Chủ Nhật, 19/01/2025 | 01:21
06:10 |
Zil 157 – Chiếc xe "anh hùng" trên đường Trường Sơn
“Không có đường? Không thành vấn đề!”, Zil 157 đã vượt hàng vạn cây số từ đất nước của Lê-Nin vĩ đại đến rừng xanh, núi thẳm biên giới Việt Lào góp phần tạo nên đại thắng mùa xuân 1975 bằng khẩu hiệu như thế. Có lẽ từ sau khi ra đời, những chiến công lớn nhất được ghi cho chiếc xe kỳ diệu này lại là trong chiến tranh Việt Nam.
Là người Việt Nam, hơn ai hết, chúng ta hiểu cái giá của chiến thắng năm 1975. Cũng hơn ai hết, chúng ta hiểu công tích của những chiến sỹ hậu cần, ngày đêm lo gạo, đạn cho những người cầm súng trên chiến trường. Và chúng ta cũng sẽ không quên những người bạn đã gửi những chiếc xe quý báu đến để chúng thay thế những chiếc xe đạp thồ lịch sử của Điện Biên Phủ.
Zil 157 của Liên Xô tạo nên kì tích trong chiến tranh vệ quốc của Việt Nam
Đọc tiểu thuyết “Mở rừng” của nhà văn Lê Lựu mới thấy những người lính lái xe vất vả như thế nào để chi viện cho tiền tuyến. Một đêm trên một cung đường có thể bị đốt mất vài chục đến cả trăm xe tải như chơi. Và cũng từ đó suy ra, số lượng ôtô của chúng ta được Liên Xô, Trung Quốc cung cấp cũng rất nhiều.
Hồi đầu là những chiếc Zil (Din), Gát (Gaz), Hồng Hà (Honghe), Giải Phóng (Jiefang) một cầu. Nhưng do đường bị đánh hỏng nhiều, sự xuất hiện của chiếc Zil 157 hay còn gọi là Din 3 cầu gần như là một sự kiện, một mốc son. Chiếc xe nhanh chóng trở thành người anh hùng trên đường Trường Sơn.
"Người anh hùng" trên đường Trường Sơn
Được sản xuất tại nhà máy ôtô mang tên Likhachốp, chiếc Zil-157 là giải pháp sản xuất ra một chiếc xe thay thế cho chiếc Studebaker US6 - chiếc xe vận tải chủ lực trong quân đội Xô-viết lúc đó.
Mãi đến năm 1957, dự án mới thành hiện thực với chiếc Zil ba cầu đầu tiên. Một đỉnh cao của công nghệ Xô-viết. Chiếc xe tải off-road 6x6 với ba cầu chủ động, vi-sai đồng bộ một cách tuyệt vời giữa các đầu trục. Hơn thế nữa, một số phiên bản của nó còn được trang bị thiết bị tự bơm lốp xe ngay trong khi chạy (mà sau này khả năng này được phát triển trên chiếc Zil-131).
Chiếc xe tải off-road 6x6 với ba cầu chủ động
Ngay sau khi ra đời, chiếc Zil 157 đã đạt được “Giải thưởng lớn” (Grand Prix) tại triển lãm ôtô quốc tế Bruxen (Bỉ) năm 1958. Lúc đầu, người ta cho rằng đây là một bản copy của chiếc Studebaker US6, nhưng trên thực tế thì không hẳn như thế.
Chiếc Zil 157 được thiết kế chủ yếu là để trở thành xe tải chiến lược dùng cho quân đội Xô-viết, nhưng nó còn được dùng để lắp lên đó giàn cachiusa (mà trước đó dàn BM-13-16 - phiên bản rốckét chỉ có 16 quả 1 dàn, quả đạn dài nhất và bắn được xa nhất) được lắp lên Studebaker US6). Cho đến trước năm 1942, giàn cachiusa thường được lắp trên xe Zis 5 dẫn động cầu sau, cho đến khi xuất hiện những chiếc Studebaker US6 xu hướng này mới bị bãi bỏ.
Đèn, cabin - những chi tiết "duyên dáng" trên chiếc xe quân sự việt dã
Những chiếc Studebaker US6 đã thực sự gây sốc cho những nhà chế tạo ôtô Xô-viết. Hệ thống lái thủy lực, dẫn động tất cả 6 bánh xe trên 6 đầu trục (6x6)… những trang bị mà lúc đó, xe ô tô Nga có nằm mơ cũng không thấy. Chiếc Zis 5 chỉ được trang bị phanh ở trục sau trong khi xe Mỹ phanh được trang bị và đồng bộ tuyệt vời trên tất cả các bánh xe.
Zil 157 là những sản phẩm đầu tiên của nhà máy Likhachốp
Trong điều kiện chiến tranh, không thể chế tạo đại trà một chiếc xe như vậy được: nó đòi hỏi thay đổi quá nhiều thứ. Họ chỉ có thể sản xuất ra một thứ hoàn toàn giống, đúng là một bản copy chỉ khác đôi chút về hình dáng của cabin vào sau chiến tranh. Đó là những chiếc Zis 151. Sau khi Xta-lin chết, người ta đổi tên “Nhà máy ôtô Xta-lin” thành “Nhà máy ôtô Likhachốp” – đơn giản những chiếc ôtô sẽ đổi tên từ Zis sang Zil. Những chiếc Zil 157 là những sản phẩm đầu tiên của nhà máy sau khi đổi tên.
Nhưng nó không phải là một bản copy, mà là một phiên bản cải tiến của chiếc Zis 151. Đầu tiên nó đập vào mắt mọi người ở thiết kế cải tiến để đảm bảo tính cơ động: những chiếc bánh xe. Chúng được thiết kế bánh xe đơn với lốp địa hình kiểu “cành thông”, bề mặt lốp rộng hơn, tròn hơn. Chính vì chỉ lắp lốp đơn nên chiếc xe mới có trục xe rộng hơn chiếc Zis 151. Hơn thế nữa, những người thiết kế ra nó đã đạt tới một trình độ cao khi trang bị cho chiếc xe thiết bị tạo cho nó khả năng tự động thay đổi áp suất bánh xe theo địa hình – trang bị của những chiếc xe off-road hiện đại nhất bây giờ.
Lốp địa hình kiểu “cành thông”
Kiểu xe mới được sản xuất tại nhà máy từ năm 1958 đến năm 1961. Từ năm đó đến năm 1964, nhà máy sản xuất môđen cải tiến Zil 157K và kiểu sau cùng là Zil 157KD được sản xuất từ 1976 đến 1982. Tất của những mẫu đó là những kiểu xuất khẩu, vì trong quân đội Xô-viết sau đó người ta thay dần chúng bằng kiểu xe to hơn, công suất lớn hơn Zil 131, mà đến nay quân đội Nga vẫn còn dùng.
Chiếc Zil 157 có thiết kế cơ sở là xe tải có trọng tải 3 tấn, nhưng là xe việt dã vượt mọi địa hình. Trên đường tốt, nó có thể kéo rơmoóc đưa khả năng chuyên chở lên tới 7 tấn rưỡi, nhưng thực ra những chi tiết của xe không được thiết kế để chuyên chở nặng đến như thế. Quan điểm của các nhà thiết kế quân sự Xô-viết không phải là tải trọng - họ làm xe tải hạng nặng không khó. Quan trọng là phải mang được hàng đến đích bất chấp khó khăn của điều kiện chiến tranh.
Chính quan điểm đó đã làm cho chiếc xe có những ưu điểm tuyệt vời mà sau này nó đã thể hiện trên đường Trường Sơn. Hai bên thành xe có thể lắp ghế băng, chiếc xe có thể chở được từ 12 đến 16 lính đầy đủ trang thiết bị (ở điều kiện Việt Nam thì nó được chuyên chở nhiều hơn). Một đặc điểm nữa không thể quên kể đến, đó là ở đầu xe có trang bị một bộ tời dẫn động thẳng từ động cơ (không phải tời chạy điện như ở xe địa hình 2 cầu dạng Jeep sau này).
Chiếc Zil 157 có thiết kế cơ sở là xe tải có trọng tải 3 tấn, nhưng là xe việt dã vượt mọi địa hình
Chiếc xe còn có nhiều phiên bản khác, ví dụ như những phiên bản được thiết kế để chở nặng hoặc đầu kéo sơmi-rơmoóc.
Những năm 50 của thế kỷ trước, Liên Xô giúp đỡ Trung Quốc xây dựng ngành công nghiệp ôtô. Tại “Công trường ôtô đầu tiên” (FAW) người ta đã sản xuất ra phiên bản “Chinese Zil 157”, đó là chiếc “Giải phóng CA 30”. Cả hai nước anh em đều đã chuyển cho Việt Nam những chiếc xe của cả hai loại đó. Vì là bản copy dập khuôn nên hoàn toàn có thể dùng lẫn phụ tùng, cũng dễ dàng cho những người lính thợ Việt Nam.
Giá đỡ bằng tre, nứa "Made in VietNam"
Trong những ngày cả nước đang tưng bừng kỉ niệm ngày giải phóng đất nước, nếu bạn bớt chút thời gian đến với Bảo tàng Hậu cần Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Hà Nội, bạn sẽ được thấy hai chiếc Zil 157 đang được trưng bày tại đây như những chứng tích đầy sống động.
Trong quá trình chuyên chở, các chiến sỹ của Quân đội Việt Nam đã sáng tạo làm thêm giá đỡ bằng tre, nứa nhằm ngụy trang tránh bom, đạn của kẻ thù. Trải qua hàng vạn km trèo đèo, lội suối, qua ngầm dưới mưa bom, bão đạn, những chiếc xe Zil 157 vẫn tồn tại ở đó như chứng minh, đây là những “người hùng việt dã” trong chiến tranh Việt Nam.
Thế Đạt (TTTĐ)
Ảnh minh họa: Lê Thắng
Nguồn: Phuongnn/Diendannuocnga
Ý kiến đánh giá