưa tỷ lệ sử dụng xe máy ở Việt Nam lên tới 2,97 người/xe. Đây là ngưỡng bão hòa của thị trường. Vậy xem ra, con số 37 triệu xe đã vượt xa ngưỡng ấy.
Thị trường chật chội, đặc biệt là khi quy hoạch giao thông vận tải đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với con số xe máy lưu hành khống chế ở mức 36 triệu chiếc vào năm 2020, kỳ vọng tăng trưởng tiêu thụ nội địa đã bị gạt đi. Cái lý cơ bản nhất trong thắc mắc của người đứng đầu Honda Việt Nam càng trở nên rõ nét hơn khi nhìn vào tình cảnh dư thừa công suất hiện nay của các hãng lớn. |
Tổng giám đốc Honda Việt Nam, ông Masayuki Igarashi, đã cho rằng thay vì loay hoay mãi với các giải pháp phát triển công nghiệp ôtô thì tại sao các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý không tập trung cho công nghiệp xe máy.
|
Honda có 3 nhà máy với tổng công suất 2,5 triệu chiếc/năm, Yamaha vừa đầu tư thêm để tăng năng lực sản xuất lên 1,5 triệu chiếc/năm, Piaggio cũng nâng công suất nhà máy lên mức 300.000 xe/năm. Năm 2013 vừa qua, hầu hết các hãng xe lớn đều bị dư thừa công suất đến hơn 50%.
Thực ra, các hãng xe lớn đều đã tính và đã tiến hành xuất khẩu từ khoảng 10 năm trở lại đây. Năm ngoái, Honda xuất khẩu khoảng 40.000 xe, Piaggio xuất khẩu khoảng 30.000 xe và con số của SYM khoảng 3.000 – 4.000 xe. Đây là một thành công song chưa thấm vào đâu so với năng lực của ngành và của từng nhà sản xuất.
Vấn đề là, theo ông Masayuki Igarashi và đại diện các hãng xe khác, doanh nghiệp xe máy cần được tạo điều kiện thuận lợi hơn về chính sách, đầu tư, kể cả cho khối sản xuất phụ trợ chứ không phải chủ yếu tự thân vận động như hiện nay.
Hoa Vinh (TTTĐ)
Ý kiến đánh giá (1)