Chủ Nhật, 19/01/2025 | 06:54
06:25 |
Công nghiệp ôtô Nhật Bản phục hồi thần kỳ 3 năm sau thảm họa
Ngành công nghiệp ôtô của Nhật Bản đang mở rộng trở lại, với chuỗi cung ứng trải rộng nhằm phân tán rủi ro trong trường hợp có một thảm họa khác xảy ra.
Ngành công nghiệp ôtô của Nhật Bản đang trở nên lớn mạnh hơn bao giờ hết kể từ sau thảm họa kép vào ngày 11 tháng 3 năm 2011
Vào thời điểm này 3 năm trước, một chủ đại lý của Mazda là Eishi Kuramoto đã phải tranh giành để kiếm sống khi cơn sóng thần khổng lồ cuốn trôi hai trong số các cửa hàng nằm dọc theo bờ biển phía bắc nước Nhật của ông.
Trận động đất, sóng thần tháng 3/2011 là những đòn tấn công liên tiếp đẩy công việc kinh doanh của ông về vạch xuất phát ban đầu và đè nặng toàn bộ ngành công nghiệp ôtô Nhật Bản trong nhiều năm.
Sau cuộc thảm họa, hậu quả để lại cho đất nước Nhật Bản là 18.000 người chết hoặc mất tích. Song vào thời điểm đánh dấu 3 năm sau thảm họa, Kuramoto cũng như ngành sản xuất ôtô của nước này đã có thể trở lại về tình trạng trước khủng hoảng.
Kuramoto đã xây dựng một cửa hàng mới ngay bên cạnh cửa hàng cũ vốn bị cuốn đổ bởi nước biển hoành hành. Cửa hàng mới có quy mô lớn hơn gần bốn lần so với trước và có 8 khu dịch vụ so với 3 khu của trước đây.
Ông đã đổ vào 230 triệu Yên (tương đương 2,23 triệu USD) cho việc tái dựng lại khu Lotus Kuramoto Mazda. Và khoản đầu tư này đã được đền đáp. Doanh số bán hàng năm ngoái đã tăng 15% so với năm 2012 và tăng 30% so với năm 2011.
“Chúng tôi đã hoàn toàn hồi phục từ sau trận động đất và đang tiếp tục phát triển hơn nữa”, Kuramoto cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ Otsuchi thuộc quận Iwate. “Trong đó, đầu tư vào cửa hàng mới và công tác chuẩn bị để khai trương có thể nói là công đoạn khó khăn nhất”
Toàn ngành công nghiệp ôtô trỗi dậy
Không chỉ Mazda mà những doanh nghiệp khác trong ngành công nghiệp ôtô Nhật Bản cũng chứng kiến được những bước hồi phục vững chắc.
Trong năm 2011, hầu hết các nhà máy sản xuất ôtô của nước này đều phải đóng cửa trong một khoảng thời gian. Sản lượng xe của Nhật Bản, do đó, đã giảm 13% xuống còn 8,4 triệu đơn vị, bao gồm cả xe tải và xe buýt. Hoạt động sản xuất đi xuống bất chấp nỗ lực đẩy mạnh sản lượng vào cuối năm để bù đắp cho những mất mát.
Năm ngoái, Nhật Bản đã tiêu thụ 9,6 triệu chiếc xe, vượt nhẹ kết quả của năm 2010 trước khi thảm họa động đất, sóng thần ập đến.
Những thách thức từ trận động đất đã tôi luyện cho các nhà sản xuất ôtô của Nhật Bản và khiến họ trở nên mạnh mẽ hơn. Họ triển khai nhiều cách thức mới để cắt giảm chi phí và tạo ra nhiều hơn với số lượng đầu vào ít hơn. Họ tăng cường hoạt động trong nước để củng cố sức chống chịu cho những thảm họa tiếp theo và đồng thời phân tán rủi ro bằng cách đa dạng hóa các hoạt động ở nước ngoài.
Nguồn cung ứng kép
Quan trọng hơn, nó đã thúc đẩy một cuộc cải cách mới, trong việc tìm kiếm các linh kiện từ nhiều nguồn cung ứng, nhờ vậy họ sẽ tránh được nguy cơ phải đóng cửa nhà máy một lần nữa khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn một cách đột ngột. Kéo theo đó là cánh cửa mở ra cho các nhà cung cấp nước ngoài và châm ngòi cho một cuộc cạnh tranh về chi phí mới.
Ngày hôm nay, các nhà máy sản xuất ôtô của Nhật Bản đang tăng trưởng trở lại về mức lợi nhuận kỷ lục. Bốn công ty - Toyota, Mazda, Mitsubishi và công ty mẹ Fuji Heavy Industries của Subaru - đã đưa ra dự báo lợi nhuận ròng kỷ lục trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/03 tới. Dự đoán, lợi nhuận ròng của mỗi công ty sẽ tăng hơn 20%.
Đống đổ nát bên ngoài nhà máy chíp Renasas bị tê liệt tại Naka đang chờ dọn, hình ảnh ghi vào tháng 05/2011
Tổn hại của các công ty
Bất chấp sự trở lại của các hãng xe, những tổn hại từ trận động đất vẫn còn khá rõ.
Điển hình là Renesas Electronics, nhà sản xuất chip máy tính đã gây cản trở cho hoạt động sản xuất ôtô toàn cầu khi nhà máy sản xuất vi điều khiển chính của nó bị ảnh hưởng bởi trận động đất. Đây là nhà sản xuất lớn nhất các chip điều khiển tất cả các thiết bị trong xe hơi, từ điều khiển cửa sổ cho đến chuyển đổi số, và nắm giữ thị phần 43% của thị trường toàn cầu, theo số liệu của Strategic Analytics.
Sau 2 năm liên tiếp bị thua lỗ do thảm họa, công ty cuối cùng đã dự báo lợi nhuận trở trong năm tài chính hiện hành. Nhưng để có kết quả này, họ đã phải nỗ lực để tổ chức lại hoạt động kinh doanh toàn cầu và phải viện đến một gói cứu trợ từ một quỹ đầu tư được “đỡ lưng” bởi chính phủ Nhật Bản.
Tháng trước, Renesas đã phải công bố một chương trình nghỉ hưu sớm khác nhằm cắt giảm hơn nữa lực lượng lao động vốn đang thu hẹp tại Nhật Bản. Công ty cho biết không có giới hạn trên đối với số lượng nhân viên mà công ty đang cố gắng cắt giảm, nhưng các báo cáo báo chí cho biết con số mục tiêu cắt giảm là 1.000. Trước đó, vào tháng 10/2012, Renesas đã cho 7.511 công nhân nghỉ hưu sớm.
Eishi Kuramoto trước cửa hàng bị tàn phá của mình vào năm 2012
Kuramoto mở cửa hàng của mình bên cạnh cửa hàng cũ, nhận thức đầy đủ được rằng nó đang đứng trong khu vực có nguy cơ hứng chịu sóng thần. Song, ông nói: “Không thể tìm được mảnh đất rộng như thế nơi ở một nơi nào khác”.
Mặc dù vậy, việc kinh doanh vẫn đang bùng nổ, nhờ người tiêu dùng đổ xô đi mua xe trước khi chính phủ Nhật Bản tăng thuế tiêu thụ hay thuế bán hàng trong tháng tư tới. Dự kiến, doanh số bán hàng sẽ giảm sụt sau thời gian này. Và “đó sẽ là thử thách tiếp theo đối với thị trường”, Kuramoto chia sẻ.
Hiếu Tâm (TTTĐ)
Ý kiến đánh giá