Thứ Bảy, 18/01/2025 | 18:05
08:55 |
Thị trường môtô có được “cởi trói”?
Chính thức có hiệu lực từ hôm nay, thông tư số 38/2013/TT-BGTVT được nhiều người kỳ vọng sẽ là liều thuốc kích thích hữu hiệu giúp thị trường xe phân khối lớn khởi sắc. Tuy nhiên, trái ngược với phong trào đổ xô đi thi bằng lái A2, tình hình kinh doanh vẫn còn khá ảm đạm dù phân khúc này rất giàu tiềm năng...
Thương hiệu lớn ồ ạt đổ bộ
Cũng như phong trào đi thi bằng lái A2 của một bộ phận lớn người chơi xe, các thương hiệu xe phân khối lớn nổi tiếng ồ ạt độ bộ vào thị trường Việt Nam. Nếu như cách đây vài ba năm, giới mê xe chỉ có cơ hội chọn mua xe chính hãng từ thương hiệu xe Việt RebelUSA và Ducati thì nay là sự xuất hiện hàng loạt thương hiệu đình đám trong làng xe phân khối lớn.
Thương hiệu Benelli của đất nước hình chiếc ủng sau ba năm “ẩn dật” tại thị trường Việt Nam chính thức mở văn phòng dại diện chính thức và liên tục ra mắt những sản phẩm chủ lực của mình như BN600i, TnT R160, TnT 1130... KTM nổi tiếng với những dòng cào cào địa hình cũng quyết định xâm thực thị trường Việt Nam với những dòng sản phẩm đang được giới trẻ ưa chuộng như KTM125 Duke, KTM 200 Duke, KTM 390 Duke...
KTM về Việt Nam với danh mục sản phẩm đa dạng, phong phú
Harley Davidson sau hơn một năm lựa chọn nhà phân phối quyết định giao nhiệm vụ truyền bá “văn hóa freedom” của con đại bàng đến từ Mỹ cho Al Naboodah Vietnam Co.Ltd. Ngay trong ngày khánh thành showroom theo tiêu chuẩn quốc tế, Harley Davidson đã không giấu tham vọng bành trướng tại thị trường màu mỡ nhất nhì khu vực Đông Nam Á với hàng loạt mẫu xe đình đám của tại TP.HCM như: CVO Breakout, CVO Roadking, Electra Glide, Ultra Classic...
Cuộc đổ bộ của Harley Davidson đã khiến chuỗi hệ thống chuyên doanh xe phân khối lớn Motorrock quyết định đưa “người đồng hương” của thương hiệu này là Keeway vào thị trường Việt Nam. Tập đoàn Tan Chong (Malaysia) cũng quyết định đưa thương hiệu mô tô đang “ăn khách” là Kawasaki vào Việt Nam.
Các ông chủ của những “cây đa, cây đề” trong làng xe phân khối lớn như BMW, Victory, Triumph... cũng nhận thấy châu Âu hay Mỹ không còn là “mỏ vàng” cho xe phân khối lớn mà chính là thị trường đang nổi châu Á. Việt Nam là một trong những thị trường béo bở nhất. Giới thạo tin không khó để nhận ra tham vọng chinh phục thị trường xe phân khối lớn của Euro Auto tại thị trường Việt Nam. Việc xuất hiện những chiếc xe mang thương hiệu BMW sẽ không còn xa.
Benelli với những sản phẩm hầm hố
Các doanh nghiệp FDI và nhà sản xuất xe máy trong nước cũng mạnh tay đầu tư cho chiến lược phân phối xe phân khối lớn. Sự thất bại của Suzuki trong việc đón đầu thị trường xe phân khối lớn không khiến cho Yamaha chùn tay. Trong 10 mẫu xe chiến lược năm 2014 tại thị trường Việt Nam của ông lớn đến từ xứ sở hoa anh đào chắc chắn sẽ có những cái tên như Yamaha MT09, Yamaha R25, Yamaha Bolt...
Thậm chí, không chỉ khai trương một vài showroom nho nhỏ, nhiều thương hiệu xe phân khối lớn còn có ý định chinh phục thị trường khó tính nhất châu Á và các thị trường lân cận bằng việc đầu tư nhà máy sản xuất. Benelli công bố chuyển giao OEM cho Rebel USA Motor Corp sau khi thương hiệu xe Việt này “hợp hôn” cùng Hyosung. KTM không giấu tham vọng trước năm 2018 sẽ có nhà máy CKD. Tan Chong sau việc đầu tư nhà máy sản xuất Nissan Sunny ở Đà Nẵng thì việc xuất hiện nhà máy lắp ráp các sản phẩm của Kawasaki như ở Malaysia là điều không quá khó để thành hiện thực...
Khởi sắc: Đích đến còn xa...
Theo sự đánh giá của các chuyên gia kinh tế lẫn giới chuyên môn, việc tháo nút thắt A2 sẽ nhanh chóng khiến thị trường xe phân khối lớn tại Việt Nam sẽ tăng trưởng một cách chóng mặt. Bởi lâu nay, các hội nhóm chơi xe chưa phát triển mạnh, chưa mua xe nhiều khi mà người chơi khó có cơ hội sở hữu bằng lái một cách hợp pháp.
Tuy nhiên, việc cởi trói bằng lái A2 không phải là liều thuốc kích thích đủ mạnh để làm sức mua tăng vọt. Trởi ngại lớn nhất khiến người tiêu dùng Việt Nam “chùn tay” sở hữu xe phân khối lớn là giá xe vẫn còn quá cao. Với số lượng tiêu thụ trung bình khoảng trên dưới 2.000 chiếc/năm, còn khá lâu thị trường trong nước mới đạt ngưỡng 2 triệu chiếc/năm như thị trường Thái Lan.
Ducati Monster 795 dù được ưu đãi thuế theo form D nhưng vẫn có giá ngang xế hộp
Hiện tại, thuế nhập khẩu xe phân khối lớn thường chiếm khoảng 75% giá trị xe. Ngoài loại thuế này, xe phân khối lớn còn chịu thêm 20% thuế tiêu thụ đặc biệt và 10% thuế VAT. Đó là chưa kể các mẫu xe còn chịu thêm phí vận chuyển, phí lưu kho, phí đăng kiểm... Tính trung bình một chiếc xe được nhập về thị trường Việt Nam có giá cao gấp 2, 3 lần so với giá xe ở thị trường thế giới. Một chiếc xe Ducati Monster 795 dù được hưởng ưu đãi thuế quan theo form D vẫn ở mức ngang bằng với một chiếc xế hộp Chevrolet Spark. Mà việc sở hữu một chiếc xe ô tô vẫn là ước mơ với nhiều người.
Theo ông Đặng Văn Trí, giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng chuyên doanh xe phân khối lớn Motorrock, lượng xe bán ra của chuỗi hệ thống này khoảng từ 100-120 chiếc/tháng. Phần lớn xe bán ra là xe có mức giá dưới 100 triệu đồng.
Thị trường xe phân khối lớn tại Việt Nam chưa thật sự được cởi trói
“Muốn thị trường xe phân khối lớn Việt Nam phát triển vượt bậc và tăng vọt thì việc cởi trói bằng A2 chỉ mới là tiền đề. Nó còn phụ thuộc rất nhiều về chính sách thuế, thủ tục đăng kiểm. Bằng A2 như một cơn gió nhẹ...”, ông Trí chia sẻ.
Thực tế cũng cho thấy, theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, lượng xe nhập về trong 2 tháng qua không những không tăng mà còn có dấu hiệu sụt giảm. Điều đó chứng tỏ, giới phân phối xe “nhạy cảm” cảm nhận thị trường không mấy khả quan. Một chi tiết khác là các “ông lớn” trong ngành phân khối xe phân khối lớn lần lượt có chiến lược thu gọn quy mô showroom hoặc “đột tử” trong thời gian qua. Thương hiệu phân phối xe xe phân khối lớn đình đám một thời ở TP.HCM là S. đã biến mất sau khi Thành Công Motor bị khai tử.
Theo Thảo Nguyên (Một Thế Giới)
Ý kiến đánh giá